Trang

【Thuyền trưởng tuổi 15】 ● PHẦN THỨ 2 ● CHƯƠNG 15 - TRÔI THEO DÒNG NƯỚC

Vị pháp sư câm đó chính là Ecquyn và người mà anh gọi là thuyền trưởng chính là Đíchsơn.
Bà Uynxton hồi tỉnh. Bà mở mắt kinh ngạc, không biết thực hay mơ?
- Ô kìa, Đíchsơn, con?!
- Dạ, chính con đây!
Đíchsơn vừa nói vừa chạy lại. Bà ôm lấy chú, mừng mừng tủi tủi, nước mắt trào ra.
Em Giắc cũng reo lên:
- A! Anh Đích! Anh Đích!
Rồi em quay nhìn người đội mũ pháp sư lông ngựa vằn và nói:
- Ai! Em không biết!
Ecquyn liền bỏ mũ lông chim ra, xoa hết phấn trắng ở ngực và cười.
Bà Uynxton kêu lên:
- Ủa, Ecquyn!
Rồi bà nắm tay Ecquyn và nói:
- Anh làm tôi hết hồn!... Bây giờ đã thoát trại giam rồi!... cám ơn anh!
Em Giắc ôm chầm lấy Ecquyn kêu lên:
- Ecquyn! Ecquyn!
Đíchsơn nói với Giắc;
- Chính Ecquyn đã cứu mẹ và em, cũng như đã cải tử hoàn sinh cho Đíchsơn đấy!
Binđác đang hỏi chuyện bà Uynxton cũng quay ra nói:
- Cứu cả tôi nữa chứ!
Ecquyn đáp lời Binđác:
- Không phải! Chính ông đã cứu bà Uynxton và em Giắc!
Binđác nói:
- Sao lạ vậy?
Ecquyn đáp:
- Vì nếu không có ông cho biết bà Uynxton và em Giắc ở đâu thì tôi cũng đến chịu.
Thực vậy, năm hôm trước, Ecquyn đã ở trong bụi nhảy ra bắt Binđác khi đang mải đuổi sâu trong rừng. ông cho biết nơi đó cách trại Angve chừng hai dặm.
Trong khi thuyền xuôi dòng. Ecquyn kể lại cho mọi người nghe những chuyện xảy ra sau khi Ecquyn trốn thoát khỏi đồn Quanđa, chuyện Ecquyn lén lút theo dõi đòn phu cáng bà Uynxton và em Giắc, chuyện Ecquyn tìm thấy con Đinhgô bị thương rồi cả hai đều đến ẩn nấp ở ngoại thành Cadôngđê; chuyện con Đinhgô đem thư báo cho Đíchsơn biết bà Uynxton và em Giắc đang bị giam lỏng ở trai Angve. Cuối cùng là tấn bi kịch hạ màn vào chính hôm nay… Nguyên là được tìn một pháp sư danh tiếng xuống cứu nạn lụt, Ecquyn đón đường bắt pháp sư đó lấy dây bìm trói chặt vào một gốc cây, lột hết y phục, mũ mão và đồ nghề. Anh mặc các thứ đó lại theo kiểu mẫu và vẽ thêm những đường vằn trên ngực bằng đất sét trắng giả làm pháp sư. Rồi Ecquyn về thẳng kinh thành Cadôngđê giả câm và lập mưu cướp bà Uynxton và em Giắc.
Trong các chuyện thuật lại, không thấy ai nói đến Đíchsơn, bà Uynxton liền hỏi.
- Thế còn Đíchsơn, làm sao mà thoát nạn?
Đíchsơn đáp:
- Lúc đầu con cũng không biết làm sao mà thoát nạn được. Trước giờ bị hành hình, con phẫn uất, vùng vẫy muốn đứt tung dây trói. Nước ầm ầm chảy đến, rồi dâng lên, con lịm dần… Khi còn hồi tỉinh, con thấy mình nằm trên ổ cỏ, dưới lùm cây ven bờ sông này. Ecquyn đang qùy bên cạnh chăm sóc con…
Bà Uynxton hỏi Ecquyn:
- Anh cứu Đích thế nào? Kể lại cho tôi nghe.
Ecquyn cười đáp:
- Thưa bà, đâu cần phải tôi cứu! Chính dòng nước mạnh đã nhổ cây cột trói thuyến trưởng của ta rồi cuốn qua đây. Tôi tình cờ vớt được Đíchsơn còn thòi thóp.
Uynxton thấy chuyện đơn giản quá, hỏi:
- Làm gì có chuyện lạ thế?
Ecquyn đáp:
- Thưa bà, đêm hôm đó trời tối đen như mực, tôi liền xuống dòng sông, ngồi lẫn với đám nạn nhân dùng làm vật hy sinh đang gào khóc lăn lội đợi chết. Chờ lúc họ phá đập cho nước dâng lên, tôi lội ra. Chỉ cần khỏa cánh tay một cái là nhổ phăng được cây cột lẫn Đíchsơn. Tôi ôm lấy và theo dòng nước bơi về đây. Thưa bà, việc đó không có gì là khó cả.
Bà Uynxton nói:
- Không, anh đã làm một việc phi thường.
Xong bà kể lại từ chuyện hôm bị giam trong trại Angve đến hôm Nego bắt bà viết thư nhắn chồng phải đem tiến đến chuộc. Bà đã đưa thư cho Nego, hắn đang khởi hành đi tìm chồng bà rồi.
Nghe đến đây, Ecquyn bỗng kêu lên:
- Thôi chết rồi! Tôi đã làm hỏng việc của bà!
Bà Uynxton nói:
- Không phải thế. Tôi sợ chúng đánh lừa nên đắn đo mãi, sau cùng phải đánh liều viết và chỉ thuận cho chồng tôi đến bến Môsamêdét ở phía nam bờ biển Angola mà thôi.
Đíchsơn nói:
- Bọn chúng xảo trá lắm. Biết đâu khi ông đến bến Môsa, chúng lại không tìm cớ lừa ông về Cadôngđê, sào huyệt của bọn chúng.
Bà Uynxton nói:
- Xem giọng lưỡi thằng Nego, rất có thể nó sẽ gài bẫy. Vả lại nếu sự việc đó trôi chảy chăng nữa thì biết bao giờ mới lại được gặp mặt những người thân yêu này?
Đíchsơn nói:
- Bây giờ chúng ta phải đến bờ biển trước khi Nego trở về bến Môsa. Ở đó, những nhà chức trách Bồ Đào Nha sẽ giúp đỡ và che chở cho chúng ta. Khi nào Angve thò ra lấy một trăm ngàn đồng, tức thì chúng ta…
- Chúng ta quất một trăm ngàn gậy vào sọ tên cáo già!
Ecquyn nghe chuyện nổi giận xen vào.
Từ trước, Đíchsơn vẫn có ý định tìm ra bờ biển bằng cách theo sông. Giờ đã ở sông này. Còn phương tiện đi thì một hôm Ecquyn tình cờ kiếm được một chiếc thuyền gỗ cũ bị giạt vào một bãi cỏ rậm đã lâu ngày, anh liền kéo về sửa chữa. Để ngụy trang, Ecquyn lấy cỏ phủ lên mui thuyền giống hệt như những lùm cỏ xanh thường trôi trên các sông châu Phi mà người ta thường gọi là “những cù lao nổi”. Con thuyền của Ecquyn bây giờ cũng là một cù lao cỏ trôi trên sông. Nó không những đánh lứa được những con mắt tò mò của thổ dân mà còn quyến rũ được các giống chim thường đến đậu trên nóc rỉa lông rỉa cánh và ca hát véo von.
Dưới mái cỏ xanh ngắt, mọi người được nghỉ ngơi thoải mái, và tránh được cái nắng gay gắt của mặt trời. tuy nhiên, hành trình còn dài và chưa hết khó khăn, nguy hiểm. Theo con sông này thì đoàn Đíchsơn sẽ ra phía bắc bờ biển Angola mà bến Môsa, nơi Nego hẹn gặp lại ở về phía Nam. Nhưng hãy ra thới bờ biển đã. Con sông này sẽ đưa tới đất có người Bồn Đào Nha đóng, nên sẽ yên ổn.
Thuyền êm ả xuôi dòng, hai bên cây rừng rậm rạp. Đíchsơn ước lượng con thuyền có thể đi hơn hai dặm một giờ. Mấy ngày đầu đã có lương thực do Ecquyn dự trữ. Những hôm sau, Ecquyn và Binđác phải đánh cá để ăn. Thỉnh thoảng Đíchsơn lại lên bờ săn bắn với cây súng độc nhất do Ecquyn đem theo. Thuyền đi suốt ngày, ban đêm chỉ dừng lại một vài giờ để mọi người nghỉ ngơi lấy sức. Bước đầu của chuyến đi trên sông lạ này trôi chảy, không gặp khó khăn gì. Hai bên bờ vắng tanh không một túp lều, không một bóng người. Dân xứ Cadôngđê ít khi đặt chân tới nơi hoang địa này. Một hôm đêm đã khuya, thuyền đang đi bỗng nhiên dừng lại, Ecquyn ở đằng lái hỏi:
- Sao thế?
- Một bờ đập tự nhiên.
Ecquyn nói:
- Thế thì phá đi!
Đích sơn đáp;
-Anh đem búa lại đây.
Ecquyn xách búa nhảy sang bờ đáp:
- Để tôi phá cho.
Vật ngáng đường này là một đám cỏ nước, rễ, lá giao nhau, kết thành một bè cỏ dầy từ bờ bên này sang bờ bên kia, rất chắc và dai, lá cao và xanh bóng. Dân bản xứ gọi dải cỏ này là “cầu cỏ” hay “tikatika”. Người ta có thể dúng cầu đó qua sông được nếu không sợ thụt chân xuống gần đầu gối.
Khỏe và nhanh như Ecquyn, cũng phải gần một tiếng đồng hồ, dòng nước mới thông. Thuyền lại bắt đầu đi.
Chợt vẳng nghe xa xa về bờ bên phải có tiến ồn ào, tiếp theo những tiếng xì xụp đều đều như tiếng bễ thợ rèn. Khi thuyền đền gần thì ra một đàn voi hàng mấy trăm con đang đứng xếp hàng trên bờ uống nước. Ban ngày chúng kiếm ăn trong rừng, ban đêm vắng vẻ, chúng kéo nhau ra sông giải khát. Hàng trăm cái vòi đưa xuống đưa lên một loạt như máy. Nếu khúc sông này là một cái hồ thì không mấy lúc sẽ cạn hết nước.