Trang

【Gulliver du ký】 ● PHẦN III: CUỘC DU LỊCH ĐẾN XỨ LAPUTA, BALNIBARBI, LUGGNAGG, GLUBBDUBDRIB, VÀ NHẬT BẢN - CHƯƠNG 3

T
ôi được quốc vương ban cho ân huệ đi thăm các thắng cảnh của hòn đảo. Người thầy giáo của tôi được lệnh đi cùng với tôi. Điều khiến tôi quan tâm hơn cả là những cơ chế, hay những lực tự nhiên nào khiến cho hòn đảo chuyển động được. Tôi sẽ kể về điều này ngay bây giờ.
Hòn đảo bay có dạng tròn trặn đường kính khoảng bảy nghìn tám trăm ba mươi tám yard, hoặc gần bốn dặm rưỡi: thật vậy diện tích bề mặt của đảo khoảng chừng chục nghìn mẫu Anh . Chiều cao của đảo chừng ba trăm yard. Một tấm kim cương phẳng dùng làm nền cho hòn đảo có bề dày gần hai trăm yard. Mặt dưới của tấm kim cương luôn luôn hướng vào đất. Trên tấm kim cương này có các lớp núi đá khác nhau, trên cùng, phủ một lớp đất đen màu mỡ sâu mười hoặc mười hai foot .
Ở trung tâm của hòn đảo có một vực thẳm đường kính gần năm mươi yard, qua đó các nhà thiên văn tụt xuống một cái hang lớn. Hang có dạng vòm và vì thế được gọi là Flandona gagnole hay là hang Thiên văn, nó nằm ở độ sâu một trăm yard trong lớp kim cương. Trong hang này luôn có hai mươi ngọn đèn cháy sáng do chúng được các bức tường kim cương phản chiếu nên soi tỏ từng góc hang một. Trong toàn hang có đặt các kính lục phân đa dạng, các hình vuông, các kính thiên văn, các dụng cụ đo độ cao thiên thể và các dụng cụ thiên văn khác. Nhưng cái đáng chú ý nhất trong số đó mà số phận hòn đảo phụ thuộc vào là một cục nam châm lớn có dạng giống như con thoi dệt, có chiều dài chừng sáu yard, chiều rộng và phần dày nhất chừng ba yard. Ở chính giữa thanh nam châm có một lỗ thủng xuyên ngang, một trục kim cương cực kỳ chắc chắn xuyên qua lỗ này. Trục này được lắp chính xác tới mức chỉ cần khẽ đụng tay là thanh nam châm bắt đầu quay. Một vòng kim cương khổng lồ có bề dày bốn foot và cao bốn foot, đường kính tới mười hai foot gắn thanh nam châm vào sàn nhà. Vòng này được gắn ngang bằng lên tám chân kim cương, mỗi cái cao chừng sáu yard. Ở mặt trong của vách trụ kim cương này chính giữa có khoét hai ổ, mỗi cái sâu chừng mười hai inch, những đầu của trục trên đó có thanh nam châm quay được gắn vào hai ổ này.
Chẳng có một lực nào có thể dịch chuyển thanh nam châm mà chúng tôi đã miêu tả dời khỏi chỗ, bởi vì trụ kim cương cùng với các chân cùng là một khối lớn với tấm kinh cương tạo nền của hòn đảo. Nhờ có thanh nam châm này mà đảo có thể nâng lên, hạ xuống và dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, tùy thuộc vào ý muốn của quốc vương, vì một phần mặt đất sẽ có lực hút với một đầu của thanh nam châm, còn đầu kia là lực đẩy. Khi thanh nam châm đặt thẳng đứng và cực dương của nó hướng vào đất thì hòn đảo hạ xuống, còn khi cực âm của thanh nam châm hướng xuống dưới, hòn đảo nâng lên. Khi đặt xiên thanh nam châm thì hòn đảo chuyển động theo hướng xiên, bởi vì lực của thanh nam châm này luôn luôn hướng vào phía mà đầu dương quay vào.
Để hiểu sự chuyển động của hòn đảo như thế nào, chúng ta giả thiết là đường AB cắt ngang qua vương quốc Balnibarbi, đường CD là thanh nam châm, điểm C là cực âm của nó, còn điểm D là cực dương. Chúng ta giả dụ hòn đảo đang ở trên điểm C. Hãy đặt thanh nam châm ở vị trí CD sao cho cực âm hướng xiên xuống phía dưới, khi ấy hòn đảo bắt đầu chuyển động theo thường đến D. Khi hòn đảo đã đến điểm này, chúng ta sẽ quay thanh nam châm sao cho cực dương của nó hướng đến điểm E, khi đó hòn đảo sẽ chuyển động xiên hướng đến E. Nếu bây giờ chúng ta đặt thanh nam châm hướng đến điểm F, cực âm hướng xuống dưới, hòn đảo sẽ nâng chếch đến F, tại đây ta lại hướng cực dương đến G, hòn đảo lại có thể dịch chuyển đến G. Bằng cách như vậy, trong khi thay đổi vị trí của thanh nam châm, có thể nâng lên hoặc hạ hòn đảo xuống theo đường chéo và nhờ các lần nâng lên và hạ xuống như thế mà hòn đảo dịch chuyển từ phần này của vương quốc đến phần khác.
Tuy nhiền cần nhận xét thêm là hòn đảo bay chỉ có thể dịch chuyển trên lãnh địa của quốc vương Laputa. Mấu chốt vấn đề là ở chỗ các khoáng vật tác động đến thanh nam châm lớn chỉ nằm trong ranh giới của vương quốc này. Hơn nữa hòn đảo không thể nào nâng lên cao hơn mặt đất bốn dặm, bởi vì ở độ cao lớn như thế thanh nam châm mất tác dụng.
Nếu đặt thanh nam châm ở vị trí thật cân bằng, thì hòn đảo đứng lại. Giải thích hiện tượng này không có gì khó cả, các cực của thanh nam châm có khoảng cách như nhau với mặt đất, bị tác động với cùng một lực giống nhau, một, kéo hòn đảo xuống phía dưới, một, đẩy hòn đảo lên trên và do đó hòn đảo đứng yên một chỗ.
Thanh nam châm chịu sự điều khiển của các nhà thiên văn học có kinh nghiệm. Họ thay đổi vị trí của thanh nam châm theo mệnh lệnh của quốc vương. Những nhà bác học này đã giành phần lớn đời mình để tiến hành các quan sát chuyển động của các thiên thể. Các kính thiên văn ở đây về mặt chất lượng hơn đứt các kính thiên văn của chúng ta. Các kính thiên văn lớn nhất trong số đó dài không quá ba foot, nhưng chúng mạnh hơn các kính một trăm foot của chúng ta rất nhiều, sự ưu việt này cho phép người Laputa vượt xa các nhà thiên văn châu Âu của chúng ta rất nhiều trong những phát minh của họ. Chằng hạn họ đã lập được danh mục của hai trăm nghìn ngôi sao bất động, trong khi bản danh mục phổ biến nhất của chúng ta chỉ có không hơn một phần ba con số này. Ngoài ra, họ đã khám phá ra hai ngôi sao tý hon hay là vệ tinh quay quanh sao Hỏa. Vệ tinh gần nhất cách trung tâm của hành tinh này một khoảng cách bằng ba lần đường kính của nó, vệ tinh thứ hai ở khoảng cách gấp năm lần đường kính hành tinh .
Những người Laputa khẳng định rằng họ đã tiến hành quan sát chín mươi ba sao chổi khác nhau và đã xác định với độ chính xác cao thời kỳ quay trở lại của chúng. Nếu điều đó là đúng thì rất mong sao cho những kết quả quan sát của họ trở thành sở hữu công cộng. Điều này chắc có thể hoàn thiện lý thuyết về các sao chổi hiện nay còn quá yếu . Chằng khó khăn gì cũng có thể hiểu được rằng việc làm chủ hòn đảo bay tạo cho vương quốc Laputa ưu thế rất lớn so với các quốc gia khác trên trái đất. Ngài có thể dễ dàng trở thành vị chúa tuyệt đối trên thế giới nếu như ngài thuyết phục được các vị thượng thư cùng hành động được với mình. Nhưng các thượng thư hiểu rất rõ rằng tình thế của người sủng thần thực chẳng bền vững chút nào trong thời kỳ của vị chúa tể tuyệt đối. Hơn nữa, mỗi thượng thư lại có những lãnh địa rộng lớn trên lục địa. Bởi thế sự nô dịch đất nước không có lợi cho họ và họ không đồng ý với điều đó.
Nếu như có một cuộc khởi nghĩa nào nổ ra tại một thành phố nào đó và thành phố từ chối nộp thuế, thì quốc vương thi hành hai biện pháp để khiến nó phục tùng. Biện pháp đầu tiên khá là mềm mỏng như sau: quốc vương ra lệnh dừng hòn đảo trên thành phố đó và các đất đai lân cận, bằng cách này quốc vương làm ngăn cản tác động thuận lợi của mặt trời và mưa đối với những kẻ ngang bướng, trong thành phố bắt đầu có nạn đói và bệnh tật. Nếu theo ý kiến của quốc vương, các công dân tự bôi nhọ thanh danh của mình bằng những hành vi tội lỗi nghiêm trọng, ngài có thể tăng cường sự trừng phạt này: theo lệnh quốc vương, những hòn đá lớn được ném xuống thành phố và dân chúng chỉ có cách chui vào các hầm ngầm và các hầm mộ bởi vì các nhà ở sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng nếu những kẻ khởi loạn tiếp tục đấu tranh thì quốc vương sẽ thi hành biện pháp cứng rắn hơn: hòn đảo sẽ hạ thẳng xuống đầu những kẻ ngoan cố và đè bẹp chúng cùng với nhà cửa của chúng. Tuy nhiên, biện pháp cực đoan này của quốc vương chỉ áp dụng trong những trường hợp hết sức hiếm hoi. Các thượng thư cũng thường không đề xuất biện pháp tương tự với quốc vương. Một mặt họ sợ sự căm thù và sự trả thù của dân chúng, mặt khác họ sợ là bằng biện pháp ấy sẽ làm tổn hại tất cả những lãnh địa của chính họ. Không nên quên rằng, hòn đảo là sở hữu riêng của quốc vương, còn tất cả đất đai, nhà của và lâu đài của các cận thần đều nằm trên lục địa.
Nhưng còn cả một nguyên nhân khác, quan trọng hơn, bởi thế quốc vương của đất nước này chỉ trong trường hợp cực kỳ cần thiết, thậm chí bất đắc dĩ mới sử dụng đến biện pháp đáng sợ này.
Nếu thành phố sẽ bị tiêu diệt nằm giữa các tảng đá cao - mà phần lớn các thành phố ở đây hoàn toàn có chủ định phân bố ở nơi như vậy - hoặc nếu trong thành phố ấy có nhiều tháp chuông hay các tháp bằng đá, thì sự hạ nhanh của hòn đảo có thể làm hỏng nền kim cương của nó. Sự thật, nền kim cương này như tôi đã kể, cấu tạo từ một khối kim cương nguyên sinh dày hai trăm yard, nhưng dù sao khi va chạm mạnh nó có thể bị vỡ hoặc bị nứt nẻ do các đám cháy bùng lên từ các ngôi nhà bị phá hủy gây ra. Tình hình này được dân chúng biết rõ và họ đã tính toán rất giỏi tới điều ấy khi tổ chức chống lại việc xâm phạm tới tự do và tài sản của chính họ.
Về phía quốc vương, khi áp dụng quyết nghị xóa sạch những cư dân của thành phố nổi loạn ra lệnh hạ hòn đảo xuống chậm hơn và thận trọng hơn nữa. Trong khi đó ngài lại nói về lòng từ bi và thương hại của mình, nhưng thực chất nỗi sợ hãi làm vỡ đĩa kim cương khi tiếp xúc với mặt đất đã khống chế ngài.
Khoảng ba năm trước khi tôi tới đây, đất nước Laputa đã có xảy ra một sự kiện không bình thường mà suýt trở thành nỗi bất hạnh đối với vương triều này. Quốc vương đi tuần thú lãnh địa của mình. Thành phố đầu tiên mà ông đến thăm là Lindalino, một trong những thành phố lớn nhất của vương quốc. Dân chúng thành phố đã tâu trình quốc vương rất nhiều điều oán thán về sự ức hiếp của viên thống đốc. Cũng như trước đây, mọi điều ta thán chẳng đạt được kết quả gì. Chưa được ba ngày sau khi quốc vương rời thành phố, dân chúng đã đóng chặt cổng thành, bắt giam viên thống đốc và trong một thời gian hết sức ngắn ngủi đã dựng lên ở bốn góc thành phố bốn tháp lớn có cùng độ cao với một tảng granite nhọn đầu nổi lên ở chính trung tâm thành phố. Trên các ngọn tháp và tảng đá họ đặt những thanh nam châm lớn, và nếu trong trường hợp các thanh nam châm không có tác động đến việc điều khiển hòn đảo, họ đã chuẩn bị một số lượng lớn nhiên liệu dễ bốc cháy, dự tính nhờ ngọn lửa mà có thể làm tổn hao nền kim cương của hòn đảo.
Những tin tức về cuộc khởi nghĩa ở Lindalino chỉ đến tai quốc vương tám tháng sau. Quốc vương ra lệnh hướng hòn đảo đến Lindalino. Sau một vài ngày hòn đảo đã dừng lại chính trên thành phố, chắn ánh nắng và mưa đối với dân cư ở đây. Biện pháp này dường như vô hiệu. Có một con sống lớn chảy qua thành phố. Dân chúng đã kịp dự trữ lương thực và không sợ sự phong tỏa. Họ đã có đầy đủ quyết tâm để chống cự đến cùng. Quốc vương ra lệnh thả từ đảo vô số dây thừng nhỏ xuống. Nhưng thay cho những lời cầu xin tha tội ngoan ngoãn là những yêu sách ngang ngược bay trở lại đảo: về những bồi thường thiệt hại gây nên, phục hồi những đặc quyền của thành phố, cho phép dân chúng có quyền bầu cử thống đốc và những điều phi lý tương tự như vậy. Để trả lời, quốc vương ra lệnh ném xuống đầu dân cư của thành phố những hòn đá lớn. Nhưng dân thành phố đã tránh khỏi sự trừng phạt tàn bạo này bằng cách ẩn náu trong các tháp và các hầm nhà và đem theo cả những tài sản nhỏ mọn của mình.
Khi đó quốc vương kiên quyết trừng phạt cứng rắn đối với những kẻ kiêu ngạo này, ra lệnh hạ hòn đảo xuống độ cao cách đỉnh các ngọn tháp và tảng đá chừng bốn mươi yard. Lệnh của quốc vương được thực hiện. Tuy nhiên các viên quan khi quay thanh nam châm đã nhận thấy rằng hòn đảo hạ xuống nhanh hơn bình thường rất nhiều. Sau khi điều khiển thanh nam châm trở lại vị trí ngang bằng, họ đã có thể làm ngừng sự hạ xuống thêm, nhưng nhờ đó mà đã phát hiện thấy hòn đảo bị hút mạnh về phía mặt đất và có thể bị rơi. Họ lập tức tâu trình điều đó với quốc vương và xin cho nâng hòn đảo lên cao hơn. Quốc vương lập tức ban ra lời đồng ý. Hòn đảo được nâng lên độ cao lớn nữa. Sau đó một hội đồng các viên quan điều khiển thanh nam châm nhận được lệnh đến gặp quốc vương. Một nhà bác học có kinh nghiệm nhất trong số họ xin cho phép được tiến hành thí nghiệm. Nhà bác học lấy một sợi dây thừng dài và chắc chắn, đầu kia buộc một mẩu kim cương, trong đó chứa một ít quặng sắt (giống như loại kim cương tạo nên nền hòn đảo) và bắt đầu từ từ thả nó từ hành lang thấp nhất thẳng xuống đỉnh của một trong các ngọn tháp. Nhưng mẩu kim cương vừa được thả xuống vài yard thì vị quan đã cảm thấy nó bị kéo xuống dưới với một lực mà ông khó khăn lắm mới giữ được sợi dây trong tay. Khi đó viên quan ném mấy mẩu vụn kim cương và nhận thấy ngọn tháp hút chúng vào mình. Thí nghiệm như thế cũng được tiến hành với các tháp còn lại. Các kết quả ở đâu cũng như nhau.
Quốc vương sợ hãi đã từ bỏ ý định phá hủy thành phố và để mặc thành phố đó.
Một vị thượng thư đã khẳng định với tôi rằng, nếu như hòn đảo hạ xuống trên thành phố thấp đến mức không thể nào trở lên được nữa, thì dân chúng thành phố sẽ tước đoạt vĩnh viễn khả năng chuyển động của nó, sẽ giết quốc vương và tất cả những tùy tùng và sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách nắm quyền.
Đạo luật cơ bản của quốc gia cấm quốc vương và hai hoàng tử lớn nhất rời hòn đảo. Điều cấm này cũng áp dụng cả với hoàng hậu.