Sau hôm Đíchsơn và cả nhóm tìm chỗ trú cuối cùng trong rừng, cách đó chừng ba dặm có hai người đang bàn bạc, đó là Ali và Nego. Chúng ngồi dưới gốc một cây đa lớn, trên bờ một con suối chảy như thác. Từ đầu câu chuyện chúng đã đề cập ngay đến những việc đã làm trong ngày vừa qua. Nego nói:
- Thế anh không thể đưa bọn người của tên thuyền trưởng ranh con vào sát Ănggôla hơn nữa à?
Ali đáp:
- Không, bạn ạ. Đưa chúng vào bờ biển cách một trăm dặm cũng là một kỳ công rồi.
- Anh Ali ơi, còn phải một trăm dặm nữa mới chắc ăn. Tuy nhiên, ta không nên để chúng thoát thân.
Ali nhún vai nói:
- Thoát thế nào được! Có bay đường trời. Một trăm dặm đủ rồi. Tôi chuồn đúng lúc vì nhìn mắt tên thuyền trưởng mười lăm tuổi, tôi biết nó sắp cho tôi ăn đạn.
Nego nói:
- Rồi anh trở về đây à?
Ali đáp:
- Phải, đưa chúng vào đến đó không phải dệ. Mấy hôm đầu, tôi đã khéo bịa đặt khiến Đíchsơn tin tưởng khu vực này là thảo nguyên Atacama ở Nam Mỹ, nơi tôi đã có dịp đi qua. Dần dần tôi cũng bí. Sau khi tôi bảo hươu cao cổ là đà điểu… tôi ngụy biện kể cũng tài đấy chứ… Rồi tôi không biết bịa gì nữa, vì tôi thấy Đíchsơn không thèm nghe tôi nói nữa. thế rồi chúng tôi đi đúng vào lối của đàn voi vừa chạy qua. Rồi các “ông” hà mã lại xuất hiện, thế có xui không! Cuối cùng, tôi không nói được gì nữa vì lão già da đen nhặt được ở gốc cây nào còng, nào xích của những tên nô lệ bẻ ra để trốn. Chưa để Đíchsơn hỏi tôi, tôi đã kịp thời lên ngựa chuồn nhanh đến đây.
Nego nói:
- Tôi đã hiểu rồi! Tiếc rằng anh không đưa được bọn chúng đi thêm trăm dặm nữa.
Ali nói:
- Bạn ơi! Người ta chỉ làm những gì người ta có thể làm được thôi, bạn ạ.
Sau một lúc yên lặng, Ali nói:
- Khi tôi tình cờ gặp anh ở cửa sổng Lôngga, nơi thuyền Hải âu đắm, anh chỉ dặn tôi tìm cách đưa bọn đắm thuyền vào nội địa, xa chừng nào hay chừng ấy, anh chưa cho tôi biết tình trạng của anh Cátxăng trong hai năm gần đây thế nào? Từ ngày anh rời Cátxăng để đưa đoàn nô lệ ra duyên hải theo lệnh của trùm Angve, người ta không thấy anh trở về nữa. Tôi đoán rằng anh đã gặp tàu tuần thám của nước Anh và anh đã bị xử giảo rồi!
- Còn xa! Anh ơi! – Nego trả lời.
Ali nói:
- Rồi sẽ đến, anh bạn ạ.
- Cảm ơn.
- Anh phải biết: đó là một may rủi trong nghề. Ngày nay người ta phải liều mạnh để hành nghề buôn nô lệ ở biển Phi châu. Sự thực, anh bị bắt à? – Ali tiếp.
- Phải.
- Bởi người Anh à?
- Không! Bởi người Bồ Đào Nha.
- Bị bắt trước hay sau khi giao hàng?
- Sau khi giao hàng. Những thực dân Bồ Đào Nha bao giờ cũng làm khó dễ. Họ không muốn có chế độ nô lệ nữa. Tôi bị tố giác, bị theo dõi, rồi bị bắt…
- Và bị giam?
- Phải, ở ngục Luanđa.
Ali kêu:
- Trời! Bị nhốt trong ngục à? Tôi thà chết treo còn hơn là chết mòn trong ngục.
Nego đáp:
- Anh phải biết, một khi lên giảo đài, người ta không thể thoát thân được, chứ một khi vào ngục, người ta có thể…
- thế anh vượt ngục à?
- Đúng thế, anh bạn. vào ngục đúng mười lăm ngày thì tôi trốn ra được và nấp vào trong hầm một tàu Anh đi Úclan ở hải cảng New Zealand. Ba mươi ngày nằm hầm để vượt biển, vất vả lắm anh ơi!
- Thế bình thường anh đến New Zealand rồi anh lại từ đó trở về Phi Châu cũng bằng cách nằm hầm chứ?
- Không, không, tìm cách về thong thả hơn, vì ở đây tôi chỉ muốn trở về Ănggôla để làm nghề cũ thôi mà.
- Phải, nhân tâm ai chả yêu nghề mình… vì thói quen.
- Khi tàu cập bến Úclan, tôi lên bờ không ai biết. Nhưng lúc đó, không một đồng dính túi, tôi phải làm đủ mọi nghề để sống và đợi dịp trở về. Mãi mười tám tháng sau, tôi mới gặp chiếc thuyền đánh cá tên Hải âu ghế bến Úclan.
- Rồi thuyền đó đưa anh về bờ biển Ănggôla à?
- Chính thuyền đó, anh Ali ạ.
- Nhưng theo lời anh bạn trẻ đã gặp tôi thì thuyền đó đâu có muốn cập bờ biển Phi châu. Có lẽ là một sự ngẫu nhiên đã đưa thuyền đó đến đây chăng?
- Việc đó đâu phải là ngẫu nhiên! Ngẫu nhiên có chăng chính là việc tôi đã gặp anh ở ngay địa điểm mà con thuyền Hải âu vừa đắm. Còn việc cho thuyền về hướng Ănggôla này là do ý muốn của tôi, một ý muốn kín đáo và đã thành công. Vì thế bà Uynxton và đồng bọn mới phải đặt chân lên bờ biên Phi châu và vào sâu đến trăm dặm.
- Bây giờ thì họ có biết là họ đang ở đâu không?
- bây giờ thì cần gì!
- Anh se tính thế nào?
- Tôi định… Nhưng trước khi nói đến họ, anh cho tôi biết tin tức ông trùm Angve của chúng ta?
- Ồ! Ông ta vẫn phây phây và sẽ vui mừng khi thấy anh trở về.
- Ông ta vẫn ở chợ Bi lê đấy chứ?
- Không, đã hơn một năm nay, ông ta dọn về Cađôngđê rồi.
- Công việc làm ăn ra sao?
- Mỗi ngày một khó khăn, anh ạ. Mình bị kẹt: một bên là cách nhà chức trách Bồ Đào Nha, một bên là những tàu tuần thám của nước Anh, họ lùng bắt các lái buôn ngườu rất gắt. Bây giờ chỉ còn một lối đưa hàng xuống Mosamode ở phía Nam Angola may ra mới thoát. Vì thế, hiện nay tại các trại trú chân đều đầy nô lệ, chỉ đợi tàu đi các thuộc địa Bồ Đào Nha thôi. Còn đưa hàng đi qua địa hạt Bengola hay Luanda như trước thì không thể được nữa, vì các tỉnh trưởng không nghe và các khu trưởng cũng không chịu. Thế nên trùm Angve phải quanh vào các làng xa đổi vải lấy ngà voi hoặc nô lệ. kết quả vẫn khả quan. Tuy nhiên, sau này việc buôn bán nô lệ sẽ không thể hoạt động được nữa. Người Anh mở rộng phạm vi kiểm soát rất nhanh tới trung bộ Phi châu. Mặt khác, các giáo sĩ càng ngày cáng chống lại tụi ta. Lại còn tên bác sĩ Livinhtơn, người ta nói là sau khi thám hiểm miền hồ lạch, sẽ thẳng đường về Angola.
Trò chuyện đến đây, Ali đã rõ tâm trạng của Nego rồi nhưng chưa biết ý kiến y về những người đắm thuyền ra sao. Ali hỏi:
- Bây giờ anh định thế nào về bọn chúng?
Nego đáp:
- Tôi định chia thành hai nhóm: một nhóm bán làm nô lệ, còn một nhóm…
Nego không nói hết, nhưng qua nét mặt dữ tợn của hắn, người ta có thể biết mưu kế hắn dành cho tốp sau thâm độc lắm.
Ali hỏi:
- Anh định bán những tên nào?
- Những tên da đen theo bà Uynxton chứ còn ai? Trong bọn có lão Tôm già quá, bán không được mấy, còn bốn tên kia béo, khỏe rất có giá ở chợ Cadôngđê – Nego đáp.
- Đúng lắm, anh sẽ bán được đắt giá. Những nô lệ gốc ở Mỹ mà gửi sang thị trường Angola thực là của hiếm, sẽ đắt như tôm tươi. Bấy giờ chỉ còn việc chiếm đoạt thứ hàng quý giá đó thôi.
Nego hỏi:
- Việc đó có lẽ khó?
- Không bạn ạ. Cách đây 10 dặm, đang có một đoàn nô lệ đang cắm ở làng Quangđa do một lái Ả Rập tên là Amít cầm đầu. Hắn chỉ đợi tôi trở về là lên đường đến chợ Cadôngđê. Vùng đó không có lính tuần tra nên ta dễ bắt bọn Đíchsơn, miễn là bọn đi định đi về lối Quangđa.
Ali nói tiếp:
- Chắc thế, vì Đíchsơn là một tên thông minh. Nó sẽ không theo đường cũ để ra bờ biển vì dễ lạc trong những cánh rừng bao la. Tôi đoán thế nào nó cũng theo một dòng sông con đóng bè để ra biển. Nó không còn phương tiện nào hơn nữa. Tôi biết thế nào nó cũng đi bằng lối ấy, và tất nhiên nó không ngờ đến vòng lưới của chúng ta đang đợi nó.
Nego tư lự một lúc rồi nói:
- Phải… may ra…
- Không thể nói là “may ra” mà phải nói là “cầm chắc” mới đúng. Anh sẽ thấy Đíchsơn sẽ đến đúng “chỗ hẹn tưởng tượng” của tôi trên sông Quangđa cho mà xem.
- Nếu đúng như vậy thì chúng ta khởi hành ngay đi. Tôi biết Đíchsơn lắm, nó không chịu chậm trễ một giờ nào, ta phải đến trước mới được.
- Chúng ta đi.
Hai người vừa đứng dậy thì có tiếng sột soạt ở trong bụi cây gần đó. Nego dừng lại và nắm lấy tay Ali. Chợt tiếng sủa vang lên rồi một con chó hiện ra trên bờ suối, nhe nanh, vọt đến. Ali kêu:
- A! Con Đinhgô!
Nego nói:
- Lần này nó không thoát tay tôi.
Trong khi Đinhgô nhảy vào Nego, y giật súng của Ali lùi lại, ngắm và bóp cò. Một tiếng kêu đau đớn đáp lại sau tiếng nổ. Con Đinhgô biến mất sau đám cây con bao phủ bờ suối. nego bước xuống bờ suối, thấy lá cây cào vết máu và một vệt đỏ kéo dài trên đám sỏi trắng tinh. Y nói:
- Thế là hết đời con quái vật nhé!
Ali chứng kiến hết tấn kịch đó, hỏi Nego:
- Con chó căm thù anh lắm sao?
- Hình như thế. Nhưng bây giờ thì nó hết căm thù!
- Sao nó lại căm thù anh đến như thế?
- Ồ! Đó là một chuyện cũ cần phải thanh toán giữa nó và tôi.
- Chuyện cũ à?
Nego im lặng. Ali biết Nego không muốn tiết lộ chuyện riêng nên không hỏi thêm nữa. Một giờ sau, hai tên lần theo bờ suối một đoạn nữa rồi rẽ đường rừng để đến Quangđa.