Tan học, Tômếch đứng một mình trên thảm cỏ nhỏ giữa quảng trường Ba Cây Thập Tự, nghĩ xem nên làm gì cho hết ngày. Chẳng tội gì về nhà ngay trong một ngày khởi đầu vui vẻ thế này. Tiết trời tháng sáu ấm áp, chan hòa nắng, như chào mời người ta đi dạo phố. Lời chào mời càng hấp dẫn bội phần vì từ quảng trường Ba Cây Thập Tự chỉ cần bước qua đường là đã có thể hòa vào đại lộ Ujazđôpxki với những hàng cây xanh mát. Nếu không tận dụng cơ hội tuyệt vời này, thì một khi đã trở về nhà, dì Janhina sẽ có muôn vàn lý do để không cho phép nó rời khỏi nhà lần nữa.
Cân nhắc hết mọi khả năng rồi, không hiểu sao nó vẫn không thể quyết định. Khó lòng có thể đánh lừa dì. Ngày nào cũng vậy, khi bọn trẻ vừa từ trường về nhà là dì liền hỏi ngay về bài tập và điểm số, và trăm lần như một dì đều kết thúc bằng câu: “Bây giờ đưa sổ tao xem nào!”
Nếu như những gì bọn trẻ nói không đúng với nhận xét của thầy giáo, thì dì bèn cho một bài diễn thuyết tràng giang. Về nhà muộn cũng được coi như một điểm kém và cũng bị trừng phạt tương tự.
Irena, Zbưsếch và Vitếch. Các con đẻ của dì Janhina, ngay từ nhỏ đã quen với tính nghiêm khắc của mẹ, dễ dàng thuận theo những đòi hỏi của dì. Tômếch thì không biết tỏ ra ngoan ngoãn như các em, nên thường bị trừng phạt nhiều hơn.
Dì có lý do riêng để chú ý nhiều hơn đến nó. Từ sau khi mẹ chết, nó trở thành đứa trẻ mồ côi, và không biết sẽ xảy ra chuyện gì nếu vợ chồng dì Karxki không đưa nó về nhà chăm sóc. Mẹ Tômếch đã mất hai năm sau khi cha nó bỏ trốn ra nước ngoài, đó là cách duy nhất tránh cho ông khỏi bị bọn hiến binh Nga hoàng bắt giam. Nhớ đến tấn bi kịch của chị mình, dì Janhina sợ chuyện chính trị hơn sợ lửa. Bởi lẽ nếu dính dáng vào, chí ít người ta cũng bị đe dọa lưu đày đi Xibia.
Ngược với dì, Tômếch coi cha là một người anh hung. Và trong những mơ ước thầm kín nhất, nó khao khát noi gương cha về mọi phương diện. Hẳn nó cũng được thừa kế cha khả năng và lòng say mê khoa học. Cũng giống cha, nó đặc biệt mê môn địa lý. Nó dành gần như toàn bộ thời gian rảnh để đọc sách mô tả phong cảnh các vùng đất lạ cùng các dân tộc sinh sống trên đó, còn sách viết về những nhà du hành và thám hiểm Ba Lan thì nó không sao dứt ra nổi. Hơn hẳn các bạn cùng tuổi, Tômếch hiểu lịch sử u buồn của đất nước Ba Lan, hơn một trăm năm bị kẻ thù chiếm đóng. Trong những ngày cuối đời, mẹ đã dạy nó lịch sử chân chính của đất nước, và mỗi khi có dịp, bà thường nhắc con luôn nhớ rằng người cha bị truy đuổi chỉ vì đã đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc.
Cũng vì vậy, chẳng có gì lạ là nhiều lần Tômếch bị điểm kém về môn sử, bởi môn sử mà nó được nghe mẹ dạy hoàn toàn khác với môn lịch sử được dạy ở trường. Bị dì nhắc nhở, nó cố che giấu nỗi ác cảm đối với môn học đó, nhưng không phải bao giờ nó cũng giấu được. Vì các môn học khác nó được toàn điểm tốt, nên giáo viên chủ nhiệm kết luận rằng thằng bé tỏ ra ác ý đặc biệt khi học môn sử. Cứ sau mỗi lần họp phụ huynh, dì Janhina nhút nhát lại trút lên đầu Tômếch biết bao lời mắng mỏ.
Nửa năm gần đây đặc biệt không may cho Tômếch. Nó thường bị phạt. Và mỗi lần như thế dì lại không tiếc lời mắng nhiếc nó, thậm chí trong cơn tức giận, dì quát lên: “Rồi mày cũng đến kết thúc như cha mày thôi!”
Bị chạm tự ái, Tômếch hỏi lại: “Thưa dì, thế dì nghĩ rằng cha cháu đã làm điều gì không phải hay sao?”
“Chính cha mày đã đẩy mẹ mày, tức là chị ruột tao, xuống mồ”, – dì gào lên trong cơn tức giận.
Lần ấy, cả Tômếch lẫn dì Janhina đều ngạc nhiên đến sững sờ khi chú Antôni, người thường ngồi im lặng cắm cúi trên chồng sổ sách kế toán, chợt quẳng đánh xoạch cây bút chì lên bàn, và có lẽ là lần đầu tiên trong đời, chú cao giọng mắng vợ: “Cô có thôi ngay chuyện hành hạ thằng bé can đảm ấy đi không hả? Sao cô lại cứ cố tình giết chết điều tốt đẹp nhất trong lòng nó thế?”
Dì Janhina cứng miệng, nhưng Tômếch còn kinh ngạc nhiều hơn. Tuy nhiên chuyện cãi cọ nhanh chóng kết thúc, khi chú Antôni nóng nẩy đưa tay lên sửa cặp kính mũi, rồi lại cúi xuống quyển sổ cái đang mở rộng trên bàn. Từ hôm ấy trở đi cách cư xử của dì đối với Tômếch hoàn toàn thay đổi. Dì thôi không bắt nó phải nhồi sọ môn lịch sử, song tìm mọi cách hạn chế nó ra khỏi nhà. Vì vậy những cuộc đi dạo phố và những buổi học cưỡi ngựa ở trường đua càng trở nên vô cùng hấp dẫn với Tômếch.
Lúc này đứng trên quảng trường Ba Cây Thập Tự, nó rất phân vân. Về nhà bây giờ chắc phải ngồi ngay vào bàn làm bài tập, rồi sau đó, cùng với bọn nhóc em họ, nó sẽ bị dì căn vặn. Chán ngắt! Trong khi đó, đi thăm Vườn Bách thảo thì thú vị biết bao! Làm gì bây giờ? Trong óc nó chợt nảy ra một ý tuyệt vời: “Cứ để số phận quyết định phải đi hướng nào!”
Bước về phía cột đèn đường gần nhất, cứ mỗi bước chân nó lại lẩm nhẩm: “Đi chơi, vè nhà, đi chơi, về nhà, đi chơi, về nhà…” và nó nở từng khúc ruột khi dừng bước cạnh cột đèn đúng từ “Đi chơi”. Thở phào nhẹ nhõm, lòng đầy biết ơn số phận đã tặng cho mình lời giải có lợi như thế, nó rảo bước về phía đại lộ Ujazđôpxki.
Lát sau nó đã ở trong Vườn Bách thảo và quên ngay những chuyện phiền toái đang đợi ở nhà. Tômếch ngồi xuống một góc vắng. Mùi hoa thơm ngát và tiếng chim hót ríu ran khiến nó chỉ nghĩ đến những điều dễ chịu nhất, nghĩ về người cha mà nó hầu như không biết mặt. Tômếch nhắm mắt lại… Trong trí tưởng tượng của nó hiện ra hình bóng lờ mờ của một người đàn ông cao cao, song khuôn mặt thì nó không tài nào nhớ nổi. nó cũng không biết giờ này cha nó đang ở đâu, làm gì. Chuyện đó dì Janhina hoàn toàn giữ kí. Cha nó rất hiếm khi gửi thư về, nhưng cứ nửa năm một lần, người đưa thư lại mang đến cho dì giấy báo mời ra Bưu điện trung tâm. Và mỗi lần như vậy, dì lại sắm cho bọn trẻ những bộ quần áo mới. Hẳn là cha Tômếch gửi tiền về cho dì.
Hai vợ chồng Karxki đối xử với Tômếch như với con đẻ. Điều khác biệt duy nhất là Tômếch được đi học thêm tiếng Anh tại nhà một phụ nữ người Anh chính hiệu sống tại Vácsava. So với thu nhập của chú Antôni, tiền trả cho Tômếch học ngoại ngữ là một khoản chi phí quá lớn. Vì vậy, Tômếch hiểu rằng nó được hưởng ân huệ ấy theo yêu cầu của cha, nó rất muốn làm ông vui lòng nên học rất chăm, cố ngốn thật nhiều từ, với ý nghĩ “để cha biết mình yêu cha lắm”.
Ngồi trong vườn, nó xếp đặt những điều sẽ nói với cha nếu như có lúc nào đó được gặp lại. Dĩ nhiên, nó sẽ nói bằng tiếng Anh, bởi chắc cha muốn biết kết quả của việc học hành tốn kém ấy ra sao. Thế là nó bèn tự đặt ra vô số câu hỏi rồi lại tự trả lời, những từ khó quá thì tra từ điển; cứ mê mải thế, nó không để ý là đã ba tiếng đồng hồ trôi qua. Càng ngày càng có thêm nhiều người vào vườn. Rốt cuộc, dù đang mải suy nghĩ, Tômếch cũng phải để ý đến họ.
“Chắc muộn lắm rồi, – nó nghĩ bụng. – Hẳn dì đang bực mình lắm đây…” Khi phân vân không biết lúc về nhà có bị phạt hay không, ánh mắt nó chợt dừng lại chỗ mấy bụi cây xanh tươi.
“Ha, nếu số phận đã xui khiến mình đi chơi thì chắc nó sẽ giải quyết giúp mình điều phấp phỏng này”, Tômếch quyết định và bẻ ngay một cành cây nhỏ. Vừa vặt từng chiếc lá, nó vừa lẩm nhẩm: “Bị phạt, không bị, bị phat, không bị, bị phạt…” Nó khoái chí vô cùng khi ném chiếc lá cuối cùng xuống đất vào đúng từ “không bị”. Thế là nó bèn cố đoán tại sao không bị phạt, bởi bao giờ dì cũng rất nghiêm khắc với chuyện đi học về muộn.
“Biết đâu dì chẳng đang bị đau đầu? – nó tự nhủ. – Nếu dì đã ngả lưng và ngủ thiếp đi thì mình sẽ không bị phạt. Cũng có thể dì có công chuyện phải đi và sẽ không hỏi lại xem mình có về đúng giờ không”.
Nó bèn rảo bước về nhà, muốn xác minh ngay xem lời bói có đúng hay không. Từ đại lộ Ujazđôpxki về phố Môkôtôpxka cũng không xa mấy, nên chẳng mấy chốc nó đã ngập ngừng dừng chân trước cổng. Sẽ ra sao nếu lời bói không đúng? Dù sao đi nữa, nó cũng không muốn làm dì bực mình. Không muốn phấp phỏng lâu hơn nữa, nó chạy qua cổng, dừng chân ở rìa sân. Nhìn về phía cửa sổ tầng hai thường tối đèn, nó chợt lo lắng: trong phòng khách đèn đang sang, điều đó có nghĩa nhà chú dì đang có chuyện khác thường. Vậy làm sao nó tránh khỏi bị phạt?
“Không hay rồi, ôi, chẳng hay chút nào! – Tômếch lo lắng. – Như vậy là quẻ bói không thiêng. Còn gì nữa, hôm nay là thứ bảy, mà dì bao giờ cũng bảo rằng ngày thích hợp nhất để mọi lời bói toán được thực hiện là thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Sao mình không nghĩ ra điều đó sớm hơn nhỉ!”
Đầy chán nản, sẵn sàng chịu đựng những chuyện khó chịu nhất, nó leo lên tầng hai, bấm chuông. Mở cửa cho nó là Irena, cô em họ.
– Anh đi chơi ở đâu mà lâu về thế? – cô bé hỏi, giọng đầy hồi hộp.
– Số phận chơi xỏ tao. Tao quên mất hôm nay là thứ bảy…
– Anh nói vớ vẩn gì thế? – Irena sốt ruột hỏi.
– Dì có bực mình lắm không? – Tômếch hỏi lại, không để ý đến lời cô bé.
– Biết được, đã ba giờ đồng hồ mẹ và ba em cứ đóng kín cửa, ngồi hoài trong phòng khách với một vị khách vô cùng bí ẩn.
Tômếch thở phào. Niềm vui trở lại ngay. Vậy hóa ra bói lá quả thực là phương pháp dự báo chính xác nhất trong số các phương pháp người ta từng biết.
– Thế Vitếch và Zbusếch đâu? – tò mò vì vẻ bồn chồn của cô em, nó hỏi.
– Đang nhòm qua lỗ khóa, – Irena vội nói ngay.
– Thế thì nhừ đòn, nếu như dì biết. Cứ làm như chưa có khách lần nào ấy! Chắc cả mày cũng nhòm chứ gì?
– Ha ha! Hôm nay ngài Tômas nghiêm gớm nhỉ! – cô bé giễu. – Vậy thì anh sẽ chẳng được biết gì hơn nữa đâu.
– Đằng nào thì mày cũng chẳng giữ mồm được, tốt nhất nói toẹt hết ra đi cho rồi.
– Anh sẽ đòi ghi têm xếp hàng qua lỗ khóa nếu anh biết rằng đó không phải là một ông khách vớ vẩn nào đâu. Khi bác ấy vừa bước vào nhà, người bác ấy tỏa ra mùi rừng rú.
– Biết đâu ông ấy xức nước hoa? – cậu bé đùa.
– Vớ vẩn! – cô bé cáu – Người ta đâu có nói chuyện mùi. Nom bác ấy cứ như vừa mới từ rừng rậm Phi châu trở về ấy.
– Thế rồi sao nữa? – Tômếch hỏi.
– Bác ấy bảo mẹ câu gì ấy, suýt nữa thì mẹ ngất xỉu, mẹ kêu cuống cả lên: “Antôsiu, anh Antôsiu! Ra đây mau, có khách đặc biệt đến!” Thế rồi cả ba người đóng kín cửa phòng khách trò chuyện đến tận bây giờ.
Mặt Tômếch tái đi, chiếc cặp tuột khỏi tay rơi xuống sàn. Một ý nghĩ bất ngờ khiến nó bàng hoàng.
– Irka, có thật mày không biết người ấy là ai chứ? – nó săm sắn hỏi.
– Thì đã nói là không biết mà lị. Mà này, sao ngài Tômas bây giờ lại quan tâm đến ông khách gớm thế?
Tômếch cố trấn tĩnh. Nếu như người đó là cha nó, chắc hẳn chú và dì không phải giữ bí mật đối với bọn trẻ. Nó ngó Irka, vờ thản nhiên bảo:
– Tò mò thì tò mò, nhưng nghe trộm và nhìn trộm qua lỗ khóa là không tốt. Nhưng một khi chúng mày đã làm thì thôi để tao cùng chịu tai vạ với chúng mày một thể.
– Vờ vịt! Nhưng thôi đừng phí thời gian nữa! – Irena bật cười – Anh hãy mang cặp sách vào phòng rồi ta cùng đến đài quan sát.
Chúng nhón chân đi vào phòng ăn. Zbưsếch đang khom người nhòm qua lỗ khóa. Đứng sau lưng em, Vi tếch vẫy tay ra hiệu cho cả hai tới gần.
– Chuyện gì thế? – Irena thì thào hỏi.
– Mẹ đang khóc, cha đi đi lại lại trong phòng, vừa nói vừa vung tay. Ông khách vẫn đang ngồi yên trên ghế lắng nghe! Ô, bây giờ ông ấy mới lên tiếng đây! – Zbưsếch thông báo.
Tômếch vỗ vào vai thằng bé, ra hiệu là mình cũng muốn nhòm qua lỗ khóa, nhưng Zbưsếch chỉ xua tay bảo đừng quấy rầy. Tômếch sốt ruột kéo tai nó lôi ra khỏi cửa. Nó cúi xuống, nheo mắt trái để nhìn cho rõ hơn. Một người đàn ông cao dong dỏng đang ngồi trên ghế bành. Trên gương mặt sạm nắng lấp lánh đôi mắt to, màu sang. Ông giải thích điều gì đó cho dì Janhina đang khóc. Bằng mọi giá, Tômếch muốn nghe xem ông khách nói gì, nó bèn áp tai vào lỗ khóa.
“Hay tốt nhất ta để cho thằng bé quyết định?”
Đúng lúc ấy Tômếch kêu lên vì đau, đầu đập vào tay vặn cửa. Nó hoảng hồn nhảy lùi ra, còn thằng Zbưsếch, tay vẫn lăm lăm chiếc đinh ghim vừa dùng để châm vào nó, lập tức cúi người nhòm qua lỗ khóa. Trước khi Tômếch kịp trả thù, Zbưsếch đã bị cánh cửa mở ra đập vào đầu, ngã ngồi xuống sàn: chú Antôni vừa mở cửa.
– Chuyện gì thế này? – chú hỏi – Irenko, lo cho bọn trẻ, còn con, Tômếch, nếu đã về thì vào đây với chúng ta.
Tômếch thận trọng bước vào phòng. Có vẻ như nó sẽ không phải chịu hình phạt, mặc dù vậy, nó vẫn mon men đứng ở ngay gần cửa. Tuy đang lo lắng, nó vẫn đưa mắt tò mò nhìn người khách bí ẩn và cất tiếng chào:
– Cháu chào bác.
– Đây chính là thằng cháu, Tômas Vinmôpxki, – chú Antôni giới thiệu, rồi quay lại phía Tômếch, chú nói thêm: – Tômku, đây là chú Xmuga, bạn của ba cháu, thay mặt ba về thăm cháu đấy.
– Bạn của ba cháu! – Tômếch thốt lên và đột ngột quay mặt đi để kìm giữ dòng nước mắt chực tuôn trào.
Ông Xmuga bước lại gần Tômếch, không nói lời nào, chỉ ghì chặt nó vào lòng. Im lặng bao trùm hồi lâu trong phòng. Rồi vị khách nắm tay Tômếch, đặt nó ngồi bên cạnh, trên ghế bành. Mãi lúc đó ông mới lên tiếng:
– Tômku, cháu làm chú bị bất ngờ thú vị đấy. Nghe cha cháu kể, chú ngỡ cháu vẫn còn là một đứa trẻ con, vậy mà cháu đã là một chàng trai rồi còn gì, mà còn là một chàng trai can trường theo lời của chú dì cháu kể. Chắc cha cháu sẽ vui lắm đấy. Cháu có đoán được tại sao cha cháu lại cử chú về thay cho cha cháu không?
Tômếch đỏ mặt vì được khen, nhưng nó kìm lòng đáp:
– Cháu cũng đoán được, thưa chú. Ba cháu phải trốn ra nước ngoài để tránh bị bắt vì chống lại Sa hoàng. Chắc bây giờ việc trở về nước vẫn còn nguy hiểm đối với ba cháu.
– Đúng thế, Tômku. Cha cháu trở về Ba Lan là bị bắt ngay, vì vậy cha cháu không thể về với cháu được.
– Cháu hiểu, thưa chú.
– Cháu có muốn được gặp cha không?
Chỉ tưởng đến cảnh được gặp người cha hằng mong đợi,Tômếch bàng hoàng không nói nên lời. Rồi nó thốt ra một hơi:
– Ôi, cháu muốn lắm! Cháu còn nghĩ ra một cách để được gặp ba nữa kia, chỉ có điều…
– Chỉ có điều làm sao? – Xmuga hỏi, chăm chú nhìn thằng bé.
– Chỉ có điều cháu thương chú dì cháu – Tômếch nói tiếp.
– Chú không hiểu cháu định nói gì, cháu có thể giải thích rõ hơn được không?
Tômếch e ngại nhìn dì, không biết có nên nói hết hay không, dì bèn mỉm cười động viên nó:
– Chú Xmuga là bạn của ba con kia mà,Tômếch. Chú ấy về đây thay mặt cho ba con. Con cần phải nói thật khi chú hỏi.
– Có thể điều này cũng chẳng hay ho gì, nhưng cháu định làm một việc gì đó để cũng bị bắt buộc phải trốn ra nước ngoài. – Tômếch đáp nhanh, khi thấy dì không hề giận nó.
– Nào, nào, chuyện ngày càng trở nên thú vị đây. Thế cháu định làm việc gì? – Ông Xmuga tò mò hỏi tiếp.
– Cháu định viết lên bảng đen ở trường: “Đả đảo Sa hoàng bạo chúa!” Cháu nghĩ rằng khi đó chắc chúng nó sẽ bắt cháu và cháu có đủ lý do để trốn ra nước ngoài.
– Con sẵn sàng làm việc đó thật sao, Tômếch? – dì hoảng hốt kêu lên.
Tômếch bối rối, cố lấy lại can đảm, nó đỏ mặt giải thích:
– Thậm chí con đã làm rồi, thưa dì, đúng vào hôm thằng Pavluc nịnh hót vắng mặt ở trường. Nhưng đáng tiếc là thầy giáo chủ nhiệm lại bước vào lớp, con hoảng hồn vội vàng xóa bảng. Con chợt nghĩ lại là nếu làm thế con có thể đẩy dì xuống mồ, như ba con đã đẩy mẹ con…
Dì Janhina cứng miệng, còn ông Xmuga nghiêm nghị hỏi lại:
– Ai bảo cháu là cha cháu đã đẩy mẹ cháu xuống mồ?
– Chính dì Janhina, – Tômếch lí nhí đáp, cảm thấy mình đang nói ra một điều ngớ ngẩn.
Ông Xmuga nhìn vợ chồng Karxki. Dì bật khóc. Mãi lát sau dì mới phân trần:
– Thì tôi đã nói với anh rồi đấy, tôi lo sợ cho thằng bé lắm. Nó thông minh trước tuổi và nghĩ về… chuyện đó quá nhiều. Chính anh cũng vừa mới nghe nó nói đấy thôi!
– Thưa chị, anh Anđgiây rất biết ơn anh chị đã chăm lo cho Tômếch, – ông Xmuga đáp. – Nhưng cũng cần biết rằng vợ anh Anđgiây rất quan tâm đến hoạt động chính trị của chồng. Khi chồng sắp bị bắt, chính chị ấy đã ủng hộ việc anh trốn ra nước ngoài, nếu không thì trong trường hợp may mắn nhất anh ấy cũng bị đày đi Xibia… Trước khi về thăm anh chị, tôi đã gặp một người bạn thân ngày trước của Anđgiây. Anh ấy khẳng định rằng hiện nay Anđgiây chưa thể trở về Ba Lan được. Chính điều Tômếch vừa thổ lộ là một bằng chứng để thuyết phục chị rằng, có lẽ tốt nhất, và thậm chí… an toàn nhất cho cháu, là nên chấp thuận đề nghị của cha nó.
Dì Janhina đưa tay bưng mặt. Chú Antôni từ nãy tới giờ im lặng, bèn đứng lên, bước lại gần Tômếch.
– Tômku, chú dì muốn hỏi con một chuyện, nhưng hãy cân nhắc thật kỹ trước khi trả lời. Con thấy đấy, ba con không thể về nước, nếu trở về sẽ gặp chuyện chẳng lành. Nhưng ba con rất nhớ con và muốn có con ở bên cạnh. Còn chú dì thì cũng rất yêu con, chú dì đã nuôi nấng con như con đẻ của mình… Bây giờ thật đau lòng nghĩ rằng con sẽ xa chúng ta để ra đi. Nhưng chú dì chỉ muốn điều tốt cho con thôi. Vì vậy, nếu như con quyết định đến với ba con, thì bao giờ con cũng có thể trở về với chú dì như trở về nhà mình. Con là một đứa bé thông minh, vì vậy chúng ta để con được quyền chọn lựa. Con hãy nói đi: con muốn ở lại với chú dì hay muốn đến với ba?
Nghĩ đến việc chẳng bao lâu nữa có thể được gặp cha, người cha mà nó hằng thương nhớ suốt bao tháng năm dài, lòng Tômếch tràn đầy vui sướng, song nó cũng đã xem chú dì là cha mẹ, họ cũng rất yêu thương nó. Dì lấy khăn tay cố lau nước mắt, còn người chú trầm lặng ít lời thì vừa mới dành cho nó cả một bài diễn từ với giọng hết sức xúc động.
Tômếch thấy khó lòng quyết định. Nói sao đây? Cuối cùng nó quay sang chú Xmuga:
– Chú có chắc ba cháu sẽ cho phép cháu được về thăm chú dì nếu cháu muốn không ạ?
– Chú hoàn toàn tin chắc – ông Xmuga nghiêm trang đáp.
– Nếu ba cháu nhớ cháu thì cháu rất muốn được đến với ba, nhưng cháu sẽ thường xuyên về thăm chú dì – Tômếch quyết định.
Dì Janhina lại òa lên khóc, rồi dì ôm chặt lấy cháu, lấy khăn tay lau mắt, bước ra ngoài để chuẩn bị bữa tối. Được tin Tômếch sắp đi gặp cha, Irka, Zbưsếch và Vitếch chạy ngay vào phòng khách. Sau khi chào hỏi vị khách lạ, là đứa lớn nhất và nhanh mồm mép nhất nhà, Irka hỏi ông Xmuga:
– Thưa chú, bây giờ ba Tômếch đang ở đâu ạ? Chúng cháu muốn biết anh ấy sẽ đi đâu.
– Theo lời yêu cầu của mẹ cháu, chú chưa nói điều đó cho Tômếch. Các chú muốn điều đó không gây ảnh hưởng đến quyết định của nó. Nhưng giờ thì không cần phải giữ bí mật nữa rồi.
– Quả tình cháu cũng quên hỏi chuyện đó, – Tômếch thốt lên. – Bao nhiêu chuyện bất ngờ mới mẻ cũng ùa đến một lúc… Ba cháu đang ở đâu, thưa chú?
– Ba đang chờ cháu ở thành phố Triest, trên bờ biển Ađriatic – ông Xmuga nói.
– Thành phố Triest thuộc vương quốc Áo-Hung – Irena kêu lên, sung sướng vì được dịp chứng tỏ kiến thức địa lý của mình.
– Chúng ta sẽ ở luôn tại đó ạ? – Tômếch ngạc nhiên hỏi.
– Không, chúng ta sẽ không ở lại Triest, – ông Xmuga đáp. – Nhưng để cháu hiểu được ngọn ngành, chú phải nói với cháu đôi điều về những gì cha cháu đã trải qua. Sau khi trốn ra nước ngoài, cha cháu rất nhớ mẹ cháu và cháu. Ông định đón cả hai mẹ con ra, nhưng trước khi kịp chuẩn bị đủ tiền nong thì mẹ cháu đột ngột qua đời. Kể từ đó, chỉ còn việc chu du thế giới mới giúp cha cháu phần nào nguôi quên nỗi bất hạnh. Trong thời gian ấy, tình cờ cha cháu quen với một người đang làm cho ông Hagenbéc. Cháu nên biết ông Hagenbéc có một doanh nghiệp lớn chuyên săn bắt các loài thú lạ từ khắp thế giới để cung cấp cho các đoàn xiếc và vườn thú. Người bạn ấy đang chuẩn bị một chuyến đi dài sang Nam Mỹ, nên với tư cách là nhà địa lý, cha cháu quyết định tham gia chuyến đi đó. Từ bấy đến nay đã sáu năm rồi. Cha cháu đã trở thành một người săn thú nổi tiếng và rất thân với người bạn làm cho ông Hagenbéc. Hiện giờ một chiếc tàu thuyt chuyên chở súc vật đã được chuẩn bị sẵn sàng và họ đang chuẩn bị một cuộc săn lớn lại Ôxtralia. Ông Hagenbéc vừa thành lập một vườn thú khổng lồ tại Stellingen gần Hamburg, nơi các loài thú sẽ được sống trong những điều kiện rất gần với tự nhiên. Cha cháu và người bạn thân ấy có trách nhiệm cung cấp một số loài thú ở Ôxtralia cho vườn thú đó.
– Nghĩa là cháu sẽ được đi đến Ôxtralia? – Tômếch kêu lên, chưa thật tin hẳn.
– Phải. Cháu sẽ đi cùng cha đến Ôxtralia săn cănguru.
Tômếch bàng hoàng, không nói được lời nào. Những tin tức vừa nghe vượt quá mọi niềm mơ ước của nó.
Vitếch và Zbưsếch há miệng nghe như nuốt từng lời của người khách lạ. Chỉ riêng Irena nảy ra ý định hỏi ông Xmuga một câu nữa:
– Thưa chú, thế ai là người bạn thân của cha Tômếch?
– Cháu không đoán ra ư? – Ông Xmuga hỏi lại.
– Thế thì chính là chú rồi! – Irena đắc thắng kêu lên. – Chú vừa mới bước chân vào nhà là cháu cảm thấy ngay mùi rừng rú. Thì cháu vẫn hình dung đúng như thế về những nhà du hành vĩ đại mà!