Trang

【Gulliver du ký】 ● CHƯƠNG 5

Nước Blefuscu là một hòn đảo ở phía đông bắc nước Lilliput. Hai nước cách nhau bằng một eo biển rộng bốn trăm fathom. Tôi chưa thấy nước ấy. Bây giờ, được biết ý định xâm lăng của Blefuscu, tôi tránh đi về phía đó, sợ bị một chiếc tàu địch phát hiện ra, bởi quân địch chưa hề biết tôi đang ở đây. Tất cả mọi việc giao thiệp giữa hai nước đều bị cấm, ai vi phạm sẽ bị tử hình. Nhà vua không cho phép bất cứ tàu nào dời bến. Tôi tâu với hoàng thượng kế hoạch của tôi định bắt sống toàn bộ đội thủy binh của quân địch. Theo tin tình báo, đoàn tàu địch còn cắm neo ở cảng, đợi gió sẽ căng buồm.
Tôi hỏi các thủy thủ kinh nghiệm nhất về chiều sâu của biển mà họ thường đo. Tôi được biết lúc thủy triều lên, nơi giữa eo biển sâu tới bảy mươi glumgluff, tức là bằng sáu foot những chỗ khác sâu nhất không quá năm mươi glumgluff. Thế là tôi đi ra phía đông bắc, nơi bờ biển đối diện với nước Blefuscu. Tôi nấp sau một quả đồi, lấy ống nhòm ra quan sát đoàn tàu chiến địch đang cắm neo. Tôi thấy độ năm mươi chiến hạm lớn và rất nhiều tàu vận chuyển. Tôi trở về nhà và ra lệnh (tôi được phép ra mệnh lệnh) làm thật nhiều dây cáp thật chắc và đúc những thanh sắt. Mỗi dây cáp to bằng sợi dây gai và mỗi thanh sắt bằng chiếc kim đan. Tôi quấn ba dây cáp làm một cho chắc và chập từng ba thanh sắt lại, bẻ đầu cong thành cái móc. Sau khi buộc năm mươi dây cáp vào từng ấy móc, tôi quay trở ra bờ biển phía đông bắc. Tôi cởi áo và tháo giày, bỏ bít tất ra, chỉ mặc cái quần đùi bằng da, rồi lội xuống biển trước lúc thủy triều lên độ nửa giờ. Tôi đi hết sức nhanh dưới biển. Đến giữa biển, tôi bơi độ mười lăm fathom thì chân đặt được tới đất. Đi chưa đến nửa giờ tôi đến nơi đoàn tàu đỗ. Quân địch chợt trông thấy tôi, phát khiếp lên, nhảy ào xuống biển, bơi vội vào bờ. Trên bờ có tới ba vạn người. Tôi lấy dây cáp móc vào từng tàu chiến một, rồi buộc tất cả đầu dây vào nhau. Trong khi ấy, quân dịch nhằm tôi bắn hàng mấy nghìn mũi tên, nhiều mũi trúng tay, trúng mặt tôi, làm tôi đau quá, đâm lúng túng. Tôi sợ nhất cho hai con mắt nếu tôi không chợt nhớ tới cặp kính để trong túi áo gi-lê không bị khám xét trước kia thì chắc chắn tôi đã bị bắn mù mắt. Tôi kẹp rõ chắc cặp kính vào mũi, được vũ trang như vậy, tôi gan góc tiếp tục công việc, mặc cho quân địch bắn, nhiều mũi tên đập tanh tách vào kính của tôi nhưng không hề gì. Buộc xong nắm dây cáp, tôi cầm cái nút ra sức kéo. Nhưng không một chiếc tàu nào chuyển động, vì neo cắm rất sâu dưới đáy biển. Thành thử tôi còn phải làm một phần việc nguy hiểm nhất. Tôi buông dây cáp ra, móc vẫn để nguyên ở mũi tàu, tôi lấy dao cắt dây neo, có đến hai trăm mũi tên cắm vào tay, vào mặt tôi. Tôi lại cầm lấy đầu nút dây cáp buộc vào các móc và dễ dàng kéo đi năm chục chiếc tàu địch.
Những người Blefuscu thoạt tiên chưa hiểu tôi định làm gì, họ hết sức hãi hùng. Thấy tôi cắt dây neo, họ tưởng tôi sẽ để mặc những con tàu trôi lênh đênh trên mặt biển hoặc va vào nhau cho vỡ. Nhưng khi thấy tôi dẫn đoàn tàu ra đi một cách có trật tự, họ thét lên những tiếng thất vọng và bất lực. không bút nào tả xiết, không sao tưởng tượng nổi. Khi tôi thoát được ra ngoài vòng nguy hiểm, tôi dừng lại một lát để rút những mũi tên cắm vào tay và mặt rồi lấy dầu xoa - dầu nhà vua cho khi tôi mới đến Lilliput, như bạn đọc đã biết. Tôi tháo kính ra, đợi khoảng một tiếng đồng hồ cho nước thủy triều xuống, thế rồi tôi bơi qua eo biển với tất cả đoàn chiếm hạm. Tôi đến được bến cảng của vua Lilliput mà không sao cả.
Nhà vua và tất cả triều đình đứng trên bờ biển chờ đợi chiến công của tôi. Họ thấy đoàn tàu chiến tiến lên theo hình vòng cung nhưng không thấy tôi, vì tôi lội nước đến ngực, khi đoàn tàu đến giữa eo biển, họ vẫn còn khiếp sợ, vì chỉ có đầu tôi là nhô lên khỏi mặt nước. Vua kết luận tôi đã chết đuối, và đội thủy quân địch đang tiến vào đánh hải cảng. Nhưng rồi ngài bớt lo sợ, mỗi lúc nước một nông hơn, tôi đi nhanh hơn, và người trên bờ đã có thể nghe tiếng tôi kêu. Tôi giơ túm dây cáp buộc cả đoàn tàu chiến lên cao, hét to: "Hoàng đế vô cùng dũng mãnh Lilliput muôn năm!". Vua nghênh tiếp tôi và hết lời khen ngợi. Ngay tức khắc ngài phong cho tôi tước Nardac, tước danh dự cao quý nhất của đất nước này.
Vua đề nghị tôi làm thế nào để mang về cho ngài tất cả đoàn tàu địch còn lại. Tham vọng của các ông vua thật vô hạn như thế đấy. Vua Lilliput chỉ nghĩ đến một điều là chiếm được nước Blefuscu làm một tỉnh của nước mình, do một phó vương cai trị. Ngài muốn diệt tất cả những người theo "Chủ nghĩa Đầu trứng to" trốn sang nước láng giềng và bắt mọi người phải đập đầu trứng nhỏ, để một mình ngài trị vì cả trái đất. Nhưng tôi quyết tâm thuyết phục ngài bỏ nhưng ý định ấy bằng nhiều lý lẽ dựa trên cơ sở chính trị và lẽ công bằng, tôi kiên quyết từ chối không chịu đứng ra làm công cụ để bắt một dân tộc dũng cảm và tự do phải cúi đầu làm nô lệ. Việc này gây nên một cuộc bàn cãi trong Hội đồng một số đông những người khôn ngoan nhất đã tán thành ý kiến của tôi.
Lời tuyên bố thẳng thắn và cương quyết của tôi đi ngược lại đường lối và mưu toan của nhà vua, cho nên không bao giờ vua có thể tha thứ cho tôi được. Ngài tìm cách nói rất khéo léo ở Hội đồng hình như những người khôn ngoan nhất ở Hội đồng, bằng sự im lặng của mình tỏ ý tán thành ý kiến của tôi. Nhưng những người khác, là kẻ thù của tôi, chẳng thể không nói thêm vài lời xúc xiểm. Từ ngày ấy, giữa nhà vua, một số tổng trưởng có âm mưu chống lại tôi một cách độc ác đã âm ỉ trong ngót hai tháng, suýt nữa thì tôi toi mạng. Thế mới hay rằng, những việc phục vụ nhà vua dù là to lớn nhất cũng chẳng có giá trị gì lắm, nếu người ta không chịu mù quáng chiều theo dục vọng của ngài.
Khoảng ba tuần lễ sau chiến công của tôi, nước Blefuscu cử một đoàn đại biểu long trọng sang cầu hòa. Việc hòa nghị được giải quyết nhanh chóng, với những điều kiện rất có lợi cho vua Lilliput. Tôi sẽ chẳng kể dài dòng việc này, có sáu vị đại diện và một đoàn tùy tùng khoảng năm trăm người. Các ngài tiến vào, rất lộng lẫy, xứng đáng với đức vua vĩ đại của họ và với nhiệm vụ nặng nề mà họ đảm nhiệm. Với tư cách là người được đức vua tín nhiệm, hay ít ra là ra vẻ được tín nhiệm, tôi nhiều lần đã can thiệp, bênh vực các vị đại diện nước Blefuscu. Được ai đó cho biết tôi là một người có lòng rộng lượng, thân thiện và giúp đỡ họ nhiều, nên các vị đại diện đến thăm hỏi tôi rất long trọng. Trước hết, các ngài khen ngợi tôi dũng cảm và bao dung. Nhân danh đức vua, họ mời tôi sang nước họ. Các ngài đề nghị tôi biểu diễn một vài cử chỉ chứng tỏ sức mạnh kỳ diệu của tôi mà các ngài đã được nghe tán dương. Tôi làm ngay, nhưng chẳng kể chi tiết với bạn đọc. Sau khi làm trò vui cho các ngài, tôi đề nghị các ngài cho tôi vinh dự được dâng lên đức vua Blefuscu, mà đức độ lừng lẫy được cả vũ trụ khâm phục, những lời chào mừng trân trọng. Các ngài lấy làm ngạc nhiên và hài lòng lắm. Tôi còn nói, tôi quyết định trước khi trở về nước tôi, thế nào cũng sang chầu hoàng thượng. Bởi vậy, khi tôi được vinh dự gặp vua Lilliput, tôi xin phép ngay được sang dâng lên đức vua Blefuscu những lời chào mừng. Ngài cho phép nhưng có vẻ lạnh lùng, tôi có thể nhận thấy được, nhưng không hiểu nguyên nhân vì sao. Sau, một người cho biết Flimnap và Bolgolam nói rằng cuộc gặp gỡ giữa tôi và các vị đại diện nước Blefuscu là dấu hiệu của lòng bất kính. Sự thật trong thâm tâm, tôi đâu có như vậy. Từ ngày ấy, tôi bắt đầu lờ mờ nhận thấy triều đình, nhà vua và các ngài tổng trưởng có thể tồi tệ như thế nào...
Các vị đại diện và tôi nói chuyện với nhau qua người thông ngôn, bởi vì tiếng nói của hai nước rất khác nhau, tựa như tiếng nói hai nước ở châu Âu vậy. Mỗi nước đều tự hào về truyền thống lâu đời về cái hay, cái đẹp của tiếng nước mình, và khinh rẻ tiếng nước láng giềng. Song, vua của chúng tôi, cậy đã bắt được đội thủy chiến, bắt buộc các vị đại diện trình quốc thư và đọc diễn văn bằng tiếng Lilliput. Trên thực tế, do hai nước có quan hệ thương mại, luôn luôn trao đổi những người lưu vong sang nước khác, và tầng lớp quý tộc, đại tư sản thường gửi con cái sang nước láng giềng để rèn luyện, mở rộng tầm mắt nên chẳng có mấy người ở tầng lớp trên, thương gia hoặc thủy thủ thuộc miền duyên hải không biết hai thứ tiếng. Điều này, tôi được biết sau mấy tuần lễ, khi tôi sang chào mừng vua nước Blefuscu, giữa những nỗi khốn khổ mà kẻ thù độc ác gây cho tôi. Đó là một câu chuyện vui sướng, sau này tôi sẽ kể với bạn đọc.
Bạn đọc chắc còn nhớ mấy điều khoản về việc giải phóng tôi, làm cho tôi không hài lòng vì tính chất nô dịch của nó. Nếu khòng vì hoàn cảnh bó buộc, không một sức mạnh nào có thể khuất phục được tôi. Nhưng bây giờ, tôi là một Nardac, tước vị cao nhất triều đình, những điều kiện nô dịch ấy được coi là không phù hợp với tước vị của tôi - và nói cho công bằng, nhà vua không bao giờ nói tới. Ít lâu sau, tôi có dịp giúp được vua một việc đáng kể, ít ra lúc ấy tôi nghĩ như vậy. Nửa đêm hôm ấy, trước cửa nhà tôi, có hàng trăm người kêu cứu khẩn cấp. Bất thình lình bị đánh thức và hốt hoảng, tôi nghe thấy nhắc đi nhắc lại liên hồi tiếng: burglum. Nhiều vị triều thần đang rẽ đám đông, vào xin tôi đến ngay cung điện nhà vua đang bốc cháy vì sự bất cẩn của một nữ tỳ ngủ quên khi đọc một quyển truyện tình. Chỉ một nháy mắt, tôi đứng dậy, lệnh ban ra bảo dân chúng nhường lối cho tôi đi. Lúc ấy sáng trăng, nên tôi không giẫm phải ai. Tôi thấy nhiều thang đã được bắc lên tường, xô đựng nước đã sẵn sàng, nhưng nước ở xa đấy. Xô không to hơn cái đê khâu, những người khốn khổ hết sức nhanh tay đưa xô cho tôi, nhưng ngọn lửa bốc to quá nên không có hiệu quả gì. Tôi có thể dùng áo khoác của tôi để dập tắt đám cháy, nhưng thật không may, trong lúc vội vàng, tôi đã quên ở nhà, chỉ mặc độc cái quần đùi. Tình thế đã có vẻ thất vọng, và cung điện sẽ biến thành đống tro, nếu lúc ấy tôi không nghĩ ra một kế do sự mau trí - việc này cũng ít khi xảy đến với tôi.
Tối hôm trước, tôi uống no nê một thứ rượu vang ngon gọi là glimigrim, (người Blefuscu gọi là flunec) rất lợi tiểu. Thật là may mắn, từ tối tôi chưa đi tiểu. Sức nóng của ngọn lửa, lại thêm gắng sức mãi để dập tắt đám cháy, làm cho rượu chóng trở thành nước tiểu. Thế là tôi phun một tia nước tồ tồ vào những nơi cần phun. Chỉ ba phút lửa hoàn toàn bị dập tắt. Những dinh thự còn lại, công lao của bao năm xây dựng đã được cứu thoát.
Lúc này, trời đã sáng, tôi trở về nhà, không kịp gặp nhà vua. Sự thật, tôi đã giúp vua được một việc to lớn. Nhưng tôi khó hình dung được là nhà vua lại không chấp nhận cách tôi cứu hỏa như thế. Bởi vì luật lệ nghiêm khắc của nước này cấm tất cả mọi người, mặc dù giữ chức vị gì, đi tiểu chung quanh cung điện, ai vi phạm sẽ bị xử tử. Nhưng tôi hơi yên tâm, vì vua cho tôi biết ngài sẽ ra lệnh cho viên quan tư pháp ân xá cho tôi. Nhưng, lệnh này không được thực hiện. Có người bí mật cho tôi biết, hoàng hậu rất ghê sợ về việc tôi đã làm, đã rút lui về nơi xa nhất trong cung đình và quyết định không bao giờ cho sửa chữa cung hoàng hậu nữa. Trước mặt những người thân cận nhất, hoàng hậu không giấu giếm ý định trả thù của mình.