Thuyền Hải Âu lại tiến thẳng về phía đông. Hôm đó là ngày hai tháng hai. Đến chiều, nhìn lại thì tàu Anđát đã khuất dạng. Công việc đầu tiên của thuyền trưởng Huvo là sắp xếp chỗ ở cho năm người da đen. Nơi ở dành cho thủy thủ đã chật, người ta phải dọn chỗ dưới buồng lái cho họ. Sinh hoạt của thuyền bị xáo động một chút do chuyện bất ngờ, nay đã trở lại bình thường.
Năm người ở nhờ lúc nào cũng mong có việc làm để giúp ích cho thuyền. Nhưng sóng yên gió thuận, khi buồm đã đặt đúng hướng rồi thì không còn việc gì nữa. tuy nhiên thỉnh thoảng phải xoay buồm thì họ làm rất đắc lực, nhất là Ecquyn cao đến thước tám, làm khoe bằng ba bốn người. Khi anh khổng lồ này mó vào việc gì thì phải biết!
Em Giắc thích ngắm Ecquyn làm việc. Em không sợ và để cho Ecquyn bế lên nhẹ như người ta cầm con búp bê bằng bông và em thích chí, cười như nắc nẻ. Trước có Đíchsơn, nay em có thêm Ecquyn và có một bạn thứ ba nữa, đó là Đinhgô.
Đinhgô không thích gần người, nhưng Giắc lại khéo làm cho chó quyến luyến, nó thích đùa với Giắc bởi Giắc cũng thích chơi với nó, Đinhgô là giống chó mến trẻ. Tuy nhiên bà Uynxton không để con đùa nghịch suốt ngày. Bà dạy Giắc tập đọc và viết. Còn Đíchsơn dạy em đếm và làm những bài toán nhỏ vui. Giắc tập đọc, không phải bằng sách dạy vần mà bằng những chữ in rời trên những miếng gỗ nhỏ hinh lập phương. Em chọn nhưng chữ đó để chắp thành tiếng và rất thích cách học này.
Một hôm, có một chuyện bất ngờ xảy ra làm cho mọi người rất đỗi ngạc nhiên. Buổi sáng, ngày chín tháng hai, trong khi Giắc đang nằm trên sàn thuyền, chơi chắp chữ với những miếng gỗ, còn Đinhgô cứ lượn quanh chỗ em chơi. Giắc mãi tìm chữ không chú ý. Bỗng Đinhgô đứng lại, hai mắt trừng trừng, chân phải giơ lên, cái đuôi giần giật. Rồi bất thình lình nó nhảy vào giữa đám chữ rời, lấy răng cắn một miếng gỗ tha đi. Nó đem đến một chỗ cách em Giắc vài bước và để xuống sàn. Miếng gỗ mang chữ S hoa. Giắc sợ con chó nuốt mất chữ S của mình liền gọi:
- Đinhgô! Trả đây! Đinhgô!
Nhưng Đinhgô không trả. Nó lại đến ngoạm thêm một miếng gỗ nữa, đem đặt cạnh miếng gỗ trước. Miếng gỗ thứ hai mang chữ V. hoa. Bị con chó phá mãi, Giắc kêu lên. Bà Uynxton, ông Huvo và Đichsơn đang đi chơi trên sàn thuyền, nghe tiếng kêu liền chạy đến. Giắc liền kể rằng con Đinhgô biết chữ! Nó biết đọc!
Đichsơn cúi xuống định lấy lại hai chữ đó thì con chó nhe nanh chống cự. Nhưng Đichsơn xoa đầu con chó và lấy lại bỏ vào bộ chữ của em Giắc.
Đinhgô chạy theo và nhảy vào ngoặc cả hai chữ đó mang ra. Lần này nó sắp hai chữ S.V. ở trước mặt và lấy hai chân đè lên. Nó chỉ cần giữ hai chữ đó thôi, còn các chữ khác nó không cần biết đến.
Bà Uynxton thấy vậy nói:
- Lạ quá! Sao nó biết hai chử S và V?
- S và V chính là hai chữ ghi ở vòng cổ nó – ông Huvo nói, xong quay sang chỗ già Tôm hỏi – Ông nói là con chó này mới được thuyền trưởng Anđát nuôi phải không?
- Vâng, được chừng hai năm thôi – già Tôm đáp.
- Ông cũng nói là thuyền trưởng Anđát đã gặp nó ở bờ biển Phi Châu và đem về nuôi, phải không?
- Thưa thuyền trưởng, vâng. Ở gần cửa sông Congo, tôi thường thấy thuyền trường Anđát nói thế.
- Như vậy người ta không bao giờ biết được chủ nó là ai và tại sao nó bị bỏ rơi.
- Một con chó lạc cũng như một đứa trẻ lạc, không có giấy tờ, sẽ không tìm ra gốc gác.
Thuyền trưởng Huvo đứng lặng, cỏ vẻ suy nghĩ.
Bà Uynxton hỏi ông Huvo.
- Hai chữ đó có gợi cho ông một hình ảnh cũ nào không?
- Thưa bà, có. Một hình ảnh cũ hay là một chuyện gần phù hợp với hai chử đó.
- Chuyện gì?
- Hai chữ đó có thể có nghĩa và làm cho tôi tưởng nhớ đến số phận một du khách ga dạ…
- Ông muốn nói…?
- thưa bà, năm 1871, cách đấy hai năm, một du khách người Pháp theo lời khuyên của hội Địa lý Paris quyết định thực hiện một cuộc hành trình xuyên qua Phi Châu từ Tây sang Đông. Điểm khởi hành là cửa sông Congo, điểm phải tới là mũi đến Dengago ở cửa sông Rovuma, và du khách phải xuôi thuyền theo dòng sông đó. Du khách ấy tên là Samen Vecnong.
Bà Uynxton nhắc lại:
- Samen vecnong!
- Thưa bà, vâng. Hai tiếng đó bắt đầu đúng bằng hai con chữ mà con Đinhgô đã chọn trong bộ chữ rời, hai chữ đã được ghi vào vòng cổ nó.
- Có lẽ dúng. Về sau người du khách đó ra sao?
- Người du khách đó ra đi và sau đó người ta không nhận được tin tức gì về ông ta nữa?
Đichsơn cũng hỏi:
- Không có tin gì nữa ư?
- Tuyệt nhiên không.
- Vậy thì ông kết luận thế nào? – bà Uynxton hỏi.
- Tôi cho rằng ông Samen Vacnong đã không đi tới đích được. Có lẽ ông ta bị dân bản xứ bắt giam hoặc ông ta đã chết ở dọc đường.
- Còn con chó?
- Con chó chắc là của ông Samen Vecnong. Số phận nó còn may hơn chủ là nó đã trở lại bờ biển ở cửa sông Congo, và chính ở nơi đây, sau mọi chuyện xảy ra, nó đã được thuyền trưởng Anđát đem về nuôi.
Bà Uynxton hỏi:
- Ông biết chắc người du khách Pháp có đem một con chó đi theo?
- Thưa bà, tôi đoán thế. Nhưng điều chắc chắn nhất là con chó biết hai chữ tên tắt của người du khách Pháp đó. Bây giờ hỏi rằng con chó đã biết phân biệt hai chữ ấy trong trường hợp nào thì tôi không thể giải thích được. Nhưng tôi xin nhắc lại rằng con Đinhgô quen hai chữ đó lắm. Kìa! Nó đang lấy chân đẩy hai chữ đó ra như gọi chúng ta chú ý đến.
Tình cờ Nego đi qua đó. Hắn kinh ngạc thấy con chó đang ngồi rình trước hai chử S.V. Hắn định rút lui thì Đinhgô nhìn thấy hắn, liền quay lại sủa liên hồi với vẻ rất căm thù. Nego liền giơ tay dọa nó rồi trở về phòng. Ông Huvo nhìn hết tấn kịch đó và suy nghĩ:
- Trong việc này chắc có một sự bí ẩn gì đây.