Trang

Tô-mếch ở xứ sở Cănguru - Chương 7: Người cố vấn ở Menbơn

Thủy thủ đoàn xôn xao cả lên khi biết tin con hổ bị bắn chết. Quả thực, đúng là chỉ nhờ những hoàn cảnh may mắn mới có thể tránh được chuyện chẳng lành xảy ra. Nếu như một ai khác, không dày dặn kinh nghiệm như Xmuga trong hiểu  biết và cư xử với thú dữ, đột nhiên phải một mình đối diện với con hổ sổng chuồng, thí chắc không thể tránh khỏi cái chết mười mươi. Mọi người đều nhất trí rằng giết chết con hổ là lối thoát duy nhất ra khỏi tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Người ta bèn lập biên bản về sự kiện vừa xảy ra. Kể từ khi được đưa xuống tàu tại Côlômbô, lũ thú đã được bảo hiểm tai nạn và bây giờ cần hoàn tất đầy đủ thủ tục để có thể bồi hoàn khoản thiệt hại.


Tômếch bỗng trở thành một người anh hùng. Thuyền trưởng Mac Đugan đích thân chúc mừng cậu bé về phát súng thiện xạ. Ông Vinmôpxki rất đỗi sung sướng và tự hào về cậu con trai. Ai cũng thừa nhận rằng chính Tômếch đã cứu mạng sống của chú Xmuga và của chính mình. Và dĩ nhiên trong khi chúc mừng cậu bé, người ta cũng không quên ca ngợi thủy thủ Nôvixki – người đã dạy nó tập bắn.

Để ghi nhớ câu chuyện hiểm nguy mà hai chú cháu vừa trải qua, chú Xmuga tặng Tômếch một món quà: chú trao cho nó khẩu súng lục ổ quay kiểu Côn, cùng với bao súng, thắt lưng và rất nhiều đạn.

Lúc này tàu đang tiến lại gần lục địa Ôxtralia. Mục tiêu của cuộc hành trình là cảng Ôguxt, một cảng biển lớn nằm sâu trong vịnh Xpenxơ, ở phía nam Ôxtralia. Tại cảng này, những người đi săn thú sẽ gặp nhà động vật học Carl Bentley, giám đốc vườn thú ở Menbơn. Theo hợp đồng với ông Hagenbec, ông Bentley sẽ đi cùng đoàn săn thú vào sâu trong lục địa, với tư cách một người cố vấn.

Tômếch nóng lòng chờ lúc được đặt chân lên mảnh đất Ôxtralia. Nó háo hức muốn được nhìn thấy tận mắt lục địa nhỏ nhất, nhưng đầy bí ẩn và được phát hiện muộn nhất trên Trái đất. Qua bao lần lật giở những tập bản đồ thế giới, nó còn nhớ rất rõ hình dáng gần giống quả trứng của vùng đất Ôxtralia, với đường bờ biển tương đối khúc khuỷu, cùng rặng san hô dài nhất thế giới – quần đảo San hô Lớn, – kéo dài trên hai nghìn cây số, tiếp giáp với vùng đông bắc lục địa. Trong suốt thời gian du hành trên biển, Tômếch đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng nhiều loại bản đồ của Ôxtralia, và nó ngạc nhiên khi thấy lục địa này có rất nhiều hoang mạc: sa mạc Lớn, hoang mạc Gibxơn, đại sa mạc Victoria… Nó nhẩm lại trong đầu tên gọi của các hoang mạc và hình dung những khoảng không gian vô bờ chỉ toàn cát là cát, và những vùng đất hoang vu với những khu vực mọc toàn cây keo lùn và keo lá tràm, thân cành dằng dịt vào nhau, tạo thành những khu rừng không tài nào băng qua nổi, được gọi là các khu “rừng còi”, hoặc những vùng đất mọc đầy những búi cỏ tranh dày đặc, lá sắc như dao, thường được gọi là “rừng gai”. Diện tích những vùng đất mà con người có thể sinh sống được rất ít ỏi, phía đông bị chắn bởi một dải núi dài, còn phía tây bị vùng sa mạc đe dọa. Trước đây, cha Tômếch cũng đã bảo nó rằng những người dân châu Âu sang đây định cư rất tốt tại vùng đất có vẻ không mấy thân thiện và mến khách này, mặc dù vậy, dường như đến tận lúc này cậu bé mới hiểu rõ hơn tại sao trước kia người ta lại dùng Ôxtralia làm nơi lưu đày các tội nhân của Anh quốc.

Tômếch cũng đã được biết những nét đại thể về lịch sử Lục địa Thứ Năm. Mãi đến thể kỷ XVII, những người Hà Lan mới phát hiện ra lục địa này, nhưng những công trình khảo cứu thật sự đầu tiên về Ôxtralia là do người Anh tiến hành. Người đầu tiên đến được vùng bờ biển phía dòng chính là Giêmx Cúc, vào năm 1770, ông đã phát hiện ra vịnh Bôtany nằm gần thành phố Xitni hiện nay. Mười tám năm sau, thuyền trưởng Philip đã chở đoàn tù nhân đầu tiên tới đó và dựng nên trại tù khổ sai của Anh quốc. Suốt một thời gian dài, lục địa Ôxtralia có tiếng tăm không mấy hay ho. Chỉ riêng điều này cũng đã khiến Tômếch thấy lo lo, nhất là khi nó chọt nghĩ đến khả năng va chạm với thổ dân trong những cuộc đi săn, dự định sẽ được tiến hành tại những vùng chưa được khai hóa. Cho đến nay, Tômếch chỉ mới được nhìn thấy thổ dân gốc của Ôxtralia qua những bức ảnh trong các sách báo. Trông họ cũng không lấy gì làm thân thiện lắm. Bao giờ cũng vậy, đó là ảnh những người đàn ông mình trần, da nâu, mũi tẹt, miệng rộng, với mái tóc xoăn tốt bời, đen kịt. Thân mình họ thường chi chit những vết sẹo do việc xăm những hình thù quái dị, hoặc vẽ đầy những sọc trắng lốp, trong tay lăm lăm những chiếc lao hoặc bumêrăng. Cái bumêrăng thật là thứ vũ khí đáng gờm. Phải chăng vì thế mà khắp mọi nơi người ta đều đồn rằng thổ dân Ôxtralia là những tộc người hoang dã và nguyên thủy nhất trên thế giới?

“Chắc chắn họ chẳng thích gì người da trắng, – Tômếch nghĩ thầm. – Giêmx Cúc cũng đã không tài nào trò chuyện được với họ. Thổ dân chẳng thèm nhận quà tặng của ông ta, mặc dù món quà đó bao gồm những chiếc gương soi, vải vóc đủ màu sặc sỡ và đồ ăn thức uống. Chính hồi ấy thuyền trưởng Cúc cũng đã phải thốt lên: không nghi ngờ gì nữa, điều duy nhất họ mong muốn là chúng tôi mau mau cuốn xéo khỏi đất đai của họ.”

“Thực ra điều ấy cũng chẳng có gì là lạ! – Tômếch tự nhủ. – Chẳng ai muốn người ngoại quốc xâm phạm đất nước mình.”

Nghĩ bụng như vậy, nó đâm lo lo, không hiểu những người thổ dân sẽ đối xử với đoàn săn thú ra sao? Nó cố tìm cơ hội thuận tiện nhất để hỏi cho và chú Xmuga về chuyện đó.

– Con đang lo không hiểu các thổ dân Ôxtralia có giúp đỡ chúng ta trong cuộc săn hay không, – nó bảo. – Chắc chưa bao giờ họ từng nghe đến tên ông Hagenbéc, người đã thuê chúng ta tiến hành cuộc săn thú hoang này.

– Chú cũng tin chắc như cháu, rằng thổ dân Ôxtralia chưa hề nghe nói đến ông Hagenbéc, – chú Xmuga đáp. – Nhưng nếu như chúng ta hứa thưởng công hậu hĩnh cho họ, chắc họ sẽ đồng ý tham gia các cuộc săn.

– Có nghĩa là chúng ta sẽ thuê họ giúp trong khi đi săn? – Tômếch ngạc nhiên.

– Ba và chú định làm thế đấy, – chú Xmuga nói. – Theo cách đó sẽ rẻ hơn rất nhiều so với đem đủ người từ châu Âu sang đây. Chúng ta sẽ sử dụng người bản xứ trong tất cả các cuộc săn.

– Cháu không hiểu thổ dân Ôxtralia có đối xử tốt với người da trắng hay không? – Tômếch hỏi tiếp, muốn giải tỏa đến cùng nỗi lo ngại của mình.

– Ba chưa bao giờ nghe nói việc các chủ trại người Âu đã có cuộc đụng độ nghiêm trọng nào với dân bản xứ, – ông Vinmôpxki xen vào. – Nhìn chung, thổ dân Ôxtralia rất hiền lành và hiếu khách, dẫu họ có đầy đủ lý do để căm ghét bọn thực dân.

– Tại sao thế ạ? – Tômếch ngạc nhiên hỏi.

– Nên nhớ rằng, trong những năm tháng đầu tiên khi đặt chân đến đây, bọn thực dân mới đến định cư đã đối xử với thổ dân rất tàn bạo. Họ đánh đập thổ dân không thương tiếc vì bất cứ duyên cớ gì, thậm chí còn đánh thuốc độc họ bằng thức ăn và rượu. Những người thổ dân thuộc bộ tộc Taxmania chịu số phận khắc nghiệt hơn cả, họ bị tàn sát rất dã man, đến nỗi người đàn bà thổ dân Taxmania cuối cùng đã bị chết vào năm 1876.

– Thật là kinh khủng! – Tômếch phẫn nộ.

– Những tên thực dân người Âu chẳng từ một biện pháp nào trong công cuộc chinh phục các thuộc địa mới. Trong mọi trường hợp, cư dân bản xứ bị buộc phải nhường lại cho chúng những vùng đất màu mỡ nhất, phải chịu tuân phục ý chí của chúng hoặc sẽ bị tiêu diệt. Những người dân bản xứ can đảm dám lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng của mình thì bị chúng giết hại không thương tiếc, bị kết tội là hoang dã, thù địch và thiếu văn hóa. Chuyện đó diễn ra cả ở châu Phi, châu Mỹ, Ôxtralia và Taxmania.

– Ba nói cho con biết, hiện nay ở Ôxtralia còn bao nhiêu thổ dân sống sót? – cậu bé hỏi thêm.

– Họ chỉ còn lại chừng vài chục ngàn người, nhưng chủ yếu sống ở vùng sâu trong lục địa, cũng như vùng tây bắc, tức là vùng khó khai phá nhất.

Tômếch yên lòng, và càng chăm chú ngắm nhìn dải bờ biển dựng đứng của lục địa Ôxtralia đang hiện ra mờ mờ phía xa.

Năm mươi sáu ngày kể từ khi rời cảng Triest, tàu “Cá sấu” chạy vào vịnh Xpenxơ, vịnh biển ăn sâu nhất vào lục địa Ôxtralia. Ngay sau khi tàu vừa thả neo ở cảng Ôguxt, ông Vinmôpxki liền dẫn lên tàu nhà động vật học Carl Bentley đã chờ sẵn trên bờ. Ông Bentley đã khiến cho những nhà săn thú Ba Lan hoàn toàn bất ngờ, khi ông chào Tômếch bằng tiếng Ba Lan:

– Và cả cậu nữa, hỡi chàng trai trẻ, cũng sẽ tham gia cuộc săn ư?

– Ô, bác cũng nói được tiếng Ba Lan sao? – Tômếch kêu lên kinh ngạc.

– Chúng tôi hoàn toàn không ngờ chuyện này đấy! – ông Vinmôpxki nói thêm, cũng không kém phần ngạc nhiên.

– Không những tôi  chỉ nói được tiếng Ba Lan mà thậm chí, về một phương diện nào đó, tôi còn tự coi mình là người Ba Lan nữa kia, – ông Bentley vui vẻ đáp. – Các bạn sẽ hiểu ngay thôi, nếu tôi nói rằng cha tôi là người Anh còn mẹ tôi lại là người Ba Lan.

– Thế mà chúng tôi hoàn toàn không được báo trước điều đó, – chú Xmuga bảo. – Ông Hagenbéc giới thiệu rằng bác là người Anh.

– Tôi thấy không cần thiết phải cho ong Hagenbéc biết chuyện riêng về gia đình tôi. Nhưng tôi chú ý ngay đến họ tên của các anh được ghi trong thư và yêu cầu được cung cấp thêm thông tin. Những giải thích mà tôi nhận được đã khiến tôi đồng ý nhận lời. Và vì vậy tôi rất nóng lòng chờ đợi các anh, những người đồng hương của mẹ tôi. Tôi đã hứa với mẹ rằng ngay sau cuộc săn kết thúc, tôi sẽ đưa các anh về thăm bà tại Menbơn.

– Thề cho cá voi  nuốt tớ đi, cuộc hành trình đến Ôxtralia này càng ngày càng trở nên thú vị hơn, – thủy thủ trưởng Nôvixki lẩm bẩm.

– Và bây giờ tôi có thể trở lại với câu hỏi ban đầu của mình, – ông Bentley nói, – có phải các anh định cho chàng trai trẻ này tham gia cuộc săn?

– Dĩ nhiên rồi! Sao bác lại hỏi thế? – ông Vinmôpxki lo lắng hỏi lại.

– Sẽ có nhiều vất cả và thậm chí cả nguy hiểm nữa đang chờ chúng ta. Cậu ta còn trẻ quá, – ông Bentley đáp.

– Thế mà chỉ bằng một phát đạn súng săn, cậu bé này đã bắn chết con hổ của ông để cứu mạng tôi đấy, – chú Xmuga góp chuyện.

– Người ra đã báo cho tôi biết tình thế bắt buộc phải bắn chết con hổ trong quá trình vận chuyển, nhưng tôi không hề biết rằng chính cậu Vinmôpxki đã thực hiện việc đó, – ông Bentley ngạc nhiên nhìn Tômếch với vẻ thán phục. – Nếu như chuyện đã như thế thì tôi xin rút lui ý kiến của mình. Thực ra tôi chỉ lo cho an toàn của cháu mà thôi.

– Thưa ngài, dân Ba Lan chúng tôi thường ít khi quan tâm đến những mối nguy hiểm đối với bản thân mình, – thủy thủ trưởng Nôvixki lên tiếng. – Tômếch hãy còn là một đứa trẻ, nhưng xin ngài có thể hoàn toàn yên tâm ở cháu. Lúc nào nó còn có bên mình khẩu súng xinh xắn này, thì sẽ không thể xảy ra điều gì chẳng may cho nó đâu.

Tômếch nhìn thủy thủ trưởng vẻ biết ơn, bởi sau khi nghe những lời của anh, ông Bentley mỉm cười thân thiên và không hỏi thêm điều gì nữa.

– Trước tiên chúng ta hãy bàn việc chuyển con voi về Menbơn đã, – ông Vinmôpxki nói với nhà động vật học.

– Sẽ không khó khăn gì hết, – ông Bentley đáp. – Đã có một toa tàu hỏa đặc biệt dành riêng và hai nhân viên vườn thú đang chờ nó.

–  Bao giờ bác định chuyển nó khỏi tàu? – ông Vinmôpxki hỏi.

– Sáng sớm mai, nếu như các anh thấy thích hợp.

– Hay lắm. Sáng mai chúng ta cũng sẽ cho chuyển hết cả năm mươi con lạc đà chở từ cảng Xuđăng tới đây để giao cho một công ty dịch vụ vận tải. Thế là chúng ta có thể dỡ hết hàng chỉ nội trong sáng mai.

– Vậy thì chúng ta có thể bản thêm về kế hoạch cho những ngày sắp tới. Theo hợp đồng thỏa thuận, tôi đã tiến hành một số công việc chuẩn bị, và bây giờ tôi có nhiệm vụ phải trình bày lại với các anh, – ông Bentley nói.

– Chúng tôi xin nghe, – ông Vinmôpxki đáp.

– Trước hết ta phải lựa chọn vùng có thể tiến hành các cuộc săn thú, – ông Bentley bắt đầu trình bày. – Qua những thong tin nhận được, tôi được biết các anh có ý định săn bắt một số loài cănguru, đó là các loài: cănguru đỏ, cănguru xanh, cănguru xám, cănguru đá và cănguru valabi. Trong bản danh mục mà tôi nhận được cũng còn ghi cả đà điểu emu, chó hoang đingô, gấu túi koala, thú lông nhím ăn kiến, cáo bay có túi mà ở đây người ta gọi là kuzu, dúi có túi; ngoài ra còn có các loại chim dẻ quạt, thiên nga đen, chim cánh cụt lớn và chim dẻ cùi. Tôi nghĩ rằng trước hết chúng ta nên bắt đầu bằng việc tổ chức săn bắt cănguru và đà điểu emu, bởi lẽ việc săn bắt các loài động vật chạy nhanh này đòi hỏi phải có sự tham gia của một số lượng lớn thổ dân. Việc tổ chức đoàn người dồn đuổi thú sẽ chiếm của chúng ta khá nhiều thời gian. Tôi đã xếp đặt chương trình các cuộc săn của chúng ta sao cho hành trình sẽ di chuyển từ tây sang đông băng qua vùng Niu Xaothơ Uênxơ, theo cách đó chúng ta sẽ có khả năng bắt sống được nhiều loài vật nhất. Đồng thời tôi cũng đã lưu ý tới việc phải lần lượt chuyển dần số thú đã săn bắt được lên tàu. Vì vậy tuyến hành trình sẽ chạy dọc theo đường sắt một thời gian dài.

– Rất hợp lý, – chú Xmuga tán thánh. – Nếu có thể chuyển dần những con thú bắt được lên tàu thì chúng ta thực hiện công việc được thuận lợi hơn nhiều.

– Đó chính là điều tôi quan tâm nhất, – ông Bentley nói tiếp. – Từ cảng Ôguxt  chúng ta sẽ lên tàu đi Uynxania, một thị trấn nằm trên bờ sông Đacling. Từ đó chúng ta sẽ đi xe ngựa về phía tây bắc trại chăn nuôi của ông Giôn Clac. Trước đây ông ta là chuyên viên của công ty điện báo xuyên lục địa. Tại vùng gần trại của ông ấy, ta sẽ săn bắt cănguru đỏ, cănguru xanh cùng với đà điểu emu và chó hoang đingô. Số thú bắt được cần phải nhanh chóng chuyển xuống tàu. Mùa đông năm nay rất khô hạn, vì vậy đầu mùa hè luc thú bắt đầu những cuộc di chuyển rất xa để tìm nước. Từ trại của ông Clac chúng ta sẽ đi về hướng đông nam, nơi những con cănguru xám sống trong những khu rừng tại đó. Trên các sườn phía tây của dãy núi Anpơ Ôxtralia chúng ta sẽ tìm bắt dúi có túi, kuzu, gấu túi koala, chim cánh cụt lớn, mà ở đây hay gọi là kulabury, còn ở vùng Gipxlan chúng ta sẽ đi săn chim dẻ quạt và thiên nga đen. Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ có thể hoàn tất cuộc săn ở chân núi Anpơ Ôxtralia. Tại vườn thú của mình, chúng tôi có rất nhiều loại chim, chúng tôi sẵn sàng đổi chúng để lấy một số loài thú khác.

– Ông Clac biết chúng ta sẽ tới đó chứ? – ông Vinmôpxki hỏi.

– Dĩ nhiên rồi, thậm chí tôi đã nói hết mọi chuyện với ông ta. Ngoài ta, mươi ngày trước đây, tôi đã phái đến chỗ ông ta một người thổ dân chuyện nghề theo dấu thú tên là Tôny. Chắc hẳn bây giờ anh ấy đã kịp quan sát tình hình ở quanh vùng.

– Liệu ở đó chúng ta có thể tìm được nhân lực hỗ trợ cho cuộc săn không? – ông Vinmôpxki hỏi tiếp.

– Gần trang trại của ông Clac thường có nhiều bộ lạc thổ dân du mục sinh sống. Tôi đã giao cho Tôny đi mời họ tham gia cuộc săn.

Nghe những lời đó, Tômếch liền quay sang ông Bentley:

– Thế chúng ta sẽ làm gì nếu như thổ dân từ chối giúp đỡ?

– Bác không muốn nghĩ đến khả năng đó, vì nếu thế toàn bộ chuyến đi của chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu.

– Điều đó có nghĩa là nếu thiếu sự tham gia  của thổ dân, chúng ta không thể săn được thú? Chẳng lẽ quả thực họ là những thợ săn giỏi giang đến mức ấy sao? – Tômếch chưa tin hỏi lại.

– Cậu đã nêu đúng vấn đề cốt lõi nhất rồi đấy, – ông Bentley trả lời, vẻ thân thiện. – Trước hết, như tôi đã nói ngay từ đầu câu chuyện, để săn bắt được nhiều thú, tốt nhất ta nên tổ chức một kiểu săn dồn lớn, có nhiều người tham gia. Khi đó thời gian săn bắt sẽ rút ngắn được rất nhiều, nghĩa là sẽ đỡ mệt hơn cho người đi săn lẫn thú săn, bởi lẽ khi bị đột ngột thay đổi điều kiện sống, chúng rất dễ bị chết hàng loạt. Ở Ôxtralia rất khó tìm nhân công. Người da trắng ở đây rất ít, do vậy tiền công của họ thường rất cao. Trong tình thế ấy, nếu khi vào sâu trong lục địa mà chúng ta không thuyết phục được thổ dân tham gia cuộc săn, thì chuyến đi của chúng ta có thể sẽ thất bại. Cậu cũng hỏi có phải các thổ dân của Ôxtralia đúng là những thợ săn tài giỏi hay không. Tôi có thể đoán chắc rằng quả thực họ là những tay săn lão luyện. Chính điều kiện sống khắc nghiệt đã có tác động khiến cho các giác quan phát hiện và lần theo vết thú hoang của họ đặc biệt phát triển. Ngoài điều đó ra, họ còn rất thành thạo trong việc tổ chức những cuộc săn đuổi. Thổ dân cũng là những người hiểu rất rõ các loại động thực vật nơi đây. Nếu như chính họ không thể tìm ra dấu vết của con thú mà ta định săn, thì tốt nhất là chúng ta nên từ bỏ cuộc săn cho sớm. Bây giờ chắc cậu đã hiểu tại sao tôi lại quan tâm như vậy đến sự tham gia của thổ dân trong cuộc săn?

– Vâng, thưa bác. Cháu hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể thuyết phục thổ dân giúp đỡ. Chú Xmuga cũng đã bảo rằng chúng ta hứa sẽ trọng thưởng cho họ về công sức mà họ đã bỏ ra, – Tômếch sôi nổi nói.

Ông Bentley gật đầu với cậu bé rồi quay sang nói chuyện tiếp với ông Vinmôpxki:

– Ông định đem theo bao nhiêu người tham gia cuộc săn?

– Trước hết, anh Xmuga sẽ đi cùng chúng ta, anh ấy có trách nhiệm chăm lo cho sự an toàn của cả đoàn. Thuyền trưởng Mac Đugan cũng đã đồng ý cho bốn thủy thủ của tàu “Cá sấu” tham gia, họ không nhất thiết phải có mặt trên tàu trong thời gian tàu chạy ven bờ. Trong số họ có cả thủy thủ trưởng Nôvixki. Ngoài ra, chúng tôi còn có năm người được ông Hagenbéc phái tới, họ đã được huấn luyện đặc biệt để chăm sóc thú. Đó là toàn bộ số người trong đoàn.

– Hình như ông quên mất một người thì phải. Chúng ta còn có cả chàng thợ săn hổ trẻ tuổi nữa chứ, – ông Bentley nói thêm.

– Tômếch và tôi được coi là một nên tôi hoàn toàn không nói tới.

– Theo tôi, số người thế là đủ, mặc dù chúng ta sẽ có vô số công việc phải làm – ông Bentley bảo. – Cần lưu ý rằng, mỗi lần đưa thú lên tàu, sẽ phải có ai đó đi theo, họ phải biết chăm sóc và quản lý lũ thú.

– Dĩ nhiên, điều đó là rất cần thiết, nếu không thuyền trưởng Mac Đugan sẽ phải rất vất vả và có thể gặp phải nhiều chuyện phiền phức. Chúng ta còn phải cung cấp thường xuyên thức ăn cho số thú đã được chuyển lên tàu “Cá sấu” nữa chứ.

– Lô thú bắt được đầu tiên sẽ không phải đợi quá lâu trên tàu – ông Bentley giải thích. – Tôi đã cho làm một khu vườn có rào chắn ở gần cảng Ôguxt. Trước khi tàu rời bến chúng ta mới cho chuyển thú xuống tàu.

– Rất hay. Vậy bao giờ chúng ta có thể lên đường tiến sâu vào đại lục?

– Càng sớm càng tốt. Như tôi vừa nói, tôi e rằng mùa hè sẽ làm cho cuộc săn của chúng ta trở nên khó khăn hơn. Ôxtralia không phải là vùng sẵn nước.

Tômếch chăm chú lắng nghe cuộc trò chuyện. Nó xem lại tấm bản đồ mà ông Bentley vừa chỉ các địa điểm sẽ đến.

– Liệu chúng ta có thể tổ chức săn thú trong vùng lân cận những cái hồ đã được chỉ rõ trên tấm bản đồ này không ạ? – nó mạnh dạn hỏi. – Nếu được thế thì chúng ra sẽ có dư thừa nước.

– Nhìn trên bản đồ thì dễ tưởng thế đấy, – ông Bentley đáp. – Nhưng chính tại những vùng hồ lớn ấy đã từng có nhiều nhà thám hiểm, du hành đã phải chịu chết khát. Những vùng hồ rất rộng mà ta thấy trên bản đồ: hồ Torenxa, hồ Eyre, hồ Gairơđnơ, hồ Amađơ và nhiều hồ khác, song thực chất chỉ là những vùng lầy thụt hoặc những vùng nước mặn rất nông, mọc đầy lau lách. Về mùa đông không thể đi thuyền trên các hồ đó, còn về mùa hè thì do nước bị bốc hơi mạnh, chúng biến thành những vùng đất sét chứa đầy muối. Cũng tương tự như vậy, nhiều con sông hiện rõ trên bản đồ nhưng không thể tìm thấy trên thực tế, không chỉ trong mùa khô hạn kéo dài, mà ngay cả về mùa hè nữa. Và khi ấy cháu có thể đi chân trần ngay chính giữa lòng sông mà không hề cảm thấy gan bàn chân có dính chút hơi ẩm nào.

– Vậy khi nào ta lên đường? – chú Xmuga hỏi gọn.

– Sáng sớm ngày kia, nếu như ông Bentley đồng ý, – ông Vinmôpxki đáp.

– Đồng ý, bởi như tôi đã nói, ta nên lên đường càng sớm càng tốt, – ông Bentley đồng tình.