Trang

【Gulliver du ký】 ● PHẦN III: CUỘC DU LỊCH ĐẾN XỨ LAPUTA, BALNIBARBI, LUGGNAGG, GLUBBDUBDRIB, VÀ NHẬT BẢN - CHƯƠNG 8

Tôi đã để cả ngày nói chuyện với những bậc kỳ tài cổ đại: Homer và Aristotles[1]. Tôi đã nảy ra ý nghĩ mời những con người lừng danh ấy cùng những người giảng nghĩa của họ. Những người giảng nghĩa này tập hợp lại tới hàng mấy trăm người và họ buộc phải chờ ngoài sân và những phòng khác trong cung điện. Thoạt nhìn tôi đã nhận ra hai bậc thiên tài trong đám đông. Homer trông đẹp hơn và cao hơn Aristotles, trẻ hơn tuổi của mình với đôi mắt sống động và tinh anh lạ thường. Aristotles gù lưng và chống gậy. Ông có đôi má hóp, tóc thẳng, thưa và giọng oang oang. Ngay lập tức tôi nhận thấy là cả hai bậc kỳ tài ấy không nhận thấy và cũng không nghe nói gì về những người giảng nghĩa của họ. Một trong những bóng ma thầm thì vào tai tôi là trên đời này những kẻ giảng nghĩa còn kém rất xa những thiên tài ấy. Họ cũng nhận ra rằng họ đã xuyên tạc một cách kỳ quái những tác phẩm sâu sắc của các tác giả và họ thấy ngượng khi đến gần hai ông. Tôi giới thiệu Didymus và Eustathius[2] với Home và thuyết phục ông hãy đối đãi với họ tốt hơn cách cư xử mà đáng lẽ ra họ được hưởng, để ông sớm thấy được họ muốn có một thiên tài cảm nhận được cái thần của một bài thơ. Nhưng Aristole mất hết kiên nhẫn khi tôi đưa ông coi những quan điểm của Scotus và Ramus vì khi tôi giới thiệu họ với ông thì ông hỏi họ, "liệu trong số những người còn lại, có ai còn tối dạ như họ nữa hay không?"
Sau đó tôi đã xin chúa đảo cho mời Descartes và Gassendi[3], những người này đề nghị trình bày cho Aristotles những hệ thống của họ. Nhà triết học vĩ đại này đã công khai thừa nhận những sai sót của mình trong học thuyết về tự nhiên, bởi vì trong nhiều trường hợp những lập luận của ông đã dựa trên những điều phỏng đoán. Ông cũng nêu điều tiên đoán là Gassendi đã đề cao hết sức học thuyết của Epicurus[4] và Descartes với lý thuyết xoáy sẽ bị hậu thế phủ nhận một cách giống nhau. Ông cũng tiên đoán một phần của học thuyết trọng lực hiện được các nhà bác học đương thời bảo vệ một cách nhiệt thành cũng sẽ như vậy. Nhân đó ông nhận xét rằng những hệ thống mới của triết học tự nhiên cũng như giống như mốt mới, bị thay đổi theo từng thế hệ. Thậm chí các nhà triết học thử chứng minh và lập luận chứng cho các quan điểm của mình nhờ toán học, được tôn trọng chẳng bao lâu và không còn phù hợp với thời thượng nữa trong một thời hạn được định đoạt bởi số mệnh.
Trong năm ngày tiếp theo tôi đã tiến hành nói chuyện với nhiều nhà bác học thời kỳ cổ đại. Tôi đã trông thấy phần lớn các hoàng đế La Mã. Tôi xin chúa đảo gọi những người đầu bếp của Heliogabalus[5] lên để họ nấu bữa ăn trưa cho chúng tôi, nhưng vì thiếu các loại gia vị khác nhau nên họ không thể nào biểu diễn nghệ thuật nấu ăn của mình. Người nô lệ của Agesilaus[6] đã nấu cho chúng tôi món canh Spartan, nhưng sau khi nếm thử tôi không thể nào nuốt nổi thìa thứ hai.
Hai người bạn đã đưa tôi sang đảo, do có công chuyện nên ba ngày sau đã lên đường về nhà. Trong thời gian này tôi đã gặp gỡ những con người vĩ đại sống cách đây hai hoặc ba thế kỷ, là những người cùng Tổ quốc với tôi, hoặc của các nước châu Âu khác. Tôi bao giờ cũng kính trọng những người dòng dõi cổ và đã xin chúa đảo gọi một tá hoặc chỉ hai vị quốc vương cùng với tổ tiên của họ trong vài thế hệ. Nhưng tôi bị thất vọng không ngờ và đau đớn. Thay cho dòng dõi cao sang của những bậc mang vương miện tôi thấy có hai nhạc sĩ vĩ cầm, ba đình thần có tài xoay xở và một giáo chủ người Ý; còn của một quốc vương khác tôi thấy có thợ cạo, tu Viện trưởng và hai hồng y giáo chủ. Hơn nữa tôi đã quá kính trọng với bậc mang vương miện để có thể chú ý nhiều hơn vào đối tượng khó xử này. Dù sao đối với các bá tước, hầu tước, công tước và những người có chức tước tương tự, tôi chưa bao giờ ở trong tình trạng khó xử với họ. Xin thú thật là tôi cũng đã khá thỏa mãn khi thấy rõ nhiều đặc tính về bên ngoài và lối sống của những nhân vật quyền quý chúng ta được tiếp thu ở đâu. Tôi cũng chẳng khó gì để khám phá ra rằng, từ đâu mà trong một thế tộc lại có một cái cằm dài, tại sao trong một thế tộc khác trong hai thế hệ lại có nhiều kẻ bịp bợm, còn trong hai thế hệ tiếp theo lại là những kẻ ngốc nghếch; tại sao thế hệ thứ ba lại là những kẻ loạn óc, còn thế hệ thứ tư lại là những kẻ tráo trở. Như vậy tính tàn bạo, tính dối trá và tính hèn nhát đã trở thành những tính cách không kém phần đặc trưng của những đại diện của một số thế tộc, cũng giống như các gia huy mà họ dùng để trang điểm trên những bộ quần áo dấu của những kẻ hầu người hạ hoặc cánh cửa của những cỗ xe ngựa của họ.
Tôi đặc biệt cảm thấy ghê tởm đối với lịch sử cận đại. Tôi đã được quen biết thân cận với những người mà trong thế kỷ trước họ đã giành được vinh hiển trong cung đình. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy những kẻ bồi bút đã sa vào một thế giới đảo điên như thế nào khi gán những chiến công hiển hách cho những kẻ hèn nhát, những lời khuyên thông minh cho những thằng ngốc, tính trung thực cho những kẻ giả dối, lòng dũng cảm vô song cho những tên phản trắc, tính ngoan đạo cho những kẻ không tín ngưỡng, tính thành thực cho những kẻ cáo giác. Tôi cũng biết có nhiều người vô tội và ưu tú đã bị buộc tội chết hoặc đi đày chỉ vì các quỷ kế của các thượng thư hùng mạnh. Bao nhiêu tên bất lương được đặt vào các cương vị cao, được bọc kín bằng sự tin cẩn, quyền lực, danh dự và được hưởng các quyền lợi vật chất. Tôi có sự đánh giá thấp biết bao về trí thông minh và lòng trung thực của con người khi tôi có được những hiểu biết về các động cơ và nguyên cớ của các sự kiện và biến cố vĩ đại và cả về những cái ngẫu nhiên nhỏ bé nhưng lại được họ quy kết là những thành công của mình. Một vị tướng cho tôi biết là ông đã giành thắng lợi duy nhất chỉ do sự nhát gan và sự chỉ huy tồi, một đô đốc đứng trước mặt tôi tuyên bố là ông chiến thắng kẻ địch chỉ nhờ sự hiểu biết kém kẻ địch. Còn bản thân ông cũng đã chuẩn bị cho hạm đội của mình đầu hàng. Ba quốc vương đã tuyên bố với tôi là trong suốt thời gian giữ ngôi báu, họ chưa lần nào bổ nhiệm một người trung thực vào cương vị lãnh đạo nhà nước. Còn nếu những bổ nhiệm như thế xảy ra thì điều đó được giải thích là do sai sót hoặc sự phản bội của một thượng thư nào đó. Hơn nữa, họ còn thề thốt rằng sai lầm tương tự sẽ không lặp lại nếu một lần nữa họ lại lên ngai vàng. Họ chứng minh cho tôi một cách hết sức chắc chắn là chỉ có con người bị tha hóa tệ hại mới có khả năng giữ ngai vàng vì tính cách tốt, dũng cảm, kiên định chỉ gây rắc rối cho việc cai trị.
Tôi rất muốn biết người ta giành được các tước hiệu quý tộc và sự giàu có to lớn như thế nào. Trong những nghiên cứu của mình tôi không đụng chạm tới hiện tại vì sợ làm xúc phạm dù là người nước ngoài. (Tôi hy vọng rằng tôi không nói điều gì tương tự với độc giả, tất cả những gì mà tôi đã nói về việc này cũng chẳng liên quan chút nào tới Tổ quốc của tôi). Theo lời yêu cầu của tôi, người ta đã gọi nhiều người mà tôi quan tâm. Nhưng chính ngay sau những vấn đề tưởng chừng nông cạn nhất là một cảnh tượng đáng xấu hổ đến mức tôi không thể nào bình thản khi nhớ về điều đó. Sự phản phúc, sự áp bức, sự hối lộ, sự lừa dối và những cái tương tự là những phương thức dễ chấp nhận nhất được áp dụng ở đây. Nhưng khi một người trong số họ thừa nhận rằng đã đánh đổi Tổ quốc để lấy sự vênh vang và giàu có, còn người khác - nhờ sự đầu độc, còn phần lớn - là sự vi phạm pháp luật nhằm làm người vô tội khốn khổ, thì những khám phá này ( hy vọng độc giả sẽ tha thứ cho tôi điều này) đã làm giảm bớt phần nào tình cảm tôn kính thiêng liêng mà tôi, một con người nhỏ mọn thường có đối với các nhân vật có cương vị cao sang.
Tôi thường được đọc về những con người có công lớn đối với đức vua và Tổ quốc, và tôi muốn được gặp gỡ họ. Nhưng người ta trả lời tôi rằng tên tuổi của họ không thể nào tìm thấy trong các tài liệu lưu trữ dưới âm phủ. Sự thật, trong danh sách cũng có liệt kê một số người là những người chân chính giúp nước, nhưng lịch sử lại mô tả họ như những tên đại bịp và phản bội. Tôi xin được gặp họ. Tất cả họ xuất hiện trước mặt tôi trong dáng vẻ chán chường và áo quần rách rưới. Phần lớn họ nói cho tôi biết rằng họ qua đời trong tình trạng nghèo khổ và bị bạc đãi, đôi khi còn bị đưa lên đoạn đầu đài.
Tất cả những người được gọi lên từ thế giới này vẫn còn giữ được những dáng vẻ bên ngoài đến từng chi tiết nhỏ nhất. Khi so sánh dáng vẻ bên ngoài của họ với bề ngoài của những người đương thời, tôi đã đi đến kết luận hết sức đen tối về sự đồi bại của nhân loại trong thế kỷ gần đây.
Để kết thúc, tôi yêu cầu mời những cư dân Anh của thế hệ cũ. Những con người chưa bao giờ nổi danh vì sự giản dị trong phong cách, sự công bằng, lòng yêu tự do chân chính, lòng dũng cảm và tình yêu Tổ quốc. Khi so sánh những người đương thời với những người quá cố tôi không thể nào thờ ơ trước việc những đạo cao đức trọng của các bậc tiền bối lại bị con cháu họ làm nhơ bẩn. Trong khi vung những khoản tiền nhỏ mọn để giành lấy phiếu bầu cho mình ở nghị viện, những con người tham lam này thu thập tất cả những thói hư tật xấu mà người ta chỉ có thể học được ở cung đình[7].
Chú thích
[1] Homer - nhà thơ cổ Hy Lạp, theo truyền thuyết, người đã viết các thiên anh hùng ca Hiad và Odisse (Thế kỷ IV và VIII trước công nguyên).
Aristoteles (384 - 322 TCN) là một nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Ông được xem là người tạo ra môn luận lí học. Ông cũng thiết lập một phương cách tiếp cận với triết học bắt đầu bằng quan sát và trải nghiệm trước khi đi tới tư duy trừu tượng.
[2] Didymus Chalcenterus (63 TCN - 10 SCN) học giả và nhà ngôn ngữ học (nhà ngữ pháp học) thời Hy Lạp cổ đại; Eustathius (1110 - 1198), sinh ra ở Constantinople, sau này trở thành Tổng giám mục Thessalonica. (Wikipedia)
[3] Rene Decartes và Pierre Gassendi - các nhà triết học Pháp nổi tiếng của thế kỷ XVII.
[4] Epicurus - nhà triết học Hy Lạp (thế kỷ IV- III trước Công nguyên)
[5] Heliogabalus - hoàng đế La Mã (thế kỉ III).
[6] Agesilaus - vua Hy Lạp ( của những người Spartaous)(thế kỷ IV trước Công nguyên).
[7] Việc mua chuộc cử chi và đút lót thực tế phổ biến rộng rãi vào thời kỳ đó, do đó đây là một trong những nguyên cớ mà Swift nhiều lần chế nhạo.