Trang

Tô-mếch và thủ lĩnh Tia Chớp Đen - Chương 4: Điều bí mật của cậu bé Navai

Ngày đã gần tàn mà sê-ríp Alan vẫn chưa trở về nhà. Băn khoăn vì sự vắng mặt quá lâu của sê-ríp, Tômếch và thủy thủ trưởng ngồi chờ ông trên những chiếc ghế tựa thoải mái đặt ở ngoài hiên. Họ chăm chú lắng nghe những âm thanh từ thảo nguyên rộng lớn vọng về. Họ cứ ngỡ như chỉ chốc lát nữa sẽ nghe thấy tiếng dế nỉ non hòa với tiếng ếch nhái từ một cái ao gần đấy vọng lại.

Một lát sau Xanli và mẹ cũng đi ra hiên. Sự có mặt cảu mẹ con cô bé khiến hai người bạn bị dứt khỏi những dòng suy nghĩ về sự vắng mặt của sê-ríp. Cả bốn cùng nhau chiêm ngưỡng cảnh mặt trời lắn. Cả bầu trời là một khối hòa hợp của bốn màu vàng, đỏ, bạc và xanh lơ. Thảo nguyên mênh mông, chỉ riêng phía nam bị đóng khung bởi một dãy núi trập trùng đang ngả dần sang màu đỏ rực.

Bà Alan ca ngợi những màu sắc nồng ấm của bầu trời thảo nguyên A-ri-dô-na cùng bầu không khí trong mát rất lành mạnh của nó. Theo ý bà, cả bang Niu Mê-hi-cô lẫn bang A-ri-dô- na là xứ sở đáng mơ ước cho những người đi lập trại khai hoang. Thủy thủ trưởng cũng tấm tắc phụ họa, nhưng ánh mắt anh chàng thay vì ngưỡng mộ chân trời tuyệt đẹp thì lại cứ ngắm nghía cốc rượu rum đặt trước mặt.

Xanli quay sang phía Tômếch bắt đầu thì thầm điều gì đó vào tai cậu, thì vừa lúc có tiếng vó ngựa khô khốc vang lên. Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn là một toán người ngựa khá đông đang phi nước kiệu về phía trại. Tômếch vội liếc sang phía thủy thủ trưởng, song chàng này vẫn bình thản nhấm nháp cốc rượu rum của mình, dường như không kề lưu tâm đến chuyện gì khác trên đời.

Tiếng vó ngựa mỗi lúc một lớn dần, rồi sau đó cả một đoàn kị mã hiện ra trong đám mây bụi mù mịt. Họ buộc những con ngựa mồm sủi bọt ngay trước hiên. Sê-ríp Alan, một người cao và gầy, nhanh nhẹn nhảy từ lưng một con ngựa hồng xuống. Bằng một động tác hờ hững, ông ném cương ngựa cho người da đen chạy ra đón ông, rồi quay về phía những người cùng đi. Đó là những người In-đi-an, họ đều mặc quần da và áo chẽn. Trên đầu tóc cắt ngắn họ đội những cái mũ phớt rộng vành màu xám không khác gì mũ của kỵ binh Mỹ. Tất cả đều mang súng trường.

Theo mệnh lệnh hô bằng tiếng Anh của sê-ríp, những người In-đi-an nhảy cả xuống ngựa, trừ một người vẫn ngồi im không nhúc nhích. Giống như một pho tượng đá, ông ta ngồi sừng sững trên mình ngựa mặc dù chắc chắn ông biết tiếng nói của người da trắng, giống như phần lớn những người In-đi-an châu Mỹ khác.

Đến lúc này có thể nhận thấy là người này ăn mặc khác hẳn những người In-đi-an khác. Một cái quần da với những đường khâu trang trí dích dắc chỉ dài chấm mông, bên trên là một cái khố với dải thắt lưng bằng vải, màu sắc sặc sỡ, thả múi xuống tận đùi. Áo khoác chẽn có tay dài, mở phanh trước bụng, để lộ thân hình với nước da màu đồng nâu. Ngược với những người khác, ông ta đội trên đầu một cái mũ phớt rộng vành màu đen. Mớ tóc dài xõa xuống vai ông.

Tômếch kịp kìm được một tiếng kêu kinh ngạc. Người In-đi-an này khiến cậu nhớ ngay đến người kỵ sĩ đầy bí ẩn mà cậu nhìn thấy từ xa lúc sáng. Cậu nhìn ông ta kỹ hơn và hiểu được ngay vì sao ông ta vẫn ngồi yên trên lưng ngựa: tay ông ta vẫn ngồi yên trên lưng ngựa: tay ông ta bị khóa bằng còng thép, còn chân thì bị một dây đai to buộc giằng xuống phía dưới bụng ngựa.

Tômếch nghiêng đầu về phía thủy thủ trưởng.

– Có lẽ đây chính là người kỵ sĩ bí mata mà cháu nhìn thấy lúc sáng trên thảo nguyên, – cậu thì thầm.

– Hãy khoan nói gì đã nếu chưa biết người đó là ai, – thủy thủ trưởng khẽ lẩm bẩm.

Trong khi đó sê-ríp không để phí thì giờ. Theo lệnh ông, những người In-đi-an cởi trói chân cho người tù binh, kéo ông ta xuống ngựa, quật ông ngã lăn ra đất rồi lập tức còng chân ông bằng cùm sắt. Sau đó ba người In-đi-an dẫn ngựa vào tàu trong khi những người khác bắt đầu tìm chỗ ngả lưng ngoài trời ngay trước hiên. Hai người In-đi-an cầm súng trường lăm lăm ngồi ngay cạnh tù nhân.

Sê-ríp Alan bước vào nhà. Ông vừa kịp ra lệnh cho bà Bét-ty sửa soạn bữa ăn cho những người In-đi-an thì Xanli đã chạy đến bên ông và hỏi:

– Thế này là thế nào hở chú? Người In-đi-an bị trói kia là ai thế?

– Lát nữa chúng ta hãy nói chuyện, chú đói lắm rồi, – sê-ríp đáp. – Nhà đã ăn tối cả chưa?

– Vẫn chờ chú đấy, chú Giôn-ny – bà Alan đáp. – Song bây giờ thì chị không muốn ăn nữa. Cái người In-đi-an khốn khổ kia đã làm gì nên tội mà bị đối xử tàn tệ đến thế?

– Con người khốn khổ ư? – sê-ríp ngạc nhiên. – Đó không phải là chữ thích hợp với hắn đâu. Chắc chị sẽ phải rút lui nhuwgnx lời của chị khi chị biết hắn là ai. Thổ dân Ôxtralia cũng không thể làm các vị khốn khó như dân In-đi-an châu Mỹ thiện chiến này đối với chúng tôi đâu. Có lẽ cũng vì vậy mà chị bất bình. Nhưng ta hãy đi ăn tối đã, Bét-ty đã bày bàn xong rồi kia kìa.

Sê-ríp đưa tay mời, mọi người vào phòng ăn. Sê-ríp Alan ăn mọi thứ một cách ngon lành, còn Tômếch, Xanli và bà mẹ chỉ ăn chút ít. Riêng có thủy thủ trưởng Nôvixki là cũng chén tác chén thù với chủ nhân.

Cả hai người kéo các đĩa thức ăn lại gần mình và rót thêm rượu vang ướp lạnh từ bình ra cốc.

– Cả hai chú có lẽ chẳng bao giờ biết no hay sao thế nhỉ? – Xanli hỏi thầm, nóng ruột chờ một lời giải thích của ông chú.

– Em đừng buồn, dạ dày của họ sắp đầy rồi. Trông kìa, chú em đã giảm tốc độ… – Tômếch cũng thì thầm đáp lại/

Xanli nháy mắt ra hiệu cho Tômếch khi sê-ríp lấy khăn lau miệng và đẩy cái đĩa ra xa. Ông lấy một điếu xì gà từ cái hộp trên bàn, dùng dao díp cẩn thận cắt đầu to, sau đó châm lửa rồi im lặng nhả từng vòng khói.

– Tôi thấy các vị phụ nữ xinh đẹp của chúng ta có vẻ ăn mất ngon khi nhìn thấy người In-đi-an mang những “cái vòng tay” bằng thép, – thủy thủ trưởng vừa cất lời vừa mỉm cười thông cảm. – Có trái tim giàu thương cảm quả thật là một điều đức hạnh. Con người ta có thể thấy biết bao điều trong khi lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm của thế giới, nhưng tôi phải nhận rằng bao giờ sự khốn khổ của người đồng loại cũng khiến tôi động lòng.

Sê-ríp chăm chú nhìn người thủy thủ tốt bụng và chậm rãi nhả những vòng khói xanh lơ.

– Các vị đã bao giờ nghe nói đến vũ điệu linh thần chưa? – Ông hỏi một cách bình thản.

Thủy thủ trưởng lắc đầu. Bà Alan và Xanli cũng chưa bao giờ nghe nói đến vũ điệu ấy. Riêng Tômếch lập tức đáp lại bằng giọng tự tin:

– Vũ điệu linh thần là điệu múa cách mạng của bộ lạc Xi-úc-xơ.

– Xin hoan hô chàng trai trẻ! Thế nghĩa là tôi chưa kịp có dịp đánh giá hết kiến thức của cậu về thế giới và con người, – sê-ríp Alan khen ngợi. – Làm sao cậu lại biết được chuyện đó?

– Trước mỗi chuyến đi cháu đều cố gắng thu thập một ít kiến thức về vùng đất mà cháu định tới, – cậu bé đáp.

– Ngài nên biết là chú em Tômếch của chúng ta được thừa hưởng ở người cha đáng kính nhiều năng khiếu đối với khoa học. Tômếch quả là một quyển bách khoa toàn thư biết đi, – người thủy thủ hồ hởi nói, anh rất vui vì có dịp khen ngợi người học trò của mình.

– Thực ra trước đây tôi không nghĩ là Tômếch ham thích sách vở khi thấy cậu ta thường phóng ngựa trên thảo nguyên – sê-ríp thú thật. – Cháu còn biết gì hơn nữa không về người Xi-úc-xơ và vũ điệu linh thần cậu bé?

– Rất đáng tiếc, đó là tất cả những gì cháu biết.

– Thế chú có biết không cơ? – Xanli hỏi một cách láu lỉnh.

Sê-ríp mỉm cười với cô bé rồi bắt đầu nói:

– Đó là cả một câu chuyện khá kỳ lạ và khá xưa rồi. Năm 1888 trong các bộ lạc của người In-đi-an ở vùng tây-bắc, người ta loan truyền cái tin, ở một xó nào đó của bang Oai-âu-ming xuất hiện một thánh nhân – một vị phù thủy vĩ đại. Người này kêu gọi tất cả những người da đỏ đứng lên chống lại bọn thực dân da trắng. Đó là một người In-đi-an thuộc bộ lạc Piu-te, tên là Oa-vô-ka. Ông ta kêu gọi những người anh em hãy ngừng các cuộc xung đột huynh đệ tương tàn để đoàn kết lại. Theo ông, người In-đi-an cần phải chấm dứt ngay những cuộc chiến tranh tàn phá và từ bỏ những thói quen học được ở người da trắng. Nếu người In-đi-an làm được điều đó thì thánh Mê-xi-ac của người In-đi-an sẽ xuất hiện, sẽ đuổi cổ giống da trắng sang bên kia biển lớn, rồi sẽ hồi sinh lại giống trâu đã bị tuyệt chủng và trả lại lối sống cổ xưa cho người In-đi-an. Đó là tư tưởng phục hưng đã được Oa-vô-ka đưa ra, thường được gọi là Vũ điệu linh thần, bởi vì người ta thường gọi những điệu vũ đi kèm với lễ hội mừng sự ra đời của tư tưởng mới như thế. Trong khi nhảy điệu múa này, người da đỏ mặc những chiếc áo sơ-mi trắng bằng vải bông có dính những dấu hiệu linh thiêng nhằm tránh cho họ mọi điều dữ.

Vũ điệu ấy đưa người In-đi-an vào một trạng thái bị thôi miên, họ tin là trong khi múa nhảy như thế, linh hồn họ được phiêu du đến xứ sở Linh thần, nơi linh hồn của những vị tiền nhân vĩ đại đang du ngoạn.

Lời kêu gọi của Oa-vô-ka không phải là không có người hưởng ứng. Dân In-đi-an đào rìu chiến lên, tự vũ trang, bôi lên mặt những sắc màu chiến tranh. Vũ điệu linh thần cổ vũ tinh thần bạo loạn. Dân In-đi-an cầm vũ khí, không chịu tuân mệnh của những nhân viên chính phủ trông coi các trại định cư nữa. Bắt đầu xảy ra những cuộc xô xát nguy hiểm. Những cuộc đụng độ này trở nên đặc biệt mạnh mẽ khi đứng đầu phong trào cách mạng là Ta-tan-ca Y-ô-tan-ca tức Bò Ngồi, vị trí thủ lĩnh, đồng thời là phù thủy giàu quyền lực của bộ lạc Tê-tôn Đa-koo-ta, một bộ lạc thuộc về ngữ hệ Xi-úc-xơ. Đó là một người vô cùng nguy hiểm. Chính hắn đã tổ chức cuộc chiến đấu trong những năm 1875 – 1876. Sau trận đánh ở sông Lit-tơn Big Ho-nơ hắn trốn sang Ca-na-đa, mãi đến năm 1880 mới trở về nước, sau khi chính phủ ra lệnh ân xá, rồi sau đó sinh sống trong trại định cư của người Xi-úc-xơ. Là kẻ thù không đội trời chung với người da trắng, hắn đã hưởng ứng ngay lời kêu gọi của Oa-vô-ka và lại bắt đầu cuộc chiến đấu mới. Ban đầu, hắn giành được nhiều thắng lợi, nhưng sau đó hắn bắt đầu thiếu vũ khí và đạn dược…

– Chú ơi, thế sau đó chuyện gì đã xảy ra với vị thủ lĩnh kiên cường ấy hả chú? – Xanli vội hỏi.

Sê-ríp chau mày lại vẻ giận dữ song vẫn đáp một cách bình tĩnh:

– Hắn chết một cách đáng kiếp. Là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa, hắn bị hai nhân viên cảnh sát người In-đi-an là Rìu Đỏ và Đầu Bò bắn chết cùng với một trong những đứa con trai của hắn. Cái chết của tên thủ lĩnh nổi loạn này đã chấm dứt những cuộc chiến đấu vô nghĩa lý của dân In-đi-an.

– Thế Bò Ngồi chết vào năm nào ạ? –  Tômếch hỏi.

– Vào tháng chạp năm 1890, – sê-ríp đáp và quay về với điếu xì-gà của mình.

– Cháu cũng nhớ mang máng như thế, nhưng cháu hỏi lại cho chắc, bởi cháu vẫn chưa hiểu được mối liên hệ giữa vũ điệu linh thần với người tù binh In-đi-an đang bị trói trước nhà ta, – Tômếch nói tiếp.

– Cháu đã nói chính những điều bác cũng đang nghĩ đấy, – bà Alan kêu lên. – Tất cả những chuyện đó dính dáng gì đến con người đáng thương này chứ?

– Nó là thế này, – sê-ríp nói. – Cách đây một thời gian, tôi bắt đầu nhận được tin là có một tên da đỏ bí mật nào đó lại làm rối loạn đầu óc đang yên ổn của dân In-đi-an trong vùng này. Do những hoạt đọng khuấy loạn của hắn, trong một số trại định cư bắt đầu xuất hiện việc tổ chức vũ điệu linh thần đang bị cấm. Sau vụ hai nhân viên chính phủ bị mất tích một cách đầy bí ẩn, tôi buộc phải đích thân điều tra chuyện này. Hóa ra những tiếng đồn là đúng. Tôi đã xác định được rằng có một phái viên bí mật nào đó cứ cách một thời gian lại từ bên kia biên giới Mê-hi-cô lẻn đến những trại định cư In-đi-an ở vùng này, kích động dân In-đi-an nổi lên khởi nghĩa chống lại người da trắng. Tôi đã dăng bẫy một vài bận, song được những tên gián điệp của hắn báo trước nên cho đến nay hắn vẫn lọt khỏi tay tôi. Cuối cùng tôi cũng tìm được người giúp chúng tôi tóm gọn tên gây rối này. Hôm qua một chủ trại giàu có người In-đi-an tên là Nhiều Bờm đã báo trước cho tôi là hắn sẽ tới. Tôi bèn cùng một toán cảnh sát người In-đi-an phục sẵn trong nhà của người báo tin ấy và thế là tên tội phạm nguy hiểm sa vào bẫy của chúng tôi.

– Ha, vậy ra chính thằng cha này! – thủy thủ trưởng kêu lên, vỗ tay đánh đét vào đùi. – Xin chúc mừng ngài sê-ríp, xin chúc mừng! Thế cái thằng cha bạo nghịch ấy tên là gì?

Tômếch không hài lòng nhìn sang bạn, song thủy thủ trưởng vẫn làm như không hề để ý thấy cái nhìn của cậu. Sê-ríp giải thích một cách tường tận:

– Hắn là người A-pa-sơ tên là Tia Chớp Đen. Đối với người In-đi-an, màu đen tượng trưng cho cái chết. Chắc là Tia Chớp Đen đã hạ thủ không ít người.

– Đại thắng lợi, thưa ngài sê-ríp! – thủy thủ trưởng tán thưởng. – Thế tại sao các ngài không treo cổ ngay nó lên?

– Chúng tôi phải hỏi cung hắn trước đã. Hình như Tia Chớp Đen là lãnh tụ của một nhóm người da đỏ khá lớn đang ẩn nấp trong vùng rừng núi ở gần biên giới của chúng ta. Hơn nữa chúng tôi cũng không có ý định giiết hắn. Nếu như hắn biết điều khai ra hang ổ của bọn bạo loạn thì sẽ được đối xử như tù binh chiến tranh.

– Thế có nghĩa là các chú sẽ phóng thích cho ông tan gay sau khi ông ta chịu khai phải không chú? – Xanli hỏi.

– Không đâu, cô cháu thân mến ạ. Hắn ta sẽ được giải đến pháo đài Ma-ri-ôn ở bang Phlo-ri-đa, nơi mà vài trăm tay In-đi-an cứng cổ đang bị giam như những tù binh chiến tranh.

– Nghĩa là ông ta sẽ không bị làm sao chứ ạ? – Xanli vui mừng hỏi.

– Tôi thấy đối xử một cách ông hòa như thế với bọn bạo loạn là không đúng. – Thủy thủ trưởng Nôvixki lên tiếng, ra vẻ phản đối. – Đó sẽ là tấm gương không có lợi cho những kẻ làm loạn khác…

– Ngài đừng lo chuyện đó, thưa ngài, – sê-ríp an ủi. – Chúng ta đủ mạnh nên không cần phải sử dụng những hình thức… xử lý quá khắc nghiệt.

Song thủy thủ trưởng vẫn chưa chịu:

– Nếu như nhiều đứa cuồng ngông như thế được tập trung lại một chỗ thì có lẽ việc tổ chức chạy trốn không mấy khó khăn và khi ấy chắc không tránh khỏi một cuộc nổi loạn thật sự.

– Chúng tôi đã từng trị khối đứa còn sừng sỏ hơn Tia Chớp Đen nhiều kia, thưa ngài, – sê-ríp đáp. – Ngài cũng nên biết là dân A-pa-sơ, dân từ ngàn xưa đã quen với việc đánh đấm, từng chống lại việc giam hãm trong các trại định cư rất lâu. Những thủ lĩnh như Cô-xi-sơ, Gê-rô-no-mô, Na-se-đơ, Giu hay Nôn-gê làm chúng tôi mệt không biết chừng nào. Nếu những biện pháp ôn hòa không mang lại hiệu quả thì chúng sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và bị săn đuổi cho tới khi nào bị tóm mới thôi. Đa số bọn chúng hiện đang sống trong trại giam ở Phlo-ri-đa, song sẽ có rất ít đứa được quay về quê quán khi mãn hạn tù.

– Tại sao thế, thưa ngài, nếu như có thể hỏi? – thủy thủ trưởng tò mò hỏi tiếp.

– Bọn dân In-đi-an ở đây quen sống trong khí hậu khô ráo của vùng thảo nguyên, trong khi đó phần lớn bang Phlo-ri-đa lại là vùng đầm lầy phủ đầy rừng hoang. Kỷ luật hà khắc, điều kiện khí hậu bất lợi, cũng như nỗi nhớ quê hương sẽ làm nốt nhiệm vụ của mình.

– Hô, hô, hô! Thật là một phương pháp tốt để tiêu diệt bọn nổi loạn, – thủy thủ trưởng cười to. – Nghĩa là như người ta thường nói, xin lỗi ngài, mọi thứ đều được giải quyết trong khi tay vẫn mang găng trắng muốt.

Đôi lông mày bà Alan nhíu lại:

– Các anh đối xử thật là “tuyệt vời” với những người chủ thật sự của vùng đất này. Nói tóm lại, dân In-đi-an phải chịu giam mình vào các trại định cư hoặc chết dần chết mòn trong pháo đào Ma-ri-ôn ở Phlo-ri-đa chứ gì, – bà nói bằng một giọng gay gắt.

– Cháu không biết là người In-đi-an phải chịu ngần ấy bất công, – Tômếch buồn bã thốt lên. – Bọn Nga Sa hoàng cũng dành sẵn một số phận tương tự như thế cho người dân Ba Lan. Những người yêu nước chân chính bị treo trên giá treo cổ hoặc bị đày đi Xi-bia. Ngay cả cha cháu và chú thủy thủ trưởng đây cũng phải trốn khỏi đất nước mới khỏi bị đi đày.

– Ra thế đấy! Trong khi hết ngày này sang ngày khác tôi phải liều mình sục khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm bắt bọn bạo loạn, thì ở đây, những người thân của tôi lại phê phán tôi làm việc phi pháp cơ đấy, – sê-ríp cất tiếng, cố gây cười. – Nếu đã thế thì xin thú thật rằng đôi khi tôi cũng thương thay cho những tay da đỏ ngông cuồng ấy. Song khi nào tôi còn đảm nhiệm chức vụ sê-ríp thì tôi vẫn cứ phải hoàn thành cái nghĩa vụ nhiều khi quá nặng nề của mình.

– Tôi hiểu, tôi hiểu chứ, thưa ngài. Trên tàu cũng có một kỷ luật như thế. Mọi người phải hoàn thành nghĩa vụ của mình ngay cả khi điều đó đòi hỏi chính tính mạng của họ, – thủy thủ trưởng phụ họa theo. – Chức sê-ríp cũng giống như chức thuyền trưởng dưới tàu ấy mà. Song tôi không hiểu tại sao những tay cảnh sát da đỏ này lại canh tù binh một cách hăng hái đến thế kia chứ? Liệu họ có thông đồng với hắn không nhỉ?

– Không lo. Những người này là cảnh sát In-đi-an, họ bị đa số người da đỏ hết sức căm ghét. Dĩ nhiên đó là một cách đối xử không đúng, vì đội quân cảnh sát gồm toàn những người In-đi-an trung thành với chính phủ của chúng ta mà thôi. Xử thế một cách có cân nhắc sao lại có thể bị xem là phản bội được cơ chứ?

– Theo tôi thì vẫn có thể, nếu điều đó đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, làm sao có thể nói đến quan hệ hữu hảo giữa người da trắng và người da đỏ trong khi bản thân người In-đi-an vẫn căm ghét ngay chính những người cùng màu da với mình, – bà Alan xen vào, bà vẫn không bị những lý lẽ của ông em chồng chinh phục.

Trước khi sê-ríp kịp nói, Tômếch đã lên tiếng:

– Những con người cao quý và tuân theo lẽ phải bao giờ cũng tìm được cách hành động đúng đắn. Cháu có nghe nói đến những người da trắng được dân In-đi-an châu Mỹ rất yêu mến, yêu mến thực sự. Thí dụ như người đồng hương của chúng cháu, nhà du hành và thám hiểm Paven Xtsêlexki chẳng hạn. Suốt một thời gian dài ông ta sống với người In-đi-an và là bạn hữu của Ô-xê-ô-la, vị thủ lĩnh anh hùng của người Xê-mi-nôn.

– Anh Tômmy này, có phải đó cũng chính là người đã phát hiện ra rặng núi An-pơ Ôxtralia ở Ôxtralia không? – Xanli rụt rè hỏi.

– Phải, chính là nhà du hành đó, – Tômếch đáp và mỉm cười với cô bạn của mình.

– Thế mà em không biết Paven Xtsêlexki cũng từng du hành cả ở châu Mỹ, – Xanli ngạc nhiên.

– Xtsêlexki đã đi hầu như khắp cả thế giới – cậu giải thích. – Trước khi đến Ôxtralia, ông đã đi khắp Nam Mỹ và Bắc Mỹ, sau đó viếng thăm các đảo ở Thái Bình Dương và Niu Di-lơn.

– Thế ở Mỹ ông ta có phát hiện được điều gì không anh? – Xanli hỏi tiếp.

– Ở châu Mỹ chủ yếu Xtsêlexki tiến hành những nghiên cứu nhân chủng học, ông đã trình bày những kết quả nghiên cứu trong một quyển sách của mình. Ở nước Mỹ, ông tiến hành một chuyến đi qua Bô-xtơn, Niu Y-oóc, Phi-la-đen-phi, Ban-ti-mo, Oa-sinh-tơn, Rich-môn-đơ và Sac-le-xtôn. Ông cũng tiến hành những công trình nghiên cứu rất thú vị ở tỉnh Xô-no-ra của Mê-hi-cô và ở Ca-li-phoóc-ni-a. Ông là người rất hào hiệp, bao giờ ông cũng sẵn lòng giúp đỡ những người bị săn đuổi và những kẻ nghèo hèn. Ông đã từng gặp tổng thống Hoa Kỳ hồi ấy là An-đrây Giắc-xơn để trình bày vấn đề những người lưu vong Ba Lan cũng như từng bênh vực cho các cựu tù nhân bị đưa từ Anh sang Mỹ. Cũng chính hồi đó ông đã cố gắng tìm cách giảm bớt những nỗi thống khổ của người In-đi-an và những nô lệ da đen. Chính vì chuyện đó mà ông đã từng đến cả thượng nghị viện Hoa Kỳ đấy.

– Hô hô! Cái ông Xtsêlexki ấy quả là một người dũng cảm, – thủy thủ trưởng xen vào.

– Có thực ông ta không hề sợ người In-đi-an không anh? – Xanli hỏi gặng.

– Như anh đã nói, Xtsêlexki tiến hành các công trình nghiên cứu nhân chủng học về các cư dân ban đầu của châu Mỹ. Vì vậy ông đến ở một thời gian với người Hu-rôn sinh sống tại vùng Hồ lớn. Ông từng sống nhiều đem trong các vig-vam[1]. Mặc dù hồi đó đang diễn ra những cuộc chiến tranh của người In-đi-an, song ông vẫn một mình đi thám hiểm những vùng rừng rậm và thảo nguyên. Ông thường vượt qua những nẻo đường chinh chiến của người In-đi-an đang rừng rực lửa căm thù người da trắng, mặc dù thế, không những ông biết cách tránh khỏi mọi hiểm nguy mà còn kết bạn với nhiều bộ lạc ấy. Một trong những thí dụ hay nhất là trong thời gian người Xe-mi-nôn định cư ở vùng Phlo-ri-đa tiến hành cuộc chiến tranh không cân sức nhưng rất anh hùng chống lại Hoa Kỳ, muốn tránh cho bộ lạc ấy khỏi bị tiêu diệt, Xtsêlexki đã tìm cách sống hòa hảo với họ và kết thân với thủ lĩnh Ô-xê-ô-la. Sau này, Xtsêlexki đã viết trong hồi ký của mình về vị thủ lĩnh lớn ấy của người In-đi-an.

– Anh Tômmy, anh kể tiếp đi, sau đó chuyện gì đã xảy ra với thủ lĩnh Ô-xê-ô-la?

– Ông ta bị người Mỹ bắt làm tù binh. Năm 1838 ông chết vì bị bệnh dịch trong cảnh tù đày.

– Cháu kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện hay lắm, Tômếch ạ, – bà Alan bảo. – Thế có nghĩa là những người đồng hương của cậu đã biết cách chung sống với những thổ dân châu Mỹ. Thật chẳng biết nói gì hơn, số phận của những dân tộc bị áp bức bao giờ cũng rất đau thương.

Sê-ríp Alan nhún vai và nói:

– Vấn đề người In-đi-an chưa bao giờ dễ giải quyết và hiện cũng đang nan giải. Nếu chúng ta không đưa người da đỏ vào các trại định cư thì đám thực dân da trắng sẽ tàn sát họ cho đến người cuối cùng. Có lẽ chỉ cần nhắc đến cuộc tàn sát ở Cam-pơ Gran là đủ.

– Xin ngài hãy kể cho chúng tôi nghe chuyện đó, chúng tôi rất muốn nghe, – thủy thủ trưởng đề nghị.

– Đó là một câu chuyện rất bi thảm! – sê-ríp lên tiếng. – Khi không thể dùng sức mạnh để bắt những người dân A-pa-sơ vào sống trong trại định cư, vì quân đội quá ít ỏi, lãnh thổ thì rộng lớn, còn khí hậu thì tạo cho người da đỏ thêm ưu thế, tổng thống Gran bắt đầu dùng chính sách hòa bình để đối xử với người In-đi-an. Chính vào lúc đó, một nhóm người A-ri-vai-pa A-pa-sơ đói khát kéo đến đồn quân chính phủ ở Cam-pơ Gran. Trung úy Uýt-man chỉ huy đồn binh, cho họ ăn uống, khuyên họ đưa cả gia đình và bạn bè cùng đến. Nhiều gia đình In-đi-an liền kéo đến theo. Uýt-man bèn lập một cái trại định cư không chính thức quy mô nhỏ dành riêng cho họ. Song lòng căm thù của những điền chủ da trắng và Mê-hi-cô đối với người A-pa-sơ vì những trận công kích của họ lớn đến nỗi khi nghe tin thành lập trại định cư, người ta quyết định sẽ hủy diệt nó, không thèm để ý trong trại chỉ có toàn những người In-đi-an mong muốn sống hòa bình. Rạng sáng ngày 30 tháng tư năm 1871, những người chủ đất da trắng và những người Mê-hi-cô đã tấn công vào trại. Họ giết sạch những người In-đi-an đang say ngủ, không từ cả đàn bà con trẻ. Xác những người dân da đỏ bị đâm chém Một cách khủng khiếp. Chỉ có vài người In-đi-an kịp chạy trốn vào núi, trong khi những kẻ tấn công vội vã rút lui đến Tac-xơn đèm theo một số trẻ con In-đi-an làm tù binh. Những chủ đất gây ra tội ác ấy còn ngang nhiên huênh hoang là không có ai trong bọn họ bị thương trong trận công kích ấy. Nhiều công dân bang A-ri-dô-na coi vụ tàn sát này là hợp lẽ, bởi vì người A-pa-sơ thường xuyên đánh phá các trang trại, mà dấu vết của những vụ đánh phá đó lại dẫn thẳng đến chỗ những người In-đi-an đang định cư dưới sự bảo hộ của quân đội gần Cam-pơ Gran. Người ta chỉ phê phán chuyện giết hại đàn bà và trẻ con. Tổng thống Gran ra lệnh bắt giam tất cả những kẻ tham gia vào vụ này và dọa rằng toàn bộ bang A-ri-dô-na sẽ bị đặt trong tình trạng thiết quân luật. Thực ra, những kẻ cầm đầu vụ này cũng có bị bắt, song tòa án lại xử cho chúng được trắng án. Cuối cùng những người In-đi-an chỉ đạt được duy nhất một điều là cấm người da trắng can thiệp vào đời sống của họ trong phạm vi trại và họ được sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của chính phủ.

– Ngài sê-ríp của chúng ta nói rất có lí, thưa bà Alan, – thủy thủ trưởng nói một cách đầy ngụ ý. – Đối với phụ nữ, cảnh ấy có thể rất đáng thương, song tôi và Tômếch có lẽ sẽ xem mặt thằng cha ngỗ nghịch ấy một chút. Dĩ nhiên là nếu ngài sê-ríp đây không có gì phản đối và cho phép chúng tôi được làm điều đó.

– Xin cứ tự nhiên! Có thể đó cũng là một trò vui để các vị giải trí trong cảnh hoang vu ở xứ này, – sê-ríp đồng ý. – Các bạn có khá nhiều thì giờ để làm việc đó, vì tên tù binh này sẽ bị giữ lại đây cho tới khi đại úy Moóc-tơn cùng một đơn vị kỵ binh đến đây giải hắn về pháo đài A-pa-sơ. Có lẽ ông ta sẽ không thể đến đây trước chiều mai được.

– Cháu cũng rất muốn xem mặt Tia Chớp Đen, – Tômếch bỗng thốt ra một cách dễ dãi khiến bà Alan và Xanli đều nhìn cậu với vẻ trách móc. – Nếu cảnh sát canh gác hắn một cách cẩn mật thì có lẽ chúng ta cũng không phải lo lắng gì. Song liệu có thể hoàn toàn tin họ được không? Ai giữ chìa khóa còng ạ?

– Hoan hô chàng trai trẻ! Tôi đánh giá rất cao sự chín chắn và tính cẩn thận, – sê-ríp tán dương, tin chắc là đã thuyết phục được cậu thiếu niên Ba Lan về tính đúng đắn trong hành động của ông ta. – Song các vị chớ lo ngại điều gì, bởi cái chìa khóa còng đang treo lủng lẳng ở sợi dây đeo đồng hồ của tôi đây này.

Vừa nói ông ta vừa chỉ một cái chìa khóa dẹt mỏng mảnh móc liền vào sợi dây chuyền. Tái nhợt người vì xúc động, Xanli ngắm nghía mãi cái chìa khóa ấy.

– Ôi, thế thì hay quá! – cô bé thốt lên, song lại vội nói thêm. – Thật là hay, chú của cháu cẩn thận đến thế! Cháu có được phép đi cùng với anh Tômmy và chú thủy thủ trưởng xem mặt con người kinh khủng ấy không hả chú?

– Đi đi, cô nhóc hay quấy ạ, song cẩn thận nhé, kẻo đến đêm lại mơ thấy hắn ta đấy! – sê-ríp cười true.

– Xanli con, đừng ở lâu ngoài trời ban đêm con nhé, – bà mẹ nhắc. – Mẹ đau đầu quá, mẹ đi nằm đây.

– Vâng ạ! Ta đi đi, anh Tômmy.

Bà Alan là người đầu tiên rời khỏi phòng ăn. Sê-ríp giữ thủy thủ trưởng lại để “làm thêm một cốc” trước khi đi ngủ, chỉ có Tômếch và Xanli bước ra hiên.

Xanli nắm chặt tay Tômếch:

– Anh Tômmy, xuýt nữa thì em làm lộ hết, may mà em kịp cắn vào lưỡi để nín lặng. Anh biết không, có một cái chìa khóa y như thế nằm trong ngăn kéo bàn giấy! – cô bé thì thầm.

– Thật chứ? Em nói vớ vẩn gì thế hả?

– Anh đừng có vờ như không biết em muốn nói chuyện gì, – Xanli nói. – Sáng nay em hơi buồn, thế là em bèn lục lọi đồ vật trong ngăn kéo bàn giấy văn phòng. Trong ngăn kéo có mấy cái còng tay với một chiếc chìa khóa giống y như chìa khóa chú sê-ríp mang ở dây chuyền.

– Em có chắc thế không?

– Dĩ nhiên là chắc. Em ngắm nó rất kỹ rồi, vì em đã nghịch đến chán chê mấy cái “vòng tay” ấy, như chú thủy thủ trưởng gọi đùa. Vì vậy em nhận ra ngay là đúng chiếc chìa khóa ấy.

Tômếch lặng đi một lúc để giấu vẻ xúc động rồi nói một cách thản nhiên:

– Thế thì cứ để nó nằm yên ở đấy. Chuyện ấy có dính dáng gì đến anh đâu cơ chứ? Thực ra anh cũng không hiểu em kể chuyện đó cho anh để làm gì nữa kia.

– Tôi rất coi trọng sự chín chắn và tính cẩn thận, – Xanli dài giọng nhại lại lời sê-ríp. – Ôi, anh quả là một tay dối trá. Suốt cả bữa ăn tối “người ta” thừ cả người để nghĩ cách giải thoát cho vị thủ lĩnh In-đi-an vô tội, thế mà bây giờ lại giờ vờ như không biết chuyện gì.

– Khẽ nào, Xanli! Em nói lung tung gì thế? Nhỡ có ai nghe thấy thì sao?

– Có thế chứ, cuối cùng thì anh cũng lộ mặt nhé! – cô bé kêu lên thích thuc. – Anh chẳng bao giờ có thể nói dối em được đâu!

– Làm sao em biết anh nghĩ gì trong bữa ăn tối?

– Tôi Tômmy ơi là Tômmy! Anh không nhớ có lần em đã bảo hễ cứ nhìn anh là em biết ngay anh đang nghĩ tới chuyện gì sao? May mà em không phải là sê-ríp, chứ không thì em sẽ phải giam ngay anh vào hầm kín.

– Xanli!…

– Thôi thôi, được rồi! Bây giờ thì chắc anh đã thấy là một con nhóc ngốc nghếch như em đôi khi cũng được việc đấy chứ?

– Anh chưa bao giờ bảo em là ngốc nghếch cả, – Tômếch vội khẳng định. Song cậu chợt nín lặng bởi một ý nghĩ chợt đến với cậu.

Xanli đã không nhầm khi cho rằng Tômếch đang suy nghĩ về khả năng giúp đỡ Tia Chớp Đen. Song mãi cho đến lúc này cậu vẫn cho đó là chuyện hoàn toàn không thể thực hiện được. Giờ đây, sự việc đã xoay sang chiều hướng khác. Giá như vị thủ lĩnh In-đi-an ấy tự tháo được còng, chắc chắn ông ta sẽ trốn thoát khỏi tay những kẻ bắt ông.

Tômếch phân vân chưa hiểu có nên tin hoàn toàn vào người bạn gái nhỏ tuổi hay không. Em quyết định sẽ thăm dò cô bạn nhỏ một cách thận trọng.

– Được rồi, Xanli, anh phải thừa nhận là em rất thông minh và nhanh trí. Nhưng liệu có ích gì không, nếu như cái chìa khóa ấy cứ nằm nguyên trong ngăn kéo bàn giấy cảu chú em? Tự nó không thể bò đến tay chúng ta được, còn lấy nó ra khỏi bàn giấy là một chuyện hết sức mạo hiểm. Em thử nghĩ mà xem. Này nhé, để giải thoát cho người In-đi-an cần phải lấy chìa khóa ra khỏi ngăn kéo, mở chiếc còng đang khóa chặt tay chân Tia Chớp Đen, rồi sau đó lại phải mang trả chìa khóa về chỗ cũ nữa chứ!

– Anh Tômmy, nếu anh đồng ý cho em được tham gia vào âm mưu này thì em sẽ đảm nhiệm việc lấy chìa khóa rồi trả lại nó vào chỗ cũ trong ngăn kéo. Anh có tin rằng em sẽ ấn trở lại cho nó nằm trong ổ khóa của “cái vòng tay” hệt như lúc này vậy.

– Hừm, để anh nghỉ tí đã. May ra có thể giúp đỡ thí chút gì cho con người khốn khổ ấy chăng.

– Anh Tômmy, anh phải làm bằng được điều đó. Anh biết không, đây sẽ là lần đầu tiên em được tham gia vào một âm mưu thực sự đấy nhé!

– Được rồi, Xanli, được rồi. Bây giờ em hãy bình tĩnh lại đã, chú thủy thủ trưởng sắp ra rồi đây này.

– Anh Tômmy, anh đừng hòng đánh lừa em. Em đọc trong sách thấy rằng người tham gia vào những vụ âm mưu thật sự bao giờ cũng phải thề với nhau giữ bí mật. Không thề thì không thể nói đến chuyện mưu mô gì cả.

Tômếch suýt nổi cáu, nhưng cũng chính vào lúc đó trong phòng ăn bên cạnh có tiếng xô ghế. Cậu bèn thì thào mấy câu thề trung thành với Tia Chớp Đen, và cô bé Xanli sung sướng nhắc lại bằng một giọng thì thào trang nghiêm.

Thủy thủ trưởng bước ra đúng vào lúc cô bé đang phấn khởi ôm chầm lấy Tômếch sau khi “thề” xong. Anh chống hai tay vào hông và bảo:

– Thôi, dẹp cái chuyện gù gù chim câu ấy đi nhé, hai tên kẻ cướp thân yêu của tôi ạ. Chúng ta đi xem  bọn In-đi-an nào.

– Hay lắm, thưa chú. Cháu chỉ hỏi anh Tômmy  một câu nữa thôi. – Xanli chợt kêu lên. Đứng nhón trên đầu ngón chân, em thì thầm vào tai Tômếch:

– Chú thủy thủ trưởng có tham gia vào vụ âm mưu này không anh?

Tômếch khẽ cấu vào khuỷu tay cô bé rồi cũng thì thầm đáp lại:

– Anh nghĩ là có.

– Thế thì chú ấy cũng phải thề đi chứ! – Xanli nài nhỉ.

– Khẽ nào? Chú thủy thủ trưởng sẽ thề sau!

– Có chuyện bí mật gì thế, hả? – chàng thủy thủ hỏi to, rất thú vị về vẻ ngượng nghịu của cậu bạn nhỏ.

– Không có gì đâu, thưa chú! Cháu xin thề là không có chuyện gì cả! – Xanli đáp quả quyết.



[1] Vig-vam – lều mái khum của người In-đi-an Bắc Mỹ, có cốt là các cọc hay cành cây đóng xuống đất, trên phủ vỏ cây, rơm rạ, lau sậy hoặc các loại vật liệu khác.