Trước khi rời tàu, Tômếch không sao ngồi yên một chỗ. Chốc chốc người ta lại có thể bắt gặp nó ở một chỗ nào khác. Lúc thì nó nghiêng người trên mạn tàu “Cá sấu” để nhìn mông lung về hướng đất liền, lúc lại mò xuống buồng nhốt thú để từ giã con voi mà nó hứa nhất định sẽ ghé thăm tại vườn thú Menbơn. Rồi nó chạy vào bếp nuốt vội nuốt vàng những món ăn thơm ngon được anh đầu bếp giúi cho, để rồi sau đó nó lại chạy lên boong nhìn cảnh tượng người ta chuyển lạc đà lên bờ. Bao giờ có dịp, nó cũng hỏi ông Bentley đủ mọi điều, hoạc hỏi thuyền trưởng Mac Đugan xem ông có buồn không khi phải ở lại cảng trong lúc những người khác lên đường đi săn thú với biết bao điều mới lạ. Gần đến giờ rời tàu, nó mới yên yên được một chút.
Những kiện hàng cuối cùng được cẩu lên bờ là các thùng chứa lều trại, lương thực thực phẩm và đủ mọi loại vật dụng khác cần dùng cho các thành viên của đoàn, sẽ được chuyển rag a tàu hỏa.
Tômếch cố lấy vẻ mặt thật nghiêm nghị bước đi bên cạnh cha. Nó cảm thấy sẽ là không phải nếu tỏ ra quá vui vẻ, trong khi cũng giống như những người đồng hành lớn tuổi, nó đang khoác súng săn trên vai, còn bên hông phải đang lúc lắc cái bao súng nặng trĩu đựng khẩu súng ngắn ổ quay. Nó khoái chí đưa mắt nhìn những người trên đường, họ cũng đang chú ý đặc biệt đến nó. Nó thầm nghĩ: “Thật tiếc là dì Janhina, chú Antôni và bọn trẻ không có mặt ở đây để ngắm mình! Còn thằng Jurếch Tymôpxki không biết sẽ bảo gì nhỉ?”
Nó ngạc nhiên khi nhận ra mặc dù nằm tại lục địa Ôxtralia lạ lùng này, nhưng cảng Ôguxt hoàn toàn không khác gì những thành phố cảng mà nó đã gặp trong chuyến hành trình vừa qua. Thậm chí, đến nhà ga xe lửa cũng rất giống những nhà ga nó đã gặp tại châu Âu. Khi bước ra đường ke không thấy ai soát vé, lên toa hạng nhất hay hạng hai cũng chẳng có ai kiểm tra, chỉ có điều lạ hơn cả là tất cả các hành lý đều được giao cho một nhân viên đường sắt trong toa. Thoạt nhiên Tômếch không sao hiểu được chuyện đó. Ngay cả ở Vacsava, mỗi người đều giữ khư khư hành lý của mình, chỉ một giây sơ ý cũng có thể dễ dàng bị mất rương hòm hay vali. Vậy mà ở đây, tại cái đất nước “hoang dã” này, sao lại có thể quên đi sự thận trọng tối thiểu ấy kia chứ? – Điều lo lắng của Tômếch chỉ tan đi khi nghe ông Bentley giải thích, rằng ở Ôxtralia, không một ai được mang theo hành lý vào các hành khách. Theo phong tục thông thường, nhân viên đường sắt mang hành lý của khách đến toa hành lý, rồi khi tàu tới ga, mới giao trả lại cho từng hành khách tài sản của mình.
“Đúng là mỗi vùng đất mỗi phong tục” – Tômếch vừa nghĩ bụng vừa ngồi xuống chiếc ghế êm ái đối diện với ông Bentley.
Nó sốt ruột chờ mãi mà bà trưởng ga vẫn chưa phát hiệu lệnh cho đoàn tàu khởi hành. Nhưng rồi giây phút hằng trông đợi cũng tới. Nhịp bánh con tàu bắt đầu chầm chậm lăn trên đường sắt dường như khiến cho trái tim nó đập nhanh hơn. Thế là cuối cùng nó bắt đầu một chuyến đi vĩ đại vào sâu trong cái lục địa đầy bí ẩn này.
Thoạt đầu, nó chăm chú quan sát phong cảnh đang lùi lại bên ngoài cửa sổ toa tàu, nhưng lát sau, hơi thất vọng trước cảnh tượng nom có vẻ quá “văn minh” của Ôxtralia, nó quay vào nhìn những người bạn đồng hành của mình. Chú Xmuga đã ngủ ngay từ lúc tàu bắt đầu khởi hành từ cảng Ôguxt. Đầu chú thủy thủ trưởng ngả nghiêng tứ phía. Cả cha nó lẫn những người khác cũng đều theo gương chú. Tômếch bắt đầu thấy nghi nghi về sự thành công của cuộc đi săn cùng với những người đồng hành dễ ngủ đến thế, nó chỉ tạm thấy hơi yên lòng khi nhìn sang ông Bentley. Ông là người duy nhất còn chưa ngủ, mặc dù hình như ngay cả ông cũng đã bắt đầu chịu tác động của cơn buồn ngủ đang kéo đến.
“Nếu cả ông Bentley cũng ngủ nốt thì mình đến chết vì buồn chán mất thôi”, – Tômếch nghĩ thầm. Để tránh tình cảnh không mấy dễ chịu ấy, nó bắt đầu xoay qua xoay lại và đằng hắng, mãi cho tới khi ông Bentley để ý quay sang, nó mới lên tiếng:
– Có thể bác cho thế là vớ vẩn, nhưng cháu hình dung hoàn toàn khác về Ôxtralia.
– Chẳng lẽ nó khiến cậu thất vọng lắm sao? – ông Bentley tò mò hỏi lại.
– Cháu xin thú thật là cho đến lúc này, Ôxtralia nom chẳng khác gì quê hương cháu. Đâu đâu cũng thấy những cánh đồng đã trồng trọt, những vườn cây ăn quả hoặc những đồng cỏ chăn nuôi gia súc. Chỉ có điều ở đây cừu nhiều hơn, còn những người đi chăn thì lại cưỡi ngựa.
Ông Bentley mỉm cười nhìn cậu bé, rồi bảo:
– Cháu bảo rằng Ôxtralia trông quá giống châu Âu ư? Nếu cháu ngỡ đến nơi đây sẽ gặp những chuyện lạ thường thì bác có thể cam đoan với cháu là đúng như thế. Có điều hiện thời chúng ta vẫn còn đang ở trong vùng ven biển đã được thực dân hóa, nhưng chẳng mấy chốc nữa quang cảnh sẽ hoàn toàn thay đổi. Bác rất thú vị muốn được biết cháu đã hình dung như thế nào về đất nước này?
– Chúa cứ tưởng rầng ở Ôxtralia chủ yếu là những thảo nguyên mênh mông cùng những hoang mạc vô bờ, nơi đủ mọi thứ nguy hiểm rình rập con người. Thậm chí cháu còn nghe bảo rằng nơi đây rất dễ gặp bọn cướp đường nữa kia!
– Về chuyện bọn cướp đường thì bây giờ chúng ta không bị đe dọa nữa. Hơn mười năm về trước, quả thực cũng có vài tay anh chị ngang tàng từng gây ra vài chuyện động trời. Hồi đó nới đây đang trong cơn sốt vàng. Ngược lại, cháu hoàn toàn không nhầm khi nghĩ về quang cảnh phần rộng lớn nhất của đất nước này. Cháu cứ chờ thêm chút nữa, khi tàu đưa chúng ta lên phía bắc. Trên lục địa khổng lồ này còn rất nhiều mảnh đất chưa hề in dấu chân người da trắng. Cháu có thể nói cho bác biết ai đã kể cho cháu nghe về bọn cướp đường chứ?
– Cháu được biết chuyện đó qua những cuốn sách của những nhà du hành người Ba Lan, những người đã từng sống nhiều năm tại Ôxtralia.
– Câu chuyện trở nên rất thú vị rồi đây! Cháu nói về những nhà du hành nào vậy?
– Cháu nói về các ông Xygurd Visnhôpxki và Xeveryn Kogiêlinhxki.
Ông Bentley suy nghĩ một lát như đang tìm lại trong trí nhớ những cái tên mà Tômếch vừa nói đến, rồi ông bảo:
– Bác không nhớ đã có nghe chuyện gì hay chưa về những nhà du hành người Ba Lan mà cháu vừa nói. Chắc họ không phải là các nhà thám hiểm lục địa Ôxtralia chứ?
– Cháu cũng đã hỏi ba cháu điều đó, ba cháu bảo rằng ông Visnhôpxki không phải là nhà thám hiểm cũng không phải là nhà khoa học chuyên đi khảo cứu. Ông ấy có tham gia một đoàn thám hiểm tiến sâu vào lục địa Ôxtralia, nhưng rồi đã nhanh chóng rút lui khỏi đoàn.
– Thì ra là vì thế mà bác không hề nghe nói đến tên ông ta. Hẳn Visnhôpxki là người có công nhất định trong lịch sử ngành du lịch Ba Lan, nhưng không thực hiện được một thành tựu nào trong lĩnh vực phát triển khoa học.
– Ba cháu cũng nói như thế. Nhưng thật tiếc là bác chưa được đọc quyển sách của ông ấy. Cháu có quyển ấy trên tàu, nếu bác muốn cháu sẽ vui lòng cho bác mượn.
– Cảm ơn cháu, Tômku, bác sẽ mượn để đọc quyển đó khi nào có dịp. Ông Visnhôpxki miêu tả Ôxtralia có đen tối lắm không?
– Hoàn toàn không, – cậu bé đáp. – Sau khi đã sống ở đây những mười năm, làm sao có thể không yêu mến vùng đất này được không ạ?
– Nhưng cứ theo lời cháu nói, chắc ông ấy đã mô tả Ôxtralia như một đất nước lúc nhúc bọn cướp. Mặc dù những người châu Âu đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này là các tù nhân bị đày biệt xứ, nhưng chưa bao giờ ở đây có tình trạng thiếu luật pháp cả.
– Rất có thể cháu đã trình bày không được chính xác lắm, thưa bác. Nhưng cháu còn nhớ Visnhôpxki có viết rằng, tại bang Victoria, sự mất an toàn về tính mạng và tài sản còn lớn hơn ở nước Anh. Chính ông ấy cũng đã từng bị bọn cướp đường bắt trên bờ sông Murây.
– Đúng là bọn cướp đã có một thời hoành hành ở bang Niu Xaothơ Uênxơ. Nhưng ở bang của bác, không bao giờ người ta đùa với bọn cướp, – ông Bentley tự hào nói. – Cháu có nhớ bọn cướp ấy tên là gì không?
– Cháu nhớ rất rõ! Visnhôpxki đã bị hai tên Ginbơt và Ben Hôn bắt, bọn này trước kia vốn thuộc băng cướp của Garđinơ.
– Bác có biết những cái tên đó. Cháu có thể nói cho bác biết người Ba Lan đi du lịch ấy đã chạm trán với bọn cướp trong hoàn cảnh nào?
– Chuyện đó xảy ra trên đường đến Bathơxt. Khi ông ta còn cách thành phố độ hơn mười dặm, có hai người đàn ông cưỡi ngựa chắn ngang đường, tự xưng là băng cướp Ginbơt và Ben Hôn. Chúng dùng súng khống chế rồi lôi Visnhôpxki vào một trại lục lâm trong rừng, nơi chúng rình các xe chở khách. Trong trại đã có tới hơn mười người bị bắt giam và cướp bóc giống như người đồng hương của cháu.
– Hừm, cũng có thể đúng vậy! Bọn cướp đường Ôxtralia chuyên rình những chuyến xe thư chở vàng thường có thói quen giữ tất cả khách đi đường lại để không ai có thể báo động cho người đánh xe trước khi chúng tấn công vào xe thư, – ông Bentley bảo. – Thế rồi sao nữa cháu?
– Bọn cướp tước chiếc đồng hồ và mấy đồng bảng mà ông ta có trong túi. Thậm chí chúng đối xử với những người bị chúng bắt cũng không đến nỗi nào, chúng cho họ ăn, cho uống cả rượu và không trói tay một số người. Cuối cùng chúng đã tấn công vào chuyến xe thư. Lần ấy bọn cướp đã giết những người áp tải, rồi đưa cả xe lẫn hành khách về trại. Bực tức vì trong xe không tìm thấy nhiều vàng, chúng uống khá nhiều rượu và ngủ thiếp đi. Ông Visnhôpxki liền chớp lấy thời cơ đó. Ông ấy dùng than hồng của đống lửa để đốt cháy dây trói, với lấy cái túi mà bọn cướp đựng một phần của cướp được, kể cả tiền và chiếc đồng hồ của ông ta, rồi lẻn ra khỏi trại. Mặc dù bọn cướp đuổi theo, ông ấy đã trở về thành phố an toàn, sau đó báo ngay cho cảnh sát. Ông ấy chỉ lấy lại những thứ gì của mình, phần còn lại giao hết cho cảnh sát.
– Cái anh chàng Visnhôpxki ấy có vẻ cũng ham phiêu lưu mạo hiểm gớm ấy nhỉ! – ông Bentley ngắt lời. – Thế còn ông Kogiêlinhxki trong quyển sách mà cháu đọc cũng kể chuyện tương tự như vậy sao?
– Kogiêlinhxki đi đào vàng, và mặc dù không kiếm được nhiều, nhưng cũng trải qua đủ mọi chuyện nơi đây. Ông ấy đã chứng kiến việc người da trắng bị thổ dân giết chết. Vì vậy cháu mới nghĩ rằng rất có thể trong chuyến đi săn lần này, chúng ta sẽ gặp không ít nguy hiểm. Ấy thế mà…
Tômếch ngừng giữa câu, đưa mắt nhìn qua cửa sổ và hẩy vai đầy ý nghĩa ra hiệu về phía những cánh đồng được cày cấy. Ông Bentley bật cười vì chuyện đó. Lát sau ông nghiêm trang bảo:
– Đừng lo, Tômếch ạ! Bác cam đoan với cháu là trong cuộc săn lần này cháu sẽ thu được rất nhiều ấn tượng mới lạ. Dẫu nhờ công của nhiều nhà thám hiểm và nghiên cứu dũng cảm, không hề chùn bước, hiện nay chúng ta cũng đã được biết khá nhiều điều về lục địa Ôxtralia, nhưng chỉ mới có ít người sinh sống tại một vài vùng đất ven bờ biển mà thôi. Chẳng mấy chốc nữa cháu sẽ được trông thấy một Ôxtralia khác hẳn, nguyên sơ và đích thực.
– Cháu rất muốn mọi chuyện sẽ đúng như lời bác nói, nhưng giờ cháu nghĩ rằng nơi này không còn có những quang cảnh hoàn toàn hoang dã nữa.
– Đó chỉ là một cảm nghĩ sai lầm thôi, cháu ạ, vì lẽ chúng ta đang ngồi trên tàu êm ái thế này và không phải gánh chịu nỗi vất vả khi đi đường. Trước đây, những người đi khai phá vùng đất này đã từng phải liều mạng để chinh phục những trở ngại nhiều khi vượt quá sức người. Nhiều người trong số họ đã phải hy sinh cả tính mạng.
– Bác có quen ai trong số những người đầu tiên đi khai phá ấy không ạ? – Tômếch tò mò hỏi.
– Thời đại những phát kiến lớn đã kết thúc ngay từ trước khi bác chào đời, vì vậy bác không có may mắn được làm quen với các nhà thám hiểm lừng danh của Ôxtralia, nhưng ông nội bác đã có mấy tháng liền được tham gia chuyến thám hiểm của một trong những nhà phát kiến địa lý có nhiều công nhất.
– Có phải ông ấy đã nghiên cứu chính vùng đất mà chúng ta đang đi qua?
– Không, cháu ạ! Lúc này chúng ta đang ở địa giới của vùng Trung Ôxtralia, trong khi đó ông nội bác và nhà thám hiểm nọ lại đi khảo cứu vùng Niu Xaothơ Uênxơ và Victoria, nằm ở phía đông nam Ôxtralia. Nghiên cứu vùng Trung Ôxtralia này thì Xtơt và Xtiuơt là những người có nhiều công nhất. Cháu có thể tin lời bác, chuyến khảo cứu của họ đầy những nguy hiểm mà ở các lục địa khác không bao giờ gặp được.
– Chắc bác biết rõ lịch sử những cuộc thám hiểm của họ? Đó là những nguy hiểm thế nào hở bác? Cháu mê những chuyện ấy lắm!
Ông Bentley gật đầu. Rút chiếc tẩu trong túi ra, nhồi thuốc lá vào tẩu, châm lửa, tuôn ra một đám mây khói màu xanh lơ, ông bắt đầu kể:
– Nhưng cuộc thám hiểm của Xtơt và Xtiuơt diễn ra vào nửa đầu và đầu của nửa sau thế kỷ 19. Xtơt muốn kiểm tra lại xem có đúng như ý kiến của một số nhà thám hiểm khác đã nêu rằng giữa lục địa Ôxtralia có biển hay không. Ông bèn tổ chức một cuộc thám hiểm lớn, nhưng thời tiết quá nóng đã không cho phép ông tiến được vào sâu đại lục. Trong chuyến đi đầu tiên, ánh nắng mặt trời đã phát lửa thiêu cháy cả thảo nguyên, nước hoàn toàn cạn kiệt trong các lòng sông. Cả một vùng rộng lớn không còn một chút hơi ẩm, biến thành vùng đất cháy. Lũ đà điểu emu vươn những chiếc cổ dài ngất nghểu vô vọng chạy như điên cuồng đi tìm nước. Thậm chí đến cả lũ chó hoang đingô vốn rất giỏi chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt nhất cũng gầy hẳn đi vì thiếu nước và thức ăn. Xtơt buộc phải quay lại giữa đường, sợ cả đoàn sẽ bị chết vì nóng và khát.
– Chắc hẳn ông ấy sẽ từ bỏ ý định và không bao giờ đi thám hiểm nữa phải không bác, – Tômếch xen ngang. – Chết khát thì kinh khủng lắm.
– Xtơt không thuộc về số người có thể dễ dàng từ bỏ mục đích của mình – ông Bentley kể. – Ngay trong năm đó, ông ấy lại lên đường lần nữa trong một chuyến thám hiểm mới. Lần này ông đi bằng thuyền và đã chạm trán với vài trăm người thổ dân. Thân mình họ vẽ đầy những dải sọc màu trắng, điều đó có nghĩa là họ đang đánh nhau. Ông ấy đã không thể tránh được đụng độ với họ vì họ tỏ ra rất thù nghịch với đoàn thám hiểm. Mặc dù số thổ dân tấn công đông hơn hẳn, nhưng Xtơt vẫn quyết định ra lệnh dùng súng. Đúng lúc ấy, có bốn người thổ dân từ đâu không rõ đột nhiên chạy ra, một người trong số đó túm chặt lấy cổ của kẻ hung hăng nhất mà Xtơt đang nhằm bắn, lấy hết sức xô đẩy anh ta, giải thích điều gì đó rất dài với đám thổ dân, và vì thế đã tránh được cuộc đổ máu. Hóa ra bốn người thổ dân này thuộc về một bộ lạc mà trước đây đã từng kết thân với Xtơt. Nhờ thế thuyền của ông có thể đi tiếp. Nhưng chẳng bao lâu sau, lương thực dự trữ mang theo dần cạn, vì thế Xtơt đành quyết định quay về. Những người tham gia đoàn thám hiểm chỉ còn sống cầm hơi bằng bánh mì đen với nước lã, thỉnh thoảng mới bắt được vài con vịt trời. Các bộ tộc thổ dân mà họ gặp trên đường thường xuyên quấy nhiễu họ. Một trong những người tham gia thám hiểm đã mất lý trí vì quá suy kiệt, trở nên câm hẳn trước khi trở lại được Xitni. Ít lâu sau, ông Xtơt lại tổ chức tiếp một chuyến đi mới cùng với Giêmx Pun và Mac Đuan Xtiuơt để thám hiểm lòng sâu của lục địa. Năm ấy mùa hè vô cùng nóng nực. Cố chịu khát, cuối cùng đoàn thám hiểm cũng tìm đến được nguồn sông ở Rôcky Glen và hạ trại, tại đó họ đã trải qua sáu tháng vô cùng gian khổ. Thậm chí nhiều khi nhiệt độ ban ngày lên tới 45 độ C trong bóng râm. Đất nứt toác ra vì nóng, thực vật hoàn toàn mất dạng. Xtơt và các đồng đội của mình phải đào hang để tránh ánh nắng giết người của mặt trời. Nóng dữ dội đến mức đầu của những con thú có sừng cũng bị nứt nẻ cả ra. Trong thời gian đó, một thành viên của đoàn thám hiểm bị chết. Người thứ hai tên là Pun bị bệnh xcoocbut. Họ cố gắng mang anh ta đến trang trại gần nhất, nhưng mặc dù các bạn cố gắng hết sức, anh đã bị chết dọc đường và được chôn cất trong hoang mạc. Họ lại tiếp tục lên đường, vượt qua sông Xtsêlexki và đến được hồ Blansơ.
– Ôi, thưa bác! Tên dòng sông bác vừa nói nhắc cháu nhớ đến một nhà thám hiểm lừng danh của Ba Lan, – Tômếch kêu lên. – Cháu nghe nói ông ấy đã có những phát kiến quan trọng ở Ôxtralia. Có phải ông Etmun Xtsêlexki cũng đã từng tổ chức những cuộc thám hiểm vào vùng sâu lục địa?
– Bác thấy là tên tuổi những nhà thám hiểm Ba Lan nổi tiếng đều gần gụi với tâm hồn cháu, – ông Bentley đáp. – Cháu cũng đã biết rất nhiều điều về các hoạt động thám hiểm của họ. Quả thực, tên con sông mà bác vừa nói nằm trong vùng sâu lục địa Ôxtralia có quan hệ với tên tuổi của Xtsêlexki. Tuy nhiên cháu cũng nên biết rằng ông ấy còn phát hiện ra nhiều điều khác nữa ở miền đông nam của lục địa. Để ghi nhớ công lao của Xtsêlexki, người ta lấy tên ông đặt cho con sông mà bác vừa nhắc đến. Bác hy vọng rằng sẽ có dịp kể cho cháu nghe nhiều điều thú vị hơn nữa về những cuộc phiêu lưu của nhà thám hiểm Ba Lan nổi tiếng ấy. Nhưng bây giờ chúng ta hãy quay lại với những nhà nghiên cứu miền Trung Ôxtralia.
Ông Bentley ngừng lời, rút trong chiếc túi da dẹt tấm bản đồ rồi đặt lên ghế trước mặt Tômếch.
– Cháu hãy nhìn thật kỹ vị trí của con sông Xtsêlexki và hồ Blansơ. Cháu thấy không, chúng nằm ở gần vùng mà chúng ta sẽ tiến hành săn thú. Bây giờ hẳn cháu đã có thể dễ dàng hiểu được những điều bác đã nói với cháu ở trên tàu thủy về giá trị của những cái hồ ở Ôxtralia về phương diện chứa nước. Chính tại vùng hồ đó, Xtơt đã phải chịu đựng những cơn khát ghê gớm.
– Thế điều gì đã xảy ra với Xtơt và đoàn thám hiểm của ông ấy hả bác? – Tômếch sốt ruột hỏi dồn, háo hức lắng nghe câu chuyện phi thường của ông Bentley.
– Họ tiếp tục đi lên phía bắc đến vùng núi đá. Trên nền đá không hề có một thứ cây cỏ nào sống nổi. Ngay cả móng ngựa cũng không để lại một chút dấu vết. Ngựa thay nhau chết gục vì thiếu cỏ và nước. Đoàn thám hiểm lại một lần nữa đối mặt với cái chết. Chỉ còn gần hai trăm cây số nữa là Xtơt đến được mục tiêu, nhưng để cứu sống tính mạng của mình và của đồng đội, ông đành phải quyết định quay trở lại. Đó là cuộc nghiên cứu cuối cùng của ông. Mãi mấy năm sau, một người tên là Xtiuơt, đã từng tham gia chuyến thám hiểm trước của ông sau sáu lần cố gắng không thành công, mới thực hiện được chuyến đi xuyên qua lục địa Ôxtralia suốt từ nam lên bắc. Còn hiện giờ đã có đường điện báo chạy dọc theo hành trình đó, nối liền thành phố Ađelaiđơ với cảng Đacuyn.
– Thế những cuộc hành trình của Xtiuơt thì ra sao ạ? – Tômếch hỏi thêm, thán phục nhà du hành dũng cảm và kiên cường nọ.
– Những nỗi vất vả của chuyến thám hiểm đã khiến sức khỏe của ông suy giảm, thậm chí suýt nữa ông bị mù. Ông đành phải trở về Anh quốc, rồi mấy năm sau đó qua đời, – ông Bentley nói.
– Nhưng dẫu sao ông ấy cũng may không bị thiệt mạng giữa cái sa mạc kinh khủng đó, – Tômếch nhẹ cả người, lẩm bẩm. – Phải chết cô đơn ở một đất nước hoang dã thì thật là kinh khủng!
– Không phải nhà thám hiểm nào cũng có được diễm phúc như ông ấy, – ông Bentley nói thêm. – Bác đã nói cho cháu nghe là nhiều người trong bọn họ đã phải trả giá bằng tính mạng cho lòng can đảm của chính mình.
– Thế những nhà thám hiểm nào đã thiệt mạng trong những cuộc hành trình ạ? – Tômếch tò mò vì câu nói của ông bèn hỏi tiếp.
– Thí dụ như các ông Leichhat và Kennơđi. Thậm chí ông Leichhat đã chết trong những hoàn cảnh rất bí ẩn nữa kia.
– Cháu xin bác, bác kể tiếp nữa đi về những nhà thám hiểm đó! – Tômếch thốt lên.
– Lutvich Leichhat đã đi dọc theo bờ đông lục địa lên hướng bắc. Trong cuộc hành trình đầu tiên, sau nhiều khó nhọc, ông đã đến được vịnh Cacpentaria. Ngay buổi chiều hôm đó, để trả thù họ vì đã xâm phạm vùng săn thú của mình, thổ dân tấn công vào đoàn thám hiểm. Trong cuộc đụng độ, một nhà thám hiểm bị giết chết, hai người khác bị thương nặng. Leichhat trở về, bị ốm nặng và đói lả, nhưng đến năm 1848 ông lại tổ chức một chuyến đi mới, với dự định cố gắng đến được thành phố Perth nằm ở phía tây. Lần này ông mang theo năm trăm con gia súc để làm thức ăn cho cả đoàn. Không rõ vì lý do gì, ông bị lạc đường, thay vì đi về phía tây ông lại đi lên phía bắc một lần nữa. Trong những vùng địa hình đầy bùn lầy trong mùa mưa, lũ gia súc mà Leichhat mang theo mau chóng bị chết hết. Cùng với năm người châu Âu và hai người thổ dân, không hề hay biết về những khó khăn cản trở đang chờ đợi, nhà thám hiểm lại tiến về phía tây và tới được sông Cogun. Nhưng đó là tin tức cuối cùng về đoàn thám hiểm của ông. Kể từ khi đoàn tiến vào rừng hoang, người ta không nhận được thêm tin tức gì nữa. Các nhà thám hiểm sau đó lên đường để tìm kiếm những người mất tích chỉ còn bắt gặp những chữ “L” khắc trên thân cây, đó có thể là chữ cái đầu tiên tên Leichhat, cùng vài chiếc yên ngựa hình như thuộc về đoàn thám hiểm của ông. Người ta không được biết tin tức gì thêm nữa về số phận của đoàn. Hình như các nhà thám hiểm đều bị chết vì đói và khát, hoặc bị chết đuối khi đi dọc theo lòng sông cạn đột ngột gặp lũ, mà cũng có thể họ bị thổ dân giết chết.
– Thế còn chuyện về nhà thám hiểm Kennơđi thì thế nào ạ? – Tômếch hỏi.
– Ông ấy định nghiên cứu bán đảo York – ông Bentley kể. – Đoàn thám hiểm của ông vấp phải một vùng đầm lầy, họ phải mất sáu tuần lễ liền mới đi vòng qua vùng đó. Khi tiến vào vùng rừng rậm, họ phải dùng rùi để phát quang dọn đường. Nhưng các bộ lạc thổ dân thù nghịch không để yên cho các nhà thám hiểm. Kennơđi ra lệnh dùng vũ khí. Trong trận đánh nhau, năm người thổ dân bị giết, nhưng họ vẫn liên tục bám theo đoàn, chỉ chờ có cơ hội thuận tiện là tấn công. Vì không thể chở thuốc súng trong những chiếc xe trên con đường rất xóc, nên Kennơđi dùng ngựa thồ dự trữ để chở. Vì vậy mãi rất lâu sau họ mới đến được vịnh Saclôt, nơi lẽ ra có một chiếc thuyền buồm đón họ. Nhưng khi đến nơi, họ được biết rằng thuyền đã rời đi mấy ngày trước đó. Kennơđi cho hạ trại. Để lại trại những người không còn đủ sức để đi tiếp, cùng với bốn người nữa, ông tiếp tục đi về hướng đảo Anbani, đích cuối của chuyến thám hiểm. Nhưng sự rủi ro vẫn không chịu buông tha họ. Một người trong đoàn bị chết vì một tai nạn ngẫu nhiên, người khác bị thương, đành phải để người thứ ba lại để săn sóc. Cùng với một người thổ dân trung thành tên là Giắcky- Giắcky, Kennơđi tiếp tục đi. Những người thổ dân không rời họ một bước quyết chí báo thù, và trong cuộc chiến đấu không cân sức, Kennơđi đã bị tử thương. Ông chết mà không tới được đích. Giắcky-Giắcky chôn cất ông, chỉ đem theo cuốn hồi ký và một mình lên đường đi tiếp về phía đảo Anbani. Anh ta đã được thuyền trưởng tàu “Arien” trông thấy khi tàu đang chạy ở vùng gần bờ, được ông đón lên tàu. Người ta bèn tìm cách cấp cứu cho những thành viên đoàn thám hiểm của Kennơđi bị thương còn nằm lại dọc đường. Nhưng rất tiếc họ tới quá muộn, cả mấy người đều bị thổ dân giết chết. Chỉ còn có hai người sống sót trở về trong số mười hai người của đoàn thám hiểm đó.