Trang

Tô-mếch ở xứ sở Cănguru - Chương 11: Săn chó hoang đingô

Suốt mấy ngày liền, cả đoàn bận túi bụi vào việc chuyển khỏi khe núi những con cănguru được lựa chọn để đưa xuống tàu. Trong thời gian đó xảy ra một chuyện buồn cười với Tômếch. Đó là hôm nó quyết định đến xem kỹ một con cănguru cái rất to, đang mang trong túi ở bụng một chú cănguru con, chốc chốc chú ta lại thò ra ngoài cái đầu bé tí xíu, với đôi tai thật là to, nom rất buồn cười. Tômếch nghe nói một con cănguru mới sinh thường không dài quá mười ba centimet, khi mới ra đời, các bộ phận của thân thể chúng chưa thật hoàn chỉnh, thí dụ chúng mới chỉ có mầm mống của các chi thôi. Nằm trong chiếc túi ở bụng mẹ, chúng mới tiếp tục phát triển. Ngay sau khi sinh con, cănguru mẹ liền bỏ con vào chiếc túi ở bụng nó, nơi con vật non dùng đôi môi rất khít các núm của tuyến sữa để mút sữa mẹ suốt một thời gian khá dài, chúng dường như treo người trên các núm vú ấy. Mãi tám tháng sau, cănguru con mới thật sự hoàn chỉnh, rời nơi cư trú yên ổn và an toàn là cái túi ở bụng con mẹ.

Những người thợ săn thú không muốn con cănguru mẹ phải chịu cảnh giam cầm quá lâu trong cái lồng chật chội nên đã tách nó ra khỏi dàn và nhốt ở một khu vực riêng có rào chắn. Cho đến trước ngày rời trang trại mới nhốt nó vào lồng.

Chú nhóc cănguru cũng đã bắt đầu chú ý quan tâm đến thế giới bên ngoài, chú nghiêng ngó cái đầu bé xíu, nhúc nhích chiếc mõm và đôi tai nom rất tức cười, và khi Tômếch vẫy vẫy tay, chú hoảng sợ lập tức biến vào trong túi mẹ.

Một hôm Tômếch bước vào trong khu vực rào chắn dành riêng cho con mẹ. Cănguru mẹ đang đứng thẳng người trong một góc, tựa trên hai chân sau và chiếc đuôi khỏe. Nó nghiêng đầu, đưa đôi mắt tinh nhanh nhìn cậu bé. Cử động của nó rất khoan thai, nên cậu bé hoàn toàn vững tâm tiến lại gần, và hầu như cậu chỉ còn chú ý đến chú cănguru con bé tí xíu đang thò đầu từ trong túi ra tò mò nhìn cậu. Tômếch giơ tay ra định vuốt ve đầu con thú nhỏ, bỗng dưng nó bị đập một cú thật lực vào đầu. Nó nhảy dựng ngay dậy, nhưng con cănguru mẹ – hệt như một võ sĩ quyền anh có hạng – bắt đầu liên tục dùng đôi chân trước ngắn ngủn nện tới tấp vào ngực và vào đầu nó. Thoạt tiên Tômếch hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc tấn công, nhưng khi bốn chung quanh hàng rào vang lên tiếng cười của mọi người, nó liền siết chặt nắm tay lại, chấp nhận cuộc đấu bất đắc dĩ, và chẳng mấy chốc khu chuồng thật sự biến thành một sàn đầu quyền anh. Con cănguru mẹ tức giận ra những đòn ngắn, nó lấy một chân trước ghì chặt cổ Tômếch và dùng chân kia nện liên hồi, còn chân sau thì nó đá vào đầu gối cậu bé. Đúng lúc đó thủy thủ trưởng Nôvixki to lớn nhảy vào vòng chiến.

– Đừng có hăng máu thế, thưa bà chị! – anh kêu lên với con cănguru mẹ và lấy thân mình che cho Tômếch.

Một cái chân trước ngắn ngủn của con vật lập tức ghì lấy cổ anh, đồng thời anh bị đá một cú như trời giáng vào đầu gối. Anh cáu tiết bật ra một câu chửi thề kiểu linh thủy. Mọi người đứng chung quanh phá lên cười. Thủy thủ trưởng và Tômếch mau chân chuồn lẹ ra khỏi khu chuồng có rào chắn.

– 2 – 0 nghiêng về phía cănguru mẹ, – ông Bentley vừa cười vừa tính điểm.

– Chắc bác chẳng thể cười vui vẻ thế nếu cũng nhận được một cú đá vào đầu gối như tôi, – thủy thủ trưởng nhăn nhó nói. – Tại thành phố Hamburg hồi trước tôi cũng đã từng thấy mấy con cănguru được huấn luyện để đấu quyền anh, nhưng ở đây chẳng làm gì có võ sĩ nào huấn luyện con quỷ cái kia đâu mà nó nện ác thế kia chứ!

– Chẳng có thầy nào dạy lũ cănguru chơi quyền anh đâu, mà đó chính là phương pháp đánh nhau bản năng của chúng. Thông thường, chúng dùng cách đó để đánh nhau và để tự vệ trước con người, – ông Bentley giải thích.

– Thế nghĩa là theo như bác, ngay cả mấy con cănguru mà tôi đã trông thấy ở Hamburg cũng không phải đã được huấn luyện để chuyên đấu bốc hay sao?

– Tôi tin chắc thế, – ông Bentley khẳng định. – Toàn bộ vấn đề chỉ là tập cho chúng quen với cảnh đông người và ánh đèn sáng mà thôi.

Hơi xấu hổ vì câu chuyện tức cười này, cả thủy thủ trưởng lẫn Tômếch thôi không quan tâm đến bọn cănguru đang bị nhốt trong khe núi nữa. Thay vào đó, họ bắt đầu để ý tìm kiếm đà điểu. Một lần họ đã cùng ông Bentley và Tôny đi một chuyến khá xa vào thảo nguyên.

Đó là một buổi sáng rất nóng nực. Nhóm những nhà săn thú của chúng ta chậm rãi đi trên một vùng bình sơn nguyên rắn câng, cỏ mọc khá cao. Tôny là người đầu tiên phát hiện ra một đàn đà điểu đang ăn.

– Có emu, kia kìa, phía bên trái gò! Xuống ngựa nhanh và đừng nói gì cả, – anh hạ giọng bảo.

Rồi anh là người đầu tien xuống ngựa, những người thợ săn khác cũng làm theo anh. Tôny thận trọng dẫn họ về phía cái gò hình chỏm cầu cong vồng lên. Đến chân gò, họ nhanh nhẹn đóng mấy cái cọc xuống đất để buộc ngựa, rồi hết sức thận trọng, họ bò lên gò. Ông Bentley rút ống nhòm ra khỏi bao, nhô đầu lên quan sát đàn đà điểu emu. Chẳng mấy lâu sau ông khoát tay ra hiệu chỉ hướng cho mọi người.

Thủy thủ trưởng và Tômếch lần lượt nhìn qua ống nhòm quan sát lũ chim đặc biệt này. Đàn đà điểu ấy gồm năm con lớn và bốn con con. Con đực duy nhất trong đàn cao đến gần một mét bảy, những con mái thấp hơn chút ít, chúng có bộ lông màu nâu xám và vàng.

Tômếch quan sát rất kỹ đàn đà điểu emu. Cổ chúng ngăn hơn loài đà điểu châu Phi mà nó đã quen thấy trong các minh họa trong sách, đoạn chân có phủ lông cũng ngắn hơn. Đôi cánh rất nhỏ xếp lại ép sát thân, hầu như không thể nom thấy. Hai bên hông và cổ của lũ chim hầu như trụi lông. Với kiến thức của moojg nhà động vật học, ông Bentley còn nói thêm rằng, chân loài đà điểu emu chỉ có ba ngón, ngón bên ngoài là ngắn nhất, tất cả các ngón đều có móng rất khỏe.

Những con đà điểu con khiến Tômếch chú ý hơn cả. Hẳn chúng là lũ chim rất háu ăn, vì chúng liên tục sục sạo trong cỏ để tìm kiếm thức ăn. Màu lông của chúng nom đặc biệt hơn những con lớn, bộ lông trước khi thay lần đầu gồm có sáu dải rộng, chạy suốt dọc thân.

Nhưng những nhà săn thú của chúng ta không có thì giờ lâu hơn để quan sát lũ chim. Vì quá say mê ngắm lũ đà điểu, thủy thủ trưởng vô tình nhổm người lên để nhìn cho rõ, thế là con đực rất cảnh giác trông thấy ngay và cả đàn lập tức chạy như bay biến vào thảo nguyên. Các nhà săn thú cũng chạy thật nhanh đến chỗ lũ ngựa và cố hết sức đuổi theo bọn đà điểu một hồi lâu, nhưng cuộc săn đuổi chẳng mang lại kết quả nào, mặc dù đàn emu chạy khá chậm so với tốc độ bình thường của chúng, do còn vướng những con con, dường như lũ ngựa sợ những thanh âm lạ lùng phát ra từ bộ lông đà điểu trong khi lũ chim đang chạy.

– Chú thật là hậu đậu quá đi mất! – Tômếch cáu với thủy thủ trưởng. – Nếu chú không thiếu thận trọng làm lũ đà điểu emu hoảng hốt, thì biết đâu chúng ta có thể mò tới gần chúng và chí ít cũng tóm được lũ chim con.

Thủy thủ trưởng rầu rầu, bởi anh cũng nghĩ rằng quả thực họ vừa có một cơ hội tuyệt vời để làm điều đó, song ông Bentley giúp họ thoát khỏi suy nghĩ không chính xác ấy, ông giải thích:

– Đừng buồn, các bạn thân mến của tôi. Chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc săn đâu. Lũ đà điểu emu này, mặc dù không phải là loài chim nhát lắm, nhưng chúng cũng đã nhận biết kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất là con người. Đến gần chúng chẳng dễ đâu! Hơn nữa, chỉ bằng một cú đá của chiếc chân khổng lồ, đà điểu emu cũng có thể làm người ta bị gãy xương đùi hoặc giết chết ngay tại chỗ một con chó săn.

– A ha, ai lại có thể ngờ lũ chim cũng khỏe đến thế, – thủy thủ trưởng ngạc nhiên. – Không hiểu trứng và thịt của chúng có chén được không nhỉ? Bởi nói thật tình, tôi nom mấy con chim non ấy cũng ngon mắt ra phết đấy!

– Chú thì lúc nào cũng toàn chuyện ăn với uống! – Tômếch vẫn chưa mấy vui vẻ, lầu bầu.

– Một người đàn ông có tầm vóc không thể là một đứa hài nhu mà người ta có thể nhồi cái gì cũng phải nuốt thứ đó, – thủy thủ trưởng đáp. – Bác Bentley, xin bác hãy nói xem, trướng và thịt của loài emu này có thể xơi được không?

– Thịt chim con thậm chí còn là món đặc sản nữa kia đấy, – nhà động vật học nói. – Và từ mỡ của những con lớn, người ta chế ra một loại dầu có tác dụng chữa nhiều loại bệnh đau nhức.

– Nhưng bác chẳng thể thuyết phục nổi tôi rằng rượu rum Giamaica không phải là thứ thuốc tiên thần diệu nhất để chữa bách bệnh và mọi nỗi phiền lòng. – thủy thủ trưởng phản đối. – Tôi đã nhiều lần tự kiểm tra điều đó ngay trên chính cơ thể mình.

– Chú lại bắt đầu rồi! – Tômếch cắt ngang. – Thưa bác, bọn đà điểu emu đẻ mấy trứng ạ?

Như thường lệ, để trả lời, ông Bentley thường giải thích rất rộng chung quanh câu hỏi:

– Con emu được thường đào những cái hố nho nhỏ trên mặt đất, trong ổ có lót cỏ và rêu. Con cái thường đẻ vào ổ từ bảy đến tám trứng. Nếu số trứng nhiều hơn thì ta có thể tin chắc rằng phải có mấy con cái cùng đẻ vào một ổ. Chúng ấp trứng trong vòng sáu mươi ngày, và chỉ do con đực ấp, rồi khi trứng nở cũng chính nó chăm sóc lũ chim con. Để trả lời thủy thủ trưởng Nôvixki, tôi xin nói thêm rằng trứng đà điểu ăn được, dung lượng của nó chừng nửa lít. Chắc một quả trứng như thế cũng đủ cho anh dùng bữa sáng chứ hả?

– Lúc này xin bác chớ nói đến việc ấy, tôi đang đói sôi sùng sục cả bụng lên đây này! – thủy thủ trưởng nhăn nhó than phiền khiến Tômếch rất khoái chí.

– Nếu quả thực anh thích món trứng tráng thì tôi khuyên anh nên dùng trứng đà điểu Mađagaxca – ông Bentley vui vẻ nói tiếp. – Bởi lẽ trứng của loài đà điểu này to hơn hẳn trứng đà điểu emu.

– Lại thế nữa kia á, – thủy thủ trưởng hỏi lại, chỉ nghĩ đến món trứng tráng làm từ quả trứng khổng lồ như thế anh cũng đã phải nuốt nước bọt rồi.

– Tôi xin cam đoan với anh rằng điều đó đã được khẳng định một cách khoa học, mặc dù loài đà điểu Mađagaxca đã bị tuyệt chủng từ lâu. Dung tích một quả trứng của nó vào khoảng xấp xỉ chin lít, nghĩa là bằng sáu quả trứng đà điểu châu Phi, mười tám quả trứng của emu hoặc bốn mươi tám quả trứng gà nhà!

– Thế mà bọn vô lại dám làm tuyệt chủng cả loài chim có ích lợi to lớn nhường ấy! – thủy thủ trưởng kêu lên, xúc động khi nghe những điều nhà động vật học nói.

Ông Bentley và Tômếch cùng bật cười, nhưng thủy thủ trưởng hoàn toàn không phật ý về điều đó. Vốn là một người thực dụng, chú quyết định phải hỏi thêm những thông tin khác về những loài chim có ích đến vậy đối với loài người.

– Những điều bác nói thật là hay, – chú lên tiếng. – Thế mà tôi cứ tưởng trên thế giới chỉ có hai loài đà điểu là đà điểu châu Phi và đà điểu emu, lần này mới nghe nói đến những loài khác. Ai biết được số phận còn quẳng tôi đi lang bạt những đâu nữa, cho nên cũng nên biết những loài chim nào đẻ ra những quả trứng có thể xơi được, sống tại các lục địa khác nhau. Xin bác hãy nói thêm cho tôi được biết những chuyện khác về bọn đà điểu ấy! Chắc hẳn còn khối chuyện kỳ lạ về chúng mà tôi chưa hề được biết.

– Rất sẵn lòng, – ông Bentley đáp. – Khả năng biết bay là đặc trưng của loài chim nói chung, nên những loài không có khả năng đó đối với loài người chúng ta bao giờ cũng là những trường hợp hết sức đặc biệt. Các cá thể thuộc những loài trong nhóm các loài chim không biết bay lại chính là những con to nhất trong các loài chim đã được biết đến, một số loài chim đã được biết đến, một số loài thực sự là những chàng khổng lồ của thế giới động vật có lông vũ. Thuộc họ chim không bay Ratitae có bốn loài hiện đang còn sống và hai loài đã tuyệt chủng. Chúng gồm toàn những loài chim lục địa. Thân mình của những loài chim này đều có kích thước rất lớn, trong khi đó đầu chúng lại rất nhỏ, cổ dài khác thường, còn chân thì vô cùng phát triển. Đôi cánh của những loài chim này rất yếu ớt, được phủ những lượt lông vũ rất mềm, hoàn toàn không cho chúng kahr năng bay, ngược lại, tất cả cá loài thuộc họ này đều là những vận động viên việt dã tuyệt vời. Thức ăn của chúng thường là thực vật và các loài động vật nhỏ. Thị giác của chúng rất tinh, nhưng khứu giác và thính giác đặc biệt phát triển hơn hẳn các loài chim khác.

– Xin bác hãy kể tên tất cả các loài đà điểu trên thế giới xem nào, – Tômếch xen vào, từ nãy đến giờ nó vẫn chăm chú lắng nghe những lời giảng giải của ông Bentley.

– Trước hết đó là đà điểu thường, tức đà điểu hai ngón, chỉ gồm một giống Struthio với nhiều loài, khác nhau bởi màu sắc của phần thân trần. Giống này sống ở Bắc Phi, Nam Palextin và bán đảo A Rập, cho đến tận sông Ơphơrat, các loài khác chỉ sống tại châu Phi.

Giống thứ hai là loài đà điểu Mỹ, hay đà điểu nandu, hoặc cũng được gọi là đà điểu thảo nguyên. Loài chim ba ngón này thường sinh sống trên những vùng đồng cỏ mênh mông nằm giữa Đại Tây Dương và dãy Anđơ, bắt đầu từ những khu rừng đại ngàn của Braxin, Bôlivi, Paragoay kéo dài cho tới tận vùng Đất Lửa. Tên gọi của loài đà điểu này theo cách gọi của người Inđian, láy theo tiếng kêu của con đực phát ra trong mùa sinh sản.

Giống thứ ba gồm nhiều loài nhất là đà điểu Úc hay đà điểu kazuari. Trong số bốn loài mà chúng ta đã biết có ba loài thuộc nhóm đà điểu emu, chỉ có một loài được gọi là đà điểu Úc thực sự. Quê hương các loài đà điểu kazuari trên các đảo Thái Bình Dương, bắt đâu từ Xêram, và Ambôiny sang Niu Ghinê, Nui Britani và Ôxtralia.

Cần giải thích thêm rằng đà điểu emu có độ dài của cổ và chân ngắn hơn nhiều so với đà điểu châu Phi. Các loài thuộc nhóm đà điểu emu sống ở vùng thảo nguyên hoang mạc, còn loài đà điểu kazuari thực thụ lại sống một đời sống đầy bí ẩn trong những vùng rừng rậm. Chúng có cái mỏ gồ lên và một cái mào trên đỉnh đầu do các loại cơ liên kết tạo thành. Ngược với đà điểu emu, chúng không chạy mà di chuyển bằng những bước nhảy ngắn. Là thợ săn, các anh nên biết một điều lý thú rằng ngoài các loại trái cây thơm ngon, loài này này còn ăn cá, thằn lằn và cóc nhái. Còn khi được nuôi trong các vườn thú, chúng chủ yếu ăn bánh mì, ngũ cốc và táo thái nhỏ.

Một giống khác là loài đà điểu Niu Dilơn hay đà điểu moa, hiện đã bị tuyệt chủng. Thổ dân Maori sống tại Niu Dilơn kể nhiều chuyện về loài này, còn chúng ta, rất tiếc là chỉ còn biết loài này qua những bộ xương và trứng của chúng còn sót lại, mà kích cỡ của trứng chắc là hợp gu chàng thủy thủ trưởng của chúng ta!

Chúng ta hiểu biết về loài đà điểu bốn ngón đã bị tuyệt chủng ở Mađagaxca còn ít hơn nữa. Một loài khác thuộc nhóm chim không bay là loài chim cánh cụt kiwi sống ở Niu Dilơn.

– Phải thừa nhận rằng bác có trí nhớ thật tuyệt vời! – thủy thủ trưởng ca ngợi. – Nghe những chuyện thú vị của bác, thời gian trôi qua lúc nào không biết! Chúng ta đã về gần đến trại rồi đây này. Không biết ông lão Hoa Xung sẽ hành hạ chúng ta bằng các món cao lương mỹ vị kiểu Tàu ra sao đây!

Lần này thì không một ai còn có thể nói đùa khi thủy thủ trưởng nhắc đến bữa cơm. Mọi người đều đã đói mèm sau chuyến đi trên thảo nguyên, vì vậy cả bọn cùng giục ngựa và chỉ lát sau họ đã về đến chỗ các cỗ xe đang vây chung quanh khu trại.

Mấy ngày tiếp đó, Tômếch cùng thủy thủ trưởng tiếp tục lên đường tìm kiếm đà điểu emu. Tuy nhiên các chuyến đi của họ đều không thành công. Trong lúc đó ông Vinmôpxki, chú Xmuga và ông Bentley lo việc vận chuyển mười mấy con cănguru săn được về trang trại. Mặc dù đã kết thúc cuộc săn cănguru, nhưng họ không dỡ bỏ khu trại ở gần khe núi, bởi họ định sẽ còn sử dụng nó trong những cuộc săn tiếp theo.

Một hôm, đúng lúc Tômếch, thủy thủ trưởng và Tôny vừa đi dạo buổi sáng về, ông lão Hoa Xung chạy lại đưa cho họ bức thư của ông Vinmôpxki do một người cưỡi ngựa mang từ trang trại tới.

“Đã bố trí gần ổn với lũ cănguru. Chúng tôi cũng đã yêu cầu ông Clac và những người làm công của trang trại tham gia cuộc săn đà điểu emu. Đôi khi ông ấy cũng đã từng đi săn loài đà điểu này để lấy bộ da rất quý, ông có mấy con ngựa đã được luyện cho quen với tiếng lông vũ phát ra khi loài chim này bỏ chạy. Nhưng tạm thời chuyện săn đà điểu bị gác lại vì đang có cơ hội để săn chó hoang đingô. Từ vài hôm nay lũ chó hoang đã lảng vảng chung quanh những khu nuôi cừu của ông Clac. Nếu hai chú cháu muốn tham gia cuộc săn chó hoang đingô thì hãy trở về đây ngay.”

– Người anh em nghĩ thế nào về chuyện này, hả? – thủy thủ trưởng hỏi Tômếch sau khi đọc thư.

– Ta đi ngay thôi, – Tômếch hăng hái thốt lên. Làm sao cháu có thể bỏ lỡ dịp đi săn chó đingô cơ chứ!

– Vậy thì chúng ta thu xếp hành trang rồi lên đường trở về ngay sau bữa trưa, – thủy thủ trưởng quyết định ngay.

– Săn đingô thì phải đến tối mới bắt đầu cơ, – Tôny nói để cả hai chú cháu yên tâm.

Họ trở về đến trang trại đúng lúc ông Clac vừa chuẩn bị ngựa sẵn sàng lên đường. Ông Vinmôpxki, Xmuaga, Bentley và hai người làm công của ông Clac đang chuẩn bị bẫy để săn chó đingô ngay từ sáng. Lũ cừu được nuôi thả trong một khu vực đồng cỏ rộng tới vài cây số, chung quanh có rào dây thép. Ngày hôm ấy họ phát hiện được ba chỗ hàng rào bị phá hỏng, gần đó họ tìm thấy những dấu vết còn mới của loài chó hoang. Chính tại những nơi đó, những người thợ săn đã bố trí bẫy để đón lõng lũ chó.

Tômếch, thủy thủ trưởng và ông Clac lên đường ngay ra bãi chăn cừu. Còn khá đủ thời gian trước khi trời tối nên họ vừa thong thả cưỡi ngựa vừa trò chuyện vui vẻ.

– Tôi nghe nói bác thỉnh thoảng cũng đi săn đà điểu phải không ạ? – thủy thủ trưởng hỏi.

– Vâng, nhưng chỉ khi nào có thời gian rỗi thôi, – ông Clac đáp. – Đối với chúng tôi ở đây, đi săn là trò giải trí duy nhất.

– Bác có thể nói cho chúng tôi nghe cách săn chúng như thế nào chứ? – thủy thủ trưởng tò mò khi nghĩ lại những chuyến đi không thành công của chính mình. – Chứ tôi cùng Tômếch đuổi theo lũ đà điểu suốt cả mấy tiếng đồng hồ ròng rã mà chỉ thấy được đuôi của chúng nó thôi. Lũ ngựa của chúng tôi kinh sợ những tiếng vun vút do lông đà điểu phát ra khi chúng chạy nhanh.

– Đóng vai trò lớn nhất trong những cuộc săn đà điểu là phải có ngựa thích hợp, – ông Clac giải thích. – Ngựa phải chạy nhanh bằng lũ chim và phải được luyện cho quen với tiếng kêu rin rít khó chịu đó. Tôi có mấy con ngựa cưỡi được dùng vào mục đích ấy. Da đà điểu emu là món hàng rất được ưa chuộng trên thị trường nên mỗi khi có dịp là chúng tôi lại tổ chức săn chúng.

– Nếu như bác chỉ săn chúng để lấy da thì sao bác không bắn chúng từ xa? – Tômếch hỏi.

– Da bị đạn phá sẽ mất giá, – ông Clac bảo, – hơn nữa loài đà điểu sống rất dai. Nếu như không hạ gục ngay thì dù trúng thương rồi nó vẫn có thể chạy trốn tới cùng.

– Vâng đúng thế rồi, nhưng cuối cùng rồi thể nào bác cũng vẫn phải giết chúng kia mà, – Tômếch hỏi thêm.

– Cháu nói phải, nhưng để làm được điều đó cần phải có một con ngựa tốt với một chiếc roi, – ông Clac mỉm cười.

(p.149-156)

– Dưới đáy hố có chăng lưới, bên trên rải một lượt đất mỏng, mép lưới được buộc vào những sợi dây thừng khá to. Chúng ta sẽ lôi chú chó đingô lên như thể lôi một đứa trẻ sơ sinh đang bọc tã, – ông Vinmôpxki trả lời con.

– Bố trí bẫy thế nào thì đúng là hạng nhất, thủy thủ trưởng ca ngợi.

– Trước khi trời tối, chúng ta sẽ đặt ở lùm cây này một miếng thịt tươi, – ông Clac nói thêm. – Đối với lũ chó đingô đang đói, đó sẽ là miếng mồi khiến cho chúng mất cảnh giác. Ta đi tiếp nào!

Bên trên chiếc bẫy thứ ba họ gặp ông Bentley là Lorenxơ – một người làm công cho ông Clac. Ông Bentley đang dùng cỏ ngụy trang miệng hố, còn anh Lorenxơ đang lột da một con cừu vừa bị giết.

– Xin chào! Nếu như lũ chó đingô cũng đói như tôi, thì đến sáng chúng ta sẽ thấy một hố đầy những chó là chó, – ông Bentley vui vẻ chào mọi người.

– Ta sẽ ăn tối ngay bây giờ – chú Xmuga bảo. – Tôi thấy là bác cũng đã chuẩn bị bữa tối để đón tiếp những vị khách không mời.

– Phải, Lorenxơ đang chuẩn bị món nhắm ngon lành cho chúng. Mùi máu tươi sẽ kích thích bọn chó hoang và sẽ khiến chúng bớt cảnh giác, – ông Bentley trả lời.

Anh Lorenxơ xẻ thịt con cừu, đưa một miếng thịt còn rỏ máu cho ông Bentley đặt lên dàn cành cây ngụy trang miệng hố. Họ cũng làm như thế với hai chiếc bẫy khác, sau đó những người săn thú đi về phía túp lều nhỏ dựng ở gần đó.

Tôny đã chuẩn bị một bữa tiệc thật sự cho bữa ăn tối. Thậm chí không thiếu cả hai chai rượu vang hảo hạng. Sau bữa tiệc, những người thợ săn vui vẻ ngả mình lên thảm cỏ hút thuốc, chờ đêm buông xuống.