Trang

Tám Mươi Ngày Vòng Quanh Thế Giới - CHƯƠNG 7 - ĐƯỜNG XE LỬA

Từ Đại dương tới Đại dương", - như người Mỹ vẫn gọi. Nhưng trên thực tế công ty Đường sắt Thái Bình Dương chia làm hai tuyến riêng biệt: "Thái Bình Dương Trung tâm" giữa San Francisco và Ogden, "Thái Bình Dương hợp nhất" giữa Odgen và Omaha. Tại đây hội tụ năm tuyến đường khác nhau, giúp Omaha liên lạc thường xuyên với New York.
Giữa Omaha và Thái Bình Dương, đường sắt phải vượt qua một vùng vẫn còn thổ dân da đỏ và các loài ác thú hay lui tới. Đây là vùng đất rộng mênh mông mà người Mormons bắt đầu cho di dân đến vào khoảng 1845 sau khi họ bị đánh đuổi khỏi Illinois.
Xưa kia, trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất, người ta vẫn phải mất sáu tháng để đi từ New York đến San Francisco. Giờ đây người ta chỉ mất bảy ngày..Hành khách đã lên đường từ ga Oakland vào lúc sáu giờ chiều. Đêm đã ập xuống. Xe lửa chạy với tốc độ không nhanh. Biết những chỗ phải dừng lại, nó chạy không quá hai mươi dặm một giờ, tốc độ dầu sao cũng cho phép nó băng qua Hiệp Chủng Quốc trong thời gian quy định.
Xe lửa khởi hành được một tiếng thì tuyết rơi.
Qua các khung cửa sổ người ta chỉ còn thấy một bức màn trắng mênh mông, trên đó cuồn cuộn thứ hơi nước màu xám nhạt tỏa ra từ đầu máy xe lửa.
Lúc tám giờ, một người quản lý bước vào toa và thông báo cho hành khách giờ ngủ đã đến.
Toa này là một toa có giường ngủ. Trong mấy phút toa đã biến thành phòng ngủ. Lưng ghế xếp lại, những chiếc giường nằm bọc cẩn thận được mở ra theo một hệ thống khéo léo và ngay sau đó mỗi hành khách được quyền sử dụng một chiếc giường tiện lợi với những bức màn dày ngăn cách những cái nhìn tò mò. Chỉ còn việc nằm xuống và ngủ trong lúc xe lửa xả hết tốc lực chạy xuyên qua California.
Ra khỏi Sacramento, xe lửa chạy vào dãy núi Nevada. Đến bảy giờ sáng thì nó chạy qua ga Cisco. Một giờ sau, phòng ngủ trở lại là một toa thường, và hành khách có thể qua cửa kính thấy thấp thoáng những phong cảnh đẹp như tranh của vùng đất đầy núi non này. Tuyến đường xe lửa uốn lượn theo địa thế thất thường của dãy núi, chỗ này bám vào sườn núi, chỗ kia treo trên vực thẳm, lẩn tránh những cái góc bất ngờ bằng cách men theo những đường cong táo bạo. Đầu máy xe lửa sáng rực như hòm đựng thánh tích với ngọn đèn hiệu to lớn phóng ra những tia sáng màu vàng hung, với cái chuông bạc và cái "gậy đuổi bò" vươn ra như một cây đinh thúc ngựa, hòa quyện tiếng rít của nó vào tiếng thác đổ và xoắn làn khói của nó vào vòm lá đen của những cây lãnh sam.
Sau bữa ăn, ông Fogg, bà Aouda và những người cùng đi trở lại chỗ của họ trong toa. Từ chỗ ngồi thoải mái, họ ngắm cảnh thay đổi đang lướt qua những đồng cỏ mênh mông, những ngọn núi in hình nơi chân trời, những dòng sông cuộn sóng, bọt trắng xóa. Thỉnh thoảng một đàn bò đông đảo tụ tập phía xa, chúng xuất hiện như một con đê di động cản đường xe lửa. Vào khoảng ba giờ, một đàn từ mười tới mười hai ngàn con bò kéo ra chận đường. Đầu máy sau khi giảm tốc độ đã thử thúc cây đinh thúc ngựa của nó vào cạnh sườn của đạo quân bao la, nhưng nó đã phải bất lực trước cái khối vững chắc không xuyên qua được đó. Người ta vẫn thấy những con vật nhai lại này hay những con trâu, như người Mỹ vẫn gọi không đúng - thường bước đi lặng lẽ, thỉnh thoảng cất lên những tiếng rống kinh hồn. Chúng có thân hình to lớn hơn bò mộng châu Âu, chân và đuôi ngắn, u vai nhô lên tạo thành một cái bướu thịt, cặp sừng vươn ra ở dưới, cổ và vai phủ một cái bờm lông dài. Người ta không nên nghĩ tới việc ngăn chặn sự di chuyển này. Bởi vì khi đàn bò tót đã chọn một hướng đi thì không gì có thể ngăn chặn hoặc thay đổi hành trình của chúng.
Hành khách tản ra trên những chiếc cầu nhỏ nhìn ngắm cảnh tượng lạ lùng đó. Nhưng người lẽ ra phải hối hả nhất, Phileas Fogg, thì vẫn ngồi yên tại chỗ và chờ đợi một cách hiền triết đàn trâu vui lòng nhường lối đi cho ông. Passepartout thì giận dữ với sự chậm trễ do sự tập trung đông đảo của đàn thú gây ra.
- Xứ sở gì lạ lùng! - Anh kêu lên. - Chỉ đàn bò cũng ngăn chặn được xe lửa. Kìa chúng đi như trong một đám rước, cũng chẳng cần vội vã gì, như thể chúng không gây cản trở giao thông!
Mẹ kiếp! Không biết ông Fogg có dự kiến điều bất trắc này trong chương trình của ông ấy hay không! Còn tên thợ máy kia cũng không dám lao đầu máy qua đàn thú quấy rầy này!
Cuộc diễu hành của đàn bò tót kéo dài suốt ba tiếng đồng hồ ròng rã và con đường chỉ thông trở lại vào lúc trời tối. Lúc bấy giờ những con cuối cùng của đàn thú băng qua đường sắt trong khi những con đầu tiên đã khuất dạng nơi đường chân trời phía nam.
Vậy là đồng hồ chỉ tám giờ khi xe lửa vượt qua những đường đèo của dãy Humboldt, và chín giờ rưỡi khi nó tiến vào lãnh thổ của bang Utah, xứ sở kỳ lạ của những người Mormons.
Trong đêm mồng 5 rạng ngày mồng 6 tháng chạp, xe lửa chạy theo hướng đông nam trên một khoảng độ năm mươi dặm, rồi quay ngược về phía đông bắc một khoảng cũng chừng ấy và tiến về Hồ Mặn lớn.
Vào khoảng chín giờ sáng, Passepartout đứng hóng gió trên những chiếc cầu nhỏ. Bầu trời xám và lạnh nhưng tuyết đã thôi rơi. Vầng dương to ra vì sương mù, xuất hiện như một đồng tiền vàng khổng lồ, và Passepartout đang lo tính giá trị của nó quy ra đồng bảng thì sự xuất hiện của một nhân vật khá lạ lùng khiến anh xao lãng..Bước lên xe lửa từ ga Elko, nhân vật này là một người đàn ông cao lớn, nước da nâu sẫm, ria mép đen, vớ đen, nón lụa đen, áo gilê đen, quần đen, ca vát trắng, găng tay bằng da chó.
Người ta bảo đó là một giáo sĩ. ông đi từ đầu này xe lửa tới đầu kia và ở cửa mỗi toa ông đều dán một tờ chỉ dẫn viết tay bằng một thứ bánh.
Passepartout tới gần và đọc trên một tờ chỉ dẫn, rằng vị trưởng lão đáng kính William Hitch, giáo sĩ Mormon, nhân dịp ngài có mặt trên chuyến xe lửa số 48, sẽ diễn thuyết về đạo Mor-mon từ 11 giờ đến trưa trong toa số 117, ngài mời đến nghe tất cả những con người lịch sự vẫn quan tâm tìm hiểu về những điều bí ẩn thuộc tôn giáo "Các Thánh của những ngày cuối cùng".
Tin được truyền đi nhanh chóng trên chuyến xe lửa chở khoảng một trăm hành khách. Tới mười một giờ, chỉ có khoảng ba mươi người là cùng thấy đề tài cuộc diễn thuyết có vẻ hấp dẫn đã ngồi trên những chiếc ghế dài của toa số 117.
Passepartout có mặt ở hàng đầu của những tín đồ. Cả chủ anh lẫn Fix đều thấy không cần phải bận tâm tới chuyện đó.
Vào giờ đã định, William Hitch vị trưởng lão đứng dậy và bằng một giọng khá cáu kỉnh như thể ông đã bị ai phản bác trước khi nói, ông lớn tiếng:
- Tôi, tôi xin nói với các ngài rằng JÂ Smyth là một người tử vì đạo, rằng Hyram em của ông ấy cũng là một người tử vì đạo và những cuộc truy hại của chính phủ Liên bang đối với những nhà tiên tri cũng sắp biến Brigham Young thành một người tử vì đạo! Ai dám nói điều ngược lại không nào?
Không ai liều lĩnh nói trái ý ông giáo sĩ đang giận dữ trước sự kiện giáo phái Mormon đang phải chịu những thử thách cam go. Quả thật chánh phủ Hiệp Chủng Quốc đang cố gắng, không phải là không khó khăn, thu hẹp số người cuồng tín độc lập đó.
Nhưng trong lúc ông giáo sĩ diễn thuyết thì xe lửa vùn vụt lao tới và vào khoảng mười hai giờ rưỡi trưa nó tới mũi tây bắc của Hồ Mặn lớn, còn gọi là Biển Chết và là nơi dòng sông Jourdain của châu Mỹ đổ vào. Hồ tuyệt đẹp viền quanh là những tảng đá hoang dại và nên thơ, với những lớp đá to phủ lớp muối trắng.
Hồ Mặn dài khoảng bảy mươi dặm, rộng ba mươi lăm dặm, ở độ cao ba ngàn một trăm piê so với mặt biển. Một phần tư trọng lượng chất.rắn hòa tan trong nước hồ. Vì vậy cá không sống được ở đây. Nhưng không phải tỉ trọng nước hồ cao đến nỗi một người không thể lặn xuống đó.
Quanh hồ đồng ruộng được trồng trọt kín mít, bởi tín đồ Mormon rành việc đồng áng:
những chuồng, trại gia súc, những cánh đồng trồng lúa mì, bắp, lúa miến, những đồng cỏ tốt tươi, khắp nơi đều có những hàng rào hoa hồng dại, những khóm keo và xương rồng, đó là bộ mặt của vùng này sáu tháng sau, chứ lúc này thì mặt đất vẫn lẩn khuất dưới một lớp tuyết mỏng như rắc bột.
Lúc hai giờ, hành khách xuống ga Ogden.
Phải đợi tới sáu giờ xe lửa mới lại lên đường.
Nhờ đó ông Fogg, bà Aouda và hai người cùng đi có thời giờ đi thăm thành phố Các Thánh.
Vậy là lúc ba giờ các du khách đã dạo bước trên các con đường của thành phố, được xây dựng giữa bờ sông Jourdain và những chỗ uốn lượn đầu tiên của dãy núi Wahsatch. Họ để ý thấy nơi đây có ít hoặc không có giáo đường, mà có nhiều đền đài, dinh thự, như ngôi nhà của đấng tiên tri, tòa án và xưởng đóng tàu. Tiếp đến, họ phát hiện ra những ngôi nhà gạch màu xanh nhạt có hiên và vườn tược chung quanh, được vây bọc bởi những cây keo, cọ và minh quyết. Một bức thành bằng đất sét và sỏi, xây dựng năm 1853, bao quanh thành phố.
Thành phố thưa thớt dân cư, những con đường hầu như vắng tanh, trừ khu vực Thánh đường.
Phụ nữ khá đông, điều này được giải thích bằng sự cấu tạo đặc biệt của những gia đình Mor-mon.
Tuy nhiên không nên nghĩ rằng mọi người Mormon đều theo chế độ đa thê. Người ta được tự do, nhưng nên lưu ý rằng chính những nữ công dân xứ Utah mới cần lấy chồng nhất, bởi theo tôn giáo ở đây, để đạt được hạnh phúc, hoàn toàn không chấp nhận những người nữ độc thân.
Passepartout, một chàng trai quyết sống độc thân, không khỏi kinh hoàng khi nhìn những người đàn bà Mormon đó chỉ có cùng bổn phận đem lại hạnh phúc cho độc một người đàn ông Mormon. Trong lương tâm anh, chính người chồng là người đáng phàn nàn nhất. Điều khủng khiếp đối với anh là phải dìu dắt cùng lúc bao nhiêu bà đó qua những nỗi thăng trầm của cuộc sống.
Rất may là việc anh lưu lại ở thành phố Các Thánh không phải kéo dài. Lúc bốn giờ hành.khách lại có mặt tại nhà ga và trở về chỗ trong toa.
Hồi còi vang lên, nhưng đúng vào lúc những cái bánh chuyển động của đầu máy bắt đầu truyền vào xe lửa một tốc độ nào đó, thì có những tiếng kêu vang dậy: "Dừng lại! Dừng lại!" Con người vừa thốt lên những tiếng kêu đó là một người Mormon tới muộn. ông ta chạy muốn hụt hơi. May cho ông là nhà ga không có cửa cũng không có rào. Vậy là ông lao trên đường sắt, nhảy lên cái bậc của toa cuối cùng và hổn hển ngã ập xuống một chiếc ghế dài trong toa.
Sau khi đã hồi hộp theo dõi những sự kiện bất ngờ của trò thể dục đó, Passepartout ngắm người hành khách tới muộn và anh được biết người công dân xứ Utah đó đã phải chạy trốn như thế sau một chuyện bất hòa trong gia đình.
Khi người Mormon đã lấy lại hơi, Passepar-tout đánh liều hỏi ông ta một cách lễ độ rằng ông có bao nhiêu bà vợ.
- Chỉ có một bà thôi, thưa ông! - Người Mor-mon đáp và giơ hai tay lên trời, - một bà thôi, thế cũng đủ lắm rồi!
Rời Hồ Mặn lớn và ga Ogden, xe lửa chạy lên hướng bắc trong một tiếng đồng hồ, tới sông Weber sau khi đã vượt qua khoảng chín trăm dặm tính từ San Francisco. Từ đó nó lại theo hướng đông chạy xuyên qua vùng đồi núi mấp mô của dãy núi Wahsatch. Chính tại vùng lãnh thổ này, nằm giữa dãy núi đó và dãy núi đá đúng nghĩa, các kỹ sư người Mỹ đã gặp phải những khó khăn nghiêm trọng nhất.
Tại Hồ Mặn lớn tuyến đường sắt đã đạt tới độ cao nhất cho tới lúc đó. Từ điểm này nó vạch thành một đường cong dài ngoằng chạy xuống thung lũng vịnh Bitter để rồi đi ngược lên tới điểm phân chia của những con sông giữa Đại Tây dương và Thái Bình Dương. Có lắm sông rạch tại vùng núi này.
Càng tới gần đích, Passepartout càng trở nên nôn nóng, và đến lượt mình, Fix cũng sợ sẽ chậm trễ. ông lo ngại gặp phải tai nạn và hối hả mong được đặt chân lên đất Anh và hơn cả Phileas Fogg!
Mười giờ tối, xe lửa dừng lại tại nhà ga Fort Bridger, rồi chuyển bánh ngay sau đó. Đi được hai mươi dặm, nó bắt đầu tiến vào bang Wyo-ming, xưa là Dakota, bằng cách chạy ngang qua thung lũng vịnh Bitter, nơi bắt đầu một phần của.những nguồn nước tạo thành hệ thống thủy văn của bang Colorado.
Ngày hôm sau, 7 tháng chạp, xe lửa dừng tại ga Green Green River trong mười lăm phút. Suốt đêm tuyết rơi nhiều, hòa trong mưa. Thời tiết xấu khiến Passepartout lo lắng, bởi các đống tuyết chắc chắn gây trở ngại cho chuyến đi.
"Nghĩ tới chuyện đi du lịch giữa mùa đông thì có lạ không chứ! Anh nhủ thầm. - Sao ông chủ của mình không đợi tới mùa xuân để có thể được nhiều may mắn hơn nhỉ?" Nhưng lúc chàng trai trung thực chỉ quan tâm tới tình trạng của bầu trời thì bà Aouda lại cảm thấy nhiều nỗi lo ngại khủng khiếp hơn đến từ một nguyên nhân khác hẳn.
Thật vậy, trên sân ga Green River vài hành khách đã bước ra khỏi toa và dạo bước trong khi chờ xe lửa lên đường. ấy vậy mà qua cửa kính người thiếu phụ trẻ nhận ra trong đám hành khách đó, đại tá Stamp W. Proctor, người Mỹ đã đối xử quá đỗi thô bạo với Phileas Fogg trong cuộc mít tinh tại San Francisco.
Tình huống đó gây xúc động mạnh cho bà.
Bà đã gắn bó với người đàn ông, mặc dầu với vẻ lạnh lùng bề ngoài, nhưng từng ngày vẫn bộc lộ những dấu hiệu của lòng tận tụy tuyệt đối nhất.
Cố nhiên bà không hiểu tất cả chiều sâu tình cảm mà vị cứu tinh của bà đã gợi ra cho bà.
Do vậy lòng bà se thắt khi bà nhận ra con người thô lỗ mà ông Fogg sớm muộn gì cũng đòi phải làm cho rõ thái độ đó. Đương nhiên đây chỉ là sự tình cờ khi đại tá Proctor có mặt trên chuyến xe lửa này và bằng mọi giá phải ngăn cản không để Phileas Fogg trông thấy đối thủ của mình.
Khi xe lửa lại tiếp tục lên đường, bà Aouda thừa lúc ông Fogg ngủ để báo cho Fix và Passepartout biết tình hình.
- Thằng cha Proctor đó đã có mặt trên xe lửa! - Fix kêu lên. - Nào, bà cứ yên tâm, thưa bà, trước khi có chuyện cần giải quyết với... ông Fogg, ông ta phải giải quyết với tôi! Dường như trong chuyện này, chính tôi lại là người phải nhận những điều lăng nhục trầm trọng nhất!
- ông Fix à, - bà Aouda tiếp lời, - ông Fogg sẽ không để ai trả thù giùm ông ấy đâu. ông ấy là người sẽ trở lại châu Mỹ để gặp kẻ lăng nhục ấy đấy. Vậy nếu ông ấy trông thấy đại tá Proctor, chúng ta sẽ không thể ngăn cản được một cuộc.đấu có thể đưa tới những kết quả thảm hại. Vậy chúng ta đừng để ông ấy thấy Proctor.
- Bà có lý, thưa bà, - Fix đáp, - một cuộc đấu có thể làm hỏng mọi việc. Thắng hay bại, ông Fogg đều sẽ bị chậm trễ.
- Và điều đó chỉ làm lợi cho những nhà quý tộc của câu lạc bộ Cải cách, - Passepartout nói thêm. - Trong bốn ngày nữa, chúng ta sẽ tới New York! Vậy nếu trong bốn ngày này ông chủ của tôi không rời bước khỏi toa, chúng ta có thể hi vọng rằng sự tình cờ đó sẽ không đưa ông ấy tới chỗ mặt đối mặt với lão người Mỹ đáng nguyền rủa đó. Chúng ta sẽ có cách ngăn cản...
Câu chuyện bị bỏ lửng. ông Fogg đã thức giấc và đang ngắm nhìn cảnh đồng quê qua cửa kính nhòe tuyết. Nhưng sau đó, không để ông chủ của mình lẫn bà Aouda nghe, Passepartout nói với viên Thanh tra cảnh sát:
- Có đúng là ông sẽ đánh nhau vì ông chủ của tôi không?
- Tôi sẽ làm tất cả để đưa ông ấy còn sống trở về châu Âu! - Fix đơn giản đáp nhưng thể hiện một ý chí sắt đá.
Và giờ đây, liệu có cách nào giữ ông Fogg trong toa này để ngăn ngừa mọi cuộc đối đầu giữa viên đại tá và ông ấy? Điều đó không khó bởi bản tính của ông Fogg là con người hào hoa phong nhã vốn ít hiếu động và tò mò. Dầu sao, viên Thanh tra cảnh sát cũng nghĩ đã tìm ra phương cách gì đó, bởi chập sau ông nói với Phileas Fogg:
- Những giờ ngồi xe lửa như vậy thật dài dằng dặc và chậm rì, thưa ông.
- Đúng thế, - con người hào hoa phong nhã đáp, - nhưng rồi chúng cũng qua đi.
- Trên tàu, - viên Thanh tra tiếp lời, - ông có thói quen chơi bài uýt chứ?
- Có, - Phileas Fogg đáp, - nhưng ở đây thì khó. Tôi không có bài cũng không có người cùng chơi.
- ồ! Bài thì chúng ta mua dễ thôi. Trong các toa Mỹ, người ta bán đủ mọi thứ, còn bạn chơi bài thì may ra, bà đây...
- Chắc chắn rồi, thưa ông, - người thiếu phụ nồng nhiệt trả lời, - tôi biết chơi bài uýt. Cái đó thuộc nền giáo dục Anh mà.
- Còn tôi, - Fix tiếp lời, - tôi có chút tự hào là chơi bài này cũng khá. Vậy chúng ta chơi tay ba..- Tùy ông, - Phileas Fogg đáp, vui mừng được trở lại với trò chơi yêu thích của mình ngay trên xe lửa.
Passepartout vội vã đi tìm người đầu bếp và anh trở lại ngay sau đó với hai bộ bài đầy đủ cùng những tấm phiếu, thẻ và một mặt bàn bằng đá bọc vải. Chẳng thiếu thứ gì. Ván bài bắt đầu.
Bà Aouda chơi hay tuyệt và thậm chí bà còn nhận được vài lời khen tặng của ông Phileas Fogg khó tính. Còn viên Thanh tra thì quả là một tay chơi bài hảo hạng.
"Giờ đây, Passepartout nhủ thầm, chúng ta đã giữ ông ấy lại được rồi, ông sẽ không dời bước đi đâu nữa!" Mười một giờ sáng, xe lửa tới điểm phân chia của những nguồn nước đổ ra hai đại dương.
Đó là Passe Bridger, một trong những điểm cao nhất trên đường xuyên qua dãy Núi Đá. Sau khoảng hai trăm dặm nữa, cuối cùng hành khách sẽ tới những vùng đồng bằng chạy dài tới Đại Tây Dương.
Trên triền núi của vùng liền với Đại Tây Dương, đã thấy những con sông nhỏ đầu tiên, chi lưu hoặc phụ chi lưu của sông Nort Platte.
Tất cả chân trời từ hướng bắc tới hướng đông, được bao bọc bởi một bức thành hình bán nguyệt tạo thành phần phía bắc của dãy Núi Đá. Giữa đường cong đó và đường sắt là vùng đồng bằng mênh mông trải dài, chằng chịt sông nước.
Tới mười hai giờ rưỡi trong khoảnh khắc hành khách thấy thấp thoáng đồn Halleck trấn giữ vùng này. Còn vài tiếng đồng hồ nữa chuyến đi qua dãy Núi Đá sẽ hoàn tất. Vậy là mọi người có thể hi vọng rằng không một tai nạn nào gây trở ngại cho chuyến đi của đoàn xe lửa vượt qua vùng đất khó khăn này. Tuyết đã ngừng rơi. Trời đã chuyển sang hanh.
Sau một bữa ăn trưa khá thịnh soạn được phục vụ ngay trong toa, ông Fogg và các bạn chơi bài vừa tiếp tục cuộc chơi bài uýt của họ thì bỗng những hồi còi thét vang. Đoàn xe lửa dừng lại.
Passepartout thò đầu ra cửa và không thấy điều gì có thể là nguyên nhân cho việc dừng lại này. ở đây không thấy có nhà ga nào.
Trong giây phút, bà Aouda và Fix chỉ sợ ông Fogg nghĩ tới chuyện bước ra khỏi xe lửa. Nhưng con người hào hoa phong nhã đó chỉ nói với người giúp việc của mình:
- Có chuyện gì vậy..Passepartout phóng ra khỏi toa. Khoảng bốn mươi hành khách đã rời chỗ của họ, và trong số đó có đại tá Stamp W. Proctor.
Xe lửa đã dừng lại trước một tín hiệu đèn đỏ ngăn đường. Người thợ máy và người cầm lái bước xuống và tranh cãi khá gay gắt với người gác đường.
Nhiều hành khách đi tới và cũng tham gia cuộc tranh cãi, trong số đó có đại tá Proctor đã nói ở trên, với giọng nói to và những cử chỉ hách dịch của ông ta.
Passepartout đã nhập vào nhóm người đó.
Anh nghe người gác đường nói:
- Không, không có cách nào qua được đâu!
Cầu Medicine Bow đã lung lay và sẽ không chịu nổi sức nặng của đoàn xe lửa.
Cây cầu được nói tới này là một cầu treo bắc qua một cái ghềnh, cách nơi đoàn xe lửa dừng một dặm. Theo lời người gác đường, nó sắp đổ, dây dợ của nó đã đứt nhiều và người ta không thể nào liều mạng đi qua đó được.
Passepartout không dám đi báo ông chủ của anh, anh lắng nghe, răng nghiến chặt, người cứng đờ như một pho tượng.
- Chà! - Đại tá Proctor kêu lên, - tôi nghĩ, không lẽ chúng ta sẽ ở mãi nơi này để mọc rễ trong tuyết sao!
- Thưa đại tá, - người cầm lái đáp, - người ta đã đánh điện về ga Omaha để xin một đoàn xe lửa, nhưng ít có khả năng nó tới Medicine Bow trước sáu giờ.
- Sáu giờ! - Passepartout kêu lên.
- Đúng thế, - người cầm lái đáp. - Vả lại cũng cần một thời gian đó để chúng ta đi bộ tới nhà ga.
- Đi bộ! - Hành khách đồng thanh kêu lên.
- Nhưng nhà ga đó cách bao xa? - Một hành khách hỏi người cầm lái.
- Mười hai dặm, bên kia sông.
- Mười hai dặm trong tuyết! - Stamp W.
Proctor kêu lên.
Viên đại tá chửi rủa như tát nước một chập và Passepartout, giận điên người, cũng hùa theo ông. ở đây có một trở ngại vật chất mà lần này tất cả những tờ giấy bạc của ông chủ anh cũng thất bại.
Tuy vậy, Passepartout vẫn thấy cần phải báo ông biết, và anh cúi đầu đi về phía toa, bỗng đâu người thợ máy, anh chàng tên là Foster, nói:.- Thưa các ông, có thể có cách qua cầu.
- Với đoàn xe lửa của chúng ta à? - Viên đại tá hỏi.
- Vâng, với đoàn xe lửa của chúng ta.
- Nhưng cầu sắp đổ kia mà! - Người lái tàu nhắc lại.
- Chẳng hề gì, - Foster đáp. - Tôi nghĩ bằng cách phóng đoàn xe lửa với tốc độ tối đa, chúng ta sẽ có cơ may qua được.
- Quái quỷ! - Passepartout nói.
Nhưng một số hành khách bị quyến rũ ngay bởi đề nghị đó. Viên đại tá đặc biệt thích nó.
Cái đầu nóng bỏng này thấy chuyện đó hoàn toàn có thể thực hiện được. Và rốt cuộc tất cả những người có liên quan đều đồng tình với ý kiến của người thợ máy.
Passepartout sững sờ, mặc dầu anh sẵn sàng thử mọi cách để vượt qua Medicine Creek, nhưng anh thấy cách đó phần nào có vẻ mạo hiểm quá.
Vả chăng, anh nghĩ, có một điều đơn giản hơn nhiều để làm mà những con người này thậm chí không nghĩ tới!...
- Thưa ông, - anh nói với một người trong đám hành khách, - tôi thấy cái cách qua cầu do anh thợ máy đề nghị có phần liều lĩnh, nhưng...
- Tám mươi phần trăm cơ may! - Người hành khách nói, ông ta đang quay lưng về phía anh.
- Tôi biết lắm, - Passepartout đáp và nói với một con người hào hao phong nhã khác, - nhưng một ý nghĩ nhỏ...
- Không cần ý nghĩ gì nữa, vô ích thôi! -Người Mỹ được anh hỏi tới lên tiếng đáp và nhún vai, - anh thợ máy đã đoán chắc là sẽ qua được cơ mà!
- Cố nhiên, - Passepartout tiếp lời, - chúng ta sẽ qua, nhưng có lẽ cần thận trọng hơn...
- Sao? Thận trọng à! - Đại tá Proctor kêu lên, ông ta giãy nẩy lên khi nghe cái từ đó. - Hết tốc lực, nói rồi! Anh có hiểu không? Hết tốc lực!
- Tôi biết... tôi hiểu... - Passepartout lập lại, tới giờ không ai chịu để anh nói hết câu, nhưng nếu không thận trọng hơn, bởi từ này làm cho ông khó chịu, ít ra có một điều tự nhiên hơn...
- Ai đó? Cái gì lôi thôi đó? Anh chàng này muốn gì với cái điều tự nhiên của anh ta đó?...
Đám đông kêu lên từ mọi phía.
Chàng trai đáng thương không còn biết nói cho ai nghe nữa.
- Bộ anh sợ hả? - Đại tá Proctor hỏi anh..- Tôi mà sợ à? - Passepartout kêu lên. - Nào, được rồi! Tôi sẽ cho những con người này thấy một người Pháp cũng có thể liều lĩnh như họ!
- Lên xe lửa! Lên xe lửa, - Passepartout lập lại. Ngay tức khắc! Nhưng người ta không thể ngăn cản tôi nghĩ rằng điều cần thiết hơn là cho hành khách chúng tôi trước hết đi bộ qua cái cầu đó, rồi sau mới tới đoàn xe lửa!...
Nhưng không ai nghe ý kiến khôn ngoan đó và không ai muốn thừa nhận nó đúng.
Passepartout trở về chỗ, không nói gì về những việc đã xảy ra. Những người chơi bài vẫn tập trung hoàn toàn vào ván bài uýt của họ.
Đầu máy xe lửa huýt còi vang dậy. Anh thợ máy dốc hơi cho đoàn xe lửa lùi về phía sau gần một dặm.
Rồi một hồi còi thứ hai, đoàn xe lửa bắt đầu tiến lên, nó gia tăng tốc độ, không lâu sau đó, tốc độ của nó trở nên khủng khiếp, người ta chỉ còn nghe thấy một tiếng rít vang dậy thoát ra từ đầu máy xe lửa, các pittông đập hai mươi phát một giây, các trục bánh xe bốc khói trong những hộp mỡ. Có thể nói người ta cảm thấy dường như toàn bộ chuyến xe đang chạy với tốc độ một trăm dặm một giờ không còn đè nặng lên đường ray nữa. Tốc độ đã ăn hết trọng lượng.
Và xe lửa băng qua! Như một tia chớp.
Người ta chẳng thấy cây cầu chút nào cả. Đoàn xe lửa nhảy từ bờ này sang bờ kia, có thể nói như vậy, người thợ máy chỉ dừng được cái guồng máy khùng điên của anh khi đã vượt khỏi ga Medicine Bow năm dặm.
Nhưng đoàn xe lửa vừa mới vượt qua sông thì cây cầu rệu rã đã đổ ầm xuống..