Sau tiết thu phân lại đến mùa mưa. Ngày 30 tháng 9 là ngày kỷ niệm hai năm tôi đặt chân lên đất này và tôi vẫn chưa có thêm một tia há vọng ra khỏi hòn đảo. Tôi tổ chức kỷ niệm ngày hôm đó cũng trang nghiêm như lần trước. Lại một dịp để ôn lại quãng đời hai năm qua so với ngày tôi mới đặt chân lên đảo. Trước kia, lúc đi săn hoặc đi chơi ngoài đồng nội, tôi thường nghĩ tới cảnh cực khổ của mình và có những khi trên bãi cát, tôi đứng lặng đi và đau đớn thấy mình trơ trọi một thân, bị cầm tù trong vòng vây vĩnh viễn của biển cả. Những ý nghĩ đó cũng thường đến giữa lúc tôi bình tĩnh nhất. Như một cơn bão táp, nó xô tôi vào chỗ hoang mang hỗn loạn, khiến tôi cứ vặn tay mà khóc như một đứa trẻ. Một đôi lần, những cử chỉ ấy bật ra giữa lúc tôi đang làm việc. Thế là tôi ngồi phịch xuống, thở dài não nuột, mắt dán xuống đất hàng hai ba giờ đồng hồ liền. Như thế chỉ càng khổ não thêm. Nếu tôi có thể khóc lên, gào lên được, có lẽ tôi nhẹ người hơn vì đã trút được gánh nặng. Nhưng bây giờ thì tâm hồn tôi lại rất thư thái và chứa chan biết bao ý nghĩ khác, sáng sủa và yêu đời hơn. Dạo này, tôi lại thường hay chú ý tới dải đất xa xa ở trước đảo và hễ nghĩ đến nó là trong lòng tôi lại rạo rực một ước mơ thầm kín, mong sao đặt chân lên đó được. Chính thế, tôi vẫn nghi trên dải đất ấy không có người ở và nó nằm vào một doi đất liền.
Như vậy thì cho dù địa thế của nó ra sao chăng nữa, tôi cũng có thể từ đó mà đi xa hơn rồi tìm được cách tự thoát khỏi cảnh giam cầm. Nhưng tôi quên bẵng không để ý cân nhắc những gian nan có thể gặp trong một chuyến đi như thế. Trước hết tôi có thể sa vào tay những bộ lạc thổ dân ở đó; thật là đáng sợ vì đã sa vào tay họ thì khó lòng thoát chết. Họ hung hăng dữ tợn lạ thường. Trước đây họ đã giết chết nhiều người Tây-ban-nha, mặc dầu những người này thường đi thành đoàn mười người, có khi đến hai mươi người nữa. Vậy mà bây giờ nếu tôi đi một mình và không đủ sức tự vệ thì lại càng đáng sợ. Đúng ra tôi phải suy tính cho đến nơi đến chốn tất cả những điều đó để sau này khỏi băn khoăn, thì ngay lúc đầu tôi chẳng để ý đến tý nào. Trái lại, tôi đã vô cùng lạc quan với mơ ước có thể vượt biển để đặt chân lên dải đất ngoài kia. Tôi lại tiếc chú bé Xu-ri và chiếc thuyền cướp được của tên cướp biển ở Xa-lê đã giúp tôi vượt được hơn một nghìn dặm biển theo bờ biển châu Phi dạo trước. Nhưng nhớ tiếc như thế quả là hão huyền, tôi bèn nghĩ tới chiếc xuồng cũ đã giạt lên đảo trong cơn giông tố ngày nọ. Tôi vẫn thấy nó nằm im như xưa nhưng cách xa chỗ trước một chút, sóng và gió đã đẩy nó vào và lật úp nó xuống một mô đất; bây giờ thì nó nằm trên cát khô. Nếu có được một người nữa giúp tôi lật ngửa xuồng lên rồi đẩy nó xuống nước thì với chiếc xuồng ấy tôi có thể vượt biển sang tới nước Bra-din một cách dễ dàng. Nhưng chỉ có một mình tôi thì lật nó lên cũng khó như lật ngược cả hòn đảo. Vậy mà tôi không mảy may nghĩ tới cái khó ấy. Đến đâu thì đến, tôi cũng cứ vào rừng chặt gỗ làm đòn bẩy và làm trục lăn, đem ra xuồng, và thử sức xem có làm nổi việc không. Đưa được xuồng đến chỗ thuận tiện thì tôi chắc rằng có thể sửa chữa lại cho tốt để yên tâm vượt biển theo ý định. Quả thật tôi không tiếc sức bỏ vào cái công dã tràng này; tôi nhớ đã mất đứt vào đó đến ba, bốn tuần lễ chứ không phải ít. Sau cùng, tự liệu sức mình không thể nâng nổi một vật nặng như thế, tôi đành hậm hực bỏ dở công việc. Tôi bèn nghĩ cách dùng một thân cây to để làm một chiếc xuồng hay một cái thuyền độc mộc giống như thứ xuồng của thổ dân miền này. Theo ý tôi công việc ấy chẳng có gì viển vông mà cũng không có gì khó khăn lắm. Tôi tin thể nào mình cũng có nhiều sáng kiến và tháo vát hơn những người thổ dân trong việc này, họ làm được xuồng thì tôi cũng phải làm được.
Nhưng tôi quên rằng tôi lại có những trở ngại mà những người thổ dân không bao giờ gặp, ví dụ như thiếu người giúp đỡ để đưa chiếc thuyền ra biển sau khi làm xong. Trong hoàn cảnh của tôi, làm thế nào vượt qua cho được trở ngại vô cùng khó khăn ấy! Thế là tôi lao đầu vào một việc vô ý thức nhất mà một con người có thể làm, nếu không phải là một người mất trí. Tôi tự hào đã có một sáng kiến độc đáo, chẳng cần xét lại xem mình có thể hoàn thành được hay không. Không phải tôi không nghĩ tới khó khăn khi phải chuyển xuồng xuống biển đâu! Nhưng chính đó là một khía cạnh mà tôi không chịu để ý nghiên cứu cho đến nơi đến chốn. Tôi cứ xoa dịu tất cả những ngần ngại của mình bằng cái lý lẽ sau đây: "Bây giờ ta cứ làm xuồng
-tôi tự bảo mình như thế
-xuồng đóng xong, với óc tháo vát của ta, thể nào cũng tìm được cách chuyển nó đi và hạ nó xuống biển".
Cái suy luận đó quả là quái gở hết sức, trái hẳn với lương tri. Thế mà cuối cùng cái tính toán bướng bỉnh của tôi vẫn thắng, tôi bắt tay ngay vào việc. Trước tiên tôi chặt một cây bách; có lẽ dân Li-băng cũng chẳng bao giờ có một cây gỗ như thế để dâng lên cho vua Xa-lô-mông dựng ngôi đền ở đất thánh Giê-ru-da-lem! Đường kính ở gốc đo được năm bộ và mười tấc, phía trên cũng được bốn bộ và mười một tấc, từ đầu này đến đầu kia dài hai mươi hai bộ. Thật là vĩ đại! Tôi đã mất hẳn hai mươi hôm để chặt cho nó ngă, lại mất thêm nửa tháng nữa để phát sạch cành và chặt cụt cái ngọn đồ sộ của nó. Tôi đã huy động tất cả rìu và búa, tất cả những đồ thợ mộc tốt nhất để phụ vào với tất cả sức lao động cật lực của tôi. Tôi lại mất hẳn một tháng trời đục đẽo và bào gọt theo kích thước đã định để làm tạm một cái thân xuồng có thể giữ được thăng bằng và nổi đúng mực trên mặt nước.
Suốt ba tháng trời, tôi khoét lòng cây gỗ và làm xong một chiếc xuồng khá tốt. Để đục lòng cây gỗ, tôi không đốt lửa hoặc dùng một cách gì khác ngoài những dụng cụ như búa, đục và một sự nhẫn nại không gì lay chuyển nổi. Cái xuồng mới của tôi rất đẹp, vừa rộng vừa dài, đủ chỗ cho hai mươi sáu người, thừa sức để chở tôi và tài sản của tôi. Công việc có kết quả tốt như vậy, tôi sướng vui lạ lùng. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi mới được thấy một cái xuồng lớn và đẹp, đục thẳng từ một cây gỗ như thế này. Nhưng tôi cũng muốn các bạn thử nhớ lại xem tôi đã dùng bao nhiêu công sức vào đó. Bây giờ chỉ còn việc đưa xuồng xuống nước. Nếu sức tôi có thể làm được việc này, chắc hẳn tôi đã thực hiện xong một chuyến vượt biển rất táo bạo và rất ít há vọng thành công. Nhưng mọi cố gắng để đưa chiếc xuồng xuống nước đều bị thất bại. Xuồng chỉ cách biển chừng hai trăm sải thôi, nhưng bị một gò đất nổi lên sừng sững chắn ngang đường đi ra biển. Tuy vậy khó khăn không làm cho tôi lùi bước. Tôi bèn dùng cái mai san phẳng gò đất ấy và luôn thể đánh một cái dốc đi xuống. Tôi bắt tay vào việc và mồ hôi của tôi đã đổ xuống đó không kể xiết. Trong cuộc vật lộn gay go này, nguyện vọng tha thiết được tự do đã là nguồn nâng đỡ, an ủi, động viên quý báu nhất. Nhưng sau khi san phẳng vật chướng ngại đó, tôi nghiệm ra rằng mình cũng chẳng tiến thêm được bước nào, vì bây giờ tôi vẫn không lay chuyển nổi cái xuồng mới này cũng như đã bó tay trước cái xuồng cũ kia. Tôi bèn xoay cách khác. Tôi đo chiều dài dải đất, đặt ngay kế hoạch đào một cái vũng hoặc một con mương để đem nước từ ngoài biển vào chỗ cái xuồng. Tôi bắt tay vào việc ngay. Nhưng, sau khi tính toán kỹ bề sâu và bề rộng của con mương và nghiên cứu kỹ cách đào, tôi thấy ngay với tất cả khả năng hiện tại của tôi, (mà tôi không thể trông mong vào đâu ngoài bản thân), tôi sẽ làm việc cật lực luôn mười hai năm trời mới mong có kết quả. Đất nhô lên quá cao, thành ra ở chỗ xa biển nhất, con mương phải sâu tới hai mươi bộ là ít. Thôi đành bỏ dở công việc đó mặc dầu tôi rất tiếc. Tôi buồn da diết và bây giờ tôi mới cảm thấy mình thật là điên rồ.