Trên bong dạo chơi của chiếc tàu thủy điêden (1) “Cônkhiđa” chạy chuyến thường lệ từ Ôđétxa đến Batumi (2), có mấy hành khách đang đứng tựa vào lan can và thong thả chuyện trò. Các động cơ rất mạnh đang ì ầm ở đâu đó dưới sâu, nơi chính giữa thân tàu. Sóng nước rì rào mơ mộng vỗ vào thành tàu cao cao. Ở tít phía trên bong thượng, đài vô tuyến diện của con tàu đang kêu rè rè với vẻ lo âu.
Một hành khách nói:
- Các đồng chí biết không, thật là đáng tiếc vì bây giờ đã mất hẳn các tàu buồm lớn, những người đẹp cánh trắng ấy (3). Tôi sẽ sung sướng biết chừng nào nếu bây giờ được ở trên một chiếc tàu buồm thực sự hoặc trên một chiến thuyền...... Thích thú biết bao khi được ngắm những cánh buồm no gió trắng phau; khi được nghe tiếng cót két của những cột buồm vừa vững chắc, lại vừa tuyệt đẹp và cân đối; khi được cảm phục trông theo đội thủy thủ tuân lệnh của thuyền trưởng lao nhanh như chớp trên các cột buồm, trục buồm khác nhau... ước gì tôi được thấy tận mắt một chiếc tàu buồm thực sự, dù chỉ là một lần mà thôi? Nhưng phải là một chiếc tàu buồm thực sự kia! Đời thuở nhà ai, bây giờ một chiếc thuyền vớ vẩn nào đó có gắn động cơ nhỏ mà người ta cũng gọi là tàu buồm!
- Tàu buồm có động cơ! - Một người mặc quần áo thủy thủ tàu buôn sửa lại câu nói của ông hành khách nọ.
Chẳng ai nói thêm gì nữa. Trừ người thủy thủ, tất cả hành khách đều qua phía thành tàu bên phải để xem bầy cá heo vui vẻ không hề biết mệt, đang nhào lộn ở ngay gần tàu trên mặt biển ấm áp ban trưa. Đã nhiều năm rồi, cá heo không còn là điều mới mẻ đối với người thủy thủ của chúng ta. Anh thu xếp một chỗ ngồi thuận tiện hơn trên chiếc ghế có thể nửa nằm nửa ngồi và thử lướt qua một tờ báo nào đó. Nhưng chẳng mấy chốc ánh nắng đã làm cho anh mệt lử. Anh gấp, tờ báo lại và dùng nó phe phẩy thay cho quạt.
Bỗng có một cái gì đó thu hút sự chú ý của người thủy thủ đến độ anh thôi phe phẩy tờ báo, đứng phắt dậy và chạy bổ tới lan can.
Tít đằng xa, gần sát đường chân trời, anh thấy một chiếc tàu buồm rất đẹp nhưng kiểu lại cổ hết sức đang lao nhanh, rất nhanh. Tưởng chừng như đó là một hình ảnh tưởng tượng trong truyện cổ tích vậy.
- Các đồng chí ơi! - Người thủy thủ gọi mấy hành khách vừa nói chuyện với mình. - Lại đây mau lên, các đồng chí ơi! Xem kìa, một chiếc tàu buồm mới đẹp làm sao! Lại là tàu cổ nữa! ... Ô kìa, cột buồm giữa của nó lại làm sao rồi!... Không có cột buồm giữa? Cha mẹ ơi! ... Các đồng chí xem kìa, các cánh buồm của nó lại không phồng lên cùng một phía!... Theo mọi quy luật, cột buồm đáng lẽ đã bay ra khỏi thành tàu từ lâu rồi?... Quả là một điều hết sức kỳ lạ! ...
Nhưng lúc những hành khách nọ nghe theo lời người thủy thủ và quay về phía thành tàu bên phải thì chiếc tàu buồm không ai biết đến, đã mất hút rồi. Chúng tôi nói “không ai biết đến” bởi vì người thủy thủ đã sẵn sàng thề rằng chiếc tàu buồm tuyệt đẹp ấy không hề đăng ký tại một hải cảng nào của Liên Xô ở Hắc Hải. Và quả vậy, chiếc tàu buồm mà người ta đã thấy từ thành tàu “Cônkhiđa” cũng chưa hề đăng ký tại một hải cảng nào của nước ngoài. Nói chung, nó chưa hề đăng ký ở đâu cả và cũng chẳng đăng ký để làm gì, vì một lẽ đơn giản: nó vừa ra đời và hạ thủy vài giờ trước đây.
Chiếc tàu buồm này được đặt tên là “Ôma thân yêu” để tỏ lòng kính trọng người em bất hạnh của Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp, một ông già mà chúng ta đã từng quen biết.
---
(1) Khác với loại tàu thủy thường thấy chạy bằng động cơ hơi nước, đây là loại tàu thủy hiện đại hơn, chạy bằng động cơ đốt trong - N.D.
(2) Thành phố cảng nằm trên bờ Hắc Hải, thủ đô nước Cộng hòa Xôviết tự trị Atgiaria - N.D.
(3) Từ năm 1980 trở lại đây, người ta lại thấy xuất hiện một số tàu buồm lớn trên các đại dương. Đó là các tàu vận tải được trang bị thêm buồm nhằm tận dụng sức gió để tiết kiệm nhiên liệu. Chẳng hạn, nhờ có buồm (được điều khiển hoàn toàn tự động), tàu “Sin Aitôcu Maru” của Nhật đã tiết kiệm được 52% nhiên liệu - N.D.