Chú gấu nhỏ Giôn-ni - Ernest Thompson Seton
Johnny là một chú gấu bé bỏng và ngộ nghĩnh, sống với mẹ tại công viên YellowStone. Mẹ chú tên là Grumpy. Hai mẹ con Grumpy cùng với những con gấu khác sống trong khu rừng cạnh khách sạn Phôn-tan.
Theo lệnh của người quản lý khách sạn, tất cả các thứ thải ra từ nhà bếp đều đưa đi đổ tại một bãi trống ở khu rừng bên cạnh. Họ hàng nhà gấu ngày nào cũng đánh chén ở đây suốt cả mùa hè.
Từ khi công viên YellowStone trở thành khu rừng cấm của các loài thú hoang dã - nơi chúng được hưởng đầy đủ quyền bất khả xâm phạm - thì số gấu ở đây hàng năm tăng lên không ngừng. Những bước chân hiền từ của con người không hề làm cho chúng hoảng sợ Người ta đã quen thuộc với lũ gấu kia tới mức những người phục vụ trong khách sạn đã đặt biệt hiệu cho từng con một. Những cái tên này hợp với bộ dạng và cá tính của chúng. Chú này gầy còm, chân dài ngoẵng được gọi là Dim Còi. Chú kia đen trũi được gọi là thằng Xông Khói. Chả là chú đen quá, hệt như cột nhà cháy. Còn gã nọ bụng phệ, lười nhác, lúc nào cũng mải ăn thì được mệnh danh là thằng Béo. Có hai con gấu lông xù bao giờ cũng đi với nhau được gọi là Gấu Sinh Đôi. Nhưng nổi tiếng hơn cả là gấu mẹ Grumpy và chú gấu con Johnny.
Gấu mẹ Grumpy to lớn và hung dữ nhất trong bọn gấu đen. Còn chú Johnny, đứa con trai duy nhất của Grumpy, thì làm cho người ta phát ngán và khó chịu vì nó không bao giờ thôi càu nhàu và rên rỉ. Thật vậy, lũ gấu con cũng chẳng khảc gì những đứa trẻ nhỏ. Nếu có thân thể mạnh thì tính tình cũng thoải mái, ít càu nhàu, cáu gắt vô lý như thế. Quả thực, cậu Johnny là đứa trẻ yếu ớt, còm nhom, hình như còn mắc bệnh đau bụng kinh niên nữa thì phải. Mà điều chẩn đoán của tôi chắc không sai. Vì một lần tôi bắt gặp cậu ăn uống rất tạp. liếm láp đủ loại thức ăn thừa trong đống rác. Vớ được thứ gì cậu đều có thể thè luỡi ra nếm ngay, chẳng cần phải mất thì giờ suy tính. Đã nhiều lần mẹ cậu khuyên can. Nhưng hễ sục sạo được thứ gì cậu lại quên khuấy ngay lời mẹ dặn. Nói mãi thấy cũng mỏi mồm vô ích, gấu mẹ cũng đành liều, mặc cho đứa con tha hồ muốn ăn uống thế nào tùy ý. Johnny lại có tật đi cà nhắc, vì chỉ có ba chân là khỏe mạnh. Cậu khoác bộ cánh màu đen nhạt xấu xí. Đôi tai cậu to như lá mít, chẳng hợp với cái bụng phệ chút nào. Tuy thế mẹ cậu vẫn cho rằng con mình bảnh trai nhất hội, và yêu thương, chiều chuộng cậu hết mực. Nhưng gấu mẹ nhiều lúc cũng phải buồn phiền vì đứa con trai nghịch ngợm và quấy rầy quá đáng. Ngược lại Johnny thấy thế lại càng khoái chí. Mặc cho mẹ kêu la, cậu vẫn cứ nghịch ngợm. Cậu ốm yếu què quặt là thế nhưng lại rất láu lỉnh. Cậu biết cách vòi vĩnh rất khéo, bắt mẹ phải làm tất cả theo ý mình.
II
Tôi có dịp làm quen với Johnny vào mùa hè năm 1887. Lần ấy tôi tới thăm công viên YellowStone. Tôi tới đây với ý định được nghiên cứu kĩ càng cuộc sống thực của loài thú hoang dã này. Khi tôi tỏ ý đồ của tôi với mọi người trong khách sạn thì ai cũng bảo: "Nếu ngài muốn thì bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp được đàn gấu đó ngay cạnh khách sạn này thôi".
Quả người ta nói không sai chút nào. Vừa bước chân ra khỏi nhà đi bộ về phía khu rừng chưa đầy năm phút, tôi đã chạm trán ngay với một gấu mẹ to và đen, có hai gấu con lẽo đẽo theo sau.
Tôi buộc phải dừng lại ngay, bởi trong lòng cũng thấy lo ngại vì cuộc gặp gỡ bất ngờ và đột ngột quá. Các chú gấu con thấy vậy cũng đứng ngay lại, hai chân giơ nguợc lên, bốn con mắt trừng trừng nhìn tôi. Gấu mẹ ngoảnh lại nhìn đàn con rồi bỗng phát ra mấy tiếng thật lạ tai, nghe như tiếng người ho khù khụ. Gấu mẹ đưa mắt về phía cây thông gần đấy nhất. Lũ con hiẻu ngay ý, vội vã chạy lại phía cây thông và thoăn thoắt leo tót lên ngay, trông hệt như những chú khỉ con. Hình như thấy có điều nguy hiểm, chúng thi nhau leo lên tận đỉnh ngọn cây. Rồi như một lũ trẻ tinh nghịch, cả hai ba chân bám chặt vào cành cây, chân còn lại giơ ra ngoáy liên hồi trong không trung, tựa như chúng muốn diễn giải điều gì với mẹ đang ở dưới đất. Gấu mẹ lập tức giơ ngược hai chân trước lên, còn hai chân sau từ từ tiến thẳng đến chỗ tôi đứng. Tôi bắt đầu thấy ớn lạnh cho cuộc gặp gỡ quá bất ngờ này. Lần đầu tiên tôi phải tiếp cận một loàt vật dị dạng, lông lá xù xì lại đi bằng hai chân sau. Hình như nó bất chấp cả sức mạnh phi thường trong ánh mắt tôi đang phóng ra về phía nó. Mà tôi thì ngoài ánh mắt ra chẳng có thứ gì để hộ thân, dù chỉ là một cái que. Mặc dầu tôi vẫn đinh ninh rằng loài gấu không bao giờ tấn công trước kẻ thù của nó, nhưng khi gấu mẹ mới khẽ gầm lên một tiếng, tôi đã có ý định bỏ chạy rồi. Bỗng nó dừng lại, lặng lẽ nhìn tôi như không có ác ý gì cả. Có thể nó nghĩ rằng "Con người kia, không định làm hại lũ con ta". Nó đưa mắt nhìn lên đàn con trên cây, rồi phát ra mấy tiếng "ệp, ệp, ệp". Lũ con lập tức tụt ngay xuống đất. Trông chúng thật ngoan ngoãn và nhanh nhẹn, như những đứa trẻ ngoan biết vâng lời cha mẹ. Những động tác leo trèo của chúng rất nhẹ nhàng và khéo léo. Chúng chuyền hết cành này xuống cành khác. Khi chân vừa chạm đất, cả ba mẹ con chạy thẳng một mạch về khu rừng phía nam. Tôi thấy ưa lũ gấu con này quá. Chúng thật là ngoan. Khi gấu mẹ sai bảo điều gì, lập tức chúng răm rắp vâng lời ngay.
Có lẽ chính cuộc sống đã dạy cho chúng phải biết vâng lời như thế. Vậy là ngay từ phút đầu tôi thấy mình đã thành đạt ý định. Tôi hoàn toàn thỏa mãn buổi gặp mặt mẹ con nhà gấu trong ngày hôm nay. Nhưng những người bạn ở khách sạn lại khuyên tôi nên đi thêm mười lăm dặm nữa, tới thẳng đống rác lớn phía bìa rừng thì tha hồ mà ngắm nghía đủ loại gấu ở xứ này.
Sớm hôm sau tôi lại lên đường tìm đến khu "nhà ăn" lớn của đàn gấu phía bìa rừng thông. Tới nơi tôi tìm ngay cho mình một chỗ nấp: đó là những bụi rậm, có những cây nhỏ mọc lúp xúp. Tôi chẳng phải đợi Lâu. Trước mắt tôi đã xuất hiện một anh chàng gấu đực to và đen, đang lững thững từ trong rừng bước ra. Anh chàng tiến thẳng đến chỗ đống rác, lấy chân trước bới móc trong đó, lôi ra những thức ăn thừa, rồi ngồi bệt xuống đánh chén. Nhưng anh chàng vẫn tỏ vẻ rụt rè e ngại điều gì đó. Bởi vì chỉ cần một tiếng động nhỏ ở chỗ nào đó là hai mắt anh chàng đã đảo ngay về phía ấy và sợ sệt chạy giật lùi vài bước. Và khi có con gấu thứ hai xuất hiện, thì anh chàng to đen này bỏ chạy thục mạng vào rừng ngay. Chú gấu mới đến thấy vậy cũng bỏ chạy liền. Nguyên nhân có thể do tôi thì phải. Vì đề được nhìn rõ hơn, tôi đã giơ tay gạt mấy cành cây trước mặt, làm cho cành cây bị rung. Lúc đầu trông thấy lũ gấu thần kinh tôi bị kéo căng ra như dây đàn. Vì bản thân chẳng có thứ gì để tự vệ ngoài chiếc máy ảnh và cuốn sổ tay ghi chép trong túi. Mà cũng không thể đem theo súng được, vì chuyện săn bắn đã bị cấm ngặt từ lâu. Nhưng những động tác rụt rè lo sợ của lũ gấu đã trấn an cho tôi rất nhiều. Bây giờ tôi thấy đỡ lo hơn so với lúc mới đến. Ở đây tôi đã được nhìn không chán mắt đủ loại gấu, hoàn toàn được chứng kiến cuộc sống thực của họ hàng nhà chúng.
Tuy thế tôi thấy chỗ mình chọn chưa hẳn đã tốt, vì vẫn còn cách đống rác tới bảy, tám chục bước. Mà quanh đống rác lại không có một bụi cây nào có thể nấp được. Tôi quyết định đến thẳng đống rác cao ngất đó, đào một cát hang vừa đủ nấp, rồi lấy các vỏ đồ hộp đậy kín quanh người.
Khi đã yên vị thì quả thực cái hang của tôi thật là tuyệt. Từ đây có thể tha hồ quan sát rất tường tận lũ gấu suốt ngày. Nhưng so với tôi thì lũ ruồi nhặng còn ham mê chỗ này hơn rất nhiều. Bởi vì mùi thức ăn thừa đã ôi thối xông ra quá khó chịu. Tới mức buổi chiều khi trở về khách sạn, người ta yêu cầu tôi phải thay quần áo ngay khi mới bước vào cửa.
Ngồi trong đống rác cả ngày như vậy quả không phải là điều thích thú gì. Nhưng phải nói ngày hôm đó mới thực sự là một dịp quý để tôi được tận mắt quan sát lũ gấu. Nếu tính tất cả những con gấu đã lai vãng tới đống rác thì phải có hơn 40 con. Tất nhiên con số này có thể bị sai lệch. Bởi vì có những con ăn uống no say đã quay về rừng, sau đấy lại trở lại. Nhưng ít nhất cũng phải xấp xỉ như vậy. Vì đã có lúc tôi đếm được hơn 30 con to nhỏ khác nhau. Suốt ngày hôm đó tôi không rời cuốn sổ tay, đánh dấu, ghi nhận xét từng con một. Và chỉ sau một lúc tôi đã biết cách phân biệt từng con khá đầy đủ và chính xác.
Nhiều người do không chịu quan sát kỹ càng, cứ cho tất cả những con vật cùng loài đều na ná như nhau.
Thực ra cũng như thế giời loài người, mỗi con vật trong cùng loài đều có nét nêng biệt về hình dáng và cá tính khác hẳn nhau. Nếu không thế thì làm sao những gấu lớn có thể nhận biết nhau, cũng như những con gấu nhỏ có thể nhận được đúng mẹ của chúng. Những con gấu đang cùng ăn uống với nhau, mỗi con đều có những đặc điểm riêng. Không có con nào giống con nào về hình dáng bên ngoài lẫn tính nết. Cũng chính ở đây tôi đã phát hiện ra một điều rất lạ và kinh ngạc: ở trong rừng tôi cò thể dễ dàng phân biệt được tiếng mổ vào cây của chim gõ kiến xa hàng trăm bước, phát hiện được cả tiếng kêu của chim dẻ cùi, thậm chí tôi có thể nghe thấy được cả tiếng động của chú sóc luồn qua nhánh lá; còn ở đây, đối với loài gấu tôi không làm sao có thể phát hiện được những bước đi của chúng, ngay cả khi chúng tiến sát lại phía mình. Những bàn chân to xoạc, nhưng lại rất mềm mại, chúng bước hết sức thận trọng và êm nhẹ, không hề làm gãy một nhành cây, hoặc làm rung một phiến lá. Hình như loài gấu đi lại trong rừng không hề gây ra tiếng động đã đạt tới trình độ nghệ thuật nhuần nhuyễn.
III
Suốt cả buổi sáng lũ gấu vẫn đi đi lại lại, không để ý gì đến tôi. Nếu không kể có một vài cuộc cãi lộn nho nhỏ thì giữa chúng không có gì đặc biệt xảy ra. Nhưng khoảng đến ba giờ chiều thì bỗng quang cảnh náo nhiệt hẳn lên.
Lúc đó ở bãi rác có bốn con gấu lớn đang ăn trưa. Trong đám có một con béo phị, dáng hiền từ. Chú này thoải mái nằm nhoài người ra gặm nhấm, chân tay bất động. Lưỡi chú thè ra đỏ lòm, dài ngoẵng như con rắn. Chả là chú đang liếm mấy cục xương gần đó mà chú vừa kéo lại được. Phía sau chú là cậu Dim Còm. Cậu ta đang tìm cách giải phẫu một con tôm hùm già khụ. Vì loại tôm này cả đời cậu chưa bao giờ được động đến, nên cậu quyết phải nếm thử xem sao. Hai con khác đang thi nhau vét sạch những phần còn lại trong hộp đựng hoa quả. Chúng khéo léo một cách kỳ lạ: lấy đôi chân trước giữ chặt vỏ đồ hộp, rồi nhẹ nhàng đưa lưỡi vào trong mà khoắng lấy thức ăn. Chúng đưa lưỡi nhẹ nhàng thận trọng, lướt qua những cạnh sắc của vỏ sắt tây, liếm đến sạch mọi thứ trong hộp. Cảnh đó kéo dài khá lâu, tôi có đủ thời gian chụp được tất cả những bức ảnh cần thiết về từng động tác khác nhau của từng con. Nhưng bỗng nhiên, cảnh yên ả bị đứt đoạn do một sự việc xảy ra quá bất ngờ và đường đột.
Thoạt đầu tôi đưa mắt về phía đỉnh dốc, nơi đang có một tiếng động nho nhỏ phát ra. Một con gấu mẹ to và đen xuất hiện, theo sau là một chủ gấu nhỏ tí. Đó đích là Grumpy cùng với cậu con trai Johnny của mình.
Gấu mẹ từ từ bò xuống dốc, Johnny lon ton theo sau, miệng vẫn quen kêu mấy tiếng "ắc ắc". Gấu mẹ luôn để mắt tới gấu con, giống như gà mẹ không bao giờ chịu rời lũ con bé dại của mình. Còn cách đống rác khoảng ba, bốn mươi bước, gấu mẹ quay hẳn lại với gấu con, có ý dặn dò: "Johnny, con yêu của mẹ! Con hãy đứng đây đợi mẹ một lát đã nhé! Mẹ sẽ đến đấy trước và xua bọn tham ăn đi đã".
Johnny vâng lời, đứng lại. Nhưng vốn tò mò, cậu muốn biết sự thể ra sao. Bởi vậy cậu đứng chồm ngay dậy, giơ cao hai chân lên, giương mắt, vểnh tai về phía đống rác.
Mẹ Grumpy tiến lại phía đống rác, vừa đi vừa gằm gừ như để báo động cho lũ gấu đang ăn. Nhưng vì mải ăn quá nên chúng có hay biết gì đâu. Tôi không tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra nếu gấu mẹ Grumpy đến để phá đám bữa yến tiệc của bốn anh chàng gấu đực này.
Grumpy vẫn gầm gừ tiến lại, rồi bỗng nhảy bổ vào tấn công trước. Thật lạ lùng, cả bốn anh chàng không hề chống cự chút nào, tất cả vùng dậy bỏ chạy liền. Có thể là chúng biết rõ địch thủ từ lâu. Dim Còm gầy nhom là thế, lại chạy nhanh nhất. Nhưng có hai con vẫn theo kịp được chú. Riêng cậu Fatty (béo ị) thì tội nghiệp quá cứ lạch bạch đằng sau, không sao theo kịp được các chiến hữu. Cậu chạy ì ạch phía sau, miệng thở phì phò. Và thật rủi ro cho cậu quá: cậu cứ cắm đầu lao về phía gấu con Johnny đang đợi mẹ. Lập tức chỉ cần mấy bước Grumpy đã đuổi kịp, và tặng ngay cho anh chàng một cú đánh trời giáng vào mông. Dù bị đánh nhưng Fatty cũng không thể chạy nhanh hơn được. Cậu ta chỉ kịp rú lên một tiếng, rồi chệnh choạng lao về hướng khác. Giờ đây mẹ con nhà Grumpy là những người chủ duy nhất của kho thực phẩm không bao giờ cạn này. Gấu mẹ quay lại phía con, kêu hai tiếng "ếp ếp". Johnny đáp lại bằng những bước nhảy đại, đầy vui sướng trên ba chân khỏe mạnh của mình. Vừa đến chỗ mẹ, cậu lao vào đánh chén ngay, quên cả gầm gừ la hét. Rõ ràng cậu ta rất thường xuyên có mặt ở đây: cậu phân biệt rất sành các loại đồ hộp khác nhau. Loại hộp đựng tôm hùm không làm cậu thích thú bằng loại hộp đựng hoa quả và mứt. Nhưng điều làm cậu khó chịu nhất là lúc liếm láp thỉnh thoảng lưỡi lại vập vào những cạnh sắc của nắp hộp. Nhiều lúc bị đau nhói, co mình lại và rụt lưỡi vào. Cậu thích nhất là hộp đựng hoa quả. Bởi vì loại hộp này được người ta mở rộng miệng hơn. Cậu thò hẳn cả đầu vào trong mà thưởng thức các thứ còn dính trong đó. Có hộp cậu thò đầu vào tới mấy phút liền, khi kéo đầu ra thì bên trong sạch bóng như có người lau chùi cẩn thận. Nhưng kìa, làm sao mà cậu rúc đầu vào trong một chiếc hộp Lâu đến thế? Cậu bắt đầu gầm gừ, cắn xé. Chả là cậu không làm sao lôi được đầu ra khỏi miệng hộp. Cậu lúc lắc, dùng hai chân trước cào cấu cái hộp. Nhưng vô hiệu, cái hộp vẫn cứ bám chặt vào đầu cậu. Mẹ Grumpy cũng rất đau lòng trước tai nạn của đứa con phàm ăn, nhưng cũng chịu bó tay, không có cách nào cứu giúp. Phải tới mấy chục phút sau cậu mới lôi được đầu ra. Bực tức, cậu giẫm cái hộp vô tội kia bẹp gí. Ngay sau đấy có một hộp đựng xi rô đặc còn gần như nguyên đã đáp lại cậu khá hậu. Loại hộp này được mở bằng nắp xoáy, miệng khá rộng, lại trơn tru, không có góc cạnh. Nhưng cậu vẫn không thể dùng lưỡi liếm xi rô giấu tít ở trong được, mà thò hẳn đầu vào thì cậu hoàn toàn không muốn nữa rồi. Loay hoay mãi cậu liền nghĩ ra cách khác tiện hơn: một chân giữ chặt hộp, còn chân kia thò hẳn vào trong hộp mà ngoáy thức ăn. Kéo được chân ra là cậu đưa ngay lên mồm. Một lúc cậu lại đổi chân khác, cho vào hộp mà ngoáy, mà mút, kỳ đến khi chiếc hộp sạch bóng như mới xuất xưởng mới chịu thôi.
Sau đấy cậu lại bị cuốn hút vào một chiếc bẫy chuột đã hỏng. Cậu quan sát ngắm nghía nó tứ bề. Từ trong bẫy tỏa ra mùi thơm nức của miếng pho-mát hãy còn nguyên được gài bên trong. Nhưng cái thứ chưa từng động đến bao giờ này, xem chừng cậu đối xử với nó có phần nể nang và thận trọng hơn. Cậu dùng bàn chân đập cái bẫy một cú khá nặng. Kết quả chân cậu bị đau ê ẩm, mặt mày nhăn nhỏ. Nhưng cậu vẫn cố chịu đựng, không kêu la cầu cứu mẹ.
Cậu quan sát kỹ chiếc bẫy một lần nữa: ngó nghiêng hết mọi phía, môi giãn ra như chiếc tẩu hút thuốc. Hình như chiếc bẫy cũng giống những cái hộp đựng hoa quả đã hoàn toàn chịu khuất phục. Và sự cố gắng kiên trì của cậu đã được đáp lại khá hậu: cậu moi từ trong lòng chiếc bẫy tội lỗi ra một miếng pho-mát thơm phức.
Có lẽ từ trườc đến giờ Johnny chưa từng biết ngộ độc là thế nào. Lần này cũng vậy cậu ăn uống không từ một thứ gì, hết loại này đến loại khác; từ hoa quả, mứt vữa đến bơ thừa, thịt ôi. Tất tần tật cậu đều xơi hết. Bụng cậu phồng lên như quả bóng, đôi chân trước do bị liếm quá nhiều nên sạch bóng, tựa như người đeo găng đen.
IV
Bỗng một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu tôi: chỗ tôi đang nấp có thể rất nguy hiểm. Chỉ cần cậu gấu con kia thoáng thấy tôi thì mọi chuyện chắc chắn sẽ khác ngay. Cậu ta sẽ hoảng sợ kêu toáng lên. Và tôi phải gánh chịu cơn thịnh nộ của gấu mẹ trút xuống. Mà cũng có thể Johnny sẽ đến chỗ hang tôi đang nấp để bới các hộp thức ăn và tất sẽ phát hiện ra tôi. Cậu sẽ hét lên lập tức. Gấu mẹ sẽ ngờ tôi tấn công đứa con yêu của nó, tất nhiên nó không thèm nghe tôi phân giải. Và tôi thì chắc chắn không thể ngồi yên thế này được nữa. Cũng may là tất cả các vỏ đồ hộp đựng mứt đều đổ ở phía cuối đống rác, mà Johnny thì cứ xoắn xuýt lấy đống vỏ đó. Mẹ cậu cũng chỉ luẩn quẩn gần đấy, không muốn xa cậu nửa bước. Thấy mẹ bới tìm được thứ gì có vẻ ngon miệng cậu kêu inh lên ngay và chạy lại giành bằng được của mẹ. Vô tình cậu đưa mắt về phía đỉnh dốc. Hình như đã phát hiện ra một thứ gì đấy, cậu ta ngồi lên đôi chân sau, miệng kêu mấy tiếng "hệp, hệp" vẻ hốt hoảng. Gấu mẹ liền quay lại ngay và cũng đảo mắt về phía đỉnh dốc. Tôi cũng nhìn theo chúng. Mắt tôi gặp ngay một anh gấu đực sao mà to đến thế! Đó thực sự là loài vật khổng lồ giống như chiếc xe ngựa được trùm ngoài bằng chiếc chăn lông thú, đang di động giữa những bàng thông cao vút. Johnny kêu lên mấy tiếng "ác ác" rồi chạy lại nấp sau lưng mẹ. Grumpy cũng bắt đầu gầm gừ mấy chòm lông ở lưng dựng ngược lên như bờm ngựa. Quả tình lúc đó tôi cũng sởn cả tóc gáy, phải ngồi thật im không dám cựa quậy.
Anh chàng có cái tên gọi Grizzly này lặng lẽ và thản nhiên tiến thẳng đến chỗ đống rác, dáng thật oai phong lẫm liệt. Đôi vai to bè với bộ lông trắng phớt cứ lúc lắc đều đặn theo nhịp bước. Tất cả những cái đó tạo cho anh chàng một uy lực mãnh liệt. Kẻ khác cứ trông thế đã phải hoảng sợ rồi. Johnny lại càng kêu to hơn, toàn thân co dúm lại, nấp kín sau lưng mẹ. Tôi thấy thương và ái ngại cho cậu quá. Nhưng tình thế buộc tôi phải giữ mồm giữ miệng. Điều đó cũng thật dễ hiểu!
Vẻ tần ngần, Grumpy quay lại với đứa con trai đang mếu máo, rồi kêu liền mấy tiếng mà tôi vẫn nghe quen tai "cốp, cốp, cốp". Qua tiếng kêu đó tôi cũng có thể hình dung được rằng nó đang dặn dò đứa con: "Con thân yêu! Con phải trèo lên cây ngay, để mẹ tìm cách đuổi cổ thằng láo xược này đi đã!". Trong mọi trường hợp Johnny đều răm rắp làm theo lời mẹ. Lên được trên cây rồi, cậu giấu kín mình trong những vòm lá. Bị che khuất, không tài nào có thể xem được sự thể ra sao. Vốn tính tò mò, cậu lại trèo hẳn lên tít ngọn cây. Phía trên đầu cậu là cả một khoảng trời trải rộng... Cậu quay người tứ phía, miệng kêu the thé, hệt như đứa trẻ bị kích động. Những cành cây mảnh dẻ trĩu hẳn xuống vì sức nặng của cậu. Nó chao đảo lắc lư hòa nhịp với tấm thân cậu đang nhún nhảy. Tôi hồi hộp chờ đợi giây phút cành cây kia sẽ gãy và Johnny sẽ ngã vật xuống ngay chỗ tôi nấp. Khi đó buộc tôi phải có một cuộc cãi lộn với mẹ con nhà cậu, chứ không thể tránh được. Nhưng thật may là cành cây lại chắc hơn tôi tưởng. Còn Johnny vẫn đánh đu, chẳng chịu ngồi im. Còn Grumpy tiến lại gần, mặt đối mặt với anh chàng khổng lồ, vừa đi nó vừa vươn dài chiếc cổ về phía trước, lông xù ra, hàm răng nghiến vào nhau ken két.
Tôi chăm chú xem thái độ của anh chàng Grizzly ra sao. Nhưng anh chàng tỏ ra cứ phớt lờ, tựa như không thấy Grumpy đang tiến lại phía mình, anh chàng vẫn thong thả đi về phía đống rác. Có lẽ anh ta cho rằng mình mới là người chủ thực sự của kho báu vật này. Khi hai bên vừa chạm nhau, gấu mẹ Grumpy gầm lên một tiếng nhảy bổ vào táng ngay cho anh chàng một đòn phủ đầu. Bị bất ngờ anh ta có hơi luống cuống một chút, nhưng vẫn kịp đáp lại ngay bằng một cú đá chân trái. Grumpy ngã bổ nhào như một đụn rạ. Nhưng gấu mẹ đâu có chịu nhún, nó vùng dậy ngay và trở nên hung dữ hơn, tiếp tục nhảy vào tấn công.
Hai bên ôm ghì nhau, gầm gừ cắn xé, lăn lộn trên đất, mồm thở hồng hộc, bụi bay mù mịt. Trong cái âm thanh hỗn loạn đó tôi vẫn nghe rõ tiếng the thé của Johnny trên cây. Hình như cậu ta đang giục mẹ phải nhanh chóng kết liễu thằng vô lại kia.
Tôi cũng không hiểu nổi tại sao anh chàng khổng lồ không cho gấu mẹ đo ván ngay. Có đến mấy phút liền hai bên vẫn cứ quần thảo nhau, bụi bay lên mù mịt một khoảng trời.
Bỗng cả hai đều rời nhau ra. Có thể là theo thỏa thuận của đôi bên, hoặc theo thể lệ đấu loại của loài gấu, mà chúng đều nhất loạt dừng lại. Chúng đứng im, bốn mắt chăm chăm nhìn nhau. Grumpy thân hình tả tơi, có lẽ là bà bạn bị thua một trận khá đậm.
Anh chàng khổng lồ muốn giới hạn trận đấu ở đây, không có ý định tiếp tục, lại lững thững bước đi về phía đống rác. Có lẽ điều mong muốn duy nhất của anh ta là được sống yên ổn và đánh chén một bữa trưa no nê. Nhưng Grumpy không muốn thế. Ngay khi anh chàng khổng lồ bước những bước đầu tiên về phía đống rác, thì nàng Grumpy lại khởi sự ngay. Lần này Grizzly đã sẵn sàng hơn, anh ta liền táng lại bà bạn một cú đá chân phải như trời giáng, bà bạn ngã chổng kềnh như một gốc cây bị bão làm trốc rễ. Rồi anh ta xông vào tiếp, vồ lấy bà bạn, ôm nâng lên và quăng vào một thân cây cạnh đó. Bà bạn đã được một bài học đích đáng, tìm cách trốn thoát cho mau. Nhưng giờ thì anh chàng khổng lồ giận dữ đuổi theo. Cũng may vì có những thân cây to nên Grumpy cứ chạy trốn quanh các gốc cây. Do nhỏ bé hơn nên bà ta đã nhanh nhẹn thoát được những cú đấm của chàng khổng lồ.
Trên cao cậu con trai dường như muốn chia sẻ nỗi đau đớn với mẹ bằng những tiếng kêu the thé. Thấy dồn mãi kiểu đó cũng vô hiệu, anh chàng khổng lồ dừng lại, hai chân trước dựng ngược, có ý tìm cách khác để trừng trị. Lợi dựng sơ hở đó, bà bạn Grumpy ba chân bốn cẳng nhảy bổ lại cây thông, trèo tót ngay lên với con trai.
Cậu Johnny liền tụt xuống thấp hơn để đón mẹ và cũng để cho cành cây khỏi bị gãy vì sức nặng của hai mẹ con. Tuy đã chụp được hàng loạt những kiểu ảnh khác nhau, nhưng tôi vẫn quyết định phải chụp một kiểu ở cự ly gần nhất. Lần đầu tiên trong ngày hôm đó tôi đã liều mình chui ra khỏi hang, chạy đến gốc cây có mẹ con nhà gấu đang nấp để chụp được thật gần. Nhưng việc thay đổi vị trí đó đã sai lầm. Vì đứng dưới gốc nhìn lên tôi có thấy mẹ con nhà gấu nấp ở chỗ nào đâu, chỉ thấy lá cây um tùm.
Tôi tựa người vào gốc cây, dán mắt lên chờ đợi. Nếu chúng xuất hiện thì có thể chụp được ngay. Bỗng Grumpy bắt đầu tụt xuống, hai hàm răng nghiến ken két, mồm khục khoạc ho, vẻ giận dữ như sắp xung trận. Tôi vẫn đứng nguyên dưới gốc, không biết làm cách nào để trốn thoát được. Bỗng có tiếng ai gọi giật giọng ở sau:
- Ồ thưa ông! Con gấu cái kia sẽ tấn công ông ngay.
Quay lại tôi thấy anh chàng chăn gia súc của khách sạn. Anh ta có việc đi ngang qua đây đúng lúc cuộc lộn xộn xảy ra.
- Anh biết rõ những con gấu này chứ? - tôi hỏi khi anh ta xuống ngựa tiến lại gần.
- Biết rất rõ, thưa ông - anh đáp. - Đó là cậu Johnny và mẹ cậu là Grumpy. Bình thường thì Grumpy rất hiền. Nhưng nếu có kẻ nào tấn công nó như lúc nãy chẳng hạn, thì hãy coi chừng!
- Tôi rất muốn chụp kiểu ảnh khi nó tụt xuống đất.
- À ra vậy! Thôi cũng được. Tôi sẽ ngồi trên ngựa bên cạnh ông. Nếu nó tấn công ông thì tôi sẽ tìm cách ngăn lại.
Rồi anh ta cưỡi ngựa đứng cạnh tôi như đã hứa. Grumpy gầm gừ chuyền từ cành này sang cành khác từ từ tụt xuống. Nhưng xuống chân chưa chạm đất, lập tức nó nhảy bổ ra hướng khác, bỏ chạy vào rừng. Còn một mình Johnny trên cây, cậu ta trèo lên chỗ lúc nãy và cất tiếng kêu khóc, vẻ oán trách.
Tôi chuẩn bị đưa ống kính lên ghi lại cảnh Johnny kêu khóc một mình. Nhưng bỗng cậu ta vươn dài cổ ra, không thèm khóc nữa mà lại kêu the thé, mắt cứ ngước nhìn về phía khác.
Tôi dõi theo hướng cậu ta nhìn thì gặp ngay anh chàng khổng lồ đang đi lại phía chúng tôi đứng. Nhưng thái độ anh chàng chẳng có vẻ gì là giận dữ thù địch với chúng tôi. Anh ta lại có ý tránh xa dần chỗ chúng tôi đứng. Tôi hỏi anh chăn gia súc có biết con gấu này không. Anh đáp ngay:
- Làm gì mà không biết nó. Đó là Grizzly to khỏe nhất ở khu này. Thường nó chỉ bận rộn với công việc của mình, nó tránh tất cả những cuộc đụng độ với con khác, nếu như nó không, bị quấy rầy. Nhưng hôm nay như ông thấy đấy nó tỏ ra quá giận dữ. Phải cẩn thận đấy ông ạ!
- Nhưng tôi chỉ muốn chụp ảnh nó thôi - tôi đáp - Anh có thể giúp tôi làm việc đó được không?
- Cũng được - anh ta miễn cưỡng trả lời - Tôi sẽ ngồi trên ngựa. Nếu nó tấn công ông thì tôi sẽ tìm cách thu hút nó về phía mình. Tôi chỉ có thể đánh nó một lần thôi, chứ không thể tiếp tục mãi được đâu. Có lẽ ông cứ trèo lên cây mà chụp thì yên ổn hơn.
Nhưng cạnh đấy chỉ có mỗi một cây to, mà cậu Johnny đã chiếm cứ rồi. Nếu tôi cứ trèo lên đó thì Grumpy ở đằng xa dõi theo ngay và nhất định nó chẳng để tôi được yên thân, sẽ quăng tôi xuống cho anh chàng Grizzly khổng lồ đứng đợi ở dưới. Grizzly vẫn thong thả bước lại. Tôi vội chụp liền mấy kiểu ở khoảng cách ba mươi, bốn mươi bước, rồi hai mươi bước. Tôi từ từ ngồi xuống vừa chụp vừa chờ đợi... mười tám, mười bảy, mười hai, tám... bước. Nó vẫn chưa chịu dừng. Johnny trên cây thì càng la hét dữ hơn. Cuối cùng còn chừng năm bước nữa thì anh ta dừng lại và nghiêng cái đầu đầy lông lá lên cây, như để xem có đứa nào trên đó mà cứ the thé khiếp thế? Tôi liền vặn lại ống kính để chụp anh ta ở tư thế nghiêng. Chính vì vậy mà gây ra tiếng động. Lập tức anh ta quay lại ngay, kèm theo một tiếng gầm khủng khiếp. Tôi lặng người đi và nghĩ rằng: "Thôi số phận của ta đến đây coi như đã hết". Anh chàng trừng trừng nhìn tôi khá lâu. Bây giờ tôi có thể rõ ràng phân biệt được từng ánh lửa xanh lẹt trong khoé mắt nhỏ xíu của anh ta. Anh ta cúi xuống và vớ ngay một hộp đựng cà chua rất to.
"Ôi cha! Nếu nó liệng cái hộp kia vào đầu thì khó mà sống nổi?", tôi nghĩ vậy. Nhưng không, anh ta chỉ liếm láp qua loa cái hộp đó, rồi liệng sang một bên. Vớ cái hộp khác, anh ta tiếp tục liếm láp. Dường như anh chàng chẳng thèm để ý tới xung quanh... Có lẽ anh ta cho rằng cả tôi và cả Johnny trên cây là những kẻ không thèm chấp thì phải?
Tôi nhẹ nhàng lùi lại mấy bước, lòng đầy kính nể ông vua của xứ núi rừng này. Và theo lệnh của "ông ta", tôi phải ngoan ngoãn nhường lại toàn bộ kho báu vật này cho người chủ chính cống của nó. Riêng Johnny trên cây thì bắt đầu khóc, cậu vừa khóc vừa kêu meo meo như tiếng mèo con xa mẹ. Đối với gấu mẹ Grumpy, đã xảy ra điều gì thì tôi hoàn toàn không được biết. Còn Johnny thì cứ khóc lóc như thế dù cậu cũng hiểu được rằng khóc là vô ích. Cách thông minh nhất là phải yên lặng để tự lo lấy số phận của mình vậy. Bởi vì chỉ có mỗi bà mẹ là có thể lo toan, cứu giúp cậu thôi. Nhưng giờ đây đâu còn thấy bóng dáng mẹ Grumpy!
Cậu hếch cái mõm bé nhỏ và thật láu lỉnh về phía anh chàng Grizzly và theo dõi từng bước chân của anh ta. Đợi lúc Grizzly bước ra xa khỏi gốc cây, tức thì cậu ta bám vào thân cây phía khuất Grizzly đứng và từ từ tụt xuống. Còn xa mặt mặt đất cậu đã vội nhảy liều xuống và nhanh chóng trèo tót lên cây bên cạnh. Cậu chẳng còn thời gian dừng lại để thở nữa. Cậu cho rằng cái anh chàng khổng lồ kia vì giận mẹ cậu mà có thể xé xác cậu mất.
Nhưng anh chàng Grizzly chẳng hề mảy may bận tâm đến Johnny. Vậy mà mắt cậu vẫn không rời anh ta. Cậu cứ chuyền từ cành nọ sang cành kia như để đánh lừa đối thủ. Rồi bằng một động tác nhanh gọn, cậu biến ngay vào rừng. Sau đấy ít phút, tôi đã nghe tiếng mếu máo của cậu từ xa vọng tới. Tôi đoán chừng cậu tìm thấy mẹ và đang than thở và trách móc, mong mẹ sẽ đáp lại bằng tình mẫu tử rộng lớn nhất.
V
Trong số những thức ăn thừa vứt ra đống rác, Johnny thấy món mận hộp là hợp khẩu vị hơn cả. Chỉ mới ngửi thấy mùi mận bụng cậu đã cồn cào xốn xang không sao cưỡng nổi cơn thèm thuồng. Một bận chắc nhà bếp khách sạn nướng rất nhiều bánh có tẩm loại mứt mận đó, những cơn gió hay mách lẻo đă đi tuyên truyền khắp khu rừng về loại bánh nướng này. Gió cũng đã đến tận chỗ Johnny và chạy thẳng vào mũi, xông vào tận ruột gan cậu.
Cũng chính lúc đó như thường lệ cậu Johnny cứ kêu ắc ắc khóc vòi mẹ. Còn gấu mẹ vẫn mải mê chải chuốt bộ cánh cho thằng con trai hay mè nheo của mình. Có thêm mùi bánh nướng đến giúp sức, cậu lại càng làm già kêu khóc rên rỉ hơn, có lúc tức giận cậu còn cắn mẹ nữa. Lẽ ra gấu mẹ phải cho cậu một bài học đích đáng về hành động xấc xược này. Nhưng mẹ Grumpy cũng chỉ gầm gừ mấy tiếng, vẻ không hài lòng. Johnny cứ nhấp nhỏm đòi đi mấy lần rồi. Thế là cậu vùng ra, chạy theo hướng làn gió. Gấu mẹ đành bước theo sau để hộ vệ cho cậu con trai phòng khi có kẻ nào đấy làm hại con mình.
Hếch cái mũi đen về phía chiều gió, Johnny cứ nhằm hướng nhà bếp khách sạn mà tiến. Tuy thế cậu vẫn tỏ ra thận trọng, luôn phòng ngừa. Thỉnh thoảng cậu vẫn đảo mắt đến từng gốc cây bên đường. Nếu có bất trắc thì cậu sẽ tót ngay lên cây, tha hồ yên ổn. Hơn nữa lại có mẹ gác ở dưới đất thì chắng phải lo gì. Nhưng đến gần bếp khách sạn, Johnny lại tỏ ra ngần ngừ, không sốt sắng như lúc ban đầu. Cậu trèo lên một cây cao gần đấy và la hét vòi vĩnh. Tiếng khóc của cậu nghe thật não lòng. Mẹ Grumpy cũng chẳng rõ thằng bé sao lại kêu la đến thế. Nhưng khi gấu mẹ định quay lại phía rừng thì cậu lại càng làm inh ỏi hơn. Thấy thế gấu mẹ không dám quay lại nữa.
Mà Grumpy cũng tán thành với con là phải nếm thử loại bánh tẩm mận này. Vì mùi vị của nó quá hấp dẫn, thơm nức cả mũi. Và thế là gấu mẹ lùi lũi tiến thẳng vào bếp, không chút ngần ngại.
Những sự việc thế này vẫn thường xuyên xảy ra ở khách sạn: các chú gấu thường lui tới chỗ cửa bếp để nhận những mẩu bánh thừa do những người bồi bàn của khách sạn vứt ra. Ăn uống xong xuôi chúng lại quay về rừng một cách yên lành.
Cho nên mẹ con nhà Grumpy cũng sẽ được hưởng như thế, nếu không xảy ra một sự kiện rất bất ngờ trong ngày hôm đó.
Trước đó mấy ngày có một người du lịch từ một bang thuộc miền đông ghé qua khách sạn và đem tới một con mèo mẹ với bốn mèo con. Khi Grumpy tiến đến cửa bếp thì mẹ con nhà mèo đang ngồi sưởi nắng trước thềm.
Vừa mở mắt ra mèo mẹ kinh ngạc thấy ngay con vật to xù lông lá đầy người, sừng sững đứng trước mặt mình. Mèo ta cũng chưa được thấy loài gấu bao giờ, vì mới đến đây được ít ngày. Thậm chí mèo cũng không hiểu đây là con gì nữa, chẳng phải là chó, vì với chó thì mèo ta đã quen qná đi rồi. Mà nếu là chó thì đây phải là loài chó khổng lồ, còn khủng khiếp hơn nhiều so với những con chó nó thấy trong thực tế và trong giấc mơ.
Suy nghĩ đầu tiên đến của mèo mẹ là phải tháo chạy ngay. Nhưng chợt nghĩ đến đàn con dại, nó thấy không thể làm thế được. Nó thấy phải gánh trách nhiệm che chở nuôi nấng đàn con cho tới khi chúng khôn lớn. "Muốn gì đi nữa cũng phải để cho lũ con chạy trước đã". Mèo mẹ tự nghĩ vậy.
Thế là mèo nhảy hẳn ra giữa thềm, lưng uốn cong lại, đuôi chổng ngược lên và giơ hết các vuốt ra phía trước... Nói chung là cô này chuẩn bị mọi tư thế cần thiết và có ý nói nhỏ với gấu mẹ một mệnh lệnh rất nghiêm khắc: "Đứng lại!"
Mệnh lệnh đó được phát ra bằng ngôn ngữ riêng của loài mèo. Gấu ta dường như cũng hiểu được thứ ngôn ngữ đó. Những người mục kích cảnh đó đều thừa nhận Grumpy không những đã dừng lại mà còn giơ cả hai chân trước lên, vẻ phục tùng.
Khi làm động tác đó gấu mẹ đã kịp quan sát cô mèo từ đầu đến chân. Nó thấy mèo ta bé quá. Mà gấu mẹ Grumpy này đã không run sợ trước cả thằng khổng lồ Grizzly kia mà? Sao bây giờ lại phải lùi bước trước con vật có đuôi chỉ to bằng nắm đấm, vừa chui lọt cái miệng của mình là cùng! Nó cảm thấy xấu hổ về sự rụt rè, e ngại ấy. Bên ngoài, thằng Johnny vẫn cứ kêu khóc, như thôi thúc nó tiến lên để kiếm cho được mấy mẩu bánh.
Thế là gấu đứng thẳng lên, định tiến về phía trước. Còn mèo ta vẫn nhắc lại mệnh lệnh lúc nãy: "Đứng lại!". Nhưng Grumpy không thèm nghe, vẫn định đi vào. Tiếng kêu hốt hoảng của lũ mèo con đã thôi thúc mèo mẹ buộc phải có hành động cứng rắn chặn con gấu gan lì này lại. Từ những cái vuốt đến hàm răng sắc nhọn, tất cả vũ khí mà mèo ta sẵn có đều đã sẵn sàng để tiếp đón gấu mẹ. Với sự liều lĩnh tuyệt vọng, mèo mẹ xông lại cắn một nhát vào mũi - đó là chỗ hiểm yếu của họ nhà gấu. Rồi mèo ta nhảy phóc lên lưng gấu, trườn hẳn về phía đuôi. Gấu ta rùng mình mấy cái để hất con vật nhỏ bé nổi khùng này xuống. Và cũng như các con vật khác khi lâm nguy, nó vội quay đầu tháo chạy về phía khu rừng thân thuộc của mình. Còn mèo ta chưa cho thế là hả, vẫn cứ bám chặt vào lưng gấu, ra sức cào cấu, cắn xé. Grumpy quá hốt hoảng chạy thục mạng. Gấu ta đã phải để lại dọc đường những đám lông và những giọt máu tươi đỏ ối. Tưởng danh dự của mèo được tôn trọng đến thế là đủ. Nhưng mèo mẹ chưa chịu buông tha, cứ cào cấu trên lưng con vật khổng lồ tội nghiệp. Còn gấu thì hoàn toàn chịu hàng phục không điều kiện. Mèo mẹ vẫn giả câm giả điếc trước lời phân trần thống thiết của gấu. Không rõ sự thể sẽ còn tiếp diễn đến đâu, nếu không có Johnny trên cây bày cho mẹ mình một kế để thoát thân. Hiểu ý, Grumpy nhảy liền mấy bước tới gốc cây thông và trèo tót lên. Mèo ta thấy mình đã sa vào hang ổ của kẻ thù, mà quân lính bên chúng lại đông gấp bội; nên nó khôn khéo chấm dứt cuộc cào cấu, săn đuổi, nhanh chóng nhảy khỏi lưng gấu, nhưng vẫn đứng quanh gốc cây, đuôi chổng ngược, mắt dõi theo kẻ thù. Sau có cả mấy chú mèo con cũng chạy đến để tiếp ứng cho mẹ. Cả bọn đều kêu vang khắp khu rừng như hoan hỷ thắng lợi của người mẹ trước kẻ thù khổng lồ kia.
Những người chứng kiến cảnh ẩu đả hôm đó cho rằng mẹ con nhà gấu sẽ có thể chết đói chết khát trên cây nếu sau đấy người đầu bếp khách sạn không gọi mẹ con nhà mèo quay trở về.
VI
Lần cuối cùng tôi gặp Johnny vẫn trên chót vót ngọn cây. Cậu vẫn có thói quen ngồi thu mình trên đó mà than thở cho sổ phận hẩm hiu của mình. Còn lúc đó mẹ của cậu đi sục sạo khắp nơi, ý chừng tìm gặp lại địch thủ hôm trước - kẻ đã làm nó rách mũi xước lưng - để báo thù.
Bây giờ đã sang tháng 8, tính nết của nó cũng có nhiều thay đổi. Trong số những con gấu trú ngụ ở công viên gần khách sạn Phôn-tan này thì người ta vẫn coi Grumpy là kẻ ghê gớm nhất. Tình mẫu tử của nó đối với Johnny vẫn quyết định tính cách của nó. Hàng ngày nó vẫn lang thang khắp khu rừng như để tìm kiếm và bảo vệ thằng con trai của mình. Tới cuối tháng 8 vẫn thấy Johnny một mình lang thang trên các ngọn cây, vẻ cô đơn bất hạnh.
Phần cuối của câu chuyện được ghi lại vào thời gian khi tôi đã rời khách sạn.
Một lần vào lúc rạng đông, Johnny cùng mẹ đi kiếm ăn quanh khách sạn. Lúc đó ở trong bếp chỉ có một mình cô Norah, cô gái vừa mới được nhận vào làm phụ việc. Qua cửa sổ cô nhìn thấy hình như có con bê nhà ai đang lang thang. Cô mở cửa sổ để xua con "bê" đó đi. Cánh cửa vừa mở toang gấu mẹ đã kinh hoàng. Vì trong đầu gấu mẹ liên tưởng ngay đến những con mèo ranh mãnh hôm nọ. Thế là gấu mẹ bỏ chạy thục mạng. Bị mẹ bỏ rơi. Johnny hốt hoảng lao tới một cây gần đấy nhất và trèo tót lên ngọn. Thật không may, đó lại là cái cột đèn. Cậu leo rất nhanh, tót mãi lên đỉnh cột. Ngồi trên đỉnh cậu ta bắt đầu trút ra biết bao lời than vãn về mẹ. Vì mẹ cậu đã bỏ chạy từ lâu, không thèm ngó ngàng gì đến cậu nữa. Cô gái chạy ngay đến cột đèn và tự thấy mình đã nhầm lẫn - đó là con thú hoang dã chứ không phải là con bê. Cô bắt đầu hoảng sợ chẳng kém gì chú gấu. Và lúc đó, có mấy người làm bếp kịp chạy đến. Họ biết ngay là cậu Johnny hay vòi vĩnh và quyết định bắt sống.
Người ta đem đến đủ loại: vòng cổ, dây xích... chuẩn bị cho cuộc bắt cóc thích thú này. Tuy Johnny đã làm cho mấy người bị sây sát chân tay, nhưng cuộc giằng co đó kéo dài không lâu. Cuối cùng cái vòng sắt vẫn quàng được vào cổ cậu Johnny ngang bướng. Người ta cột cái dây xích vào chân cột đèn. Bị bắt cóc, Johnny càng lồng lộn hơn. Thoạt đầu cậu không kêu la gì, chỉ cào cấu, cắn xé, bất kỳ vật gì quanh mình. Cậu cứ tiếp diễn những động tác đó tới khi thấy đã mệt lử mới chịu dừng. Và bây giờ cậu lại bắt đầu kêu la gọi mẹ. Tuy đôi lần mẹ Grumpy có xuất hiện cách cột đèn nhưng khá xa, có thể do sợ mẹ con nhà mèo mà gấu mẹ cứ mặc cho Johnny tự lo lấy số phận của mình.
Suốt ngày hôm đó Johnny khi cắn xé, khi gào thét. Tới chiều dường như đã kiệt sức, cậu mới nhấm nháp chút thức ăn do cô Norah đem đến. Cô gái tự thấy mình phải có trách nhiệm chăm sóc cậu thay gấu mẹ. Cô cho rằng vì mình mà Johnny phải xa mẹ.
Đêm đó rất lạnh và Johnny đã bị cảm. Trong những ngày tiếp theo người ta vẫn thấy Grumpy thỉnh thoảng xuất hiện quanh đống rác. Tựa như nó đã quên đi đứa con trai của nó. Còn Johnny vẫn ở với cô Norah. Cậu được cô gái chăm sóc rất cẩn thận, chu đáo. Tuy vậy đối với cô Norah, cậu vẫn thấy có cái gì khang khác, khó gần.
Một lần khi cô Norah đem thức ăn đến, cậu đã đớp vào tay cô một cái và thế là cậu được đáp lại mấy cái phát vào mông. Mấy giờ liền cậu hờn dỗi, tuyệt thực. Nhưng dẫu sao cái đói vẫn có chỗ đứng khá vững trong ruột gan cậu, đã cào cấu, cắn xé bao tử cậu một trận nên thân.
Cũng từ đó Johnny đã đối xử với cô Norah lễ phép, biết điều hơn. Cô Norah cũng hết lòng chăm sóc cậu gấu cô đơn, tội nghiệp này. Qua hai tuần, tính nết của Johnny đã thay đổi nhiều, cậu tỏ ra từ tốn, hiền lành, dễ bảo hơn. Lúc đói, theo thói quen cậu vẫn kêu với giọng nỉ non "ếp êp ếp..." chứ không la hét như trước. Cậu đã chấm dứt các trò cắn xé điên loạn như trước đây.
Tới trung tuần tháng 9 thì tính nết Johnny hoàn toàn thay đổi. Do bị mẹ bỏ rơi, bây giờ cậu hoàn toàn gắn chặt với cô Norah - người đã nuôi dưỡng và có lúc đã trừng phạt cậu. Cậu đã ra dáng là một chú gấu con có giáo dục đàng hoàng. Đôi khi cô Norah còn thả cho cậu được tự do. Nhưng cậu không chạy vào rừng, mà cứ lẩn quẩn theo chân người mẹ nuôi suốt ngày trong bếp. Sống ở đây cậu buộc phải làm quen với mẹ con nhà mèo - những con vật mà theo cậu là đáng sợ nhất vì chúng đã từng làm cho mẹ cậu một mẻ sợ suýt vỡ mật. Nhưng Johnny lại cảm thấy chẳng có gì đáng sợ cả. Có lẽ vì cậu thấy đã có người bảo vệ rất chắc chắn, đó là cô Norah. Một thời gian sau lũ mèo cũng đã làm lành với cậu, không còn gầm gừ với cậu như trước nữa.
Tới tháng 10, khách sạn bắt đầu đóng cửa. Vì trời đã sang đông rồi. Người ta bắt đầu nghỉ. Làm gì với Johnny cho hợp đây: thả cho cậu về rừng, hay đưa về vườn bách thú Wasington. Nhưng cô Norah vì nguyên nhân nào đó không rõ, cô không muốn từ bỏ quyền hạn và trách nhiệm người mẹ nuôi: cô gánh phần chăm sóc cậu trong mùa đông này. Những đêm lạnh giá dữ dội của tháng giêng đã làm cho Johnny trở chứng ho. Người ta đã khám tim phổi và cả cái chân què của cậu, và kết luận rằng sức khỏe của cậu giảm sút quá nhiều: cậu bị suy nhược toàn thân. Càng ngày sức khỏe cậu càng sút, cậu càng gầy rộc đi trông thấy. Bụng cậu lõm sâu xuống. Tệ nhất là những trận ho kéo dài dữ dội làm cậu thêm xơ xác. Một lần vào buổi sáng người ta thấy cậu nằm co ro, run rẩy trong cái ổ quen thuộc ở chân cột đèn. Cô Norah vội đưa cậu vào bếp và cho ở hẳn trong bếp với mình.
Mấy ngày sau đấy sức khỏe của Johnny có phần khá hơn. Vẫn tính tò mò, cậu chú ý quan sát đủ mọi vật trong bếp. Nhưng chỉ có ngọn lửa hồng cháy rực trong lò là làm cậu chú ý hơn cả. Khi người ta mở cánh cửa lò ra là cậu ngồi ngay xuống trước cửa và chăm chú theo dõi ngọn lửa ấm áp đang cháy. Nhưng một tuần sau ngọn lửa cũng không lôi cuốn được cậu như trước nữa. Bây giờ cậu tỏ ra thờ ơ với tất cả.
Những cơn ho dữ dội đã giày vò, làm cậu khổ tâm nhất. Thỉnh thoảng cậu được cô Norah bế lên lòng mà vuốt ve âu yếm. Chỉ những phút như thế mới thấy vẻ mặt cậu đỡ buồn đi đôi chút. Cậu cũng thể hiện tình cảm của mình với người mẹ nuôi bằng nhiều cử chỉ trìu mến khác nhau. Nhưng cuối cùng bao giờ cậu cũng khóc. Mãi khi cô Norah đặt cậu vào chiếc lẵng - nơi cậu thường ngủ đêm - lúc đó cậu mới chịu thôi.
Trước khi khách sạn đóng cửa mấy ngày, tự nhiên Johnny không chịu ăn sáng như thường lệ, cậu chỉ khẽ kêu ăng ắc. Cô Norah bế cậu lên lòng, vuốt ve cậu, lúc đó cậu mới ngừng kêu. Cậu bám chặt lấy cô như không muốn rời. Tiếng kêu "ệp ệp ệp" quen thuộc như mọi ngày, nay nghe đã thấy yếu lắm. Cũng chỉ được một lúc tiếng kêu đó lại tắt hẳn. Khi cô Norah đặt cậu xuống chiếc ổ để tiếp tục công việc đang bỏ dở thì Johnny bé bỏng của chúng ta đã vĩnh viễn mất hẳn lòng khao khát được nhìn và được hiểu tất cả những gì đã xảy ra quanh mình.