Trang

Tô-mếch và thủ lĩnh Tia Chớp Đen - Chương 7: Trong trại định cư Mê-xca-le-rô của người A-pa-sơ

Đại Bàng Đỏ giữ đúng lời hứa. Hôm sau, chừng tám giờ sáng cả hai bên đã đến bên những tòa nhà của sở phụ trách trại định cư Mê-xca-le-rô của người A-pa-sơ. Chính tại đây, vài ngày trước, sê-ríp Alan đã tiến hành tìm kiếm kẻ chạy trốn nhưng không thu được kết quả. Tômếch háo hức quan sát những người A-pa-sơ và Na-vai nổi tiếng, đến nỗi cậu gần như hoàn toàn quên chuyện Tia Chớp Đen.

Đại Bàng Đỏ đưa Tômếch vào gặp người phái viên phụ trách trại, vì không được phép cảu ông ta thì người da trắng không được tự tiện đi vào lãnh thổ của người In-đi-an. Lúc đó lại đúng vào giờ chia khẩu phần thức ăn. Theo tinh thần hòa ước, chính phủ Hoa Kỳ có trách nhiệm cung cấp thức ăn và quần áo cho những người dân In-đi-an sinh sống trong các trại định cư. Cần phải nói rõ rằng việc cung cấp đó thường không đều đặn hoặc không đủ số lượng cần thiết. Thêm nữa, một số nhân viên không lương thiện đã lạm dùng quyền hành, ăn bớt khẩu phần của những người In-đi-an.

Ngày hôm đó, người phái viên phụ trách trại Mê-xca-le-rô của người A-pa-sơ gặp rất nhiều chuyện phiền lòng. Một lần nữa, việc vận chuyển lương thực lại không đủ số lượng, trong khi đó trại Mê-xca-le-rô đang có nguy cơ bị nạn đói đe dọa. Thứ đất đầy đá sỏi bạc phếch của trại không cho phép cư dân trong trại trồng trọt hay chăn nuôi gia súc tren quy mô lớn. Phái viên chính phủ tự tay phân phát những khẩu phần lương thực ít ỏi và theo dõi không cho bọn lính canh người In-đi-an lạm quyền ăn bớt. Những người In-đi-an bị đói rất dễ có những hành động thù nghịch. Điều đó càng nguy hiểm hơn vì hình như một bộ phận của cư dân trại Mê-xca-le-rô lại ngả theo Tia Chớp Đen.

Người phái viên này đang phân phát khẩu phần lương thực thì Tômếch đến xin phép ông cho vào thăm trại. May thay, trong sở lại có một thành viên Hội đồng nguyên lão của bộ lạc đang nhận khẩu phần thức ăn. Được phép của ông ta, sau khi đã được Đại Bàng Đỏ giải thích thêm, viên phụ trách trại không gây khó khăn gì cho người khách của sê-ríp Alan.

Vừa bước vào phần đất của trại, Tômếch đã nhận ngay ra rằng cậu hiểu biết còn rất ít ỏi về phong tục và cách sống của người In-đi-an. Rất nhiều người châu Âu đã hình dung một cách sai lệch về trang phục và nhà ở của những thổ dân lục địa Bắc Mỹ. Người ta thường cho rằng quần áo mà người In-đi-an hay mặc là cái áo khoác dài, có đính những hạt cườm, phủ dài đến chân và kín cả bụng, cùng với áo sơ-mi, đôi dép da mềm và chiếc mũ đội đầu có đính lông chim đại bàng. Tômếch vẫn cứ nghĩ rằng người In-đi-an sống trong những cái lều được gọi là vig-vam.

Giờ đây, khi vừa nhìn thấy cái lều đầu tiên với hình nón đặc thù, cậu lập tức dừng ngựa để ngắm nghía những hinhd vẽ nhiều màu sắc trên tấm lợp lều được khâu bằng da bò tót. Những hình vẽ mô tả cuộc săn đuổi đám nai vùng Bắc Mỹ.

– Mình không biết là lều vig-vam lại được trang trí đẹp đến thế, – Tômếch thốt lên. – Mình cứ nghĩ đó chỉ là những túp lều thường tình thôi. Giờ đây mình mới thấy rằng việc làm được vig-vam đòi hỏi phải rất khéo tay.

– Tại sao người anh em da trắng của tôi lại gọi ti-pi là vig-vam? – Đại Bàng Đỏ ngạc nhiên hỏi lại, rồi sau đó lại tự giải thích: – Nhiều người da trắng không phân biệt nổi vig-vam với ti-pi. Cái mà các anh gọi là “cái lều” trong tiếng nói của mình thì chúng tôi gọi là ti-pi theo cách gọi của người Đa-kô-ta. Anh có biết là việc tìm ra ti-pi gắn liền với một truyền thuyết khá hay hay không?

– Chuyện thế nào? Kể đi!

– Một người In-đi-an sau khi đi săn nằm nghỉ dưới gốc cây bông. Gió thổi làm những chiếc lá rụng xuống người anh ta. Anh ta cầm một chiếc lá lên và vô tình cuộn nó lại thành hình nón. Ngắm nghía chiếc lá cuộn ấy, người này nảy ra ý nghĩ dựng một chiếc lều có hình dáng giống như thế. Từ đó mới có ti-pi.

– Vậy còn vig-vam là cái gì? – Tômếch hỏi.

– Vig-vam khác ti-pi ở hình dáng và vật liệu dùng để xây dựng. Vig-vam không dễ di chuyển từ nơi này sang nơi khác như ti-pi. Lều da ti-pi thường được các bộ lạc du mục sử dụng. Người In-đi-an chỉ xây dựng vig-vam khi có ý định ở lâu một chỗ. Lều được dựng bằng những chiếc cọc gỗ và những cành cây non, được ghép thành bộ khung, sau đó tùy theo khả năng của từng địa phương, người ta lợp bên trên bằng các loại vật liệu khác nhau. Tít tận cực bắc thì người ta lợp vig-vam bằng da tuần lộc, còn phương nam thì bằng lá cọ, bằng vỏ cây hay những tấm phên đan, thậm chí bằng đất sét trộn lẫn với rêu, hay đôi khi chỉ bằng đất. Người anh em của tôi hãy nhìn sang bên phải. Anh bạn trẻ người In-đi-an kia có ý định xây tổ ấm gia đình và đang bắt đầu dựng vig-vam đấy.

Tômếch chăm chú ngắm nghía cái công trình xây dựng nguyên sơ mà người ta thường nhầm với lều da ti-pi, loại lều đặc trưng cho phần lớn những bộ lạc du mục sinh sống trên khắp miền bình nguyên rộng lớn.

Cả hai lại đi tiếp. Như đã hứa hôm trước, Đại Bàng Đỏ vui vẻ giải thích mọi thứ cho người bạn da trắng. Tômếch đoán rằng người dẫn đường của mình chắc phải là người được can dự đến một mức độ nào đó vào những chuyện bí mật của bộ lạc, vì nó nắm rất vững lịch sử của người In-đi-an. Cậu bé da trắng thông minh và ham hiểu biết liền tận dụng dịp này để làm giàu thêm kiến thức vốn đã phong phú của mình về những thổ dân nguyên thủy của châu Mỹ.

Trong câu chuyện với Đại Bàng Đỏ, cậu được biết rằng trước khi người da trắng đến đây, người In-đi-an sinh sống trong những cái làng nằm rải rác khắp cả địa lục Nam và Bắc Mỹ. Phương thức sống của họ thích hợp với đặc tính miền đất mà họ sinh sống. Tuy tất cả các bộ lạc In-đi-an đều thuộc về một chủng người, song họ vẫn khác xa nhau về phong tục, tập quán, ngôn ngữ và trình độ văn minh. Một số là những người săn bắn hoặc làm nghề nông theo phương thức nguyên thủy, trong khi đó ở Mê-hi-cô, Pê-ru và vùng Trung Mỹ ngày ấy đã có những thành phố đông đúc và những quốc gia được tổ chức ở trình độ cao. Nền văn minh của người Mai-a, người In-cơ và người A-dơ-tếch là những đỉnh cao văn minh của người In-đi-an.

Giống như ở các miền khác của lục địa Mỹ châu, tại nước Mỹ các bộ lạc In-đi-an cũng vô cùng đa dạng. Họ nói nhiều thổ ngữ khác nhau. Thành viên của những bộ lạc lân cận thường không hiểu được tiếng nói của nhau. Để có thể khắc phục những khó khăn trong quá trình giao lưu, người In-đi-an đã đặt nền móng cho một loại ngôn ngữ bằng dấu hiệu, loại ngôn ngữ mà ngày nay được đánh giá là hoàn thiện nhất trong số những ngữ hiệu của nhân loại. Nhờ có “tiếng nói của dấu hiệu”, người In-đi-an có thể trao đổi với nhau những ý nghĩ của mình, không cần dùng ngôn ngữ của từng bộ lạc. Thậm chí, ngôn ngữ dấu hiệu cũng đã giúp họ trong bước đầu giao lưu với người da trắng, trước khi phần lớn người In-đi-an học nói được tiếng Anh.

Ngoài ra, các bộ lạc da đỏ còn khác nhau về trang phục, về phong tục tập quán và phương pháp xây dựng lều ở. Các bộ lạc sinh sống trong rừng thì ở trong những khu làng có hàng rào cọc nhọn bao quan. Mỗi một khu làng như thế gồm một số nhất định các lều vig-vam, với hình dáng khác hẳn lều da ti-pi của người In-đi-an vùng đồng bằng và cũng không giống những ngôi nhà dài mà người I-rô-kô-ê-dơ thường xây dựng, lẫn những ngôi nhà của bộ lạc Ốp-gíp-nây có hình dáng tựa như những lều thường của chúng ta.

Từng bộ lạc có kiểu trang phục riêng. Một số bộ lạc người In-đi-an, thí dụ những bộ lạc ở vùng Ca-li-phoóc-ni-a, hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn không mặc quần áo. Người Pu-ê-blôx mặc quần áo dệt bằng bông, còn người In-đi-an sinh sống ở vùng thảo nguyên và bình nguyên thì may quần áo bằng các loại da thuộc mềm mại, có trang trí thêm những dải tua và hạt cườm.

Nói chung, đối với phần lớn người châu Âu, hình ảnh người In-đi-an gắn liền với cư dân của các thảo nguyên bằng phẳng nằm giữa rặng Thạch Sơn và sông Mi-xi-xi-pi, vì bằng số lượng đông đảo và những kỳ tích anh hùng trong chiến trận của mình, những bộ lạc ở vùng này đã khắc sâu dấu ấn cảu mình vào tâm trí người châu Âu. Cũng chính vì vậy, người ta thường khái quát hóa người In-đi-an một cách sai lạc.

Ở hang A-ri-dô-na và bang Niu Mê-hi-cô, nơi Tômếch đang đến thăm, có ba nhóm người In-đi-an sinh sống: bộ lạc Pu-ê-blôx yêu hòa bình, sinh sống trong những bản làng đục trong đá hay xây bằng đá trên những vùng cao, bằng cách trồng trọt, người A-pa-sơ và Na-vai kiếm thức ăn bằng cách săn bắn hay hái lượm cây quả dại. Hai bộ lạc thượng võ này cũng thường bổ sung thu nhập của mình bằng cách cướp phá những bộ lạc láng giềng chăm làm và ưa sống hòa bình. Khi người Mê-hi-cô chiếm được phần phía nam của Bắc Mỹ, các bộ lạc A-pa-sơ và Na-vai bắt đầu tiến hành cuộc chiến đấu sống mái với những người dân di cư Mê-hi-cô và cướp được những món chiến lợi phẩm đáng giá. Sau đó khi nước Mỹ chiếm hai bang A-ri-dô-na và Niu Mê-hi-cô, thì cả hai bộ lạc cùng đào rùi chiến chống lại người Mỹ đang tìm cách cướp đoạt những vùng đất tốt nhất và giàu có nhất một cách vô lương tâm. Người A-pa-sơ và Na-vai đã cương quyết chống việc dồn họ vào các trại định cư. Thường thường, chỉ cần vài người dân A-pa-sơ cũng đã có thể khủng bố hàng loạt trang trại của những người di cư. CŨng không có gì đáng ngạc nhiên khi người da đỏ tiến hành cuộc chiến đấu quyết tử như thế, bởi vì việc hạn chế sự du cư của họ trên thảo nguyên đồng nghĩa với sự chấm dứt phương thức sống từ trước đến nay của họ, phương thức sống mà họ đã quen thuộc từ nhiều thế kỷ.

Việc bị giam trong những trại định cư đối với người A-pa-sơ và người Na-vai đồng nghĩa với cái đói và sự khốn cùng không thể tưởng tượng nổi, và chính vì vậy, thỉnh thoảng lại bùng ra một vụ bạo động, một cuộc khởi nghĩa hay chống đối.

Đi thăm trại định cư, Tômếch dần dần hình dung được cảnh sống thương tâm của họ. Cũng như trước kia, ở đây người A-pa-sơ sinh sống trong những cái lều hình vòm, còn người Na-vai thì có những cái “hô-gan” có hinhd dáng gần giống như những chiếc nhà nhỏ. Những “ngôi nhà” kiểu này được xây dựng bằng cách xếp những thân gỗ nằm ngang thành khối hộp chữ nhật, bên trên cũng là những thanh gỗ được xếp hướng vào giữa, chỉ chừa lại một lỗ nhỏ thoát khói. Bộ khung đó được phủ mái và một lớp dày gạch phơi khô dưới ánh nắng mặt trời được gọi là “a-đô-ba”. Một số người Na-vai còn sinh sống trong những “ ngôi nhà mùa hè”, thực ra chỉ gồm một bức tường kết bằng cỏ khô hay xếp bằng gạch để chắn gió. Chỉ có một số rất ít những người thuộc về Hội đồng nguyên lão của bộ lạc mới có được những chiếc lều ti-pi hẳn hoi, kín đáo như ngày xưa, làm bằng những tấm da bò tót thuộc kỹ.

Gia súc của những cư dân sống trong trại định cư rất nghèo nàn, chỉ có một ít bò và cừu đang gặm đám cỏ khô cằn. Đàn ngựa có khá hơn. Theo sự giải thích của Đại Bàng Đỏ, thì ngựa là niềm tự hào của bộ lạc. Có thể thấy ngay là các chiến sĩ xưa kia, hay ngày nay vẫn quan tâm nhiều nhất đến những con chiến mã của mình.

Sau khi Tômếch đã nhìn ngắm thỏa thuê những túp lều, những người đàn ông đang nằm ngồi vô công rồi nghề trong bóng râm và những người đàn bà đang bận rộn công việc nội trợ quanh nhà, Đại Bàng Đỏ liền đưa cậu vào chiếc lều ti-pi nổi bật nhất trong cả trại định cư. Tômếch hiểu ngay rằng đó là lều của thủ lĩnh. Lều này rộng rãi hơn nhiều so với những lều khác, trên nóc lều phấp phới lá cờ nước Mỹ.

Ngay chính giữa ti-pi có một bếp lửa nhỏ chung quanh được viền đá. Trên đống lửa treo một cái nồi đang nấu thịt. Những làn hơi nước và khói màu xám bốc lên nóc lều. Trên những chiếc mễ bằng gỗ đặt một vài cái nồi đất, treo vũ khí và túi đựng đạn, cùng với ống tên và những mũi tên cỏ lông đuôi, những tấm khiên trôn bằng da và rìu chiếu tô-ma-hốc. Ở đó cũng không thiếu những cây giáo dài ngắn khác nhau, đồ thắng ngựa và các thứ dụng cụ khác.

Các vị nguyên lão của bộ lạc đang ngồi trên những tấm da bò tót, da hươu và những tấm chăn sặc sỡ trải trên mặt đất. Cách đấy không xa là một cái giá ba chân, trên đó treo túi thuốc và ống điếu cùng chiếc mũ chiến có đính nhiều lông chim đại bàng và một vòng chỏm tóc người. Bên cạnh giá ba chân, Tômếch nhìn thấy thủ lĩnh Mắt Dài, ông ta là vị thủ lĩnh tối cao của bộ lạc. Người ta gọi ông như thế là vì ông có một chiếc ống nhòm.

Nhìn thấy những chỏm tóc người, Tômếch hơi rờn rợn, nhưng cũng chính vào lúc đó, thủ lĩnh Mắt Dài đứng dậy, trên trọng chìa tay phải về phía cậu. Tiếp đó, Tômếch chào hỏi những người In-đi-an khác. Đó là: Bò Tót Già, Tô-ma-hốc Gây và Cáo Láu Cá. Họ ngồi thành một hình bán nguyệt bên phải thủ lĩnh, hướng mặt về phía cửa ti-pi. Thủ lĩnh Mắt Dài mời Tômếch ngồi phía bên trái ông, điều đó có nghĩa cậu là người khách được yêu chuộng. Đại Bàng Đỏ khiêm tốn ngồi ghé xuống bên cạnh Tômếch. Thấy thế, Tômếch hơi ngạc nhiên, vì cậu còn nhớ trước đây đã có lần người bạn trẻ của cậu nói rằng cậu ta còn quá trẻ để có thể được nói chuyện với các vị nguyên lão của bộ lạc.

Sau một hồi im lặng, thủ lĩnh Mắt Dài cất tiếng nói:

– Nguyên lão của bộ lạc chúng ta muốn kết thân với người anh em da trắng trẻ tuổi, người mà chỉ trong một ngày đã thực hiện được hai hành động anh hùng. Rất ít chiến sĩ có thể làm được điều đó.

Hắng giọng ngượng ngùng bởi lời khen ngợi của vị thủ lĩnh già, Tômếch đáp:

– Tôi chưa biết thủ lĩnh Mắt Dài muốn nói đến những hành động nào.

– Người anh em da trắng của ta có đức khiêm tốn của người chiến sĩ vốn quen với những hành động phi thường. Đó thật là một đức tính quý, – thủ lĩnh Mắt Dài trân trọng đáp lại. – Ngày càng ít dần đi những còn người vừa dũng cảm vừa cao thượng. Vậy để ta nhắc lại những chiến công của người anh em da trắng của ta. Thứ nhất, người anh em da trắng của ta bị Đại Bàng Đỏ thách đấu sống mái liền nhận lời, không dùng đến vũ khí của mình, mặc dù hoàn toàn có quyền làm điều đó, và bằng tay không, đã chinh phục được đối thủ. Điều đó mang lại cho anh niềm quang vinh lớn hơn là nếu anh giết chết kẻ thù. Thứ hai, người anh em của ta đã giúp cho vị thủ lĩnh và người chiến sĩ vĩ đại trốn thoát khỏi cảnh bị tù đày và cái chết cầm chắc. Người Cha Vĩ Đại ở Ôxtralia-sinh-tơn thường thưởng cho những hành động anh hùng của các chiến sĩ của mình những cái vòng tròn lấp lánh mà người da trắng gọi là huy chương. Còn người In-đi-an có một phong tục khác để biểu dương những chiến sĩ nhiều công tích. Bằng chứng công tích của chúng tôi là chiếc mũ đội đầu. Cứ mỗi chiến công, Hội đồng nguyên lão có quyền phán định cho người lập công một cái “cúp”, cái mà người da trắng gọi là huy chương, cái “cúp” này là một chiếc lông chim đại bàng. Đại bàng là loài chim vĩ đại nhất trong các giống chim, nó thường thể hiện sức lực vô song trong chiến đấu. Vì vậy, những chiếc lông tuyệt đẹp của loài chim này đối với người In-đi-an cũng giống như những cái huy chương đối với người da trắng. Người anh em da trắng của ta rất xứng đáng được nhận những phần thưởng cao quý. Nếu giết chết và cắt được chỏm tóc kẻ thù thì anh sẽ được thưởng một chiếc cúp, song vì đã chiến thắng địch thủ bằng tay không, vì đã tỏ ra rất dũng cảm và cao thượng trong khi chiến đấu, nên anh xứng đáng được thưởng hai chiếc cúp. Hội đồng nguyên lão của bộ lạc có đồng ý với ý kiến của ta chăng?

Những người In-đi-an lần lượt biểu lộ sự đồng tình, đồng thời ca ngợi sự can trường của người anh em da trắng trẻ tuổi. Chỉ riêng Đại Bàng Đỏ không phát biểu gì vì nó chỉ tham dự với tư cách là nhân chứng cho những hành động phi thường của Tômếch mà thôi.

Sau khi các chiến sĩ đã phát biểu ý kiến, thủ lĩnh Mắt Dài nói tiếp:

– Hội đồng nguyên lão của bộ lạc đã thừa nhận cho người anh em da trắng cảu ta quyền mang hai chiếc lông đại bàng. Còn hành động thứ hai, Ta đề nghị công nhận cho người anh em da trắng thêm ba chiếc lông nữa, vì anh đã giúp đỡ một cách vô tư và có hiệu quả cho một vị thủ lĩnh vĩ đại đã từng lập nhiều công tích như Tia Chớp Đen. Vậy bây giờ, xin những người anh em da đỏ của ta hãy nói xem họ nghĩ gì về chuyện đó.

Các chiến sĩ lại nhất trí thừa nhận Tômếch có quyền được mang thêm ba chiếc lông đại bàng nữa, sau đó thủ lĩnh Mắt Dài nói thêm, rằng việc có những năm chiếc cúp đã đưa Tômếch vào hàng những chiến sĩ nhiều công trạng.

Sau đó đến lễ hút tẩu thuốc hòa bình và hữu nghị.

Đối với người In-đi-an, việc hút tẩu thuốc trước hết là một nghi lễ tôn giáo thường được tiến hành trong những dịp lễ long trọng. Người In-đi-an hút thuốc để cầu xin những lực lượng có sức hủy diệt của tự nhiên, để tự bảo vệ mình trước kẻ thù, hoặc nhằm mục đích thống nhất tất cả các lực lượng siêu nhiên mà họ tin tưởng sẽ giúp cho những công cuộc quan trọng đang tiến hành được thành công. Nổi tiếng nhất là những tẩu thuốc được gọi là “tẩu thần dược”, người ta đốt lên để trừ khử bệnh tật, hoặc được mang theo khi lên đường chinh chiến, nhằm nắm chắc phần thắng.

Những thứ tẩu khác và những ống điếu hút thuốc lào cũng có năng lực thần diệu, theo tín ngưỡng của người In-đi-an, người ta gọi chúng là “Ca-lu-mét”, nghĩa là cái ống, hay cây sậy. Người ta chỉ hút ca-lu-mét trong những dịp hòa hội, và vì vậy, chúng thường được gọi là “tẩu thuốc hòa bình”. Trong khi đang có chiến tranh, nếu như có một vị sứ giả nào đó mang ca-lu-mét đến, thì điều đó có nghĩa là ông ta muốn hòa hoãn, và bản thân cái ca-lu-mét cũng trở thành vật đảm bảo cho tính mạng của vị sứ giả đó. Việc hút tẩu ca-lu-mét còn đóng một vai trò quan trọng trong những dịp lễ đón nhận những người ngoài gia nhập bộ lạc.

Tômếch hiểu rõ tầm quan trọng của thủ tục hút tẩu thuốc hòa bình. Đối với cậu ngay bản thân việc đề nghị hút tẩu thuốc ấy thôi cũng đã có ý nghĩa khác thường rồi, vì vậy cậu hết sức trân trọng và chăm chú theo dõi mọi động tác của thủ lĩnh.

Thủ lĩnh Mắt Dài lấy từ giá ba chân xuống một chiếc túi có tua rua và rút trong đó ra một chiếc tẩu ca-lu-mét. Cũng chính từ trong chiếc túi đó ông còn lấy ra một nhím kin-ni-kin-níc, tức là một thứ hỗn hợp lá thuốc giã với một ít vỏ cây liễu đỏ, được tẩm mỡ động vật cho dễ cháy. Ông nhồi tẩu, nén mồi thuốc thật chặt và gắp trong đống lửa ra một hòn than châm vào tẩu.

Thủ lĩnh Mắt Dài là người mở đầu nghi lễ hút tẩu thuốc hòa bình, ông đặt miệng tẩu vào môi, rít một hơi, rồi phả khói lên trời đồng thời hướng ống điếu lên trời, như cầu xin các vị linh thần từ tâm cùng các bậc tiền nhân. Sau đó ông lại phả khói, hướng ống điếu xuống đất và lần lượt khắp bốn hướng để ra dấu cầu xin bốn thứ gió. Sau khi làm xong thủ tục ấy, ông chuyển ống điếu cho người In-đi-an ngồi kề phía bên tay phải, người này cũng làm mọi thủ tục giống như ông. Sau đó, ông ta lại chuyển cho người ngồi kế cận mình, cho đến tận người chiến sĩ cuối cùng ngồi bên tay phải thủ lĩnh.

Khi đó, ống điếu lại theo đường cũ quay trở lại tay thủ lĩnh Mắt Dài và ông chuyển cho Tômếch. Cậu chăm chú lặp lại động tác của những người In-đi-an. Toát hết mồ hôi, cậu cố giữ cho khỏi sặc vì hơi khói cay nồng. Cậu nhẹ hẳn người đi khi chuyền dọc tẩu cho Đại Bàng Đỏ. Và mặc dù theo phong tục thì những người In-đi-an trẻ tuổi không được hút thuốc để khỏi bị kém khứu giác, nhưng Đại Bàng Đỏ cũng không bỏ lỡ dịp may. Sau đó, nó chuyển ống điếu trở lại cho Tômếch, và Tômếch đưa lại cho vị thủ lĩnh. Sau này, Tômếch được biết rằng, trong lễ hút tẩu thuốc, không bao giờ được đưa trực tiếp cho người ngồi phía bên kia cửa ra vào của ti-pi, vì người In-đi-an tin rằng, nếu ống điếu bị đưa ngang qua cửa ra vào thì sẽ làm cho mối tình thân hữu vừa mới được kết giao bị “bốc hơi” đi mất.

– Chúng ta đã hút ống điếu hòa bình theo phong tục cổ xưa của người In-đi-an. Anh đã là anh em của chúng tôi. Những mái lều ti-pi và vig-vam của chúng tôi lúc nào cũng mở rộng cửa đối với anh, anh có thể sống trong nhà chúng tôi nếu anh muốn. Tất cả mọi thứ chúng tôi có đều thuộc về anh cũng giống như thuộc về chúng tôi vậy, – thủ lĩnh Mắt Dài tuyên bố.

Không cần đợi lệnh, hai thiếu nữ In-đi-an bày ra trước mặt những người đàn ông một khay thịt luộc đang bốc hơi nghi ngút, một đĩa tủy xương được xem là món ăn ngon nhất, và những dải thịt khô đặt trên đĩa. Mọi người im lặng ăn với những chiếc thìa làm bằng sừng trâu bò. Tômếch dễ dàng nhanh chóng quen thuộc với cách ăn uống rất từ tốn của người In-đi-an.

Sau khi ăn xong, những cô gái In-đi-an lại mang ra mấy chiếc tẩu thuốc nhỏ bằng đất sét và thuốc lá. Tômếch lại bị sặc một lần nữa, nhưng lần này đã đỡ hơn lần trước nhiều.

Họ bắt đầu nói chuyện phiếm. Mỗi người In-đi-an đều kể lại một câu chuyện phiêu lưu lý thú nào đó đã trải qua trong khi đi săn hay trong chiến trận. Không chịu thua kém họ, Tômếch cũng miêu tả lại một cách đầy màu sắc những cuộc đi săn dã thú, và trong khi kể cậu dành nhiều lời ca ngợi lòng dũng cảm của những người bạn của cậu. Điều đó khiến những người In-đi-an thêm yêu mến cậu, bởi lẽ họ không thích những thanh niên hay tự khen mình. Khi những vị khách của người thủ lĩnh lần lượt kín đáo rút lui khỏi ti-pi, Tômếch liền lợi dụng cơ hội để hỏi:

– Thưa thủ lĩnh, người hãy nói cho cháy biết, có thật là bây giờ cháu có quyền mang năm chiếc lông chim đại bàng không ạ?

– Đúng thế, vì Hội đồng nguyên lão của bộ lạc đã thừa nhận cho người anh em da trắng ngần áy chiếc cúp, – thủ lĩnh Mắt Dài khẳng định lại. – Theo các phong tục cổ xưa, thì người chiến sĩ được ban thưởng phải tự tay kiếm được lông đại bàng, song nếu người anh em của ta muốn, chúng ta có sẵn trong trại này một người chuyên đi săn và nuôi chim đại bàng, anh ta sẽ đưa cho người anh em của ta năm chiếc lông.

– Cháu muốn tự tay mình săn chim đại bàng, song cháu chưa hiểu có thể tìm nó bằng cách nào đây, – Tômếch đáp.

– Đạn có thể làm hỏng lông chim, hơn nữa chim bị trúng đạn có thể bị rơi xuống một chỗ kín nào đó, không tìm thấy được. Đại bàng sống trong núi. Nếu người anh em của ta quả là mong muốn tự tay tìm lông chim, thì Đại Bàng Đỏ sẽ là người đưa dường và hướng dẫn cho anh biết phương pháp bắt sống đại bàng của chúng ta.

– Đại Bàng Đỏ có bằng lòng không? – Tômếch hỏi bạn.

– Phải, chúng ta có thể đi săn chim bất kỳ lúc nào người anh em của tôi muốn, – cậu thiếu niên Na-vai đáp.

– Nếu vậy thì ba ngày nữa chúng ta sẽ làm một chuyến đi săn nhỏ, – Tômếch quyết định. – Bây giờ cháu phải quay về trại để bạn cháu khỏi lo lắng vì cháu vắng mặt quá lâu.

– Hơn ai hết, người anh em da trắng của tôi biết rõ những việc mình cần phải làm, – thủ lĩnh Mắt Dài nói. – Các anh để ngựa ở đâu?

– Chúng cháu đã đưa vào chuồng ngựa, – Đại Bàng Đỏ đáp.

– Vậy người anh em da đỏ của tôi hãy đưa ngựa đến đây, – thủ lĩnh Mắt Dài ra lệnh.

Đại Bàng Đỏ lập tức rời khỏi ti-pi. Vị thủ lĩnh đặt bàn tay phải lên vai trái Tômếch và nói khẽ:

– Người anh em da trắng của ta đã thực hiện được một việc phi thường. Vì vậy, rất nhiều chiến sĩ da đỏ đã trở thành anh em của cháu. Người bạn lớn nhất của cháu là Tia Chớp Đen, vị thủ lĩnh vĩ đại của nhiều bộ lạc In-đi-an. Ta được lệnh chuyển cho người anh em da trắng của ta vài lời của thủ lĩnh.

Bàng hoàng vì bất ngờ, Tômếch chăm chú nhìn thủ lĩnh Mắt Dài, ông nói tiếp bằng giọng rất khẽ:

– Nếu có lúc nào đó người anh em da trắng của ta cần đến sự giúp đỡ của bạn bè thì hãy lên núi Hiệu và phát tín hiệu. Khi ấy, sẽ có ngay người đến đó, người mà người anh em da trắng trẻ tuổi của ta có thể hoàn toàn tin tưởng trong mọi tình thế.

– Những lời của Người thực là kỳ lạ, thưa thủ lĩnh vĩ đại, – Tômếch thì thầm đầy xúc động, – cháu không biết núi Hiệu ở đâu, phương pháp phát tín hiệu như thế nào và ai sẽ đến theo lời khẩn cầu của cháu.

– Ta vó thể nói chắc với người anh em của ta, rằng nếu cháu gọi thì sẽ xuất hiện một người bạn lớn, đồng thời là một đồng mình hùng mạnh. Đại Bàng Đỏ sẽ chỉ núi Hiệu cho người anh em da trắng cũng như phương pháp phát tín hiệu. Nó sẽ được ta truyền những lệnh cần thiết. Nếu cháu muốn gọi người giúp đỡ thì chỉ cần tìm gặp Đại Bàng Đỏ. Người da trắng thường có những cái lưỡi quá dài, vậy mong người anh em của ta chỉ giữ những lời ta nói cho riêng bản thân mình mà thôi. Hough!

Đúng lúc đó người ta đưa ngựa tới. Thủ lĩnh Mắt Dài đưa Tômếch ra khỏi lều. Khi cậu đã ngồi trên lưng ngựa, vị thủ lĩnh ghé vào tai cậu thì thầm đầy hàm ý:

– Người anh em da trắng hãy nhớ kỹ những lời ta dặn và hãy giữ bí mật. Không ai được phép biết nội dung câu chuyện của chúng ta.

– Thủ lĩnh Mắt Dài có thể tin ở cháu, – Tômếch cam đoan.