Trang

【Gulliver du ký】 ● PHẦN III: CUỘC DU LỊCH ĐẾN XỨ LAPUTA, BALNIBARBI, LUGGNAGG, GLUBBDUBDRIB, VÀ NHẬT BẢN - CHƯƠNG 6

Trong trường của những nhà lập dự án chính trị tôi được đón tiếp không lịch sự lắm. Hơn nữa các giáo sư trong trường này theo cách nhìn nhận của tôi là những người hoàn toàn bị mất trí và cảnh tượng ấy luôn luôn đập vào mắt tôi. Những kẻ tìm tòi bất hạnh này có thể thuyết phục các quốc vương chọn lựa những người sủng ái trong số những con người thông minh, có năng lực và có đức hạnh; dạy các vị thượng thư quan tâm đến lợi ích chung, chỉ ban thưởng những người có cống hiến xuất sắc cho xã hội, những quyền lợi chân chính của họ phù hợp với quyền lợi của nhân dân và trao chức vụ chỉ cho những người xứng đáng. Vô số những mơ tưởng hầu như kỳ quặc và không thể thực hiện được hoàn toàn xa lạ với những con người có đầu óc bình thường lại được sinh ra trong đầu của những kẻ mất trí này[1]. Khi theo dõi họ, lại một lần nữa tôi tin vào tính đúng đắn của một câu châm ngôn cổ, là trên thế gian này không có những điều phi lí nào mà không có các trợ thủ của mình trong số các nhà triết học.
Tuy nhiên, tôi cũng cần phải đánh giá đúng đắn phần việc này và thừa nhận rằng ở đây không phải tất cả các nhà bác học là những kẻ mơ mộng như vậy. Tôi đã được làm quen với một tiến sĩ rất thông minh, người đã nghiên cứu tự nhiên và cơ chế điều hành quốc gia đến mức hoàn thiện. Đó là một người nổi tiếng nghiên cứu có kết quả việc tạo ra các thuốc mới chữa khỏi các bệnh cả về thể xác và đạo lý, làm đau đớn những đại diện của quyền lực. Xuất phát từ quan niệm cho rằng cơ thể của người và nhà nước có sự giống nhau hoàn toàn, ông khẳng định rằng những bệnh tật do chế độ nhà nước gây nên - những tật xấu của nhà cầm quyền và sự trụy lạc của những người điều hành - cần chữa trị nhờ những thuốc chữa bệnh gây nên bằng các nguyên nhân thực thể. Ai cũng biết là các nguyên lão nghị viện thường mắc bệnh văn chương dài dòng, tính dễ nổi nóng và những thói xấu khác nữa; những bệnh của não và đặc biệt của tim; chúng co giật mạnh cùng với sự co rút đau đớn các dây thần kinh và hệ cơ của cả hai tay và đặc biệt ở tay phải[2]; chứng tiết nhiều mật, chóng mặt, hoang tưởng; các u tràng nhạc, ăn khỏe, bội thực và hàng loạt các bệnh khác mà không thể nào liệt kê ra hết được. Bởi thế vị giáo sư tiến sĩ đề nghị: tất cả các lần triệu tập nghị viện, cử một số bác sĩ có kinh nghiệm làm công cán trong ba phiên họp đầu tiên. Khi kết thúc các buổi thảo luận những bác sĩ này nhất thiết phải bắt mạch ở tất cả các nguyên lão nghị viện và theo dõi họ. Xác định được ai trong số đó mắc bệnh gì sau khi khám cẩn thận, trong ngày thứ tư các bác sĩ phải xuất hiện sớm trong buổi họp, trước khi khai mạc phiên họp trao cho mỗi nghị viện: thuốc an thần, thuốc nhuận tràng, thuốc tẩy, thuốc đắng, thuốc chát, thuốc làm suy nhược, thuốc chống đau đầu, thuốc chống tiết mật, thuốc chống ráy tai, tùy theo loại bệnh. Sau khi kiểm tra tác dụng của các thuốc này, trong phiên họp sau bác sĩ phải cho uống tiếp hoặc thay thuốc hoặc ngừng uống thuốc.
Thực hiện dự án này vào cuộc sống không đòi hỏi các chi phí lớn, hơn nữa dự án ấy theo ý kiến khiêm tốn của tôi có thể đem lại nhiều lợi ích cho các nước; mà thượng nghị viện tham gia vào việc lập pháp: đem lại sự nhất trí, giảm bớt hội họp, mở miệng của một số người hiện nay đang ngậm, làm im mồm những kẻ xưa này vẫn nói nhiều hơn cả, làm giảm tính bồng bột của tuổi trẻ và làm mềm dịu tính cứng rắn của tuổi già, làm thức tỉnh những kẻ ngu đần, làm nguội bớt những người nóng nảy.
Dự án thứ hai của nhà bác học thâm thúy này như sau: mọi người phàn nàn rằng những cận thần của quốc vương đều mắc bệnh trí nhớ kém. Bởi thế giáo sư đề nghị mỗi người khi được đến triều kiến ở tể tướng, sau khi trình bày thật ngắn gọn và rõ ràng nhất thực chất của công việc, khi từ biệt hãy kéo mũi ông ấy hoặc đạp cho ông ấy một đạp vào bụng, hoặc đụng đến chỗ đau, hoặc béo tai, hoặc dùng kim găm chọc, hoặc véo tay đến bầm tím để khắc phục tính hay quên của bậc tể tướng. Nên lặp đi lặp lại thao tác đó trong mỗi lần bệ kiến khi điều thỉnh cầu còn chưa được thực hiện, hoặc khi chưa nhận được lời từ chối dứt khoát.
Ông còn đề nghi mỗi một vị nguyên lão nghị viện sau khi phát biểu xong ý kiến của mình thì bỏ phiếu cho ý kiến đối lập trực tiếp. Ông cam đoan rằng khi tuân theo nguyên tắc này kết quả bỏ phiếu sẽ luôn luôn có lợi cho xã hội.
Nếu sự chia bè phái có tính chất khá gay gắt, ông đề xuất một biện pháp quan trọng để lập lại trật tự. Cần phải lấy hàng trăm người của mỗi phái, phân chia thành từng cặp sao cho đầu của những người trong từng cặp có cùng một cỡ. Sau đó hai nhà phẫu thuật cưa đồng thời phần chẩm của cả hai người hai cặp và đổi chẩm của người này cho người kia. Sự phẫu thuật ấy đòi hỏi độ chính xác hết sức cao, nhưng giáo sư làm chúng tôi tin rằng nếu như phẫu thuật được tiến hành tốt thì bảo đảm cho việc bình phục: hai nửa não được lấy từ những người thuộc các phe phái đối địch và được gắn chặt trong phạm vi của một hộp sọ, sẽ nhanh chóng đi đến thống nhất tốt đẹp và kết hợp với nhau. Khi đó trong các đầu của những người chịu tác động của cuộc giải phẫu này sẽ có tính điều độ đúng mực, cần thiết đối với những người hình dung rằng mình có trách nhiệm điều khiển thế giới. Sự thật cũng có nỗi lo lắng nếu lắp não của một người ngu vào đầu của một người thông minh thì người kia cũng sẽ trở thành ngu đần. Nhưng tiến sĩ tin rằng trí thông minh lẫn khả năng của những thủ lĩnh các phe phái đối lập thường rất ít và do đó chẳng cần mảy may chú ý gì tới điều đó.
Tôi cũng có mặt khi có cuộc tranh cãi kịch liệt giữa hai giáo sư về việc làm thế nào để thu thuế một cách nhẹ nhàng và dễ dàng hơn, sao cho dân chúng không cảm thấy gánh nặng của thuế má. Một giáo sư khẳng định rằng hợp lý hơn cả là thu thuế các thói xấu và tệ nạn, còn vấn đề quyết định thu bao nhiêu của ai thì do một Ủy ban đặc bịêt của dân địa phương, tất nhiên những người này có thể đánh giá không thiên vị những thói xấu của láng giềng. Giáo sư thứ hai bảo vệ cho ý kiến đối lập; sự thu thuế cần phải đánh vào tính cách tâm hồn và thể xác mà người ấy đánh giá mình cao hơn cả: lượng thuế được xác định bởi chính người nộp phụ thuộc vào ý kiến của anh ta về bản thân. Thuế đánh cao vào tài hóm hỉnh, lòng dũng cảm và tính lễ độ.Tuy nhiên danh dự, tính công bằng, thông minh và trí thức không phải nộp thuế vì rằng việc đánh giá chúng khá chủ quan và không thể nào tìm thấy người nào thừa nhận chúng có ở những người xung quanh mình hoặc giả đánh giá chúng ở bản thân mình một cách đúng đắn.
Vị giáo sư khác đã chỉ cho tôi xem một tuyển tập lớn về các phương pháp khám phá bí mật các vụ âm mưu. Ông giới thiệu cho các bậc trí giả của quốc gia biết những kẻ bị tình nghi ăn uống như thế nào, thời gian nào họ ngồi vào bàn, ngủ nằm nghiêng bên nào và thu thập những tin tức đại loại như vậy về cuộc sống thường ngày của họ.
Tất cả những điều nghị luận được ghi lại với tính chất sâu sắc cao và chứa đựng trong đó nhiều quan sát có ích, đáng chú ý cho những chính khách, mặc dù những quan sát ấy đối với tôi dường như chưa thật đầy đủ. Tôi đánh bạo nói với tác giả về điều đó và đề nghị nếu ông muốn, tôi sẽ bổ sung một số điểm. Ông chấp nhận đề nghị của tôi với lòng biết ơn sâu sắc như điều thường xảy ra ở các nhà văn và đặc bịêt ở người thảo dự án, và tuyên bố rất vui lòng tiếp nhận những nhận xét của tôi vào tập tài liệu.
Khi đó tôi kể với ông ấy là ở vương quốc Tribnia mà thổ dân quen gọi là Langdon[3], nơi tôi ngẫu nhiên có mặt trong một chuyến du lịch, phần lớn dân chúng gồm toàn những chỉ điểm, nhân chứng, người cáo giác, nguyên cáo, người chứng kiến, các bồi thẩm cùng với vô số thuộc hạ và tay sau được các thượng thư và các trợ thủ của họ trả lương. Các vụ âm mưu trong vương quốc này thường là việc của những ai muốn đề xuất ra một chính sách tinh tế, củng cố thêm lực lượng mới trong các cơ quan chính quyền đã già cỗi, bóp nghẹt hoặc đánh lạc hướng sự bất mãn xã hội, nhét đầy hòm rương của mình những của cải tịch thu được, củng cố hay phá hoại lòng tin vào quốc gia tùy theo cái gì có lợi cho họ hơn. Trước hết, họ ước định với nhau ai trong số những người bị tình nghi dính líu vào vụ âm mưu; sau đó họ tung mọi phương tiện để thu thập tất cả các giấy tờ và thư từ của những người ấy và chính họ bắt những người ấy bỏ ngục Những giấy tờ và thư từ bị chiếm đoạt được giao vào tay các chuyên gia và những bậc thầy trong việc khám phá những ý nghĩa bí mật của các từ, các âm tiết và chữ cái. Chẳng hạn họ chẳng khó nhọc gì cũng xác minh được rằng đàn ngỗng ám chỉ nghị viện; chó đẻ là kẻ có tham vọng; cú vọ là tể tướng; bệnh thống phong là tổng giáo chủ; cái giá treo cổ là lục sự quốc gia; cái chổi là cách mạng; cái bẫy chuột là công vụ quốc gia; giếng không đáy là ngân khố; cái hố rác là triều đình, cái mũ của thằng ngốc là viên cận thần; cây sậy gãy là pháp Viện; thùng rỗng là vị tướng; vết thương đang mưng mủ là hệ thống quản lý.
Giáo sư nồng nhiệt cám ơn tôi vì những điều nêu ra này và hứa sẽ đưa tên tôi vào vị trí quan trọng trong bản luận văn của mình.
Chẳng còn gì khiến tôi quan tâm hơn nữa đến đất nước này và tôi bắt đầu nghĩ tới việc quay trở về Anh.
Chú thích
[1] Ở đây dễ dàng thấy dưới hình thức chế nhạo ẩn náu những quan điểm đúng đắn của bản thân Swift.
[2] Swift ngụ ý chế giễu việc ăn hối lộ.
[3] Tribnia và Langdon – là cách hoán vị các chữ cái ám chỉ Britannia và London (Anh)