Gần hai giờ trước đây một người da đen làm việc ở nhà sê-ríp Alan phi con ngựa mõm phì đầy bọt đến trại định cư Mê-xca-le-rô của người A-pa-sơ báo tin bọn In-đi-an lạ mặt tấn công trại.
Bàng hoàng vì tin dữ, Tômếch và thuỷ thủ trưởng không thể hỏi được gì nhiều từ miệng người báo tin đang hoảng sợ ấy. Theo ông ta nói thì sê-ríp Alan bị giết chết, Xanli biến mất, còn mẹ của cô bé thì thoát nạn nhờ những hoàn cảnh rất may mắn. Những người In-đi-an lạ mặt đã bắt đi rất nhiều ngựa, sau đó chúng rút lui cũng nhanh như khi xuất hiện. Người da đen còn nói đến trận bắn nhau và cuộc chiến đấu kinh khủng. Khi bọn cướp đã bỏ đi, bà Alan ra lệnh cho ông ta trước hết phải đến báo tin ngay cho Tômếch và thuỷ thủ trưởng, đồng thời xin viện trợ của đại uý Moóc-tơn.
Hai người bạn không bỏ phí thời gian, cùng với Đại Bàng Đỏ, họ nhảy ngay lên lưng ngựa và phi như bay về trại, nơi đã xảy ra những sự kiện đau lòng. Bốn giờ sau, họ lao vào cổng trại, nhảy phắt xuống ngựa ngay trước hiên, nơi đã có mấy con ngựa thắng đủ yên cương. Tômếch và thuỷ thủ trưởng chạy ngay vào nhà.
Bà Alan đang ngồi bên bàn với mấy người chủ trại quanh vùng. Nhìn thấy hai người bà nhổm ngay khỏi ghế, vươn hai tay về phía họ.
– Xanli bị bọn In-đi-an bắt đi rồi, – bà thốt ra một hơi.
– Chuyện xảy ra lúc nào ạ? – thuỷ thủ trưởng hỏi. – Người da đen do bác phái đi không nói được gì nhiều. Có thật là ngài sê-ríp đã…?
– Không, không! Đấng Cứu thế vẫn hằng chở che chú ấy. – Bà Alan lắc đầu. – Trong khi đánh nhau với bọn cướp, chú ấy bị trúng đạn hai lần, nhưng may thay bác sĩ nói là không ảnh hưởng gì đến tính mạng. Lúc này bác sĩ đang thay băng cho chú ấy.
– Chà, tôi như trút được gánh nặng, – thuỷ thủ trưởng thở phào. – Người da đen nói rằng ngài sê-ríp của chúng ta bị giết chết.
– Lúc đầu ai cũng tưởng thế, nhưng sau khi cử người báo tin đi rồi thì chú em tôi tỉnh lại.
– Xin bác hãy gắng kể rõ mọi chuyện từ đầu đến cuối vì chúng tôi còn phải lập tức đuổi theo bọn chúng, – thuỷ thủ trưởng nói vội.
– Thì chúng tôi cũng đang chờ các anh về để bàn xem… Tôi sẽ kể lại chính xác mọi sự. Sáng sớm tôi cùng với cháu Xanli hái quả trong vườn nhà. Con bé đáng thương của tôi không sao ngồi yên vì nóng lòng chờ các anh về. Suốt từ hai ngày nay chốc chốc nó lại chạy ra cái gò trước nhà để ngóng xem các anh đã về chưa. Sáng sớm hôm nay nó cũng không thể ngồi yên chỗ. Nó nói với tôi là nó chạy lên gò ngóng các anh một tí, thế rồi tôi không còn gặp con tôi nữa…
Thuỷ thủ trưởng xì mũi vào khăn mùi soa và “tiện thể” anh đưa khăn lên lau mắt. Nhận thấy vẻ xúc động của anh, bà Alan thôi không kể nữa. Một lát sau bà mới nói tiếp bằng giọng run run:
– Tôi còn có mỗi mình ở trong vườn. Rõ ràng là lúc đó tôi đang mải nghĩ đến chuyện gì đó nên không hề nghe thấy tiếng vó ngựa. Bỗng nhiên ngay cạnh nhà có tiếng súng vang lên cùng tiếng hú hét của bọn da đỏ. Dĩ nhiên, điều đầu tiên tôi nghĩ là phải cứu lấy Xanli. Tôi chạy về phía cái gò, bỗng một toán người ngựa lao qua sát ngay cạnh tôi, chúng lao về phía trại, còn tôi thì chạy lên gò, nơi tôi nghĩ là sẽ gặp con gái tôi. Song tôi chỉ thấy con Đingô đã chết nằm ở cạnh đường. Chắc bọn cướp đã bắt Xanli đi và giết chết con vật trung thành muốn bảo vệ chủ. Tôi đành quay về trại, song bọn In-đi-an đã rút khỏi đây. Tôi muốn chạy đuổi theo bọn cướp nhưng tôi cũng hiểu rằng một mình tôi thì chẳng thể làm gì được bọn chúng.
– Còn ngài sê-ríp lúc ấy đang ở đâu? – thuỷ thủ trưởng hỏi xem vào.
– Chú em chồng tôi nằm gục trước hiên nhà, tay vẫn nắm chặt hai khẩu súng lục đang bốc khói. Tôi chạy bổ đến, tưởng rằng chú đã chết. Từ trong cửa sổ, đạn bắn ra dày đặc, đó là đạn của gia nhân bắn bọn cướp. Có lẽ do gặp phải sự chống trả mãnh liệt nên bọn chúng bỏ chạy, không kịp cướp phá nhà cửa. Chúng chỉ cướp đi mười mấy con ngựa tốt nhất, trong đó có con Gió, rồi bỏ chạy. Ngay lập tức, hai cao bồi của chúng ta đuổi theo vết chúng, khi thấy rằng chúng chia làm hai toán thì họ quay ngay về trại để tổ chức cuộc truy đuổi. Tôi cũng cho mời ngay bác sĩ đến và phái bác da đen đi báo tin cho hai anh cùng đại uý Moóc-tơn. Còn đây là những người láng giềng của chúng ta đến chờ bàn bạc.
– Hãy ngẩng cao đầu lên, bác ạ, dù có phải xuống tận địa ngục, chúng tôi cũng sẽ đi tìm được Xanli, – thuỷ thủ trưởng cam đoan. – Chúng ta sẽ thanh toán món nợ này với bọn In-đi-an. Ruột tôi đau thắt khi nghe tin Xanli bị bắt cóc, còn Đingô bị giết chết. Hà, nhưng xin bác cứ yên lòng, chúng ta sẽ trả cho chúng cả vốn lẫn lãi.
– Ai trong số các ngài sẵn sàng tham gia cuộc truy đuổi với chúng tôi? – Tômếch hỏi gọn.
Những chủ trại khâm phục nhìn cậu thiếu niên không hề bị mất bình tĩnh, tất cả đều nói sẵn sàng, cùng với gia nhân của họ tham gia truy đuổi. Song lúc ấy đã gần tối, người ta quyết định chờ đến sáng sẽ đuổi theo dấu vết bọn cướp đang chạy trốn.
Tômếch nóng lòng muốn hành động ngay, nhưng cậu cũng hiểu rằng hành động nóng vội có thể mang lại nhiều tác hại hơn ích lợi. Theo lời của hai cao bồi thì bọn cướp chạy về phía biên giới Mê-hi-cô.
Nếu như phải tổ chức truy đuổi sang lãnh thổ nước ngoài thì tốt hơn hết là nên khởi hành cùng với đại uý Moóc-tơn. Những người chủ trại hy vọng rằng viên đại uý ham chinh chiến nọ sẽ kịp đến đây trước khi trời sáng.
Khi trời tối, ngày càng có nhiều trai tráng mang vũ khí đến trại. Và đến gần sáng thì đại uý Moóc-tơn dẫn một đơn vị gồm hai mươi kỵ binh hộc tốc phóng ngựa đến.
Một lần nữa, người ta tổ chức cuộc họp chung. Sau khi nghe kể, đại uý dõng dạc nói:
– Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là hành động khốn nạn của Tia chớp Đen. Bằng cách hèn hạ này hắn muốn báo thù sê-ríp đã tóm hắn hồi trước.
– Tại sao ngài dám chắc thế, thưa ngài? – thuỷ thủ trưởng không tin, hỏi lại.
– Nếu như đây chỉ là một vụ cướp của đơn thuần thì trước tiên bọn chúng phải vơ vét trong nhà đã, – đại uý Moóc-tơn đáp, vẻ đầy tự tin. – Xin các vị hãy phân tích các sự kiện theo thứ tự thì sẽ thấy ngay sự thật. Bọn In-đi-an tổ chức cướp ở một trại nằm cách biên giới ít nhất mười lăm cây số, bỏ qua những trại khác nằm trên đường đi. Cuộc cướp bóc coi như thắng lợi: bọn cướp đã bắn bị thương nặng chủ trại, bắt cóc cô cháu gái của ông ta và… chỉ cướp đi mười mấy con ngựa! Nói ngắn gọn thì chúng đã gây cho ngài sê-ríp thiệt hại về người hơn về của, bởi vì chúng chỉ cướp đi những thứ quý giá nhất đối với riêng ông mà thôi. Chỉ vài mống người làm sao có thể tự vệ chống lại một bọn cướp đông hơn hẳn. Tôi thề rằng nếu đây chỉ là một vụ cướp bóc thường tình thì bọn chúng sẽ giết ngay tất cả những người tự vệ và sẽ cướp sạch sành sanh của cải trong nhà. Từ đó có thể rút ra kết luận là chúng đến đây chỉ nhằm mục đích báo thù sê-ríp mà thôi. Còn ai khác, nếu không phải Tia Chớp Đen, có thể nuôi lòng căm hận với ngài sê-ríp Alan vốn được mọi người tôn kính và yêu mến?
– Thề có một trăm con cá voi chết thối, thật khó mà bác bỏ sự phân tích lô-gich ấy, – thuỷ thủ trưởng thừa nhận.
– Thế nhưng con bé Xanli đáng thương của tôi có tội tình gì cơ chứ? – bà Alan kêu lên, cố gắng nén nỗi tuyệt vọng.
– Bằng cách ấy, tên nổi loạn muốn trả thù sê-ríp, – đại uý Moóc-tơn buồn bã nói. – Bọn da đỏ có bao giờ biết xót thương ai đâu!
– Trong cách lý giải này dù sao vẫn có một điều không chặt ché, – Tômếch bỗng lên tiếng. – Số ngựa bị cướp đi là một tài sản lớn không những chỉ đối với ngài sê-ríp. Riêng một mình con Nil’chi ông Đôn Pê-đrô đã trả giá gấp mấy lần giá bán rồi đấy.
– Ồ, phải đấy người anh em! – thuỷ thủ trưởng sôi nổi nói – Có thể là bọn In-đi-an bắt cóc Xanli của chúng ta để tống tiền chăng? Ngài nghĩ thế nào, thưa ngài đại uý?
– Điều lưu ý của anh bạn trẻ chứng minh rằng anh bạn rất sắc sảo trong suy nghĩ, – đại uý nghiêm trang đáp. – Đúng là có thể bán ngựa với giá hời ở Mê-hi-cô, song chính việc bắt cóc cô cháu gái của ngài sê-ríp lại bác bỏ hoàn toàn ý định tống tiền. Như tôi đã nói, nếu chúng chỉ chú ý tới lợi ích vật chất, thì trước hết chúng phải vơ vét sạch của cải trong ngôi nhà khá giả này đã chứ. Tội gì lại phải thương lượng tiền chuộc một khi có thể vét sạch ngay lập tức? Tia Chớp Đen biết rõ rằng ngài sê-ríp rất yêu cô cháu gái và rất gắn bó với đàn ngựa đua của ông.
– Lạy Chúa tôi! Tôi sợ quá! – bà Alan kêu lên. – Xin các ngài đừng để cho bọn In-đi-an dã man ấy trút hằn thù lên một đứa bé vô tội!
– Đừng tốn thì giờ vô ích nữa, xin ngài đại uý đáng kính hãy chỉ huy chúng tôi, – thuỷ thủ trưởng cộc cằn nói.
Những người chủ trại đều nhất trí chịu sự chỉ huy của viên sĩ quan kỵ binh năng nổ nọ. Trời vừa sáng, năm mươi người đàn ông có vũ khí tốt bắt đầu mở cuộc truy đuổi. Dấu vết những kẻ chạy trốn hãy còn khá rõ, nhờ vậy chẳng bao lâu họ đuổi đến chỗ dấu vết chia thành hai ngả. Đại uý Moóc-tơn cũng chia người của ông thành hai toán và tiếp tục đuổi theo.
Sau vài giờ truy đuổi, cả hai toán đều đến vùng thảo nguyên đầy đá, từ nơi đây không còn đọc nổi dấu vết của bọn cướp nữa. Buổi tối, sau cả một ngày tìm kiếm không có kết quả, cả hai toán gặp nhau trong một khe núi đá, những người tham gia truy đuổi nhóm lên những đống lửa với tâm trạng không vui.
– Chúng ta đuổi vòng vèo mất rồi, – thuỷ thủ trưởng lẩm bẩm. – Bọn In-đi-an khốn nạn cố tình đi vào vùng núi để xoá hết dấu vết.
– Theo các tin tức chúng tôi thu thập được về Tia Chớp Đen thì hắn hiện đang ẩn náu trong vùng núi gần biên giới, – đại uý Moóc-tơn nói. – Giá như chúng ta có thể sục kỹ tất cả những rặng núi này thì thế nào chúng ta cũng tìm được hang ổ của hắn.
Nghe những lời đó, Tômếch buồn hẳn đi. Cần phải có bao nhiêu người và tốn bao nhiêu thời gian mới có thể sục sạo hết những rặng núi dài dằng dặc, nhiều không đếm xuể và vô cùng cheo leo hiểm trở kia? Trong những điều kiện như thế, chỉ có sự may mắn mới cho phép những người truy đuổi tìm đúng dấu vết của bọn cướp mà thôi.
– Giá như con Đingô thông minh còn sống thì hẳn chúng ta có thể tìm ra được dấu vết Xanli, – Tômếch nói.
– Mà chúng ta cũng chưa có thời gian để tìm xác nó và giúp nó điều cuối cùng nữa, – thuỷ thủ trưởng trang nghiêm tiếp lời.
Họ nhớ lại rằng chính nhờ Đingô mà Tômếch đã tìm thấy Xanli hồi cô bị lạc trong rừng, nhớ lại nhiều chuyện phiêu lưu khác, trong đó nhờ có sự tinh khôn của con chó mà họ đã thoát thân một cách an toàn.
Đêm ấy, không ai ngủ. Vừa rạng sáng họ lại tiếp tục tìm kiếm. Những toán người được chia nhỏ ra sục sạo kỹ từng khe núi ngoắt ngoéo, từng hẻm núi quanh co, những người quan sát leo lên các đỉnh cao nhìn bao quát cả vùng nhưng họ không hề tìm thấy dù chỉ là một dấu vết nhỏ nhất của những kẻ bắt cóc.
Vài ngày trôi qua trong sự tìm kiếm không chút kết quả như thế. Cuối cùng, Moóc-tơn và những người chủ trại kết luận là nếu có tìm nữa cũng không thu được kết quả gì hơn. Trong một tâm trạng không vui, họ quay trở về nhà.
Tômếch và thuỷ thủ trưởng cố gắng an ủi bà Alan. Đại uý Moóc-tơn cam đoan là không lâu nữa ông sẽ tổ chức một cuộc rà soát lớn chống lại Tia Chớp Đen. Những chủ trại cũng lần lượt quay trở về trại của họ.
Tối hôm ấy, Tômếch, thuỷ thủ trưởng và bà Alan gặp nhau bên giường sê-ríp bị thương. Thầy thuốc nói rằng do quá lo lắng cho Xanli nên người bị thương khó bình phục. Cũng vì vậy, cạnh ông, người ta thường ít nói chuyện với nhau, vì liệu có thể nói được điều gì vui vẻ trong tình trạng đáng buồn như thế?
Tômếch ngồi yên, chìm trong suy nghĩ. Đại uý Moóc-tơn cho rằng có tìm kiếm nữa cũng chẳng ăn thua gì, song Tômếch không nghĩ thế. Giá cha cậu và chú Xmuga có mặt ở đây thì chắc hẳn họ chẳng chịu đầu hàng sớm như thế, cậu cảm thấy hình như những người chủ trại và đại uý Moóc-tơn xem cuộc truy đuổi chỉ là một cách gạt bớt lệ cho người mẹ đang tuyệt vọng, chứ chính họ không hề tin vào kết quả của việc tìm kiếm. Họ nói quá nhiều đến những vụ bắt cóc của người In-đi-an mà chỉ rất ít khi – phần nhiều do ngẫu nhiên – người ta mới tìm thấy kẻ ị bắt cóc. Phải chăng họ muốn phó mặc Xanli cho số phận run rủi? Đại uý Moóc-tơn thì buộc tội Tia Chớp Đen đã gây ra vụ này. Song bằng linh cảm, Tômếch thấy rằng tay kỵ binh hăng máu và có quan niệm không tốt về người In-đi-an này đã đi theo con đường ít chông gai nhất. Thật khó mà tin được rằng vị thủ lĩnh dũng cảm của người In-đi-an lại trả ơn Xanli đã cứu giúp ông trong giờ phút nguy kịch bằng cách ấy. Không phải ai khác, mà chính Tia Chớp Đen đã gọi Xanli là Hoa Hồng Trắng, và nói rằng ông thà chịu mất tự do còn hơn làm liên luỵ đến cô bé kia mà.
Tômếch cựa mình không yên. Chính lúc này cậu chợt nhớ đến lời thủ lĩnh Mắt Dài nói với cậu trong buổi đầu tiên cậu đến thăm trại định cư của người In-đi-an: “Nếu như có lúc nào đó người anh em da trắng của tôi cần đến sự giúp đỡ của bạn bè, thì hãy lên núi Hiệu và phát tín hiệu. Khi ấy sẽ có ngay một người đến đó, một người mà người anh em trẻ tuổi có thể hoàn toàn tin tưởng trong mọi tình huống.”
Tômếch chợt thấy lòng bừng bừng hứng khởi. Phải chăng chính lúc này cậu đnag cần đến sự giúp đỡ của bạn bè? Thủ lĩnh Mắt Dài không có vẻ của một người ném lời theo gió. Chính ông là người đã báo trước cho cậu thủ đoạn đê tiện của Đôn Pê-đrô trong cuộc đua ngựa ở rô-đe-ô. Tômếch đi đến kết luận là phải tìm ngay Đại Bàng Đỏ để thằng bé chỉ cho cậu đường đến núi Hiệu. Không biết chuyện gì đã xảy ra với Đại Bàng Đỏ? Mải tham gia vào cuộc truy đuổi vô ý nghĩa kia, Tômếch đã quên bẵng người bạn này.
Thuỷ thủ trưởng chăm chú quan sát người bạn trẻ. Anh hiểu quá rõ cậu bé để nhận ngay ra rằng có điều gì đó khác thường đã xảy ra trong lòng cậu.
– Thưa bác có phải sau khi bọn cướp đi rồi, bác còn thấy xác Đingô một lần nữa phải không ạ? – Tômếch cất tiếng hỏi, phá tan sự im lặng.
– Ôi, cháu thân yêu, bác quên không nói là ngay sau khi cấp cứu cho sê-ríp xong, bác liền quay ra đường lên đỉnh gò để tìm cách chôn cất con chó trung thành. Bác mang theo Bốp, một người da đen để giúp đỡ, nhưng không tìm thấy Đingô. Chắc bọn chó sói đã kéo xác nó ra thảo nguyên.
– Ban ngày bọn chó sói không dám luẩn quẩn ở gần nhà đâu. Có chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Chú nghĩ thế nào về chuyện đó, chú thuỷ thủ trưởng? – Tômếch hỏi.
– Bọn In-đi-an tấn công trại vào sáng sớm. Thế khi nào thì bác trở lại gò lần thứ hai? – thuỷ thủ trưởng hỏi.
– Chắc chắn là trước giờ ngọ, nhiều nhất là khoảng bốn giờ sau khi bọn cướp rút đi. Vì không tìm thấy con chó bên cạnh đường nên tôi cùng với Bốp tìm một đoạn khá xa trên thảo nguyên vì tôi chợt nghĩ là lúc kiệt sức, nó có thể bò ra xa đường. Tiếc thay chúng tôi không tìm thấy nó đâu cả.
Tômếch đột nhiên đứng bật dậy, sỉa những bước dài theo chiều dài căn phòng, sau đó cậu dừng lại trước mặt thuỷ thủ trưởng.
– Chú còn nhớ chú kể cho cháu nghe gì về Đingô khi cháu tỉnh lại sau khi bị con tê giác húc ở Uganđa không? – cậu hỏi.
– Tôi sẽ chỉ là một anh lính thuỷ vét đĩa chứ không phải thuỷ thủ trưởng nếu như không nhớ, – người thuỷ thủ đáp với giọng hơi tự ái, nhưng bị kích thích bởi câu hỏi của bạn, anh chàng nói thêm: – Quả thật anh muốn biết tôi nói gì khi ấy về Đingô à?
– Vâng!
– Lúc đầu chúng tôi nghĩ rằng con chó tội nghiệp đã thở hơi cuối cùng rồi… Ê, mà này, người anh em, tớ đã hiểu chú mình muốn đi đến chỗ nào rồi. Khi đó Đingô đã nằm lăn ra đất như một cái xác không hồn, nhưng chỉ một lúc sau nó đã lại lê theo sau chúng tớ. Có phải chú mình cho rằng cả lần này nữa cũng thế chăng?
– Bác Alan thấy Đingô nằm lăn trên đường, – Tômếch nói như nói với chính mình. – Vài giờ sau thì nó lại không còn nằm ở đó nữa. Giả sử có một con sói nào quanh quẩn ở đấy chăng nữa thì chắc nó cũng bị tiếng kêu thét của bọn In-đi-an và tiếng súng làm hoảng sợ phải bạt đi. Nếu như ta loại trừ bọn chó sói thì liệu chuyện gì có thể xảy ra với một con chó đã chết kia chứ?
Bà Alan và sê-ríp cựa mình không yên. Thuỷ thủ trưởng đỏ mặt. Anh vội vã dốc cạn cả cốc rượu Gia-mai-ca và nói giọng sôi nổi:
– Chà, đã bao nhiêu lần tôi nói với quý vị rằng Tômếch có cái đầu không xoàng mà! Chú mình đã khiến tớ nhớ lại một cậu chuyện giống y như thế. Hồi mấy năm trước đây, tàu của chúng tôi chạy từ Hăm-bua đến Ri-ô-dê Gia-nây-rô để chở cà phê. Ngay trước khi tàu chạy thì một anh bạn người Đức được tin vợ chết. Anh chàng đáng thương không thể dự được lễ tang vì chuyện đó xảy ra chỉ một giờ trước khi tàu nhổ neo. Anh ta bèn giã biệt xác vợ và sau khi dặn dò gia đình làm lễ an táng, hắn buồn bã quay trở về tàu. Cả tàu đều buồn, và cũng vì vậy mà uống hơi nhiều rượu. Khi chúng tôi đến Ri-ô-dê Gia-nây-rô, thuyền trưởng bèn nói với anh ta: “Lấy độc trị độc, chú mày! Hãy lấy vợ lần nữa, may ra lần này chú mày có phúc hơn chăng.” Ba ngày sau khi tàu bỏ neo ở Ri-ô, chàng người Đức vốn tuân lệnh, liền kết hôn với một cô bé người Bra-xin. Quả là thuyền trưởng đã khuyên anh ta điều phải vì mọi nỗi buồn phiền của anh chàng biến đi đâu tiệt. Vài tuần sau, chúng tôi lại cập bến Hăm-bua, và ở đây cô vợ đã “quá cố” của anh chàng lại đang đứng ngóng trông. Hoá ra cô nàng chưa chết hẳn, mới chỉ bị rơi vào tình trạng mà người ta gọi là “cái chết lâm sàng.”
– Nhưng thưa chú, chuyện ấy chẳng có gì dính dáng với Đingô cả, – Tômếch phản đối.
– Có chứ, chú em thân mến, vì qua đó có thể rút ra kết luận là nếu như chú em chưa dự đám tang của ai thì chớ vội than khóc người ta, – thuỷ thủ trưởng kết luận một cách triết lý. – Bây giờ tôi xin đặt lại câu hỏi của Tômếch: có chuyện gì đã xảy ra với một con chó đã chết?
– Thế các anh cho là, nếu như Đingô chưa chết thì nó sẽ chạy theo Xanli à? – bà Alan hỏi to.
– Chính thế đấy, thưa bác, – thuỷ thủ trưởng nói chắc nịch. – Nếu quả sự việc xảy ra như thế thì toàn bộ chuyện này sẽ được soi sáng bởi một thứ ánh sáng mới. Đingô đã được huấn luyện một cách đặc biệt để làm nhiều việc khác nhau.
– Nhưng nếu như Đingô có thể đi theo vết Xanli chăng nữa thì điều đó có ý nghĩa gì cơ chứ? – bà Alan hỏi với một tia hy vọng nhỏ nhoi ẩn trong giọng nói.
– Có chứ, thưa bác, nếu Đingô còn sống thì rất có khả năng nó sẽ quay về trại để dẫn chúng ta đi cứu cô bé. – Tômếch giải thích. – Đingô là một con vật rất thông minh.
– Lạy Chúa tôi, cầu sao mọi việc xảy ra đúng như thế. Nhưng khi thấy nó chạy theo, liệu bọn In-đi-an có giết chết nó không? – Bà Alan lo lắng hỏi. – Nếu như Tia Chớp Đen có thể báo thù một cách khủng khiếp như thế thì hắn ngần ngại gì mà không bắn chết một con chó kia chứ?
– Chúng ta không biết chắc có phải Tia Chớp Đen đã bắt cóc Xanli hay không, – Tômếch phản đối một cách quả quyết. – Đó chỉ là ý kiến của Đại uý Moóc-tơn mà thôi, riêng cháu có nhiều điều nghi ngờ.
Lúc đó sê-ríp đưa tay vẫy. bà Alan, thuỷ thủ trưởng và Tômếch bước lại gần giường ông, còn ông – vẫn đang rất yếu – nói bằng giọng rất khẽ:
– Các bạn đã bỏ phí mất bao nhiêu thời gian vì cái tay hăng máu Moóc-tơn ấy. Bây giờ, sau khi nghe những suy luận của Tômếch, tôi mới nhớ lại rằng bọn In-đi-an tham gia vào vụ cướp thuộc về bộ lạc của những người Pu-ê-blôx Mê-hi-cô. Trong khi đó, chắc chắn là bè đảng của Tia Chớp Đen chỉ gồm những người In-đi-an Hoa Kỳ chạy trốn sang Mê-hi-cô mà thôi.
Tômếch căng thẳng lắng nghe. Bây giờ cậu không hề nghi ngờ gĩ nữa. Nếu quả thật Tia Chớp Đen không dính líu gì tới vụ cướp trại, thì phải mau mau lên núi Hiệu để cầu cứu ông giúp đỡ. Vì theo như lời cam đoan của thủ lĩnh Mắt Dài thì sẽ có một bạn đồng minh hùng mạnh đến giúp. Giờ chính là lúc sẽ chứng tỏ những lời hứa hẹn của người In-đi-an đáng giá bao nhiêu.
– Thưa cô chú, mặc dù những suy luận của chúng ta chỉ căn cứ trên những giả thuyết mà thôi, song ngay cả đại uý Moóc-tơn cũng cho rằng chỉ có một sự tình cờ nào đó may ra mới có thể giúp cho việc cứu thoát Xanli, – Tômếch lên tiếng. – Chúng ta không được phép nghỉ ngơi khi chưa giải thoát được cho em. Cháu có một cách, nhưng vì nhiều lý do, bây giờ cháu chưa thể nói ra. Sáng sớm mai cháu sẽ lên đường một chuyến ngắn, rồi… chúng ta hãy xem có chuyện gì sẽ đến.
– Tớ sẽ cùng đi với người anh em, – thuỷ thủ trưởng nói xen vào.
– Chúng ta không thể cùng đi được đâu, chú thuỷ thủ trưởng ạ, – Tômếch phản đối. – Thứ nhất, sự có mặt của chú có thể làm hỏng hết những kế hoạch của cháu, và thứ hai trong hai chúng ta phải có một ở lại trại để đề phòng khả năng Đingô quay về.
– Thế có nghĩa là tôi phải ngồi yên bên lò sưởi trong khi anh giờ đầu chịu báng, hả? Không được đâu, người anh em.
– Chú thuỷ thủ trưởng, bản thân cháu cũng đang nghi ngờ không hiểu cháu hành động có đúng không, nếu như đây không phải là chuyện cứu Xanli, – Tômếch trang nghiêm đáp. – Cháu không dám giấu là chuyến đi của cháy khá liều lĩnh, song liệu chú có bao giờ ngần ngại không, nếu như sinh mạng của Xanli phụ thuộc vào hành động của chú?
– Anh nói đúng nỗi lòng chú, song nếu như cả anh cũng mất hút thì chúng tôi biết làm gì được? – người thuỷ thủ lo lắng.
– Chú thuỷ thủ trưởng thân yêu, giá ở địa vị của chú chắc cháu cũng sẽ nói như thế. Cháu biết rằng không được phép hành động một cách nhẹ dạ. Vì vậy, cháu đã dự phòng trường hợp xấu nhất. Cháu sẽ để lại cho ngài sê-ríp một bức thư trong chiếc phong bì dán kín, và nếu như sau bảy ngày mà cháu không quay về thì bác và chú hãy mở phong thư ấy ra đọc. Trong bức thư ấy, cháu viết rõ cháu đi cùng với ai, đến nơi nào. Điều đó chắc làm chú yên tâm rồi chứ?
– Anh Tômmy thân mến, tại sao anh không thể nói rõ ngay cho chúng tôi biết? Có thể chúng tôi sẽ góp ý kiến thêm cho anh? – sê-ríp hỏi.
– Cháu đã hứa lời danh dự với một người rằng cháu không tiết lộ bí mật của người đó. Chắc chú và chú thuỷ thủ trưởng cũng không bao giờ phản bội lòng tin của ai.
– Ngài nghĩ thế nào về việc đó, thưa ngài sê-ríp? – thuỷ thủ trưởng hỏi một cách phân vân.
– Tôi nghĩ là nên tin Tômếch.
– Trong bảy ngày đó tôi sẽ chẳng có lấy được một phút yên lòng đâu, nhưng thôi, ngay bản thân tôi cũng sẵn sàng đút đầu vào hàm cá miễn là giải thoát được cho Xanli. Viết thư đi, người anh em! À, mà nếu như trong thời gian đó Đingô trở về thì chú sẽ làm gì?
– Cháu cũng đã nghĩ đến chuyện đó rồi! – Tômếch đáp. – Nếu Đingô quay về trại thì chú sẽ đi với nó lần theo dấu vết bọn cướp. Sau khi biết Xanli hiện ở đâu, chú sẽ quay về đây đợi cháu, khi đó chúng ta sẽ cùng lên đường. Chú đồng ý chứ?
– Thôi được, cứ làm như cháu nói vậy, – thuỷ thủ trưởng vừa đáp vừa nặng nề thời dài. – Làm sao chú có thể phản đổi một việc làm vì lợi ích của con chim kim tước thân yêu của chúng ta cơ chứ. Hà, chú cũng không biết diễn tả chú lo cho nó đến thế nào!
– Tôi biết lấy gì để đền đáp công ơn của các anh? – bà Alan thốt lên.
– Chúng tôi đã làm được gì đâu mà phải nói đến chuyện ơn huệ hở bác? – thuỷ thủ trưởng nói một cách khiêm tốn. – Con chim tước ấy đối với tôi cũng thân yêu như con gái vậy. Còn Tômếch của chúng ta thì hừm…
– Thưa bác, cháu chưa rời khỏi nơi đây khi nào chưa tìm thấy Xanli, – cậu bé cả quyết đầy nhiệt thành. – Bây giờ cháu sẽ viết thư và sau đó chuẩn bị lên đường. Rạng sáng cháu sẽ xuất phát.