Trang

【Gulliver du ký】 ● PHẦN II ● CUỘC DU LỊCH ĐẾN XỨ BROBDINGNAG - CHƯƠNG 1

Do bản chất tôi và do số mệnh đày ải vào cuộc đời hoạt động, sóng gió, nên hai tháng sau, tôi lại dời Tổ quốc. Ngày 20 tháng sáu năm 1702, tôi đến Downs[1], trên con tàu Phiêu Lưu, để đi Surat. Thuyền trưởng là John Nicholas, người vùng Cornwall. Gió thuận chiều đưa chúng tôi đến mũi Hảo Vọng, chúng tôi cho tàu cập bến để lấy nước ngọt. Nhưng gặp một con nước, chúng tôi phải bốc hàng lên bến và ở trên tàu suốt mùa đông ấy, bởi vì thuyền trưởng bị sốt nặng và chúng tôi phải đến cuối tháng ba mới nhổ neo được. Thế rồi buồm lại giương lên và cuộc hành trình được êm ả đến eo biển Madagascar. Nhưng khi chúng tôi đến phía tây bắc đảo này, khoảng năm độ vĩ tuyến nam, những cơn gió trong vùng biển này vốn vẫn thổi theo hướng tây bắc từ đầu tháng chạp đến đầu tháng năm, nhưng ngày 19 tháng tư bỗng nổi lên dữ dội, theo hướng tây, và cứ như vậy trong hai mươi ngày liền. Trong thời gian đó, chúng tôi bị gió đẩy đi hơi xiên về phía đông đảo Molucca. Theo sự tính toán của thuyền trưởng, ngày 2 tháng năm chúng tôi ở vào ba độ vĩ tuyến bắc. Bỗng nhiên, gió ngừng thổi, trời yên biển lặng, tôi nhẹ nhõm cả người. Nhưng thuyền trưởng, vốn là người từng trải trên vùng biển này, ra lệnh cho chúng tôi chuẩn bị chống bão. Quả nhiên, điều đó đã xảy ra, bão nổi lên, những cơn gió nồm - gọi là gió mùa - bắt đầu thổi.
Để đề phòng gió thổi mạnh, chúng tôi xiết chặt lá buồm vuông và sẵn sàng ghì chặt lá buồm lớn ở mũi tàu. Những trận gió nổi lên ngày càng mạnh, các khẩu đại bác vững vàng, chúng tôi xiết chặt hơn nữa lá buồm lái vào đó. Chúng tôi đang ở xa bờ biển, có lẽ nên mở tốc độ vượt trước cơn gió hơn là lẩn tránh biển động và thu những cánh buồm lại. Chúng tôi lấy nẹp buồm, nẹp cánh buồm mũi tàu, buộc chặt dây lèo cột hai góc buồm dưới, mặc cho con tàu phóng theo chiều gió lộng. Tàu lướt đi rất dũng cảm. Nhưng gió lớn quá nên lá buồm tam giác ở mũi tàu bị xé rách ngay tức khắc chúng tôi hạ cột buồm, kéo tất cả các cánh buồm xuống, cắt tất cả mọi dây lèo. Một trận bão khủng khiếp. Biển lồng lên, lạ lùng và hung bạo. Chúng tôi kéo mạnh tay lái và giúp thủy thủ cầm bánh lái. Chúng tôi không muốn chặt cột buồm chính, bởi vì cột buồm này sẽ giúp con tàu đi theo sóng biển và đứng vững, như vậy con tàu cứ thế trôi đi. Khi cơn bão đã dịu, chúng tôi cuốn tất cả những lá buồm cho tàu đứng lại. Cánh buồm mũi, cánh buồm lớn, cánh buồm lái và cánh buồm vuông được hạ xuống hết. Vì tàu chúng tôi đang đi theo hướng đông - đông bắc, mà gió thổi lại từ hướng nam sang hướng tây.
Sau trận bão, một trận gió mạnh thổi từ hướng tây sang hướng tây nam, theo tôi dự tính thuyền chúng tôi bị kéo khoảng chừng năm trăm dặm về phía đông, thành thử những thủy thủ nhiều tuổi và có kinh nghiệm nhất trên tàu cũng không biết được hiện nay bọn tôi đang ở vùng nào trên thế giới. Tuy nhiên trên tàu không thiếu lương thực, tàu còn vững chắc, thủy thủ khỏe mạnh, chỉ phải cái là thiếu nước ngọt. Chúng tôi nghĩ cứ nên tiến theo hướng đó còn hơn là đi về hướng bắc, vì như vậy có thể sẽ đến vùng tây bắc đảo Great Tartary và Băng Hải.
Ngày 16 tháng sáu 1703, một thủy thủ leo lên cột buồm báo tin phía trước có một dải đất. Ngày 17, chúng tôi nhìn rõ hơn, đó là một hòn đảo lớn hay một lục địa nào đấy và ở phía nam có một dải đất hẹp chạy ra ngoài biển, song nông quá, một chiếc tàu trên một trăm ton không vào được. Chúng tôi thả neo cách cái vịnh nhỏ này một dặm, thuyền trưởng cho mười hai thủy thủ võ trang đầy đủ xuống để đi lấy nước ngọt. Tôi xin được đi cùng với họ để tìm hiểu xứ sở này và để xem có gì lạ không. Đến đất liền, chẳng thấy sông, suối, cũng chẳng thấy dấu vết người. Mọi người đi tìm nước ngọt không xa bờ lắm, còn tôi thơ thẩn đi một mình vào phía trong độ một dặm, ở đó toàn là đất trọc và đá lởm chởm. Tôi thấy mệt và chẳng có gì hấp dẫn nên liền quay trở ra bờ biển. Lúc nhìn thấy biển cũng là lúc tôi thấy đoàn thủy thủ đã ở trong xuồng chèo hết sức vội vàng ra phía con tàu như để thoát chết. Tôi định cất tiếng gọi - tuy biết là chẳng ích lợi gì - thì bỗng thấy một người khổng lồ đang đuổi theo họ ra biển. Người ấy bước dài ghê gớm, nước lội đến quá đầu gối. Nhưng đoàn thủy thủ chạy trước con quỷ ấy chừng nửa dặm, đáy biển lởm chởm những đá nhọn, nên người ấy đành quay trở lại. Sau này tôi mới rõ câu chuyện, bởi vì lúc đó tôi đâu dám nhìn cảnh tượng ghê gớm ấy, tôi lấy hết sức bình sinh co cẳng chạy, rồi leo lên một quả đồi dốc để có thể nhìn bao quát cả vùng này. Tôi thấy đất đai trồng trọt ở đây rất tốt, song trước hết tôi rất ngạc nhiên thấy cỏ ở đây cao lạ lùng, hình như trồng để làm nệm, nó cao tới hai mươi foot.
Tôi đến một con đường mà tôi cho là to lắm nhưng sự thật người dân ở đây chỉ cho là một lối hẻm chạy qua ruộng lúa mạch. Tôi lần bước theo con đường nhưng chẳng nom rõ cái gì, bên phải cũng không, bên trái cũng không, bởi vì những bông lúa cao tới chín mươi foot che khuất tất cả. Phải mất một tiếng đồng hồ tôi mới đến được đầu ruộng lúa, ở đó có một hàng rào cao tới một trăm hai mươi foot bao quanh, các cây làm hàng rào thì cao vời vợi không thể ước là bao nhiêu foot nữa. Muốn đi từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác người ta phải qua một cái cửa có bốn bậc, trên cùng là một phiến cao đá to tướng. Tôi không thể nào vượt qua cái cửa ấy được, bởi vì mỗi bậc cao không kém sáu foot và phiến đá cao tới hai mươi foot. Lúc tôi thấy một thổ dân từ cánh đồng bên cạnh sắp sửa bước qua cái cửa, tôi vội tìm một cái lỗ trong hàng rào để nấp. Ông ta cũng to bằng người tôi đã trông thấy ở ngoài bờ biển đuổi theo cái xuồng. Ông ta cao như cái gác chuông, mỗi bước chân dài tới năm fathom. Tôi vừa kinh ngạc vừa khiếp đảm, vội lần chạy vào ruộng lúa mạch, từ đấy tôi nhìn ra thấy ông ta trèo lên bậc cửa, nhìn sang bên phải rồi gọi một tiếng, tiếng gọi oang oang, to hơn tiếng loa, âm nó vang lên tận trời, khiến tôi tưởng như tiếng sét đánh. Tức thì bảy người kỳ dị như ông ta tiến lại gần, tay cầm cái liềm to bằng sáu lưỡi hái lớn. Những người này ăn mặc không được lành lặn và sang trọng bằng người trước, hình như họ là những người đầy tớ hoặc kẻ ăn người làm trong trang trại. Ông ta nói mấy tiếng và những người kia vào cánh đồng lúa mạch tôi đang nấp để cắt lúa. Tôi cố hết sức chạy cho thật xa nhưng thật là khó khăn, bởi vì những thân lúa cách xa nhau chưa đến một foot, cho nên tôi khó lòng lẩn trốn được. Song, tôi cứ luồn đi, đến lúc tới khoảng ruộng lúa bị mưa và gió dập ngã. Đến đây thì không thể lách lên nổi một bước. Thân lúa mắc vào nhau rối tung, tôi không sao bò trườn được, lông những bông lúa gãy cứng và sắc, đâm thủng quần áo, chọc vào da thịt tôi. Lúc ấy, tiếng gặt lúa chỉ còn ở phía sau tôi chưa đến năm mươi fathom. Gắng hết sức mà vẫn không được, tôi rầu rĩ cả ruột và thất vọng, tôi nằm xuống cái rãnh giữa hai luống cày, mong sao được chết ngay lúc này. Tôi khóc và nghĩ đến người vợ góa thui thủi một mình và những đứa con mồ côi cha. Tôi tự oán trách thói điên rồ của tôi, tính bướng bỉnh của tôi, cứ khăng khăng đòi đi chuyến du lịch thứ hai này mà bất chấp bạn bè, họ hàng đều phản đối. Trong lúc tâm trí hoang mang dữ dội như thế, tôi chẳng thể không nghĩ đến nước Lilliput và dân chúng ở đấy nhìn tôi như một sự kỳ diệu chưa từng thấy trên đời. Ở nơi ấy tôi chỉ cần một tay là kéo được cả một hạm đội hoàng gia, và đã lập nên những chiến công hiển hách có thể ghi vào lịch sử biên niên của vương quốc và hậu thế khó lòng tin được, tuy đã có hàng triệu người chứng kiến. Tôi nghĩ đến sự tủi nhục vì sẽ bị những người khổng lồ xứ này coi mình chẳng mùi mẽ gì như chúng ta đã coi khinh người Lilliput vậy. Nhưng điều đó chẳng đáng khổ tâm mấy chút, bởi vì sự dã man và tàn nhẫn của con người là tương ứng với thể xác người ta. Vậy tôi còn chờ mong được gì ở những người man rợ này, nếu không là bị nuốt trôi một miếng, khi có người thấy tôi. Tất nhiên các triết gia có lý khi nói rằng cái to, cái nhỏ cũng chỉ là vấn đề so sánh mà thôi. Số mệnh rất có thể làm cho người Lilliput gặp được giống người nhỏ như là người Lilliput so sánh với chúng ta. Và, biết đâu, giống người khổng lồ ở đây lại có thể là nhỏ so với giống người ở một nơi khác nên thế giới mà chúng ta chưa biết tới.
Tôi kinh sợ và hoảng hốt quá nên không thể không nghĩ lan man như vậy. Lúc ấy, một người thợ gặt tiến đến cách chỗ tôi nấp năm fathom, chỉ một bước nữa là tôi bị dẫm bẹp gí hoặc bị lưỡi liềm cắt làm đôi. Bởi vậy, lúc ông ta sắp bước tới, tôi thu hết sức lực còn lại, hét lên một tiếng. Người khổng lồ dừng lại ngay, chăm chú nhìn quanh, cuối cùng trông thấy tôi. Ông ta thận trọng nhìn kỹ một lúc, như kẻ muốn chộp một con vật nguy hiểm, cho khỏi bị nó cào hoặc cắn, như ngày xưa ở nước Anh tôi bắt con cầy vậy. Sau cùng, ông ta đánh liều lấy ngón tay cái và ngón trỏ tóm lấy tôi ở phía sau, ngay giữa lưng, rồi đưa lên cách con mắt một fathom để nhìn cho rõ. Tôi đoán biết ý ông ta, và cũng nhanh trí, không giãy giụa gì hết, tay ông ta bóp chặt lấy bụng tôi rất đau vì sợ tôi tuột mất. Lúc ấy, tôi ở lơ lửng trên không, cách mặt đất có tới sáu mươi foot. Tôi chỉ dám đánh liều ngước mắt lên trời, hai tay chắp lại như nài van, miệng thì thầm mấy tiếng năn nỉ và tuyệt vọng, đúng như hoàn cảnh bắt buộc tôi phải làm như vậy. Bởi vì lúc nào tôi cũng lo ngay ngáy bị ông ta quăng xuống đất như chúng ta thường vứt những con vật ghê tởm. Nhưng phúc đức làm sao, ông ta ngạc nhiên, ra vẻ thú vị vì tiếng nói và cử chỉ của tôi. Thoạt tiên, ông ta nhìn tôi kinh ngạc. ông ta rất thú vị khi thấy tôi nói đôi ba tiếng mặc dù ông ta không hiểu gì hết. Lúc đó, tôi không thể ngăn được những tiếng rên rỉ và khóc lóc, tôi quay đầu nhìn xuống bụng để bảo cho ông ta biết những ngón tay của ông ta bóp tôi đau quá. Chắc hẳn ông ta hiểu, bởi vì ông ta nâng một vạt áo lên, nhẹ nhàng đặt tôi vào trong. Thế rồi, ông ta chạy nhanh về phía ông chủ - người chủ trang trại giàu có mà lúc nãy tôi thấy trên cánh đồng.
Theo tôi đoán, sau khi trao đổi vài điều về tôi với người thợ gặt, ông chủ trại lấy một cọng rơm, to bằng cái gậy lật vạt áo tôi lên, hình như ông ta cho quần áo tôi là một bộ lông tự nhiên của súc vật. Ông ta thổi tóc tôi lên, để trông cho rõ mặt. Ông ta gọi gia nhân đày tớ lại, hỏi xem có ai trông thấy con vật này ở cánh đồng bao giờ chưa - mãi sau này tôi mới được nghe kể lại như vậy. Thế rồi, ông ta khẽ đặt tôi xuống đất như đặt một con vật bốn chân, nhưng tôi đứng thẳng ngay dậy, từ từ đi lại để mọi người biết rằng tôi không có ý định chạy trốn. Họ ngồi cả xuống thành một vòng tròn quanh tôi để nom cho rõ những cử chỉ của tôi. Tôi bỏ mũ ra, chào ông chủ trại rất cung kính. Tôi quỳ xuống, hai tay giơ lên, mắt nhìn ông ta cất tiếng rõ to hét lên mấy tiếng. Tôi lấy ở túi ra mấy đồng tiền vàng và kính cẩn tặng ông ta. ông ta đỡ lấy trong lòng bàn tay, để sát tận mắt nhìn xem là cái gì, ông ta lấy đầu cái đanh ghim (cài sẵn trên ống tay áo) lật đi lật lại, song không biết là cái gì. Tôi ra hiệu cho ông ta xòe bàn tay dưới đất, rồi lấy túi tiền dốc cả vào tay ông ta. Có cả thảy sáu đồng tiền vàng Tây Ban Nha, mỗi đồng bốn pistol[2], và hai ba chục đồng tiền nhỏ. Tôi thấy ông ta nhấp nước bọt vào đầu ngón tay út, nhấc đồng tiền to nhất lên, - rồi một đồng nữa. Hình như ông ta hoàn toàn không biết đó là cái gì. Ông ta ra hiệu cho tôi cất tiền vào túi áo tôi khẩn khoản nói mãi để ông ta nhận cho, nhưng sau cùng, tôi nghĩ nên giữ lại là hơn. Lúc này, ông chủ trại cho tôi là một con vật biết điều. Nhiều lần, ông ta nói chuyện với tôi, nhưng tôi ù cả tai như nghe tiếng cối xay nước. Tuy vậy, ông ta nói rõ từng tiếng một. Tôi lấy hết sức lực đáp lại bằng mọi thứ tiếng mà tôi biết, nhiều lần ông ta ghé tai cách miệng tôi một fathom để nghe cho rõ nhưng chẳng có hiệu quả gì, bởi vì chúng tôi không hiểu được ngôn ngữ của nhau. Ông ta bảo thợ gặt tiếp tục công việc rồi lấy ở túi ra cái khăn mùi soa, gấp đôi lại, phủ lên tay trái, ông ta đặt sát bàn tay xuống đất ra hiệu cho tôi trèo lên. Tôi leo lên một cách dễ dàng bởi vì bàn tay cao chưa đến một foot. Tôi nghĩ nhiệm vụ của tôi lúc này là phải tuân theo lệnh của ông ta. Tôi sợ ngã nên nằm dài xuống, ông ta bịt kín chiếc khăn đến tận đầu tôi cho cẩn thận, rồi cứ thế đem về nhà. Đến nhà, ông ta gọi vợ ra cho xem, bà vợ rú lên một tiếng rồi chạy biến mất, như kiểu ở bên Anh các bà trông thấy con cóc hay con nhện. Song, lúc sau, thấy cử chỉ, dáng điệu của tôi, lại thấy tôi chăm chú làm theo những hiệu lệnh của chồng, bà ta bị chinh phục dần và tỏ ra rất thích thú.
Khoảng giữa trưa, chị hầu dọn bữa ăn - một món thịt ngon lành - như ở mọi nhà nông dân, được đựng trong một cái đĩa có đường kính độ hai mươi tư foot. Gia đình gồm hai vợ chồng ông chủ trại, ba con và bà mẹ già. Cả nhà ngồi vào bàn ăn, ông chủ đặt tôi gần ông, trên cái bàn cao chừng ba mươi foot. Tôi sợ chết khiếp chỉ lo ngã xuống đất, nên ngồi hết sức xa mép bàn. Bà chủ lấy một miếng thịt, băm nhỏ ra và bóp vụn một tí bánh mì để trong cái đĩa bằng gỗ dặt trước mắt tôi. Tôi kính cẩn cúi chào, lấy dao và dĩa ra ăn, cả nhà tỏ ra rất thích thú. Bà chủ sai chị đày tớ đi lấy một chén rượu nhỏ, đựng được chừng ba galon[3] và rót cho tôi uống. Khó nhọc lắm tôi mới bưng nổi cái chén bằng hai tay. Tôi hét lên bằng tiếng Anh để chúc sức khỏe bà chủ, khiến cả nhà phá lên cười vui vẻ làm tôi ù cả tai. Thứ rượu này giống như rượu chát, uống không tệ lắm. Sau đó, ông chủ gọi tôi lại gần đĩa thức ăn của ông, lúc ấy tôi hoảng hốt quá nên (bạn đọc sẵn lòng hiểu và tha thứ cho tôi nhé) vấp phải một mẩu bánh và ngã lăn chiêng xuống bàn, nhưng không sao cả. Tôi đứng dậy ngay, thấy mọi người lo lắng, tôi liền lấy cái mũ vẫn kẹp dưới tay ra, quay tít trên đầu mấy vòng và hét lên mấy tiếng để chứng tỏ rằng tôi không việc gì cả. Nhưng khi tôi tiến đến gần ông chủ, cậu bé ngồi cạnh bố - một cậu con trai tinh nghịch độ lên mười - tóm lấy hai cẳng tôi giơ lên trời làm tôi run lên bần bật. Ông bố giằng lấy tôi. Tát một cái mạnh vào má trái con, cái tát đó có thể lật úp cả một đoàn kỵ binh châu Âu, rồi bắt cậu ta đi chỗ khác. Tôi sợ cậu ta thù tôi, và nhớ lại những hành động tàn nhẫn vốn có của trẻ con thích hành hạ chim, thỏ, mèo con, chó con, tôi liền quỳ xuống, tay chỉ cậu bé có tội, cố hết sức ra hiệu cho ông chủ biết tôi mong muốn ông tha tội cho cậu bé. Ông bố bằng lòng, cậu bé lại ngồi vào bàn ăn, tôi đến gần cậu, hôn tay cậu, ông bố nắm lấy bàn tay ấy vuốt ve tôi rất âu yếm.
Giữa bữa trưa, con mèo quý nhất của bà chủ nhảy tót lên lòng bà. Bỗng tôi nghe thấy, ở phía sau, tiếng ầm ầm giống như tiếng hàng chục khung cửi đang chạy, ngoảnh đầu lại, mới biết đó chỉ là tiếng con mèo đang khò khò. Cứ nhìn cái đầu và cái chân nó lúc bà chủ cho nó ăn và vuốt ve nó, tôi thấy nó phải to gấp ba con bò. Mặc dù tôi ở phía đầu này cái bàn và bà chú vẫn ôm chặt nó, vì sợ nó nhảy xổ vào tôi mà cào cấu, nhưng cái vẻ dữ tợn của nó vẫn làm tôi hết vía. Tuy nhiên chẳng có việc nguy hiểm gì xảy ra vì nó chẳng thèm nhìn đến tôi, ngay cả khi ông chủ đặt tôi bên cạnh nó. Người ta thường nói và kinh nghiệm cũng đã chứng minh là: hễ tỏ ra sợ sệt và bỏ chạy được một con vật dữ tợn thì khác nào khiêu khích nó, cho nên tôi quyết định trong trường hợp nguy nan này, phải hết sức kiên quyết, không hề tỏ ra lo lắng. Thế là tôi dũng cảm đi qua đi lại nhiều lần trước mặt nó, và có lần lại gần cách nó chưa đến một foot. Nó lùi lại, ra ý sợ tôi nữa. Khi ba, bốn con chó vào phòng - như thường lệ trong một ấp trại - tôi đỡ sợ hơn. Một con là chó giữ nhà, to bằng bốn con voi, con thứ hai là con chó săn, cao hơn nhưng gầy hơn.
Bữa ăn gần xong, chị vú nuôi bế một chú bé được một năm vào phòng. Vừa thấy tôi, chú bé thét lên, cách từ London-Bridge đến Chelsea[4] cũng có thể nghe thấy được, nó đòi với lấy tôi như một cái đồ chơi. Bà mẹ muốn chiều con, cầm lấy tôi đưa cho chú bé, chú bé nắm giữa người tôi và định đưa vào mồm. Tôi hoảng quá, thét lên, chú bé sợ hãi buông tôi ra và nếu bà mẹ không kịp lấy cái tạp-dề hứng tôi hẳn tôi đã ngã gãy xương. Chị vú nuôi dỗ thằng bé bằng cách đưa cho nó một đồ chơi to bằng cái thùng ton-nô, trong dựng đầy đá, có dây cáp buộc vào mình. Nhưng thằng bé cứ khóc, chỉ còn cách là cho nó bú. Phải thú thật rằng suốt đời chưa có gì làm tôi phát kinh lên bằng khi trông thấy cái vú to tướng như thế. Chẳng biết ví von với cái gì để bạn đọc hình dung được bề to, hình thù và màu sắc của nó, nó cao đến sáu foot, đường chu vi không kém mười sáu foot. Núm vú to bằng nửa cái đầu tôi, màu sắc nó cũng như những vùng xung quanh thì lốm đốm nhiều vết thâm và nhiều u cục lộn xộn như những cái mụn nhọt, khiến cho tôi khi nhìn thấy nó mà thấy rùng hết cả người. Cảnh tượng này khiến cho tôi liên tưởng rằng, nước da các quý bà ở ta trông mịn màng đẹp đẽ như vậy thì chẳng qua là do vóc dáng người họ nhỏ bé như chúng ta mà thôi, quả là vậy, vì nếu đem kính hiển vi ra mà soi thì dù những đường nét tươi tắn nhất, mịn màng nhất cũng hiện ra thô lỗ và nhợt nhạt.
Tôi còn nhớ, hồi còn ở Lilliput, nước da của nhưng người dân nhỏ bé ở đấy, tôi cho rằng nó mịn màng nhất thế giới này. Có lần tôi nói chuyện này với một người bạn thân, có học thức, ông ta bảo khi ông đứng dưới đất nhìn lên thì da mặt tôi có vẻ mịn hơn và trơn tru hơn là khi tôi cầm ông ta trên tay để ông ta nhìn tôi gần hơn, lúc ấy, tôi thật đáng kinh tởm. Ông ta bảo ông ta có thế nhìn thấy những lỗ to tướng trên da tôi, râu tôi to gấp mười lông tê giác, da tôi thì lắm màu, lắm sắc, trông chả đẹp tí nào. Nhưng tôi có thể khẳng định với các bạn rằng da tôi cũng mịn không kém da đồng bào xứ sở tôi, và tôi đi du lịch nhiều, nên da tôi xạm đi đôi chút, tôi tự bào chữa cho mình như vậy. Mặt khác, khi nói đến các vị phu nhân nơi cung đình, ông bạn của tôi vẫn thường bảo bà này có tàn hương, bà kia môi quá dày, bà khác thì mũi tẹt, nhưng tôi không hề nhận ra. Thú thật rằng những ý nghĩ ấy là lẽ tất nhiên, song tôi cần phải ghi lại ở đây, e có bạn tưởng rằng những người khổng lồ ở xứ sở này là những người dị dạng. Nói cho công bằng, phải khẳng định đó là một giống người rất đẹp. Ông chủ tôi, tuy chỉ là một chủ trại bình thường, nhưng có những nét rất cân đối khi tôi ngắm nhìn ông ta từ trên cao sáu mươi foot.
Khi bữa ăn vừa xong, theo giọng nói và cử chỉ của ông chủ, tôi hiểu rằng ông ra đồng với thợ và giao cho vợ trách nhiệm trông nom tôi thật cẩn thận. Tôi mệt quá, lại buồn ngủ, bà chủ biết thế, liền đặt tôi nằm ở ngay giường bà, lấy chiếc khăn mùi soa sạch làm chăn, cái chăn rộng hơn và cứng hơn lá buồm của một chiến hạm.
Tôi ngủ chừng hai giờ và nằm mơ thấy mình đang ở nhà với vợ con. Giấc mơ làm tôi bùi ngùi trong dạ. Tôi nằm một mình, trơ trọi trong căn buồng rộng mênh mông, bề rộng tới hai, ba trăm foot, cao tới hai trăm foot, tôi nằm lọt thỏm trong cái giường rộng mười fathom. Bà chủ bận việc dọn dẹp trong nhà, để tôi nằm đó, khóa trái cửa lại. Giường cao tới bốn fathom. Vì nhu cầu tự nhiên và cấp thiết nên tôi muốn tụt xuống đất, nhưng tôi không dám gọi, mà dù có gọi cũng không ai nghe thấy tiếng vì tôi nhỏ mà nơi mọi người nghỉ ngơi lại xa. Giữa lúc ấy có hai con chuột leo trên búi rơm rồi chạy lung tung lên giường, ngửi ngửi, hít hít khắp nơi, một con gí mũi gần sát mặt tôi. Tôi khủng khiếp đứng phắt dậy, rút kiếm ra để tự vệ. Hai con vật đáng sợ ấy dám cùng một lúc tiến công tôi từ hai bên, một con lấy hai chân trước chẹn cổ tôi, nhưng may mắn làm sao, tôi đã kịp đưa lưỡi kiếm chọc được vào bụng nó trước khi nó cắn xé tôi, con chuột ngã lăn chiêng dưới chân tôi, con kia, trước số phận của bạn, liền chạy trốn, nhưng không thoát khỏi một lưỡi kiếm rạch toạc ngang lưng, máu chảy lênh láng. Sau chiến công ấy, tôi đi đi lại lại trên giường cho hoàn hồn và lấy lại hơi sức. Chuột to bằng con chó săn, nhưng nhanh và hung dữ hơn nhiều, thành thử, nếu tôi mà cất chiếc thắt lưng và thanh kiếm trước khi ngủ, chắc chắn tôi đã bị xé ra từng mảnh và bị nhai ngấu nghiến. Đuôi con chuột bị giết dài chỉ kém một inch là đầy một fathom, nhưng tôi không đủ can đảm kéo xác nó ra khỏi giường, đành mặc cho máu nó cứ tuôn ra, thấy nó chưa chết hẳn, tôi hóa kiếp cho nó bằng một nhát kiếm bổ vào đầu.
Một lúc sau, bà chủ vào, thấy tôi vấy đầy máu, vội chạy lại, hai tay cầm lấy tôi. Tôi chỉ con chuột, miệng mỉm cười, và bằng nhiều điệu bộ khác, tôi làm cho bà ta biết tôi không sao cả. Bà ta rất sung sướng, gọi chị giúp việc lên, chị lấy cái cặp gắp chuột vứt qua cửa sổ. Bà chủ đặi tôi lên bàn, tôi giơ thanh kiếm cho bà xem rồi lau kiếm vào vạt áo và tra vào bao. Đến lúc này, tôi cần làm một việc mà không ai làm thay tôi được. Tôi ra hiệu xin bà chủ đặt tôi xuống đất. Được đặt xuống đất nhưng vốn tính hay e thẹn nên tôi không giải thích để bà hiểu vì sao, mà chỉ giơ tay chỉ cái cửa và ngồi xổm xuống nhiều lần. Sau cùng, bà ta hiểu tôi muốn gì, bà cầm tôi mang ra vuờn, dặt xuống đất. Tôi chạy một mạch độ một trăm fathom. Lúc yên trí rằng bà ta không nhìn theo mà cũng không đi theo tôi nữa, tôi lẻn vào giữa hai chiếc lá me chua để thực hiện quy định của tự nhiên.
Tôi mong bạn đọc yêu quý đừng trách tôi về những chi tiết trên. Dù đối với những người trần mắt thịt, nó chẳng có ý nghĩa gì, song nó lại giúp nhà triết học mở rộng tầm tư tưởng và óc tưởng tượng, như thế, có thể ứng dụng và phục vụ công ích và lợi ích tư nhân, và đó mấy là mục đích duy nhất của tôi khi tôi kể những chuyến phiêu lưu này. Vì thế, điều tôi quan tâm trước hết khi viết là tính chân thực, không một chút khoe khoang hoặc muốn làm văn. Cả cuộc hành trình để lại cho tôi một cảm tưởng mạnh mẽ, khắc sâu trong trí nhớ, nên khi biết, tôi không hề bỏ qua một trường hợp cụ thể nào. Song, lúc đọc lại, tôi xóa đi rất nhiều đoạn không hay lắm, sợ người ta cho tôi là nhàm chán, tẻ nhạt - lời mà người ta thường trách những ai kể chuyện phiêu lưu của mình thường mắc phải.
Chú thích
[1] Tên một cái bến ghé tàu.
[2] Đơn vị tiền tệ cổ của Tây Ban Nha.
[3] 1 galon bằng 4,54 lít (N.D
[4] Tức là khoảng năm cây số (N.D)