Trang

【Không Gia Đình】 ● Chương 10: Ngập lụt

Ngày hôm sau chúng tôi lại xuống mỏ.
Tôi vừa đẩy chiếc xe goòng về phía giếng Sainte - Alphonsine lần thứ ba thì nghe thấy từ phía giếng một tiếng gầm khủng khiếp. Có chỗ nào sạt lở hay toàn bộ hầm bị sụt? Tôi lắng nghe, tiếng huyên náo vẫn tiếp tục và dội đi tứ phía.
Cảm tưởng đầu tiên của tôi là khiếp vía lên được, tôi nghĩ đến việc chạy trốn về phía thang nhưng vì đã nhiều lần bị mọi người chế giễu vì thói nhút nhát nên tôi xấu hổ mà đứng lại.
Bỗng nhiên một lũ chuột luồn qua hai chân tôi mà chạy: rồi hình như tôi nghe thấy một tiếng lạ lùng lướt trên mặt đất và trên thành hầm với tiếng nước vỗ. Nơi tôi đứng vốn hoàn toàn khô cơ mà. Tôi lấy đèn soi rồi cúi xuống nhìn mặt đất.
Đúng là nước, nước từ giếng đến và ngày càng dâng lên trong hầm..Bỏ xe goòng trên đường ray tôi chạy về nơi công trường làm việc.
- Chú Gaspard ơi, trong mỏ có nước!
- Vớ vẩn!
- Chú nghe mà xem.
Giọng tôi xúc động đến nỗi chú Gaspard ngừng cuốc để nghe, vẫn cái tiếng đó ngày càng to hơn, nghe càng thê thảm hơn. Không còn nhầm lẫn gì nữa.
- Chạy nhanh đi thôi. - ông bảo tôi.
Chú cầm lấy đèn, bao giờ đó cũng là động tác đầu tiên của người thợ mỏ, rồi lén ngay vào đường hầm.
Chưa đi được mười bước thì tôi thấy cụ giáo cũng xuống đường hầm.
Mực nước tăng rất nhanh, lúc này đã lên tới đầu gối làm chúng tôi tiến rất chậm. Cả ba chúng tôi lúc đi qua các công trường làm việc đều kêu to:
- Chạy đi, nước vào mỏ rồi!
Mực nước tăng với một tốc độ hoảng loạn, may thay chúng tôi ở ngay gần thang nếu không không thể nào đến đó được. Cụ giáo tới thang trước tiên.
- Anh và cháu lên trước đi. Tôi già rồi, lương tâm yên ổn.
Lúc này chẳng câu nệ lễ phép làm gì nữa, chú Gaspard lên trước, tôi theo sau rồi đến cụ giáo, sau cụ một quãng cách khá xa mới đến vài công nhân theo kịp chúng tôi.
Chưa bao giờ bốn mươi mét ngăn cách mức sâu thứ hai với mức sâu thứ nhất của mỏ được vượt nhanh như thế! Nhưng vừa tới nấc thang trên cùng thì một làn sóng nước ùa xuống đầu chúng tôi làm đèn của chúng tôi tắt ngóm. Thật là một thác nước!
- Giữ cho chặt vào! - Chú Gaspard kêu.
Chú, cụ giáo và tôi, chúng tôi bám thật chặt vào nấc thang để chống cự lại, những người đằng sau chúng tôi bị sóng kéo đi luôn, và chắc chắn là nếu chúng tôi còn phải leo mười nấc thang nữa hẳn chúng tôi cũng như họ đã bị rơi xuống rồi bởi vì chỉ ngay sau đó thác nước trở thành một khối lở ụp xuống.
Lên tới mức trên cùng rồi chúng tôi vẫn chưa thoát, muốn lên khỏi mỏ còn năm mươi mét nữa và ngay cả tầng hầm này cũng có nước, ánh sáng thì không có..- Ta nguy rồi. - Cụ giáo nói với giọng hầu như bình tĩnh. - Rémi cháu cầu kinh đi.
Cùng lúc đó có bảy tám ánh đèn chạy tới chỗ chúng tôi, nước lên tới đầu gối chúng tôi, không cần cúi xuống tay chúng tôi cũng chạm vào nước. Đó không phải là một thứ nước lặng mà là luồng nước cuốn, vừa trôi nó vừa kéo theo những tảng gỗ quay cuồng như những chiếc lông chim.
Những người cầm đèn mà chúng tôi nhìn thấy định theo đường hầm đi tới thang và những bậc thang ở gần đấy, nhưng trước dòng thác như thế này thì việc đó không thể làm nổi bởi vì làm sao mà đẩy ngược được dòng nước cũng như kháng cự lại được sức thúc của nước và những tảng gỗ nó cuốn theo?
Họ cũng thốt ra lời mà cụ giáo thốt ra lúc nãy:
- Chúng ta nguy rồi!
Họ tiến đến chỗ chúng tôi.
- Đi lối này, phải rồi. - Cụ giáo nói, cụ là người duy nhất trong chúng tôi còn giữ được chút bình tĩnh. - Nơi duy nhất ta trú ẩn được là nơi công trường cũ ấy.
Công trường cũ là một phần của mỏ đã bị bỏ đi từ lâu không ai lai vãng trừ cụ giáo, cụ vẫn thường tới thăm khu đó mỗi khi cần tìm hiểu một điều lạ lùng nào đó.
- Các anh quay lại đi, - cụ ra lệnh, - đưa tôi một cái đèn, tôi sẽ dẫn các anh đi.
Bình thường mỗi khi cụ nói người ta hay giễu cụ đôi chút nhưng lúc này tất cả mấy cái đèn đều được đưa ra. Cụ vội vàng cầm lấy một chiếc, tay kia kéo tôi đi, cụ dẫn đầu cả đoàn. Vì chúng tôi đi cùng chiều với dòng nước nên đi khá nhanh.
Sau khi đi dọc theo đường hầm một lát, cụ dừng lại.
- Ta không còn thời gian nữa rồi. Nước lên nhanh quá.
Quả thật nước mau chóng chiếm cứ chúng tôi, từ đầu gối tôi nó lên tới háng, từ háng lên đến ngực.
- Phải trèo vào một dốc ngách hầm thôi. -Cụ giáo nói.
- Sau đó thì sao? Dốc ngách hầm chẳng dẫn đến đâu cả!
Quả thực đó là một cái túi cùng, nhưng chúng tôi không còn thời gian chờ đợi và chọn.lựa, hoặc vào một dốc ngách hầm và có lấy vài phút trước mặt có nghĩa hy vọng sống sót hoặc cứ theo đường hầm mà đi dù biết chắc chắn chỉ vài giây là bị chìm nghỉm.
Cụ giáo dẫn đầu, chúng tôi đi vào trong một dốc ngách hầm. Hai người trong số chúng tôi cứ đi theo đường hầm, chúng tôi không bao giờ trông thấy họ nữa.
Trong mỏ là một sự huyên náo đáng sợ: tiếng đất đá sụt lở, tiếng nước xoáy, tiếng nước đổ xuống, tiếng gãy răng rắc của gỗ chống hầm, tiếng không khí bị nén nổ bùng, tất cả làm chúng tôi sững sờ mê muội.
- Tận thế chứ không còn là cái gì nữa!
- Lạy Trời, hãy thương chúng con!
Suốt từ lúc vào trong dốc ngách hầm, cụ giáo không nói gì nữa, tâm hồn cụ bay bổng cao hơn những lời phàn nàn vô tác dụng.
- Các con ơi, - cụ nói, - không thể để ta mệt thế được, nếu ta cứ dùng tay chân mà bấu vào vách dốc của ngách hầm như thế chẳng mấy chốc ta sẽ rời rã, phải đào lấy những điểm tựa giữa những phiến than đá.
Lời khuyên đó rất đúng nhưng cũng rất khó thực hiện, có ai mang theo cuốc chim đâu, tất cả chúng tôi đều mang đèn nhưng không ai có một dụng cụ nào trong tay.
- Lấy những cái móc ở đèn mà đào. - Cụ giáo nói.
Thế là người nào người ấy bắt đầu đào đất, công việc chẳng dễ dàng gì, vách của ngách hầm vừa dốc vừa trơn. Nhưng ai cũng biết rằng nếu trượt tay trượt chân một cái là chết, vì thế mọi người đều đào khỏe đều khéo tay. Chỉ vài phút chúng tôi đã đào được một cái hốc đặt chân vào được.
Những tiếng động trong mỏ vẫn dữ dội như trước. Chúng tôi sợ hãi nhìn nhau, người nọ tìm trong mắt người kia lời giải thích mà trí óc của bản thân mình không đem lại được.
Cụ giáo, sau một hồi im lặng, nói tiếp:
- Chúng ta đang ở trong không khí của một cái chuông, không khí bị nước dồn ép tụ lại trong hầm này đến bây giờ lại kháng cự lại nước và đẩy lùi nước. Chẳng khác gì người ta vứt một cái cốc úp ngược xuống nước trong một cái xô, nước không bao giờ tràn lên đáy cốc cả. Cái cốc vẫn rỗng nhờ không khí ở trong.
ở đây cũng thế. Nước không thể lên đến chỗ.chúng ta được. Ta không chết đuối nhưng cũng khó mà sống sót. Không khí không thoát đi đâu được vì ngách hầm này đóng kín. Không khí tù hãm thì ta cũng bị tù hãm. Im lặng và sợ hãi bao trùm một lúc.
Cụ giáo lại nói tiếp:
- Theo ý tôi tốt nhất chúng ta nên đào một cái thềm như chiếu nghỉ ở cầu thang ấy, chúng ta có bảy người hai cái thềm là đủ.
Mọi người bắt đầu vào việc, thắp lên bốn cái đèn. Sau ba giờ làm việc không nghỉ, với móc đèn, với dao, chúng tôi đã đào được một cái thềm phẳng có thể ngồi trên đó được.
- Phải tiết kiệm đèn, - cụ giáo nói, - thắp một cái thôi.
Mỏ lúc này im lặng, dưới chân chúng tôi nước đứng yên. Trong mỏ đầy nước, sau khi tràn ngập tất cả mọi đường hầm từ đáy lên tới trần mỏ, nước giam chặt chúng tôi trong dốc ngách hầm này, giam chặt còn hơn trong những bức tường đá. Cái im lặng âm thầm không sao thâm nhập được còn đáng sợ, đáng ngạc nhiên hơn cả cái ồn ào huyên náo lúc nước vỡ ụp vào. Chúng tôi bị chôn sống trong một nấm mộ.
Không khí nặng nề khó thở, chúng tôi ngột ngạt, tai ong ong lên. Không còn ý niệm nào về thời gian. Bây giờ là trưa hay là sáu giờ chiều?
Bỗng nhiên giữa yên lặng có tiếng chú Gaspard cất lên:
- Theo tôi ấy mà, - ông nói, - chưa ai làm gì để cứu chúng ta cả, ta đã nghe thấy gì đâu.
- Phải làm cho họ thấy là ta còn sống, -cụ giáo nói, - hãy đập vào vách hầm thật mạnh vào.
Không phải chờ, một người trong chúng tôi có đôi bốt to bắt đầu đập mạnh vào vách, tiếng động này cũng như ý tưởng gây ra tiếng động đó làm chúng tôi đỡ đờ đẫn. Người ta có nghe thấy tiếng chúng tôi không? Người ta có trả lời chúng tôi không?
Một cuộc tranh luận nổ ra về việc mọi người sẽ dùng cách nào để cứu chúng tôi, kết quả là giả sử có một tập hợp nhân học đến ngoạn mục và trong những điều kiện thật thuận lợi, ít nhất chúng tôi cũng phải ở trong cái ngôi mộ này đến tám ngày. Tám ngày! Khi ý thức được điều này thì chúng tôi không ai bàn luận gì nữa.
- Nghe kìa. - Một người thợ mỏ nói..- Cái gì vậy?
- Có tiếng động trong nước.
- Đó là anh làm rơi một miếng đá đấy.
- Không. Tiếng này đục.
Chúng tôi lắng nghe. Tai tôi vốn rất thính thế mà cũng chẳng nghe thấy gì cả. Những người bạn của tôi, vì đã quen với những tiếng động trong mỏ, phấn khởi hơn tôi.
- Đúng rồi, - cụ giáo nói, - có cái gì đó trong nước thật.
- Tiếng nước chảy xuống thôi.
- Không. Tiếng này không liên tục mà từng hồi đều đặn.
- Từng hồi đều đặn! Ta sống rồi! Các con ơi! Đó là tiếng những chiếc xe ben thả gầu xuống múc nước giếng lên!
- Gầu tát nước!
Thế là cùng một lúc tất cả chúng tôi hòa cùng một giọng lặp lại mấy tiếng này. Và chúng tôi nhỏm người lên.
Không khí không còn ngột ngạt nữa, thành của dốc ngách hầm không còn đè nặng lên chúng tôi nữa, chúng tôi thở dễ dàng hơn, tim chúng tôi đập mạnh trong lồng ngực.
Tuy nhiên, trước khi nhìn thấy ánh mặt trời, nghe tiếng gió thổi trong cành lá, chúng tôi còn phải ở lại đây trong nhiều ngày dài nghiệt ngã và thế là chúng tôi lại lo buồn tuyệt vọng.
Trong lúc này người ta mau chóng tổ chức cứu nạn, các kỹ sư dẫn đầu đoàn thợ mỏ của các mỏ xung quanh chạy tới. Một đám đông, hốt hoảng vì những tiếng nổ tiếng rung cũng đổ tới.
Một trăm hai mươi người gọi tên không thấy.
- Chồng tôi đâu?
- Cha tôi đâu?
- Trả con tôi đây!
Những giọng nói ngắt quãng, những câu hỏi nghẹn ngào vì nức nở. Biết trả lời thế nào?
Và công cuộc cứu nạn bắt đầu. Người ta đào cầu may, nhưng họ cứ đào. Người ta đào vào các đường hầm một cách không mệt mỏi, người ta đặt các xe múc nước. Kỹ sư hy vọng là mọi người ẩn trong khu công trường cũ.
Nếu như thời gian thật là dài đối với những người ở ngoài đang tìm cách giải phóng chúng.tôi, đối với chúng tôi, những tù nhân bất lực, nó còn đằng đẵng hơn nhiều.
Tiếng xe múc nước chẳng làm cho niềm vui bột phát của chúng tôi lúc ban đầu tồn tại được lâu. Người ta cứu chúng tôi, đó là niềm hy vọng, nhưng tát cạn nước liệu có nhanh không? Đó là nỗi lo lắng.
Đau đớn về tinh thần còn kèm thêm đau đớn về vật chất. Tư thế chúng tôi buộc phải cầm cự trên thềm nghỉ thật vô cùng mỏi mệt, không thể làm được cử động nào cho giãn gân cốt và chúng tôi nhức đầu ghê gớm.
- Ta uống được không nhỉ? - Chú Gaspard hỏi.
- Tha hồ, nước thì thiếu gì, - cụ giáo trả lời, - Rémi sẽ xuống lấy nước, nó nhẹ nhất mà.
- Lấy vào đâu?
- Lấy vào ủng của tôi đây này. - Một thợ mỏ tên là Carrory nói.
Người ta đưa tôi chiếc ủng và tôi chuẩn bị xuống múc nước.
- Chờ một chút, - cụ giáo nói, - để tôi đưa tay cho đã.
Đúng lúc cụ cúi xuống, cụ nhào ra trước và không hiểu cụ lỡ đà hay do lâu không cử động người bị cứng, hoặc vỉa than lở ra dưới sức nặng của cụ, cụ trượt luôn xuống, đầu chúc chìm nghỉm trong nước. Chiếc đèn cụ soi cho tôi cũng biến mất. Ngay lập tức chúng tôi ngập trong bóng tối đen ngòm và một tiếng kêu thất thanh cùng lúc thoát ra từ ngực chúng tôi. Tôi đang trong tư thế xuống nước, tôi ngã ngửa người ra và lao xuống nước chỉ sau cụ giáo độ một giây.
Ngay lập tức tôi cảm thấy một bàn tay co quắp bấu vào vai tôi và tôi bị kéo vào trong nước.
Đạp chân một cái tôi ngoi lên: bàn tay vẫn bấu chặt vào tôi.
- Cụ giữ chặt lấy cháu, cụ giáo ạ, cụ được cứu thoát rồi.
Cứu thoát! Cả hai chúng tôi nào có ai được cứu thoát, vì tôi chẳng biết bơi về phía nào.
- Thắp đèn lên. - Tôi nói.
Ngay lập tức ánh đèn xuất hiện, tôi chỉ cần duỗi cánh tay là chạm vào bờ. Chú Gaspard và Carrory đưa tay họ cho chúng tôi, trong khi Pagès, một thợ mỏ khác, soi đèn cho chúng tôi.
Cụ giáo được kéo lên thềm trong khi tôi đẩy cụ từ phía sau. Cụ lên rồi đến lượt tôi lên. - Lại đây cháu, - cụ nói, - để tôi ôm hôn cháu. Cháu đã cứu tôi.
- Thì cụ đã cứu sống tất cả chúng cháu đấy thôi.
- Thế là, - Carrory nói, - anh ta là người không bao giờ bị ảnh hưởng bởi xúc động, tôi mất chiếc bốt à?
- Để cháu đi tìm.
Nhưng mọi người ngăn tôi lại.
- Thôi, mọi người hãy đưa cháu chiếc bốt khác vậy, ít nhất cháu cũng đem được nước về!
Thoát khỏi chết đuối, cụ giáo và tôi bị ướt sũng từ đầu đến chân làm cho chân tay căng rời rã.
Lạnh cóng làm chúng tôi không thể quên được chuyện đó. Mọi người đưa áo vét cho chúng tôi.
Sau sự cố này chúng tôi lại mê muội cả người và nghĩ đến cái chết. Có lẽ ý nghĩ này đè nặng lên các bạn tôi hơn là tôi vì trong khi họ tỉnh thì cuối cùng tôi ngủ thiếp đi. Nhưng chỗ ngồi không thoải mái chút nào có nguy cơ rơi xuống nước. Lúc đó cụ giáo giữ đầu tôi trong cánh tay cụ. Cụ giữ không quá chặt chỉ đủ để tôi đừng rơi xuống nước mà thôi, tôi như một đứa trẻ nằm trên đầu gối mẹ. Cụ không phải chỉ có cái đầu vững vàng mà còn có một trái tim nhân hậu nữa. Khi tôi hơi thức dậy, cụ đổi tay cho đỡ mỏi rồi lại ngồi thật im và bảo tôi:
- Cháu cứ ngủ đi, đừng sợ.
Và tôi lại ngủ tiếp.
Thời gian cứ trôi.
Tư thế của chúng tôi không còn chịu đựng nổi nữa. Liệu đã đến lúc chúng tôi được cứu ra chưa? Chúng tôi nghi ngờ vô cùng.
Tuy nhiên việc tát nước được tiến hành không ngừng dưới sự lãnh đạo của một ông kỹ sư luôn động viên thợ mỏ với một niềm tin, một hy vọng sắt đá.
- Các bạn ơi, còn một ngày nữa, - ông nói với những người thợ mỏ, - tôi đòi hỏi ở các bạn những gì mà những người bạn của các bạn đòi hỏi, các bạn ở địa vị họ mà xem.
Niềm tin khiến ông hăng hái đã truyền sang trái tim những người thợ mỏ. Người ta cứ đào sâu xuống mãi. Đến ngày thứ bảy, trong khi thay đổi vị trí, một người thợ cuốc vào tới vỉa than tưởng như nghe thấy những tiếng đập yếu ớt.
Anh ta dán tai vào lớp than rồi gọi một người.bạn đến cùng nghe với mình. Cả hai im lặng và một lát sau một tiếng yếu ớt đều đặn lặp đi lặp lại vẳng tới tai họ. Đến lượt họ, họ lấy cuốc chim gõ gõ.
Lập tức tin này được truyền đi rất nhanh.
Ông kỹ sư đã đúng! Dưới đó vẫn còn có người sống. Tin tức lan khắp thành phố như một vệt thuốc súng, đám đông chạy tới mỏ Truyère.
Công việc càng khẩn trương hơn, các công ty bạn gửi đến những thợ cuốc tinh nhuệ nhất.
Hy vọng cũng tăng lên khi nước rút dần.
Trong ngách hầm, lúc nghe thấy tiếng gõ trả lời của các bạn, chúng tôi bị tác động chẳng kém gì lúc nghe thấy tiếng xe múc nước thả gàu xuống các giếng.
- Thoát rồi!
Ai nấy thốt ra một tiếng kêu vui mừng. Rồi, cũng giống như sau khi nghe thấy tiếng gầu múc nước, hy vọng lại biến thành tuyệt vọng. Tiếng cuốc chim cho biết những người cứu nạn còn ở xa lắm. Chỉ có cụ giáo là còn nói năng một cách can trường nhưng dần dần sự ủ rũ của chúng tôi cũng lan sang cụ. Nếu như chúng tôi có thể uống thì chúng tôi không thể có cái ăn, cái đói trở nên không còn có thể chịu nổi nữa.
Chúng tôi ngồi im không động đậy, chỉ còn duy trì cuộc sống bằng tiếng cuốc chim và tiếng gàu múc nước. Dần dần những tiếng động này ngày càng to lên, nước rút xuống, người ta đến gần chúng tôi hơn. Nhưng họ có đến kịp không?
Chúng tôi ngày càng yếu lắm rồi.
Cuối cùng chúng tôi nghe thấy tiếng nói của các bạn tôi, họ nghe thấy tiếng chúng tôi. Rồi chúng tôi nói chuyện được với họ. Họ thốt lên mấy tiếng thống thiết sau đây:
- Các anh có bao nhiêu người?
Chú Gaspard trả lời:
- Sáu!
Im lặng một hồi. Có lẽ ở ngoài hy vọng một con số lớn hơn.
- Mau lên các bạn, - chú Gaspard kêu lên, -chúng tôi kiệt sức rồi.
- Tên các bạn là gì?
- Bergounhoux, Pagès, Carrory, cụ giáo, Rémi, Gaspard.
Đó là lúc điếng người nhất cho những người đứng ngoài. Khi ông kỹ sư tuyên bố chúng tôi chỉ có sáu, mọi người thất vọng đến đau đớn..Hỡi ôi! Trong số một trăm hai mươi người mẹ và người vợ chỉ có bốn người niềm hy vọng trở thành sự thực. Biết bao đau đớn! Biết bao nước mắt!
Về phía chúng tôi, chúng tôi nghĩ đến những người có thể được cứu thoát.
- Có bao nhiêu người được cứu thoát?
Không ai trả lời.
- Chắc họ không nghe tiếng.
- Họ không muốn trả lời thì đúng hơn.
- Hãy hỏi họ xem chúng ta đã ở trong mỏ bao nhiêu lâu?
- Mười bốn ngày. Giờ thì không còn lâu nữa đâu. Các bạn hãy can đảm lên. Chỉ còn vài giờ nữa thôi.
Tôi tưởng như mấy giờ này là những giờ dài nhất trong cảnh tù hãm của chúng tôi, dù thế nào đi nữa cũng là những giờ đau khổ nhất. Mỗi nhát cuốc chúng tôi lại tưởng là nhát cuốc cuối cùng. Nhưng sau nhát đó lại tiếp đến nhát khác, sau nhát khác này lại đến nhát khác nữa.
Các xe múc nước cũng không ngừng hoạt động phút nào, nước cứ từ từ rút xuống.
Có điều lạ là giờ phút giải phóng càng tới gần chúng tôi càng yếu lả đi.
Cuối cùng dốc ngách hầm được mở ra từ phía trên: ánh đèn rọi vào làm chúng tôi lóa mắt.
Nhưng chỉ trong phút chốc chúng tôi lại rơi vào bóng tối đen ngòm: một luồng không khí khủng khiếp làm tắt phụt đèn!
Lại phải chờ thêm!
Cùng một lúc có tiếng động mạnh trong nước ở dưới hầm, và quay lại tôi thấy một ánh sáng chói di động trên nước lõm bõm.
- Can đảm lên! Can đảm lên! - Người ta kêu lên.
Mọi người đồng thời đến cứu chúng tôi từ hai phía. Chưa kịp nói lời nào tôi đã rơi vào tay ông kỹ sư. Vừa vặn tôi ngất đi.
Tôi ý thức được là người ta mang tôi đi, rồi người ta bọc tôi vào trong nhiều tấm chăn. Tôi nhắm mắt lại nhưng ngay sau đó tôi cảm thấy một cái gì chói lọi đến nỗi phải mở mắt ra.
Chúng tôi ra đến giữa trời.
Cùng một lúc một cái bóng trắng nhảy vào tôi: đó là Capi nhảy phắt vào hai tay ông kỹ sư.để liếm vào mặt tôi. Tôi cũng cảm thấy có ai nắm lấy bàn tay phải tôi và hôn tôi. Đó là Mattia.
Tôi nhìn xung quanh: một đám đông vô kể, im lặng và xúc động.
Người ta mang tôi đến tận văn phòng mỏ, ở đó đã có sẵn những cái giường chờ đợi chúng tôi.
Hai ngày sau tôi đi bộ trong phố xá Varses, tất cả mọi người trên đường đều dừng lại nhìn tôi.
Có những người đến bắt tay tôi, nước mắt lưng tròng. Cũng có những người, ngược lại, lại quay đi. Đó là những người đang tang tóc, họ xót xa tự hỏi tại sao thằng bé mồ côi này lại sống sót trong khi người chủ gia đình nọ, cậu con trai kia lại ở lại dưới mỏ, lại là những cái xác khốn khổ bị nước cuốn đi.