Cái trạm gác mà Đíchsơn trông thấy khi mới ở tổ mối thò đầu ra đóng trên một quả đồi. Ở đỉnh đồi có một cây phong lớn, sống tới mấy ngàn năm, cành lá xòe ra một vùng rộng lớn và có thể làm chỗ trú ẩn rất tốt cho năm trăm người. Những ai chưa từng trông thấy giống cây khổng lồ của miền Trung Phi này có thể tưởng tượng được, phạm vi bao la của cành lá nó sum suê, rậm rạp như rừng, một người lạc vào không biết lối ra.
Chính ở dưới cây cổ thụ này, một đoàn nô lệ được đưa đến nghỉ, đây là một chỗ trú chắc chắn và kín đáo. Đoàn nô lệ này gồm toàn những dân bản xứ do bọn tay sai của trùm Angve bắt ở các làng về để bán ở chợ Cadôngđê.
Vì thế, ngay khi giải đến trạm nghỉ, Đíchsơn và các bạn đương nhiên bị coi là nô lệ. Đối với già Tôm cùng con trai là Pác, Ốttanh, Antôn và u già Năng, tuy không phải là người Phi nhưng vì da đen nên vẫn bị xếp vào nhóm nô lệ bản xứ.
Sau khi bị tước hết khí giới, cứ hai người bị đóng chung một gông vào cổ. Mỗi cái gông dài độ thước rưỡi, hai đầu uốn khoằm và có then ngang khóa lại. bị móc bằng thứ gông này, nạn nhân chỉ đi hàng một, nghĩa là người sau phải theo kẻ trước và không đi chệch sang bên phải hoặc bên trái được. Để chắc chắn hơn, người ta xích hai người vào nhau bằng một cái xiềng nặng bằng sắt ở ngang lưng. Đíchsơn không bị ghép với ai cả, vì là người da trắng nên có lẽ chú còn được nể.
Đíchsơn bị tước súng, tay chân được tự do, nhưng bên cạnh vẫn có một người quản thúc. Chú biết rằng không thể trốn thoát được và cũng không thể dò hỏi ai tin tức mọi người. Biết bao giờ lại trông thấy bà Uynxton? Không biết họ đưa đoàn nô lệ này đi đâu? Đến chợ nào? Tuy không hiểu ngôn ngữ của những tên chỉ huy nói với nhau bằng tiếng Trung Phi, nhưng Đíchsơn nhận thấy có một danh từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là danh tư “Cadôngđê”. Chắc hẳn đó là tên một điểm “chợ bán người”. Số phận Đích sơn và những người bị bắt sẽ do vị lãnh chúa của vùng này hoặc những tên trùm buôn nô lệ xử trí.
Đíchsơn muốn cho các bạn da đen biết qua tình hình nhưng họ lại ở cà phía bên phải của trạm, cách chỗ Đíchsơn chừng năm mươi bước. Riêng già Tôm và con trai may sao lại được xích với nhau. Antôn và Ôttanh cũng vậy. Đíchsơn tìm cách đến chỗ già Tôm. Còn độ vài bước nữa thì tới. Tên tay sai trông thấy chạy đến lôi Đíchsơn lại một cách tàn nhẫn. Đíchsơn hăng máu giật lấy súng, hai bên giằng co gãy cả vũ khí. Nghe tiếng kêu cứu, sáu bảy tên lính chạy lại. nếu không có tên chỉ huy can thiệp thì bọn lính đã đập chết Đíchsơn rồi. Tên chỉ huy này là người Ả Rập, thân hình cao lớn, vẻ mặt hung ác, chính là tên Ip Amít mà Ali đã có lần nhắc đến.
Sau đó, Đíchsơn bị đưa ra phía sau trạm. Còn bọn già Tôm thì bị chuyển sang mé bên trái trạm. Nhân việc này, Đíchsơn nhận thấy hai điều: một là đã có một mật lệnh cấm cho Đíchsơn trao đổi với các bạn da đen; hai là không được động chạm đến Đíchsơn. Vậy ai là người đã ra lệnh đó, nếu không phải là Ali hoặc Nego?
Lúc đó vào khoảng chín giờ sáng (ngày 19 tháng tư), chợt có tiếng tù và nổi lên, kế đến tiếng trống đánh dồn dập báo hiệu giờ nghỉ đã hết. Mọi người từ chỉ hua, cai, phu vác đồ và những người lô lệ chuẩn bị lên đường. Cả bọn cầm tù và hợp thành một toán, mỗi toán có một tên cai cầm một lá cờ và một chiếc còi dài. Đoàn nô lệ bắt đầu đi.